Bạn có còn nhớ định nghĩa dân chủ của Philippe C. Schmitter và Terry Lynn Karl, mà chúng ta đã đề cập ở Phần III, Chương I? “Dân chủ là một hệ thống quản trị (đất nước), trong đó, nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm – về tất cả các hoạt động của họ thuộc địa hạt công cộng – trước công dân, và công dân thực thi điều đó một cách gián tiếp thông qua, hay là nhờ có sự cạnh tranh và hợp tác giữa những người đại diện cho họ, do họ bầu ra”.
Bạn có để ý đến từ “cạnh tranh”? Cạnh tranh, như ta đã biết, là một nhược điểm cần thiết của dân chủ, mặc dù có lẽ chúng ta đều ngán ngại nó.
Trong chính trị, một trong các hình thức và biểu hiện rõ rệt nhất, sống động nhất của cạnh tranh là bầu cử.
* * *
ĐỊNH NGHĨA BẦU CỬ
Bầu cử trong chính trị là một tiến trình ra quyết định tập thể, nhờ đó và thông qua đó, người dân chọn ra được một cá nhân để nắm giữ một cương vị quản lý nhà nước (ở cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, chính quyền trung ương, chính quyền địa phương).
Suy rộng ra trong đời sống nói chung, bầu cử cũng có thể được tiến hành trong khuôn khổ một tổ chức, công ty, ví dụ khi các thành viên bầu giám đốc, CEO.
Bầu cử là một trong những cách để công dân tác động lên tiến trình chính sách và tham gia vào việc ra quyết định. Mỗi kỳ bầu cử là một lần công dân thực hiện quyền làm chủ.(Xin lưu ý bạn: Chúng ta đang nói về bầu cử thực chất, bầu cử đúng nghĩa của nó). Giữa các kỳ bầu cử, công dân có thể tác động tới chính sách bằng một loạt các cơ chế trung gian:, như: thông qua các nhóm lợi ích để gây áp lực, thông qua phong trào xã hội, vận động hành lang, biểu tình, đình công, tẩy chay – những hoạt động chính trị mà chúng ta đã tìm hiểu ở Chương II của Phần I.
Nếu không có bầu cử cạnh tranh tự do, công bằng và định kỳ thường xuyên, thì các chính quyền sẽ không thể thật sự có trách nhiệm giải trình trước người dân. Nhưng bầu cử cũng chưa đủ. Dân chủ, mà đặc biệt là dân chủ tự do, đòi hỏi phải có vô vàn con đường để cho “người dân” có thể bộc lộ mối quan tâm và nguyện vọng của họ, tác động tới chính sách, liên tục kiểm soát và giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, giữa các kỳ bầu cử cũng như trong các cuộc bầu cử. (“Xã hội dân sự và sự phát triển của dân chủ”, Larry Diamond, 1997)* |
BẦU CỬ – CHỈ DẤU CỦA DÂN CHỦ
Bầu cử là một cách tuyệt vời để kiểm soát quyền lực nhà nước, kiểm soát việc một cá nhân, tổ chức, đảng phái nào đó nắm quyền lực nhà nước.
Chừng nào còn bầu cử tự do, chừng đó, quyền quyết định tối cao còn nằm trong tay người dân chứ không phải nhà cầm quyền, và đất nước còn dân chủ. Chừng nào mà bất kỳ quan chức nhà nước nào cũng có thể bị bãi nhiệm thông qua bầu cử tự do, chừng đó, không tồn tại độc tài và đất nước còn dân chủ.
Ngược lại, chừng nào, và ở nơi đâu, mà người dân vẫn chưa thể dùng lá phiếu của mình để bãi nhiệm một quan chức mà họ không muốn, chừng đó và nơi đó còn chưa có dân chủ, cho dù nhà cầm quyền ở đó có lý luận gì đi chăng nữa.
Nhiều đối thủ chính trị của Abraham Lincoln gọi ông là nhà độc tài, bởi vì ông đã từng bất chấp Hiến pháp mà làm những việc như: tống một số đối thủ vào tù, tiêu tốn hàng triệu đô-la vào quân đội và ra lệnh cho quân đội hành động quân sự mà không hề hỏi ý kiến Quốc hội.
Những người ủng hộ Abraham Lincoln đáp lại rằng mặc dù đúng là ông đã triệt để tận dụng quyền lực của tổng thống trong trường hợp khẩn cấp, nhưng ông vẫn không phải nhà độc tài. Bởi lẽ, trong các kỳ bầu cử năm 1862 và 1864, cử tri hoàn toàn có thể loại bỏ những người ủng hộ Lincoln ra khỏi Quốc hội và loại bỏ luôn Lincoln khỏi ghế tổng thống. Bất kỳ quan chức nhà nước nào mà còn có thể bị mất chức vì một cuộc bầu cử tự do thì đều không phải là độc tài.
Ở Việt Nam dưới thời cộng sản, có tới hàng trăm, hàng nghìn kẻ năng lực và đạo đức đều tầm thường nhưng vẫn giữ những chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Khi cầm quyền, họ bất tài, vô trách nhiệm, nói và làm nhiều điều không được lòng dân. Tuy thế, họ vẫn tiếp tục giữ chức như không có chuyện gì xảy ra. Dân chẳng bao giờ được nhận xét công khai trên báo chí về họ, chẳng bao giờ được bỏ phiếu bất tín nhiệm hay cách chức họ, thậm chí không được phép biểu tình phản đối họ. Tóm lại, dân chẳng làm gì được lãnh đạo. Năm 2013, trước tình trạng hơn 20 trẻ nhỏ chết vì tiêm chủng và không quan chức nào phải chịu trách nhiệm, dân chúng hết sức phẫn nộ. Một nhóm nhỏ người dân lập page “Bộ trưởng Y tế hãy từ chức” và kêu gọi biểu tình trước cổng Bộ Y tế. Cuộc biểu tình bị công an dập tắt ngay từ đầu, và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn tại vị. Năm 2016, thảm họa cá chết hàng loạt xảy ra ở ít nhất bốn tỉnh ven biển miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Nguyên nhân là do nước biển bị nhiễm độc mà thủ phạm chính là Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), thuộc tập đoàn Đài Loan Formosa. Nhìn trở lại, năm 2008, FHS được cấp phép làm chủ đầu tư dự án nhà máy liên hợp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) với thời hạn lên tới 70 năm. Cơ quan cấp phép là ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng (sau đổi tên là ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh). Trưởng ban là ông Võ Kim Cự, khi ấy cũng đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Sau khi cấp phép “đưa giặc vào nhà” như vậy, ông còn tiếp tục đi lên trên con đường hoạn lộ, trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, rồi Bí thư Tỉnh ủy (tháng 2-11/2015). Ngày 25/7/2016, nhóm bảo vệ môi trường Green Trees (Cây Xanh) làm kiến nghị gửi Quốc hội, yêu cầu bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự. Bản kiến nghị không được bất cứ một quan chức nào trả lời. Mãi cho đến ngày 21/4/2017, Ban Bí thư Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam mới ra thông cáo cách chức “nguyên Bí thư Tỉnh ủy” của ông Cự. Đây là một quyết định với ngôn ngữ rất khó hiểu, bởi nếu cách chức “nguyên Bí thư” của ông Võ Kim Cự thì trên nguyên tắc, phải bầu hoặc chỉ định một “nguyên Bí thư” khác, mà như thế thì đảng Cộng sản phải quay trở lại quá khứ, về năm 2015! Điều đáng nói là trong vụ ông Võ Kim Cự, người dân vẫn chưa bao giờ được có tiếng nói. Mọi quyết định về đường lối, nhân sự luôn là của đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Võ Kim Cự hay bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ là hai trong số hàng trăm, hàng nghìn ví dụ về việc lá phiếu của người dân Việt Nam chẳng có ý nghĩa gì trong việc bầu và bãi miễn quan chức. |
CHỨC NĂNG CỦA BẦU CỬ
1. Tuyển chọn nhân sự
Trong chế độ dân chủ, bầu cử là nguồn chủ yếu để tuyển chọn các chính trị gia. Xin nhấn mạnh là tuyển chọn “chính trị gia”. Bầu cử hiếm khi được dùng để tuyển người vào các vị trí đòi hỏi kiến thức chuyên môn hoặc kinh nghiệm đặc biệt, cho nên trong lĩnh vực hành chính và tư pháp, có thể không có bầu cử mà chỉ có chỉ định.
2. Lập chính phủ
Bầu cử thành lập nên chính phủ hay còn gọi là nội các (ở những nước mà hành pháp được bầu trực tiếp như Mỹ, Pháp, Venezuela…). Bầu cử cũng ảnh hưởng lớn đến việc hình thành chính phủ, nhất là ở những nước mà cơ chế bầu cử cho phép một đảng có thể nắm đa số ghế trong quốc hội.
3. Đại diện
Lá phiếu bầu cử nói lên ý chí, ý muốn của người dân. Bầu cử là kênh chính để truyền tải nhu cầu, mong muốn của người dân đến chính quyền.
4. Vận động chính sách
Bầu cử có thể tác động đến chính sách: Bầu cử sẽ ngăn cản, không để chính quyền đưa ra hoặc duy trì những chính sách kém cỏi, hoặc thúc đẩy việc thực hiện một chính sách nào đó mà đa số cử tri tin là cần thiết.(Tất nhiên, phải là khi nào chính sách đó trở thành một vấn đề đủ lớn để phải có bầu cử).
5. Khai dân trí
Cũng giống như sự tồn tại của đảng phái, bầu cử có chức năng nâng cao nhận thức chính trị của người dân.
Tiến trình vận động tranh cử thường mang lại lượng thông tin cực lớn cho cử tri, giúp họ hiểu biết về các đảng phái, chính trị gia, ứng cử viên, chính sách, chính quyền hiện thời, hệ thống chính trị hiện nay.
Tuy nhiên, ở đây phải nói thêm rằng: Tác dụng khai dân trí chỉ có được khi thông tin được cung cấp đó đem lại lợi ích cho công chúng và/hoặc kích thích đối thoại, thảo luận, phản biện chứ không phải là dẫn đến sự chia rẽ, thù hận trong xã hội. Trên thực tế, do các đảng phái mải theo đuổi lợi ích của mình, họ chỉ thuyết phục, vận động, dụ dỗ dân chúng là chính thay vì khai dân trí, cho nên họ có xu hướng cung cấp thông tin không đầy đủ và/hoặc sai sự thật.
6. Tạo tính chính danh
Bạn có biết tại sao các chính quyền độc tài vẫn phải cố tổ chức bầu cử (không tự do và không công bằng), dù rất tốn kém? Bởi vì bầu cử bao biện cho sự cai trị của chính quyền, tạo cơ hội cho chính quyền tuyên truyền rằng “ta cũng dân chủ đấy chứ”, và tạo cho người dân ảo tưởng rằng người dân đang thực thi quyền “làm chủ” của họ đối với chính quyền.
Đến đây, một lần nữa, xin lưu ý bạn: Khi nói bầu cử là chỉ dấu của nền dân chủ, khi nói về các chức năng của bầu cử, chúng ta đang nói về bầu cử thực chất, bầu cử đúng nghĩa của nó. Trên thực tế, chính vì bầu cử là chỉ dấu của nền dân chủ, cho nên nó rất dễ và gần như luôn luôn bị các chính quyền độc tài hoặc phi dân chủ lợi dụng để “làm màu”, trang điểm cho mình, để nhận rằng ta đây cũng dân chủ.
Vì lý do đó, để bầu cử không bị lợi dụng và thực sự là một trong các điều kiện bảo đảm dân chủ, thì bầu cử phải tự do và công bằng. Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu xem thế nào là bầu cử tự do và công bằng.
* * *
BẦU CỬ TỰ DO LÀ GÌ?
Tự do, như đã nói ở, nghĩa là không bị bắt buộc, không bị cưỡng ép. (Bạn xem lại cách hiểu của Friedrich von Hayek vàLudwig von Mises về tự do, trong Chương II, Phần IV, “Các chủ nghĩa”).
Bầu cử tự do nghĩa là người đi bầu có quyền và có cơ hội được chọn lựa.Bầu cử không tự do nghĩa là cử tri bị cưỡng ép, không có sự lựa chọn. Nó sẽ thể hiện dưới một trong hai hình thức:
- Cử tri chỉ có một phương án duy nhất; hoặc
- Có nhiều hơn một phương án, nhưng cử tri chỉ được chọn một; nếu lựa chọn những phương án còn lại thì bị hoặc sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
BẦU CỬ CÔNG BẰNG LÀ GÌ?
Công bằng nghĩa là không thiên vị, không đứng về bên nào, không ủng hộ hoặc chống lại bên nào.
Bầu cử công bằng nghĩa là: Các quy tắc, luật lệ được áp dụng bình đẳng cho tất cả các bên, và nguồn lực cần thiết được phân bổ hợp lý – bình đẳng, hoặc không quá bất bình đẳng – giữa tất cả các đối thủ trong bầu cử.
NGUYÊN TẮC CHUNG CỦA BẦU CỬ TỰ DO VÀ CÔNG BẰNG
Các hệ thống bầu cử trên thế giới đều khác nhau tùy hệ thống chính trị và luật pháp ở mỗi nơi. Tuy nhiên, để đảm bảo bầu cử tự do và công bằng như định nghĩa ở trên, có một số nguyên tắc chung như sau.
1. Bầu cử phải thường xuyên
Các cuộc bầu cử phải được tổ chức định kỳ, thường xuyên. Thế nào là định kỳ và thường xuyên? Nghĩa là bầu cử phải diễn ra với tần suất (số lần) hợp lý trong khoảng thời gian định trước, ví dụ bốn năm một lần, và không bị trì hoãn hay hoãn vô thời hạn theo ý muốn của các quan chức chính quyền. Đôi khi, có thể có cả bầu cử đột xuất, bất thường nếu tình hình bắt buộc (chứ không phải do chính quyền thích thế).
Khoảng thời gian định trước dĩ nhiên không được kéo dài, chẳng hạn, nhất định là không thể tới “10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa” và càng không thể là vô thời hạn như ở Bắc Triều Tiên. Người phương Tây có câu đùa rằng chính trị gia cũng giống như tã lót, ở chỗ ta phải thay chúng thường xuyên.
2. Cử tri phải có sự lựa chọn
Nói đúng hơn, lựa chọn phải có ý nghĩa: Với mỗi cương vị cần nhân sự, cử tri phải có ít nhất hai lựa chọn khác biệt. Bạn hãy chú ý cụm từ “ít nhất hai”, “khác biệt”. Bởi vì sẽ là vô nghĩa nếu cử tri chỉ có một lựa chọn duy nhất, hoặc hai lựa chọn na ná nhau.
Nhà khoa học chính trị Austin Ranney đưa ra một ví dụ về sự vi phạm tiêu chí thứ hai này: Suốt 72 năm (1917-1989), Liên Xô thường xuyên tổ chức bầu cử nhân sự vào rất nhiều cơ quan chính quyền, và thường là có tới hơn 90% dân số trưởng thành đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, cử tri không có sự lựa chọn. Trong mỗi cuộc bầu cử vào mỗi cơ quan chính quyền, danh sách đều chỉ có một ứng viên, và cử tri chỉ có thể hoặc là chọn ứng viên đó hoặc là không bỏ phiếu.
Sau khi Liên Xô sụp đổ (năm 1991) thì nước Nga đã tổ chức được bầu cử “hai ứng viên trở lên”. Ông Ranney cũng viết thêm rằng, hiện “chỉ còn một vài nước vẫn còn bám lấy chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô Viết, đáng chú ý nhất là Cuba, Bắc Triều Tiên, và Việt Nam, là vẫn còn tổ chức bầu cử một-ứng-viên-một-ghế”.
Mở rộng ra, bạn sẽ thấy cái nguyên tắc “hai ứng viên khác nhau trở lên” này hiển nhiên áp dụng cho tất cả các quyết định liên quan tới việc lựa chọn chứ không chỉ trong chuyện bầu cử. Đã gọi là tự do lựa chọn, đương nhiên phải có từ hai phương án trở lên, nếu không thì còn gì là tự do. Thi hoa hậu gia đình giữa bố, mẹ và hai con trai thì còn ai đoạt vương miện vào đây nữa.
Một ví dụ về sự vi phạm nguyên tắc “hai ứng viên khác nhau trở lên”, là bản “Phiếu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp” mà Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân đưa ra. Nó chỉ có một dự thảo duy nhất, trong khi lẽ ra người dân phải có quyền lựa chọn từ ít nhất hai dự thảo hiến pháp trở lên, do ít nhất hai lực lượng khác nhau trong xã hội đưa ra.
Mặt khác, cứ chấp nhận rằng đây là phiếu lấy ý kiến nhân dân về chỉ một bản dự thảo mà thôi, do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (với các thành viên toàn là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam) lập ra, thì phiếu này cũng vẫn vi phạm nguyên tắc “hai ứng viên khác nhau trở lên”. Bởi vì nó chỉ đưa ra hai phương án na ná nhau: 1. Đồng ý (hoàn toàn) với nội dung Dự thảo. 2. Đồng ý với những nội dung khác trong Dự thảo (đề nghị ghi rõ…) và có ý kiến góp ý (đề nghị ghi rõ).
Cuối cùng, áp dụng nguyên tắc này vào nền chính trị của chúng ta, bạn có thể thấy ngay: Đa đảng không bảo đảm dân chủ. Nhưng một đảng thì chắc chắn là độc tài, là không có tự do.
Ngay cả ở các nước phương Tây theo chế độ dân chủ tự do ngày nay, cũng có những người lo ngại về xu hướng bầu cử mà các ứng viên không thật sự khác nhau lắm, hoặc… đều tệ như nhau. Người ta gọi đây là hiện tượng bầu cử kiểu “Tweedledum versus Tweededee” (Tweedledum chọi với Tweededee). Lựa chọn phải có ý nghĩa! Cụm từ “có ý nghĩa” này quan trọng lắm bởi trên thực tế, các chế độ độc tài rất hay dùng những chiêu bài màu mè hình thức, những màn kịch, để giả vờ dân chủ. Trong các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, người ta cũng phải dùng đến cụm từ ấy khi quy định công dân có quyền “tham gia một cách có ý nghĩa vào hoạt động chính trị”. Nếu chỉ tham gia theo sự sắp đặt của các đoàn thể diễn trò dân chủ – những cánh tay nối dài của nhà độc tài – thì sự tham gia đó cũng chẳng khác gì của con rối. |
3. Người dân phải được tự do tiến cử ứng viên
Đây là một tiêu chí quan trọng của bầu cử tự do, và nó đòi hỏi một điều kiện bắt buộc đi trước: Mọi công dân đều phải có quyền thành lập và/ hoặc tham gia đảng phái, để từ đó, có quyền được người khác tiến cử, quyền tiến cử người khác, hoặc quyền tự mình ứng cử mà không cần thông qua tổ chức nào.
Nhìn vào nước Việt Nam dưới thời cộng sản, bạn thấy điều này là bất khả thi. Cho dù bạn có quý và tin tưởng ông hàng xóm của bạn đến mấy đi chăng nữa, cho dù ông ấy có tài đức và ham hoạt động xã hội đến mấy, bạn cũng chẳng biết làm cách nào để đưa ông ấy vào chính trường, làm lãnh đạo, hoặc thấp nhất là vào Quốc hội, “cho thiên hạ nhờ”.
Và cả bạn nữa, giả sử bạn muốn tham gia chính trường Việt Nam thời cộng sản, bạn có thể làm gì? Tranh cử đại biểu Quốc hội chăng? Xin bạn lưu ý: Cho đến kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV (năm 2016), không một luật nào nói về ứng viên độc lập, chứ chưa nói tới việc công nhận và khuyến khích họ.Theo Điều 27 Hiến pháp và Điều 2 Luật Bầu cử, mọi công dân Việt Nam trên 21 tuổi đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và/hoặc Hội đồng Nhân dân. Tuy nhiên, các luật liên quan đến bầu cử ở Việt Nam chỉ tập trung vào những cá nhân được đề cử bởi các tổ chức chính trị của đảng Cộng sản, tổ chức chính trị-xã hội, các lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội và công an), và các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý thêm: Ngay cả khi luật pháp cho phép bạn tự ứng cử đại biểu Quốc hội đi nữa, cũng có vô vàn rào cản vô hình khiến bạn không thể đứng ra “chường mặt” với thiên hạ. Bạn có nguy cơ bị gắn nhãn “hoang tưởng”, “háo danh”, “tham vọng hão huyền”… Quyền riêng tư, danh dự, nhân phẩm của bạn bị xúc phạm nghiêm trọng. Đó là những gì đã xảy ra trong thực tế với các ứng viên độc lập ở Việt Nam thời cộng sản.
4. Các bên phải được tự do cạnh tranh
Có nghĩa là: Các ứng viên phải được tự do vận động tranh cử, còn các cử tri phải được tự do tìm hiểu về ứng viên và tự do thể hiện quan điểm. Tiêu chí này đòi hỏi một điều kiện bắt buộc đi trước: tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Ở các kỳ bầu cử cơ quan lập pháp ở nước CHXHCN Việt Nam, hàng chục năm, chỉ có đảng Cộng sản độc diễn – tự tổ chức, tự phân vai, tự quyết định kết quả bầu cử. Thỉnh thoảng, có lác đác 1-2 ứng viên tự do, tức là những người ngoài đảng Cộng sản tự ứng cử mà không qua sự giới thiệu của cơ quan, tổ chức của nhà nước.100% trường hợp đều trượt thê thảm.
Tại các cuộc họp lấy ý kiến cử tri – cũng dưới sự chỉ đạo và đạo diễn của đảng Cộng sản Việt Nam, có tình trạng: Với ứng viên Đảng cử (tức là được chi bộ đảng Cộng sản Việt Nam chỉ định) thì bao giờ cũng là “100% nhất trí, tín nhiệm ông A/bà B” làm đại biểu Quốc hội”. Với ứng viên tự do thì bao giờ cũng là “ông X/ bà Y không đủ tư cách, không đủ năng lực làm đại diện cho dân”.
Trên nguyên tắc, cử tri phải được cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ, về các ứng viên, chẳng hạn họ có quyền biết ông Nguyễn Phú Trọng – ứng viên của đảng Cộng sản Việt Nam – có những năng lực gì, chương trình hành động thế nào, gia cảnh ra sao, thu nhập bao nhiêu. Trên thực tế, báo chí, đặc biệt các cơ quan truyền thông quan trọng như VTV, VOV, hay các báo mà trong tên có từ “nhân dân”, đều chỉ đăng bài ca ngợi ứng viên “Đảng cử” và cương lĩnh của họ (nếu có).
Báo chí không nhắc gì tới ứng viên tự do, trừ phi để bôi nhọ như trường hợp các báo của công an và tờ Tin Nhanh Năng Lượng Mới (Petro Times, cũng do một công an làm tổng biên tập) đả kích các ứng viên tự do trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 2016.
Bên cạnh tất cả những cái đó, lực lượng công an còn rất sốt sắng nhằm người nào có xu hướng ủng hộ những ứng viên là người bất đồng chính kiến mà đến “thăm hỏi”, “trao đổi”, “vận động” để “quán triệt” không bỏ phiếu cho họ.
5. Phổ thông đầu phiếu
Mọi công dân đều có quyền bỏ phiếu, bất kể giới tính, khuynh hướng tình dục (đồng/dị tính luyến ái), sắc tộc, tôn giáo/ tín ngưỡng, thành phần xã hội, v.v. Và, bạn hãy lưu ý là công dân cũng có quyền không bỏ phiếu, không đi bầu. Nghĩa là, bầu cử là quyền, không phải nghĩa vụ. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng người dân lười đi bỏ phiếu đến mức ở một số nước, ví dụ như Úc, chính phủ đã phải áp luật phạt tiền người không chịu tham gia bầu cử.
Việc bỏ phiếu cũng phải xuất phát từ sự lựa chọn và tự nguyện của cử tri, không phải là kết quả của việc họ bị đe dọa, ép buộc hay lừa dối. Ở Việt Nam dưới thời cộng sản có câu đùa, nhưng cũng đúng sự thật, là: “Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận nhưng không bảo đảm quyền tự do sau ngôn luận”.
Người già chiếm đa số trong các hội nghị “lấy ý kiến cử tri”.
Từ đó suy ra bầu cử tự do nghĩa là công dân phải có quyền tự do bỏ phiếu và cả quyền tự do sau khi bỏ phiếu. Giả sử Quốc dân đảng được bình đẳng với đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đi vận động, nhưng cử tri nào ủng hộ Quốc dân đảng cũng nơm nớp lo bị “xử lý” sau bầu cử và do đó họ không dám bầu cho người của Quốc dân đảng, thì bầu cử mất ý nghĩa.
6. Mọi lá phiếu đều quan trọng như nhau
Điều đó tức là lá phiếu của công dân Đặng Văn Tèo cũng quan trọng và có ý nghĩa hệt như lá phiếu của công dân Nguyễn Phú Trọng hay công dân Lê Hiếu Đằng. Lá phiếu của ông Trọng không thể được tính ngang giá với hai, ba hoặc nhiều hơn lá phiếu khác, dù ông ấy là Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam.
7. Chính xác, trung thực, độc lập, minh bạch
Một điều kiện quan trọng nữa để đảm bảo bầu cử tự do là toàn bộ quá trình chốt danh sách ứng viên, kiểm phiếu, công bố kết quả, phải diễn ra chính xác, trung thực. Muốn vậy, hội đồng bầu cử phải độc lập, các thủ tục phân bổ ứng viên, tổ chức bầu cử, kiểm phiếu phải công khai, minh bạch.
Như ở Việt Nam thời cộng sản, Mặt trận Tổ quốc – cánh tay nối dài của đảng Cộng sản Việt Nam, do các cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản lãnh đạo – đứng ra đảm nhận công tác tiền bầu cử (hiệp thương – khái niệm nhập khẩu từ đảng Cộng sản Trung Quốc). Và kết quả là một nhà sử học sinh sống ở Hà Nội lại trở thành đại biểu của tỉnh Đồng Nai (Dương Trung Quốc), hay ông giáo trường Tổng hợp lại làm đại diện của Lạng Sơn (Nguyễn Minh Thuyết). Còn rất nhiều trường hợp nữa. Cử tri không thể hiểu nổi sự sắp xếp này.
Năm 2017, ông Đinh La Thăng đang ở TP.HCM đột nhiên trở thành đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa sau khi mất chức Bíthư Thành ủy TP.HCM, nghĩa là không còn thuộc đoàn đại biểu Quốc hội địa phương này nữa. Cử tri Thanh Hóa cũng chưa bao giờ có dịp bỏ phiếu chọn ông Thăng làm đại diện cho mình.
TỔNG HỢP TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ BẦU CỬ
Phần trên đây là các nguyên tắc chung nhất một cuộc bầu cử có phải là tự do và công bằng hay không. Bảng phía dưới cụ thể hóa các nguyên tắc đó:
Trước ngày bầu cử | Tự do đi lại Tự do ngôn luận (đối với ứng viên, truyền thông, cử tri, và những người khác) Tự do tụ tập Tự do lập hội Không bị đe dọa bởi bất kỳ vấn đề gì liên quan đến bầu cử và chiến dịch tranh cử. Không bị cản trở việc ứng cử (đối với đảng phái cũng như với ứng viên độc lập) Phổ thông đầu phiếu, các lá phiếu có giá trị ngang nhau (bình đẳng) | Tiến trình bầu cử diễn ra minh bạch Luật bầu cử và cơ chế bầu cử không tạo đặc quyền, đặc lợi cho một đảng phái hay nhóm xã hội nào. Không có bất kỳ hình thức ngăn trở nào trong quá trình đăng ký. Có ủy ban bầu cử độc lập và không thiên vị. Công an, quân đội, tòa án đối xử với các ứng cử viên một cách bình đẳng, không thiên vị ai. Tất cả các đảng phái và các ứng cử viên độc lập đều được có cơ hội như nhau trong việc ứng cử. Chiến dịch tranh cử diễn ra có trật tự (tuân thủ quy tắc đạo đức). Các bên đều có thể tiếp cận như nhau với báo chí; báo chí bị kiểm soát công khai bởi công chúng. Các quỹ công cộng (nếu có) đều được phân bổ đều cho các đảng phái. Không ai được phép sử dụng các cơ sở vật chất của chính quyền cho mục đích tranh cử. |
Vào ngày bầu cử | Cơ hội tham gia vào bầu cử | Đại diện của tất cả các đảng phái, các nhà quan sát bầu cử trong nước và quốc tế (nếu được tín nhiệm, ủy quyền), và báo chí đều được tiếp cận tất cả các điểm bỏ phiếu. Các lá phiếu được giữ kín. Cử tri tuyệt đối không bị đe dọa. Lá phiếu được thiết kế thuận tiện, hiệu quả. Thùng phiếu được thiết kế thuận tiện, thích hợp. Các cử tri được hỗ trợ như nhau (nếu cần). Thủ tục kiểm phiếu chuẩn xác, thích hợp. Các phiếu không hợp lệ được đối xử tốt. Có các biện pháp phòng ngừa thích hợp khi di chuyển thùng phiếu và các tài liệu liên quan đến bầu cử. Các điểm bỏ phiếu được bảo vệ như nhau, không thiên vị. |
Sau ngày bầu cử | Có cơ chế pháp lý cho việc khiếu nại. | Công bố chính thức và nhanh chóng về kết quả bầu cử. Đối xử công bằng, không thiên vị với bất kỳ khiếu nại nào liên quan. Báo chí-truyền thông phản ánh công bằng, trung thực, không thiên vị, về kết quả bầu cử. Tất cả mọi người tham gia đều phải chấp nhận kết quả bầu cử. |
QUY TRÌNH BẦU CỬ
Với người tranh cử, quy trình bầu cử là tất cả những bước một người cần thực hiện kể từ lúc có ý định tranh cử, tới lúc được đưa tên vào danh sách ứng viên (chính thức được gọi là “ứng viên” hay “ứng cử viên”) để cạnh tranh vào cương vị cần nhân sự, tới lúc có kết quả và thông báo kết quả. Với cử tri, quy trình bầu cử là tất cả những bước họ cần thực hiện để bỏ phiếu cho cá nhân hay đảng phái mà họ ủng hộ, loại bỏ cá nhân hay đảng phái mà họ không ủng hộ.
Quy trình bầu cử được quy định khác nhau ở mỗi nước, không nước nào giống nước nào (có lẽ chỉ trừ CHXHCN Việt Nam giống CHND Trung Hoa, ít nhất ở cơ chế hiệp thương). Chúng khác nhau ở những điểm chính như:
- Quy định về cử tri: độ tuổi tối thiểu, quốc tịch. Ví dụ như ở Việt Nam, 18 tuổi là độ tuổi công dân, từ 18 tuổi trở lên mới được đi bầu. Người nước ngoài không được bỏ phiếu.
- Quy định về ứng viên: độ tuổi tối thiểu, quốc tịch, trình độ.
- Thủ tục đề cử (kể cả đề cử bản thân, tức là tự ứng cử).
- Cử tri phải chọn giữa các ứng viên cá nhân hay các ứng viên đại diện cho đảng phái?
- Cử tri chỉ được chọn ra một ứng viên cho cương vị cần nhân sự đó, hay có thể chọn ra một số ứng viên và xếp theo thứ tự mức độ ủng hộ, yêu thích?
- Cử tri có được chia thành các đơn vị bầu cử không?
- Cơ chế kiểm phiếu, đếm phiếu.
- Người chiến thắng là người nhận được sự ủng hộ của đa số tương đối (chỉ cần nhiều phiếu ủng hộ nhất) hay đa số tuyệt đối (nhiều phiếu nhất, và số lượng phiếu phải vượt một con số quy định nào đó, ví dụ quá bán)?
- Quy định về những điều bị cấm trong bầu cử.
Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ bàn sâu hơn về câu chuyện “đảng cử”.
THỦ TỤC ĐỀ CỬ
Đề cử, hay tiến cử, (tiếng Anh: nomination) là thủ tục pháp lý để một người nào đó được xác nhận là đủ điều kiện làm ứng viên, và được có tên trong danh sách ứng viên chính thức. Nói đơn giản thì đó là thủ tục để một công dân bình thường trở thành ứng cử viên vào một cương vị chính trị nào đó.
Có hai cách chính để đề cử: 1. Tự ứng cử; 2. Được người khác đề cử.
1. Tự ứng cử
Ở nhiều nước, công dân được quyền tự ứng cử mà không cần thông qua đảng phái, tổ chức nào đề cử. Luật pháp có thể quy định một vài điều kiện, như phải tập hợp đủ một số lượng người ủng hộ nhất định và phải nộp một khoản tiền ký quỹ nhất định. Những điều kiện như vậy nói chung là nhẹ nhàng, chỉ để chứng minh người đó có ý định nghiêm túc, không phải hoang tưởng hay đang muốn đùa nghịch.
Ở Vương quốc Anh, bất kỳ người Anh nào hơn 21 tuổi đều có quyền tự ứng cử vào Hạ viện, chỉ trừ thành viên của giai cấp quý tộc, thẩm phán Tòa án Tối cao, công chức thuộc biên chế vĩnh viễn, tội phạm đang thi hành án, và thành viên Giáo hội Anh quốc, Giáo hội Scotland, Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã.
Thủ tục tự ứng cử ở Anh là: Ứng viên tương lai đi đến các văn phòng bầu cử, nhận một giấy đề cử chính thức, trên đó họ ghi tên, địa chỉ, nghề nghiệp, và đơn vị bầu cử mà họ muốn “về”. Giấy này cũng phải có chữ ký của 2 cử tri thuộc đơn vị bầu cử đó, với tư cách người đề cử và người tán thành, và 8 cử tri khác nữa với tư cách người ủng hộ. Tờ đăng ký hoàn chỉnh sẽ được nộp cho cơ quan bầu cử, cùng khoản ký quỹ 500 bảng. Khoản này sẽ được xung vào Kho Bạc nếu ứng viên không thu hút được hơn 5% số phiếu bầu ở đơn vị ứng cử trong cuộc bầu cử tiếp sau đó.
2. Được người khác đề cử
Ở đây sẽ có hai trường hợp:
Một là ứng viên được một nhóm người tiến cử, ví dụ một nhóm cử tri thân thiết – bạn bè, hàng xóm, v.v. (Ví dụ như Đan Mạch, từ 100 cử tri độc lập trở lên là có thể đề cử một ứng viên hoặc một danh sách ứng viên).
Hai là trường hợp mà chúng ta sẽ bàn kỹ sau đây: đảng cử.
Tại nhiều quốc gia, việc đảng cử là bắt buộc để một ai đó có thể trở thành ứng viên. Ví dụ như ở Israel, nhất định phải được một đảng nào đó đề cử mới được có tên trong danh sách ứng viên chính thức. Cả nước Israel là một đơn vị bầu cử duy nhất, bầu toàn bộ 120 thành viên Quốc hội.
* Đảng cử
Trong chế độ đa đảng, các đảng phái là những đơn vị căn bản đại diện cho người dân. Đảng cử tức là các đảng trình danh sách ứng viên của mình ra trước cử tri để cử tri lựa chọn. Cử tri bỏ phiếu thực chất là cho các đảng chứ không phải cho các cá nhân ứng viên. Với nguyên tắc “đại diện theo tỷ lệ” thì mỗi đảng đều có đại diện ở quốc hội, với số ghế tỷ lệ thuận với ảnh hưởng của họ, tức là tỷ lệ thuận với số phiếu họ giành được trong bầu cử.
Cũng có nước quy định, đảng nào được quá ít cử tri ủng hộ, ví dụ không tới 4% cử tri cả nước, thì không được có đại diện trong quốc hội.
Trong chế độ độc đảng như Việt Nam thời cộng sản, “Đảng cử” cũng có nghĩa là đảng Cộng sản Việt Nam trình danh sách ứng viên ra để cử tri lựa chọn, gọi là “Đảng cử dân bầu”. Song vì cả nước chỉ có một đảng, và các ứng viên đều do đảng duy nhất đó lựa chọn theo ý đảng, nên sự lựa chọn của cử tri không còn ý nghĩa. Bầu cử đã mất tự do và công bằng ngay từ đầu.
BẦU CỬ SƠ BỘ, TRỰC TIẾP Ở MỸ
Mỹ là một nước có quy trình bầu cử đặc biệt, với cơ chế “sơ bộ, trực tiếp”.
Đầu tiên là khâu đề cử (nomination): Bất cứ cá nhân nào muốn được một đảng cụ thể nào đó đề cử cho một chức vụ công nào đó đều có thể nộp cho hội đồng bầu cử một đơn đề nghị, có tên, địa chỉ, chức vụ mong muốn được đề cử, và các chữ ký của một số lượng cử tri đã đăng ký là thành viên của đảng mà họ muốn được đảng đó đề cử.
Ví dụ: Tên tôi là Tracey Tram. Tôi sinh sống ở… Tôi muốn được bầu vào chức vụ… Tôi muốn ứng cử với tư cách người của đảng Dân chủ. (Tôi muốn được đảng Dân chủ đề cử). Dưới đây là chữ ký của… đảng viên đảng Dân chủ ủng hộ tôi.
Hết thời hạn nộp hồ sơ, các hội đồng bầu cử in các phiếu bầu của mỗi đảng, kèm theo tên của tất cả những người đệ đơn cho mỗi vị trí.
Vào ngày bầu cử sơ bộ, các cử tri tới các điểm bầu cử và đánh dấu (tick) chọn người cho từng chức vụ. Người được đánh dấu nhiều nhất cho mỗi vị trí trong tổng số phiếu của mỗi đảng được xác nhận là ứng viên chính thức của đảng đó. Tên của ứng viên và đảng đề cử sẽ được in trên phiếu bầu của cuộc tổng tuyển cử tiếp sau.
- Có một số bang thực hiện cơ chế “bầu cử sơ bộ, khép kín”: Tức là, chỉ có cử tri nào mà trước đó đã đăng ký là thành viên của một đảng cụ thể nào đó là có thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng đó. Cử tri nào đăng ký độc lập thì không có đảng và do đó không được bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng nào cả. Tóm lại, chỉ đảng viên có đăng ký là được bỏ phiếu.
- Một số bang áp dụng cơ chế “bầu cử sơ bộ, chéo”: Tức là, vào ngày bầu cử, tất cả các cử tri, kể cả cử tri độc lập, đều có thể bỏ phiếu tại cuộc bầu cử sơ bộ của bất kỳ đảng nào, nhưng trước đó, phải tuyên bố công khai họ chọn đảng nào. Tóm lại, không cần phải là đảng viên có đăng ký thì mới được bỏ phiếu, nhưng phải nói rõ mình bầu cho người của đảng nào.
- Một số bang áp dụng cơ chế “bầu cử sơ bộ, mở”: Tức là, cử tri không cần đăng ký hay tuyên bố chọn đảng nào, và vào ngày bầu cử, cử tri được phép bỏ phiếu ở cuộc bầu cử sơ bộ của bất kỳ đảng nào (nhưng không đồng thời nhiều đảng) mà không cần tuyên bố công khai là họ chọn đảng gì. Tóm lại, cử tri nào cũng có quyền bỏ phiếu.
Tóm lại, bầu cử sơ bộ, trực tiếp ở Mỹ nghĩa là: Chính quyền tổ chức các cuộc bầu cử, để từ đó, mỗi đảng lọc ra được một số người để họ đề cử. Các cử tri muốn tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử này thì phải đăng ký, và ở tùy bang mà có thể phải nêu rõ là họ bỏ phiếu với tư cách cử tri ủng hộ cho đảng nào (bầu cho ứng viên của đảng nào).
* * *
QUY TRÌNH BẦU CỬ Ở CHXHCN VIỆT NAM
Để bạn đọc dễ hình dung nhất, ta có thể chia quy trình này thành 5 bước:
Bước 1
Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Mặt trận Tổ quốc để “hiệp thương” về cơ cấu của Quốc hội sẽ bầu và đại diện của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Bước này gọi là “hiệp thương lần thứ nhất” và nó chỉ dành cho các ứng viên “dự kiến được đề cử” bởi các cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị được hiểu là phải của Nhà nước và/hoặc của đảng Cộng sản, chẳng hạn như cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc, các doanh nghiệp nhà nước. Người nào được đề cử từ khu vực tư nhân được xem là ứng viên độc lập.
Tuy nhiên, các ứng viên độc lập chưa tham gia vào bước này.
Bước 2
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng đơn vị bầu cử (184 cho cuộc bầu cử năm 2016) và số đại biểu được bầu ở từng đơn vị bầu cử, sau đó thông báo con số này cho các cơ quan, tổ chức liên quan và các đơn vị bầu cử.
Cơ quan hoặc tổ chức có liên quan, sau khi nhận được thông tin và các hướng dẫn từ Ủy ban Thường vụ và Mặt trận Tổ quốc, sẽ lên danh sách người được giới thiệu ứng cử; danh sách các ứng viên này sẽ được nộp cho Mặt trận Tổ quốc, đơn vị chính thức tổ chức bầu cử.
Cùng thời gian này, những ứng viên độc lập, tức những người không được bất kỳ cơ quan, đơn vị nào của Đảng hay Nhà nước đề cử, phải đăng ký tại các mặt trận Tổ quốc địa phương (thành phố/tỉnh). Họ được gọi là “những người tự ứng cử” trong tất cả các văn bản chính thức liên quan đến bầu cử; hệ thống tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam dường như muốn tránh dùng từ “độc lập” hoặc “tự do” cho các ứng viên.
Bước 3
Mặt trận Tổ quốc tổ chức “hiệp thương lần thứ hai”, mà thành tố cốt lõi của nó là các cuộc “hội nghị cử tri”. Quy trình này xem ra chỉ có tại các cuộc bầu cử ở Trung Quốc và Việt Nam. Đó là những hội nghị lấy ý kiến cử tri, tại đó cử tri được yêu cầu đánh giá trực tiếp về ứng viên ở nơi cư trú và cơ quan/tổ chức của mình, và xác định liệu các ứng viên có đủ điều kiện ứng cử vào Quốc hội và/hoặc Hội đồng Nhân dân hay không.
Trong thực tế, các buổi hiệp thương này trở thành nơi đấu tố, khi các ứng viên, nhất là những ứng viên độc lập, bị cử tri phê bình dữ dội ở nơi công cộng. Điều quan trọng nhất là họ thường bị loại vì các lý do vặt vãnh như “không thường xuyên tham dự các cuộc họp chi bộ, họp dân phố tại nơi cư trú”, hoặc “trông thấy hàng xóm mà không chào hỏi” v.v…
Do vậy, các hội nghị lấy ý kiến này gợi lại những ký ức về cuộc cải cách ruộng đất tại Trung Quốc và Việt Nam hồi giữa thế kỷ 20, khi những người bị cáo buộc là “địa chủ bóc lột” bị đem đến các “tòa án nhân dân” để chịu đấu tố một cách thô bạo trước khi bị xử tử.
Bằng chứng đã cho thấy Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương tổ chức các vòng “hiệp thương” thường mời những người từ các khu vực lân cận đến dự họp và để cho họ gièm pha các ứng viên nào mà đảng Cộng sản không ưa.
Những người ủng hộ các ứng viên, nếu có, thường không được phép tham dự cuộc hội nghị cử tri do chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc tổ chức.
Bước 4
Tại vòng “hiệp thương lần thứ ba”, Mặt trận Tổ quốc tổng kết lại danh sách người ứng cử và loại những người mà họ coi là không đủ tiêu chuẩn. Các cuộc họp này được Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan khác tổ chức kín, không có mặt ứng viên.
Danh sách cuối cùng của các ứng viên chính thức, hay những người được chọn có tên trong phiếu bầu chính thức vào ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, sẽ chỉ được đưa ra sau ba vòng hiệp thương.
Bước 5
Sau khi danh sách chính thức cuối cùng đã được Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan nhà nước liên quan duyệt, đến ngày bỏ phiếu thì Mặt trận Tổ quốc mới tổ chức “hội nghị tiếp xúc cử tri” để các ứng viên gặp gỡ cử tri và mở cuộc “vận động tranh cử” của họ mà đến thời điểm này thì đã được luật pháp chấp nhận. Báo chí nhà nước cũng có thể có mặt tại các hội nghị tiếp xúc cử tri đó và phỏng vấn ứng viên.
Tuy nhiên, một khi danh sách chính thức cuối cùng đã được phê duyệt, các hội nghị này phần lớn chỉ mang tính hình thức. Ứng viên sẽ được yêu cầu trình bày chương trình nghị sự của mình cho những cử tọa đã được các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn một cách kỹ lưỡng từ trước, và hiếm khi có ý kiến phản bác nào đối với ứng viên.
* * *
PHÂN TÍCH
Quy chế bầu cử ở Việt Nam dưới thời cộng sản, với đặc thù là sự chỉ đạo toàn diện và xuyên suốt của đảng Cộng sản Việt Nam thông qua cơ chế Mặt trận Tổ quốc và ba vòng hiệp thương, bộc lộ rất nhiều vấn đề. Dưới đây chỉ là một vài vấn đề chính trong số đó.
1. Không có lựa chọn thực sự
Hội đồng bầu cử quốc gia (cơ quan giữ chức năng tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp) gồm 100% thành viên là đảng viên cộng sản cấp cao.
Bầu cử ở Việt Nam được thực hiện trên cơ sở “Đảng cử, dân bầu”. Vấn đề ở đây là cả nước chỉ có mỗi một đảng, và tiến trình bầu cử không cho cử tri có sự lựa chọn nào. Công dân không được thành lập đảng phái, không được tự đề cử ứng viên.
Đây là căn nguyên của tất cả các vi phạm về nhân quyền trong tiến trình bầu cử.
2. Không thừa nhận ứng viên độc lập
Không một luật nào nói về ứng viên độc lập, chứ chưa nói tới việc công nhận và khuyến khích họ. Theo Điều 27 Hiến pháp và Điều 2 Luật Bầu cử, mọi công dân Việt Nam trên 21 tuổi đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và/hoặc Hội đồng Nhân dân. Tuy nhiên, các luật liên quan đến bầu cử ở Việt Nam chỉ tập trung vào những cá nhân được đề cử bởi các tổ chức của đảng Cộng sản, tổ chức chính trị-xã hội, các lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội và công an), và các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Đó là những “ứng viên Đảng cử”.
Ứng viên độc lập có thể được định nghĩa là những người không được đề cử bởi các tổ chức của đảng Cộng sản, tổ chức chính trị-xã hội, các lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội và công an), hay các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.
Đáng chú ý là ứng viên độc lập thậm chí còn có thể được chia làm hai loại:
- Ứng viên độc lập được chỉ định từ trước, hay những người được Mặt trận Tổ quốc các cấp bố trí để “tự ứng cử” vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân với tư cách độc lập; và
- Ứng viên độc lập thật sự, hay là những người tự ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Họ không được đề nghị hoặc thu xếp trước đó.
Cả hai loại ứng viên này đều được báo chí và các văn bản, tài liệu chính thống của đảng Cộng sản và nhà nước coi là “độc lập”. Nhưng tất nhiên, chỉ có loại 2 là độc lập thực sự. Loại 1 là được phân công làm ứng viên độc lập, hay nói cách khác, đó là những người giả làm ứng viên độc lập.
3. Mẫu không đại diện cho dân số
Đại đa số cử tri tham dự cuộc họp “đấu tố” ứng viên Nguyễn Quang A là người già. Ảnh chụp tại phường Long Biên (Hà Nội), 9/4/2016.
Theo truyền thống, các hội nghị lấy ý kiến cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức là nơi mà các ứng viên tương lai bị/được một nhóm nhỏ cử tri nơi cư trú, những người được các đại diện của đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền địa phương chọn ra, đánh giá, nhận xét. Trong nhiều trường hợp, đó là các cử tri nhiều tuổi, học vấn thấp, và chẳng biết gì về ứng viên. Hậu quả là, họ chỉ tập trung vào tấn công cá nhân thay vì đưa ra các đánh giá công bằng và duy lý. Đôi khi các cử tri đó còn tỏ ra thù địch đối với những người tự ứng cử, và thế là các hội nghị cử tri gợi lại những ký ức cay đắng của cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam vào những năm 1940-50, trong đó nông dân được xúi giục hoặc bị gây sức ép phải “đấu” các địa chủ hết sức dữ dội trước khi hành quyết họ.
Trong mọi trường hợp, mẫu chọn là quá nhỏ, không đại diện được cho số dân, và trình độ, năng lực đánh giá của các cử tri được chọn sẵn đó là rất đáng ngờ.
Tồi tệ hơn cả là thủ tục này đã thành công trong việc loại ra nhiều ứng viên độc lập, kể cả những trí thức được rất đông quần chúng cả nước ủng hộ mạnh mẽ.
4. Không công nhận các cơ quan giám sát và thực thi độc lập
Như trên đã nói, 100% thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia là đảng viên cộng sản cấp cao. Như vậy, cuộc bầu cử đã bất công ngay từ khâu tổ chức, với một ban tổ chức hoàn toàn phi độc lập.
Bên cạnh đó, không một luật nào đề cập đến các cơ quan hành pháp và giám sát độc lập, hay một cơ chế nào để độc lập theo dõi và giám sát quá trình bầu cử.
Luật pháp và đường lối của đảng Cộng sản quy định các cơ quan nhà nước liên quan đến bầu cử đều phải tuân thủ đường lối, chính sách, chỉ thị của đảng.
5. Kiểm phiếu không minh bạch
Không ai trong quần chúng có thể biết công việc kiểm phiếu diễn ra như thế nào, ai là người đếm và cách đếm, cách tính kết quả ra sao.
Ngay cả các cuộc “hội nghị cử tri” để “hiệp thương” về tư cách ứng cử của ứng viên cũng diễn ra bất minh. Mặt trận Tổ quốc khống chế hoàn toàn nội dung các cuộc hội nghị, thành phần tham dự, phát biểu của các cử tri có mặt. Riêng tại vòng “hiệp thương lần thứ ba”, Mặt trận Tổ quốc họp kín để loại những người mà họ coi là không đủ tiêu chuẩn, ứng viên và người ủng hộ không được tham dự.
6. Truyền thông thiên vị
Các yêu cầu về sự chính xác, trung lập, công bằng của truyền thông bị xâm phạm nghiêm trọng. Báo chí bị ngăn cản tiếp xúc với ứng cử viên độc lập, nhất là những người có xu hướng bất đồng chính kiến hoặc ủng hộ dân chủ-nhân quyền. Các sản phẩm báo chí bị kiểm duyệt chặt chẽ.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC