Đến đây chúng ta đã nắm được định nghĩa dân chủ, hay là đã thống nhất với nhau về cách hiểu thế nào là một nền dân chủ. Về căn bản, đó là một hình thức tổ chức chính quyền hay một hệ thống quản trị đất nước thoả mãn những nguyên tắc nhất định – kể ra cũng khá nhiều nguyên tắc. Bạn thử tính sơ sơ xem: đa đảng, bầu cử tự do và công bằng, tư pháp độc lập, truyền thông tự do, quốc gia có chủ quyền bền vững, mọi công dân đều bình đẳng về quyền chính trị…
Dài dòng quá chăng? Do đó, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu một cách cụ thể, chi tiết hơn, về những nguyên tắc chính mà một hình thức tổ chức chính quyền hay quản trị nào đó phải đạt được để có thể được gọi là “dân chủ”. Tính ra thì nhiều nhưng một cách cô đọng, ngắn gọn nhất thì chỉ có hai nguyên tắc chính phải bảo đảm:
- Toàn dân kiểm soát chính quyền một cách thường xuyên, liên tục;
- Mọi công dân đều bình đẳng về quyền chính trị.
Bạn có thể tự đặt câu hỏi và tự trả lời luôn:
Hỏi: Một xã hội, muốn toàn dân kiểm soát chính quyền một cách thường xuyên, liên tục, và mọi công dân đều bình đẳng về quyền chính trị, thì phải làm thế nào, phải xây dựng, bảo vệ và phát triển những cơ chế gì?
Đáp: Tất nhiên là sẽ cần đa nguyên, đa đảng, bầu cử tự do và công bằng…
Hỏi: Thế muốn có đa nguyên, đa đảng, bầu cử tự do và công bằng thì phải làm sao?
Đáp: Tất nhiên là cần phi chính trị hoá giáo dục, báo chí tự do (để có đa nguyên), bảo đảm quyền tự do hiệp hội, tự do tụ tập, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt (để có đa đảng và đa nguyên). Rồi thì cần nhà nước pháp trị, tư pháp độc lập để mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật…
Tóm lại, từ hai nguyên tắc căn bản trên đây, ta sẽ đi tới nhiều nguyên tắc nhỏ hơn để thực hiện dân chủ, giống như đi từ hai gốc đại thụ lớn để đến các cành, các nhánh cây vậy.
Nhân bàn chuyện dân chủ, chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm về một “thuật ngữ” chính trị có vẻ gần với dân chủ và vẫn thường được hiểu theo cách đánh đồng với dân chủ, đó là tự do.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA DÂN CHỦ VÀ TỰ DO
Để hiểu rõ về tự do như một khái niệm triết học quan trọng, mời bạn xem kỹ phần “tự do” trong Chương II, “Chủ nghĩa tự do”, của Phần IV, “Các chủ nghĩa”. Ở đây, nói đúng hơn là chúng ta sẽ chỉ tìm hiểu sự khác nhau giữa xã hội dân chủ và xã hội tự do.
Dân chủ, như Philippe C.Schmitter và Terry Lynn Karl định nghĩa, là “một hệ thống quản trị đất nước, trong đó, nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm – về tất cả các hoạt động của họ thuộc địa hạt công cộng – trước công dân, và công dân thực thi điều đó một cách gián tiếp thông qua, hay là nhờ có sự cạnh tranh và hợp tác giữa những người đại diện cho họ, do họ bầu ra”.
Còn tự do (bạn sẽ tìm hiểu kỹ ở Phần IV), có thể được hiểu sơ sơ là việc một cá nhân thoát khỏi quyền lực, sự cưỡng ép, của kẻ khác. Trong quan hệ với một xã hội hay một nhà nước, tự do được hiểu là việc cá nhân thoát khỏi quyền lực tùy tiện (và thường là tàn bạo) của nhà nước hoặc của những nhóm lợi ích lớn mạnh khủng khiếp, mafia, khủng bố.
Bạn có thể thấy định nghĩa dân chủ trên đây của Philippe C.Schmitter và Terry Lynn Karl, cũng như định nghĩa của Austin Ranney, không có từ “tự do” nào. Hay nói cách khác, hai khái niệm dân chủ và tự do không đồng nhất.
Trên thế giới, không thiếu gì ví dụ về những nền dân chủ thiếu tự do, chẳng hạn Ấn Độ – nơi có chế độ đa đảng, bầu cử thường xuyên, báo chí độc lập – nhưng xã hội phân chia đẳng cấp nặng nề, những người thuộc tầng lớp đáy bị vùi dập và không có cơ hội vươn lên các tầng lớp trên để thay đổi số phận của mình, nạn cưỡng hiếp và bạo hành phụ nữ lan tràn… Châu Mỹ Latin cũng đa đảng, bầu cử thường xuyên, nhưng câu chuyện cầu thủ người Colombia, Andrés Escobar, bị bắn chết chỉ vài ngày sau khi đá bóng phản lưới nhà trong Cúp Bóng đá Thế giới ở Mỹ (World Cup 1994), và vô vàn ví dụ tương tự, luôn khiến người ta kinh hãi về sự lộng hành của các băng nhóm tội phạm ở nước Mỹ Latin điển hình này.
Ở gần chúng ta hơn là Philippines, mang danh là nền dân chủ lâu đời nhất Đông Nam Á nhưng chưa bao giờ được ca ngợi như một xứ sở tự do, bởi rất nhiều vấn đề: Khoảng cách giàu nghèo quá lớn, với tầng lớp tinh hoa giàu có, tham lam, gia đình trị, và tầng lớp dân nghèo bị bần cùng đến mạt hạng; quyền lực chính trị và kinh tế tập trung vào một số dòng họ khuynh đảo cả chính quyền; tội ác tràn lan và vấn nạn tội ác không bị trừng phạt (impunity)1; và nhiều điều khác.
Nói gọn lại, tồn tại những nền dân chủ mà trong đó, nhân quyền, quyền tự do của mỗi người dân không được bảo đảm; và đó là những nền dân chủ không tự do.
- Impunity, tạm dịch là “tội ác không bị trừng phạt”, là một thuật ngữ trong luật quốc tế, có nghĩa là việc nhà nước không điều tra, bắt, truy tố, xét xử những kẻ gây tội ác, vì nhiều lý do thuộc về nhà nước như: đồng lõa, bao che với thủ phạm; kém năng lực; vô trách nhiệm; toà án không độc lập, v.v.
DÂN CHỦ TỰ DO
Do đó, lý tưởng của những người cổ súy dân chủ không nên chỉ là khái niệm dân chủ chung chung, mà là hướng đến xây dựng một nền dân chủ tự do cho đất nước.
Ngược với các ví dụ mà ta vừa nhắc đến ở trên như Ấn Độ, Colombia và Philippines, nhiều nước phương Tây lại tự do trước khi có dân chủ (theo David Beetham và Kevin Boyle). Đó là bởi vì họ có một bản hiến pháp tự do, thành văn hoặc không thành văn, trước cả khi các đảng phái ra đời và lại càng trước khi có bầu cử phổ thông đầu phiếu. Những bản hiến pháp đó có các điểm chung là: Cơ quan hành pháp, tức chính phủ, phải nằm dưới luật pháp, luật ấy phải được phê chuẩn bởi một quốc hội dân cử; cá nhân được bảo đảm các quyền tự do như quyền hưởng tiến trình tố tụng đúng chuẩn mực, quyền tự do ngôn luận, tự do tụ tập và đi lại; cơ quan tư pháp có đủ sự độc lập trước cả lập pháp lẫn hành pháp để có thể bảo vệ pháp luật và các quyền tự do đó. Tóm lại, ở những quốc gia ấy, xã hội đã có truyền thống tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân trước khi nền dân chủ được thiết lập.
Ngược lại, các nền dân chủ có đủ cả chế độ phổ thông đầu phiếu lẫn hệ thống đảng phái phát triển, mà không có truyền thống tự do hay một bản hiến pháp tự do từ trước, đều bấp bênh, không ổn vững.
BỐN THÀNH TỐ CỦA NỀN DÂN CHỦ TỰ DO
Có bốn nguyên tắc, mà ta có thể coi chúng như bốn thành tố chính, bốn cột trụ của một nền dân chủ tự do, sau đây:
- Bầu cử tự do và công bằng
- Chính quyền chịu trách nhiệm giải trình
- Nhân quyền được thực thi, được tôn trọng và bảo vệ
- Xã hội dân sự phát triển
Lưu ý rằng bốn thành tố này đều quan trọng như nhau, cách đánh số trên đây không phản ánh thứ tự của chúng về mức độ quan trọng. Bốn thành tố cũng có tác động qua lại, liên hệ chặt chẽ với nhau. Hiểu đơn giản, ngôi nhà mang tên dân chủ tự do được dựng trên bốn cây cột lớn, buộc chặt vào nhau; thiếu chỉ một trong bốn cột thì nhà nghiêng ngả và có thể sập bất cứ lúc nào, hoặc có thể chỉ yên vị là một nền dân chủ không tự do.
Muốn xây và giữ gìn ngôi nhà chung – nền dân chủ tự do, bạn phải xây dựng và bảo vệ được cả bốn cột trụ này.
Cột trụ thứ nhất: Bầu cử tự do và công bằng
Cuốn sách này dành cả một chương (Chương IV, Phần V) để nói về bầu cử và nguyên tắc “tự do, công bằng” của bầu cử, mời bạn tham khảo.
Cột trụ thứ hai: Chính quyền chịu trách nhiệm giải trình
Nói về dân chủ, có một khái niệm rất phổ biến gần đây trong ngôn ngữ chính trị, mà Việt Nam chưa có cách dịch chuẩn, đó là “accountability”, tiếng Việt tạm dịch là “trách nhiệm giải trình”. Cách dịch này chưa chuẩn, vì từ “giải trình” mang nghĩa quá hẹp so với trách nhiệm mà nhà nước hay cơ quan công quyền phải lãnh nhận trước người dân. Ngoài ra, “trách nhiệm giải trình” là một danh từ, và nếu dịch như vậy, chúng ta không có tiếng Việt tương ứng để thể hiện tính từ, động từ liên quan đến khái niệm này.
Trong khuôn khổ cuốn sách, tạm chấp nhận dịch “accountability” là trách nhiệm giải trình, thì ta có thể định nghĩa nó như sau: Nghĩa vụ của nhà nước, của cơ quan nhà nước, quan chức, công chức, công an phải báo cáo đầy đủ với người dân, phản hồi khiếu nại, giải thích, làm rõ, minh bạch và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước người dân về mọi hoạt động chính trị và hành vi ứng xử của mình.
Bạn thấy đấy, nhà nước, cơ quan nhà nước không chỉ phải giải trình (báo cáo đầy đủ, phản hồi khiếu nại, giải thích, làm rõ, minh bạch) mà còn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, bao gồm cả chế tài, hình phạt, trước người dân. Nếu chỉ có “phản hồi khiếu nại”, “giải thích”, mà không phải chịu trách nhiệm gì khác, không có nguy cơ bị xử lý kỷ luật, trừng phạt gì, thì cách ứng xử của chính quyền với dân khi ấy sẽ chẳng khác gì cấp trên với cấp dưới, người lớn với trẻ con: Đây này, tao giải thích đường lối, chính sách, chủ trương cho mày đây này, hiểu chưa? Không hiểu là tại mày ngu dốt nhé.
Do đó, khái niệm gọi là “trách nhiệm giải trình” nhất thiết phải bao gồm cả những trách nhiệm lớn hơn, ngoài việc giải trình.
Chúng ta cũng có thể chia nhỏ trách nhiệm giải trình theo một cách khác, thành trách nhiệm giải trình trên ba khía cạnh: pháp lý, chính trị và tài chính.
- Khía cạnh pháp lý: Tất cả các quan chức, cán bộ nhà nước đều chịu trách nhiệm giải trình trước toà án.
- Khía cạnh chính trị: Tất cả các cơ quan công quyền không qua bầu cử (hành chính, công an, quân đội) đều phải chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan hành pháp (chính phủ). Cơ quan hành pháp phải chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan lập pháp (quốc hội) và công chúng. Quốc hội phải chịu trách nhiệm giải trình trước cử tri.
- Khía cạnh tài chính: Chính quyền chịu trách nhiệm giải trình trước công chúng, gồm cả báo chí, và cơ quan chuyên môn về việc chi tiêu tiền thuế của dân. Cơ quan chuyên môn ở đây là cơ quan tổng kiểm toán, chịu trách nhiệm giải trình trước quốc hội nhưng độc lập trong việc thanh kiểm tra, theo dõi, giám sát một cách chuyên nghiệp, chi tiết chi tiêu của chính quyền, chủ yếu là của chính phủ.
Cột trụ thứ ba: Nhân quyền được thực thi, tôn trọng và bảo vệ
Nhân quyền, hay quyền con người, không phải là những quyền mà một người kiếm hay xin được, được ban cho hay được kế thừa từ người khác. Nhân quyền là một tập hợp những quyền tự nhiên, những quyền cố hữu, cơ bản mà một cá nhân nghiễm nhiên được hưởng và được bảo vệ bởi vì cá nhân đó là con người. Nói cách khác, sinh ra làm người, tức là có nhân quyền.
Tại sao việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền lại quan trọng? Đó là bởi vì, nhân quyền và những quyền tự do cơ bản, nếu được tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy, sẽ giúp chúng ta phát triển đầy đủ và có nhiều cơ hội để mưu cầu hạnh phúc nhất. Một xã hội cũng chỉ có thể công bằng và tự do khi nhân quyền được tôn trọng và thực thi đầy đủ. Còn về phía nhà nước, sự chối bỏ, thậm chí vi phạm nhân quyền trên diện rộng (như ở Việt Nam thời cộng sản) thường sẽ kéo theo bạo lực, và sẽ chỉ gieo mầm mống cho xung đột, tạo ra bất ổn chính trị-xã hội.
Dân Việt có quan niệm sướng khổ tại trời, đời người ta hạnh phúc hay bất hạnh là do trời thương hay trời đày, nói cách khác, là do số mệnh. Nên mới có người làm lụng vất vả suốt đời mà vẫn nghèo, chẳng may dính vòng lao lý hay phải ra cửa quan thì sạt nghiệp. Lại có những kẻ là “con ông cháu cha”, nên cả đời giàu sang, may mắn, quyền thế.
Người viết thì tin rằng, nếu chúng ta sống trong một xã hội nơi nhân quyền được bảo đảm, thì có thể nói tất cả chúng ta đều đã được tạo những điều kiện căn bản nhất, bình đẳng nhất, để mưu cầu hạnh phúc; và khi đó, chỉ cần là những người lương thiện, chăm chỉ, chúng ta cũng có thể thành đạt, chứ không cần phải có trí tuệ siêu việt, học vấn tốt, địa vị con ông cháu cha hay bất kỳ một may mắn đặc biệt nào khác. Xã hội tốt là xã hội bảo đảm nhân quyền căn bản cho mọi người dân, để cho mỗi người có thể phát triển đầy đủ chỉ với nỗ lực của bản thân; yếu tố số mệnh được loại bỏ đáng kể.
Cột trụ thứ tư: Xã hội dân sự phát triển
Mời bạn xem Chương VI, “Xã hội dân sự”, thuộc Phần V, “Tương tác chính trị”.
* * *
Trên đây là bốn thành tố của một nền dân chủ tự do. Như tác giả đã viết ở Lời nói đầu, “nhân quyền, tự do, dân chủ chưa bao giờ là các khái niệm phức tạp, nhạy cảm hay đáng sợ. Chúng là những điều đơn giản và căn bản đến mức mọi người dân thường ở các xã hội dân chủ đều nắm được, ít nhất là cảm nhận được chúng. Và chính nhờ thế, họ bảo vệ được nền dân chủ của nước mình.
Đối với người dân Việt Nam, nhiệm vụ còn nặng nề hơn: Chúng ta phải đấu tranh để mang đến dân chủ, và sau đó phải tiếp tục đấu tranh để bảo vệ và củng cố nền dân chủ non trẻ đó”.
Khi đấu tranh để xây dựng và rồi bảo vệ nền dân chủ tự do, các bạn hãy nhớ đến bốn thành tố này, để thiết lập, bảo vệ và phát triển chúng. Các bạn cũng có thể coi chúng như bốn tiêu chí để bạn đánh giá xem một xã hội nào đó, như Việt Nam, đã đạt được nền dân chủ tự do hay chưa.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC