NHẬT BẢN VÀ CÔNG CUỘC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP


Bản Hiến pháp năm 1947 còn được biết đến với tên là “Hiến pháp MacArthur” vì nó do Tướng Douglas MacArthur – Tư lệnh quân Mỹ tại Nhật Bản lúc đó soạn thảo. Mục đích của Hiến pháp hòa bình là nhằm loại bỏ nguy cơ tái xuất hiện của một Phe Trục mới trong tương lai.

Tuy nhiên, ý đồ của Mỹ lúc đó tuy sâu mà không xa, bởi chỉ mấy chục năm sau, khi Nhật trở thành đồng minh thân cận của Mỹ thì chính điều luật này lại là thứ “trói chân, trói tay” Tokyo trong việc trợ giúp người đồng minh Washington về mặt quân sự.

Đặc biệt, Điều 9 của Hiến pháp nêu rõ: “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”.

Như vậy, có thể thấy rõ ràng là “Hiến pháp hòa bình” đã hạn chế đáng kể chính sách phát triển quốc phòng của Nhật Bản trong bối cảnh nó ngày càng cần được mở rộng. Chừng nào còn “Hiến pháp hòa bình” thì chừng đó Nhật Bản chỉ có thể tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình ở mức hạn chế.

Sau gần 70 năm thực hiện “Hiến pháp hòa bình”, trước những thay đổi to lớn của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Chính phủ Nhật Bản đã tỏ rõ mong muốn sửa đổi bản Hiến pháp nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế. Người đi đầu trong xu thế cải cách Hiến pháp này chính là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Từ lâu, ông Abe đã bày tỏ quan điểm rằng Nhật Bản cần có một bản Hiến pháp do “chính tay người Nhật” xây dựng để trở thành “một nước có chủ quyền thực sự”.

Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp ở Nhật Bản không hề đơn giản khi phải vượt qua nhiều rào cản lớn.

Thứ nhất, bất cứ thay đổi Hiến pháp nào cũng cần 2/3 số phiếu tại hai viện Quốc hội thông qua. Thứ hai, những thay đổi này chỉ trở thành luật nếu được đa số phiếu thông qua tại một cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc.

Năm 2012, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã công bố bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong đó đề xuất một loạt những thay đổi để đáp ứng “yêu cầu của thời đại” và “phản ánh rõ hơn lịch sử và văn hóa Nhật Bản vốn tôn trọng sự hài hòa”. Bản dự thảo này cũng nhấn mạnh và đề cao ba nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp thời hậu chiến là chủ quyền, chủ nghĩa hòa bình và tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên, các đảng đối lập và một số học giả cảnh báo rằng những thay đổi này có thể không chỉ hủy hoại chủ nghĩa hòa bình nêu trong Hiến pháp mà còn biến Nhật Bản thành một đất nước quá chú trọng vào quyền lực nhà nước và trật tự xã hội thay vì các quyền lợi cá nhân.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)


Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC