ABC VỀ BẦU CỬ QUỐC HỘI Ở VIỆT NAM


Kỳ bầu cử Quốc hội năm 2016 hứa hẹn một điểm rất mới, khi lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, có sự xuất hiện của mạng xã hội facebook với vai trò đáng kể định hình công luận, và trên facebook đã có những lời kêu gọi cho một chiến dịch người dân “đồng loạt tự ứng cử”. Giữa lúc đó thì báo chí trích lời đương kim Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã xác định được số lượng ứng cử đại biểu khóa XIV là 896 người. Một loạt thắc mắc có thể nảy sinh: Thế là thế nào? 896 người kia ở đâu ra, tôi đã ứng cử đâu?

Nhằm giúp các ứng viên tự do bớt lúng túng và quá tải, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số kiến thức căn bản liên quan đến quy trình ứng cử và bầu cử Quốc hội ở Việt Nam.

* * *

VẤN ĐỀ “CƠ CẤU” CỦA QUỐC HỘI

Ông Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như vậy vào ngày 16/01/2016, tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm cho ý kiến về nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Bầu cử, trong đó có việc tổ chức hội nghị cử tri. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ra nghị quyết về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV. Theo đó, ngày bầu cử Quốc hội là chủ nhật, 22/5/2016. Khóa XIV sẽ có 500 đại biểu, được bầu từ con số dự kiến 896 người ứng cử. (Luật Tổ chức Quốc hội cũng ấn định tổng số đại biểu không quá 500).

Trong 500 đại biểu Quốc hội của khóa XIV, số người không phải là đảng viên đảng Cộng sản, theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ khoảng 25-50.

Mặc dù Quốc hội và báo chí dùng từ “dự kiến”, nhưng thực chất, cần hiểu đúng bản chất của nó là “xác định cơ cấu”, và đây là bước đầu tiên trong quy trình bầu cử Quốc hội ở Việt Nam.

Trong bước đầu tiên này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định và công bố ngày bầu cử, thành lập Hội đồng Bầu cử Trung ương, đồng thời, đưa ra “dự kiến” về cơ cấu, số lượng đại biểu được bầu, ví dụ như kỳ này, Quốc hội phải có ít nhất 35% đại biểu là nữ. Số lượng đại biểu của Bộ Quốc phòng là 15 người, Bộ Công an 3 người. Số đại biểu đến từ khối doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn sản xuất kinh doanh: 7 người…

Việc ấn định cơ cấu được giải thích là nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích, cân bằng sự đại diện của tất cả các tầng lớp trong xã hội (phụ nữ, thanh niên, nông dân, trí thức, người dân tộc thiểu số v.v.). Mặt trái của nó, ai cũng có thể nhận thấy, là nó hợp lý hóa sự sắp xếp nhân sự từ trước và can thiệp vào trong quá trình ứng cử để bảo đảm cơ cấu. Một vị cựu đại biểu Quốc hội kể, thời ông, chưa đến ngày bầu cử ông đã biết trước mình chắc chắn vào Quốc hội, bởi cơ cấu khi ấy đang cần thêm một trí thức khoa học xã hội ở Hà Nội, mà xung quanh ông thì toàn trí thức thuộc khối khoa học tự nhiên.

Vậy là cơ cấu của Quốc hội đã được ấn định trước, tiếp theo sẽ là quá trình thực hiện, với một loạt bước, gồm: hiệp thương, hội nghị tiếp xúc cử tri. Trong đó, hiệp thương là giai đoạn quan trọng nhất để thực hiện cơ cấu đã vạch sẵn.

BA LẦN HIỆP THƯƠNG

“Hiệp thương” có lẽ là một khái niệm nghe khá khó hiểu với nhiều người Việt Nam. Nhưng thật ra thì nó đơn giản. Hiệp thương, tiếng Anh là “negotiation”, có nghĩa là đàm phán, thương lượng với nhau.

Quy trình bầu cử Quốc hội ở Việt Nam có ba (03) vòng hiệp thương:

– Lần thứ nhất để xác định cơ cấu.
– Lần thứ hai, để thống nhất danh sách ứng cử viên sơ bộ.
– Lần thứ ba, chốt danh sách cuối cùng của các ứng cử viên, để đưa đến việc “toàn dân đi bầu”.

HIỆP THƯƠNG LẦN 1: Diễn ra sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra “dự kiến”, tức là đã ấn định cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu, và đem trình nó cho Mặt trận Tổ quốc.

Dựa trên dự kiến đó, Mặt trận Tổ quốc cấp trung ương, và cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp tương ứng, để thoả thuận (tức là “hiệp thương”) về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu mà các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương hay địa phương giới thiệu, tiến cử.

Còn các ứng viên tự do, không được cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tiến cử, thì đương nhiên không có tên trong danh sách cơ cấu. Tuy nhiên, họ vẫn có thể nộp hồ sơ cá nhân cho ủy ban bầu cử; vòng hồ sơ này không quá khó khăn. Thử thách lớn nhất với ứng viên tự do là ở lần hiệp thương sau đó.

HIỆP THƯƠNG LẦN 2: “CỬA TỬ” ĐỐI VỚI ỨNG VIÊN TỰ DO

Hiệp thương lần thứ hai thương lượng, thống nhất danh sách ứng cử viên sơ bộ, gồm cả các ứng viên tự do, và danh sách này sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú và nơi công tác.

Các hội nghị cử tri lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú chính là nơi diễn ra cuộc thử thách nặng nề nhất với bản lĩnh và sức chịu đựng của ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Theo truyền thống lâu nay, đó là nơi cử tri nơi cư trú tiến hành cuộc “đấu tố” ứng cử viên, đặc biệt là ứng viên tự do, không được cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tiến cử. Nhiều người được sự ủng hộ lớn của cử tri nơi công tác, nhưng ra hội nghị ở nơi cư trú, vẫn bị “đấu” tơi bời và nhận tỷ lệ tín nhiệm rất thấp.

Thực tế các kỳ bầu cử nhiều năm qua cho thấy ứng cử viên thường bị cử tri đánh giá, phê phán vì những lý do rất… không liên quan đến năng lực, chẳng hạn như “ra đường gặp hàng xóm không chào, chứng tỏ kiêu ngạo”, “lười đi họp tổ dân phố”, “xấu trai, ngoại hình không đủ để làm đại biểu Quốc hội”, v.v.

Càng là ứng viên tự do, không được cơ quan, tổ chức nào giới thiệu ứng cử, nguy cơ bị đấu tố càng lớn. Điều đó có thể vì nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, do có sự chỉ đạo, tác động, can thiệp để cử tri loại bỏ ứng cử viên; do có sự sắp xếp, điều thêm cử tri của các địa bàn lân cận đến dự “đấu tố”; và cũng do chất lượng của chính cử tri còn thấp, khiến họ thiếu ý thức tham gia nghiêm túc vào hoạt động chính trị.

Hội nghị cử tri có sự tham dự của ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại diện của tổ chức/ cơ quan có người ứng cử, lãnh đạo địa phương (tức nơi cư trú của ứng viên), tổ dân phố, Mặt trận Tổ quốc địa phương, và các cử tri… Trên thực tế, nhiều khi ứng viên tự do phải đứng trước một cử tọa gồm phần lớn là những người họ chẳng biết là ai, đấu tố họ một cách thô bạo. Đây là câu chuyện đã từng xảy ra với nhiều người ứng cử tự do, như ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Ba Sàm, năm 2002), nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (năm 2011), luật sư Lê Quốc Quân (năm 2011)…

HIỆP THƯƠNG LẦN 3: “ĐẤU TỐ VẮNG MẶT” ỨNG VIÊN TỰ DO

Với kết quả đánh giá ý kiến và tín nhiệm của cử tri tại hiệp thương lần hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ điều chỉnh lần hai về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu được giới thiệu ứng cử từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp theo, sẽ đến hiệp thương lần thứ ba. Khác với các hội nghị cử tri ở nơi cư trú diễn ra trong vòng hiệp thương trước, ở hiệp thương lần ba, các hội nghị diễn ra không có mặt của ứng cử viên.

Chỉ có đại diện Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ (đối với việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở cấp trung ương); Mặt trận Tổ quốc và ủy ban bầu cử tỉnh, thường trực hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh (đối với việc bầu cử đại biểu ở cấp địa phương), là được tham dự và “hiệp thương” với nhau để lựa chọn và chốt danh sách chính thức những người ứng cử.

Năm 2011, luật sư Võ An Đôn đã qua được vòng hiệp thương thứ hai. Trên facebook cá nhân, ông cho biết, khi lấy tín nhiệm tại nơi cư trú và nơi công tác, ông đều được 100% cử tri (tức người dân địa phương và đồng nghiệp) ủng hộ, tín nhiệm. Nhưng đến vòng hiệp thương lần ba, khi bị “đấu tố vắng mặt” tại hội nghị của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thì ông bị loại, không được vào danh sách cuối cùng, gồm những người được ứng cử đại biểu Quốc hội.

Ông Đôn phản ánh: “Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú và tại Đoàn luật sư thì tôi được mời tham dự, nhưng khi tổ chức hiệp thương tại Mặt trận Tổ quốc thì tôi không được mời tham dự, nghe những người tham dự kể lại là họ đấu tố và nói xấu tôi dữ lắm”.

Đây cũng là một cửa ải lớn đối với ứng cử viên tự do. Nếu họ vượt qua được (xưa nay rất hiếm), thì họ mới có thể cùng các ứng viên được giới thiệu ứng cử tiến vào giai đoạn tiếp theo: vận động tranh cử và trình bày chương trình hành động.

VẬN ĐỘNG TRANH CỬ

Ở khâu này, Mặt trận Tổ quốc địa phương (tức là Mặt trận Tổ quốc ở các điểm bầu cử) sẽ tổ chức những hội nghị tiếp xúc cử tri tại địa phương để người ứng cử tiến hành vận động bầu cử, dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Tại đây, họ sẽ trình bày trước cử tri chương trình hành động của mình. Ngoài ra, những người có tên trong danh sách ứng cử cuối cùng còn có cơ hội làm việc với báo chí để giới thiệu bản thân và chương trình hành động, vận động tranh cử…

Một cựu đại biểu cho biết, đến giai đoạn này, trên nguyên tắc cử tri vẫn có thể quan sát, xem xét ứng cử viên đại biểu Quốc hội, để bỏ phiếu bầu hoặc không bầu cho ông/bà ta. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng chẳng mấy khi cử tri quan tâm đến chương trình hành động của ứng cử viên, còn báo chí thì càng không có chuyện tìm hiểu, moi móc hồ sơ nhân thân hay phản biện ứng cử viên, mà chỉ đưa tin, viết bài phản ánh theo hướng ca ngợi.

Như vậy, vào được danh sách chính thức, được tổ chức cho đi “vận động tranh cử” chính thức, đã có thể coi như thắng lợi cực kỳ lớn của ứng cử viên đại biểu Quốc hội rồi.

LỜI KẾT

Bước cuối cùng là giai đoạn cử tri bỏ phiếu chính thức. Việc kiểm phiếu sau đó – không đảm bảo độc lập – cũng là một khâu mà chính quyền có thể tác động để đảm bảo cơ cấu, thành phần Quốc hội như đã chủ trương từ đầu.

Ứng cử đại biểu Quốc hội là sự thực thi một quyền chính trị căn bản của người dân: quyền được tham gia một cách có ý nghĩa vào chính trị. Trong hoàn cảnh Việt Nam, với hệ thống chính trị một đảng, quyền này chịu rất nhiều hạn chế, cản trở – bằng các cơ chế như đã chỉ ra ở trên.

Phạm Đoan Trang


1 thought on “ABC VỀ BẦU CỬ QUỐC HỘI Ở VIỆT NAM”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC