Những năm gần đây, gần như trước kỳ họp Quốc hội nào, câu chuyện nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng được nêu ra. Có lẽ đã tới lúc cần đặt vấn đề một cách “sát sườn” hơn: Làm thế nào để cân, đong, đo, đếm được chất lượng ấy?
Hiệu quả hoạt động của cơ quan lập pháp phụ thuộc vào chất lượng của đại biểu Quốc hội và mức độ thực quyền của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp. Nếu nói hiện nay năng lực lập pháp ở ta còn yếu, thì cứ phải tiên trách đại biểu, hậu trách cái cơ chế quyết định thực quyền của Quốc hội.
TIÊN TRÁCH ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điểm chung dễ nhận thấy ở đa số đại biểu Quốc hội của ta là tính hiền, hiểu theo nghĩa ít nói, ít phát biểu trong phiên họp toàn thể, và ít tiếp xúc báo chí. Có lẽ vì thế mà mỗi khóa, có vài trăm đại biểu Quốc hội nhưng chỉ vài gương mặt “nổi”: Nguyễn Ngọc Trân, Tôn Nữ Thị Ninh (khóa XI), Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Nguyễn Đình Xuân (khóa XII)…Các đại biểu này nổi bật giữa hàng trăm đại biểu là bởi họ thường xuyên có ý kiến chất vấn trong mỗi kỳ họp Quốc hội, luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, được công luận (báo chí và dân chúng) nhắc tới nhiều.
Tình trạng này, quả thật, hơi bất bình thường, vì đúng ra việc thay mặt cử tri chất vấn và giám sát hoạt động của Chính phủ, cũng như duy trì tiếp xúc với các kênh báo chí để truyền tải thông tin tới công luận, phải là một phần việc đương nhiên của các đại biểu. Đại biểu Quốc hội chẳng nên nổi tiếng vì đã làm những nhiệm vụ đương nhiên của mình.
Tương tự, đã chất vấn thì dễ phải quyết liệt, cho nên khi dư luận trầm trồ thấy một số ít ĐB nêu trên hay đưa ra các câu hỏi gai góc, ta chẳng biết nên buồn hay vui: Hỏi vậy mà đã là “mạnh bạo quá”, “đụng chạm quá” hay sao?
Vì đa số các đại biểu “hiền” như thế, nên những người quan tâm theo dõi các kỳ họp Quốc hội khó mà hài lòng. Cử tri Trần Trinh Mạnh (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét: “Người dân đã bầu các đại biểu để đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của họ, trong khi dân có rất nhiều bức xúc mà đại diện của mình lại thường im lặng trên diễn đàn Quốc hội. Đây là điều khó chấp nhận”.
Im lặng ngồi dự họp đã đành, còn có những đại biểu Quốc hội im lặng không dự. Cử tri Nguyễn Phi Long (phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) đã bày tỏ sự bức xúc trước hiện tượng nhiều phiên làm việc của Quốc hội trống rất nhiều ghế: “Đại biểu nào vắng mặt nhiều thì không nên tham gia Quốc hội”.
Hiện tượng này được phỏng đoán là do các đại biểu đó bận việc khác, bởi lẽ tới 70% đại biểu Quốc hội của ta hiện nay là đại biểu kiêm nhiệm. Nhiều đại biểu còn làm Bộ trưởng, Thứ trưởng trong cơ quan hành pháp, nên quỹ thời gian tất nhiên phải san sẻ cho cả hai việc “đá bóng” và “thổi còi”.
Còn sự “im lặng khó hiểu” của số đông đại biểu Quốc hội trước hội trường thực ra cũng không quá khó hiểu. Một gương mặt kỳ cựu trong số các đại biểu Quốc hội khóa XII, ông Nguyễn Minh Thuyết, từng giải thích rằng có những đại biểu là người địa phương, ít có điều kiện tham dự thường xuyên những sự kiện chính trị lớn như họp Quốc hội. “Đã vậy, mà lại phải tham gia ý kiến về các vấn đề kinh tế – xã hội phức tạp thuộc những lĩnh vực không phải chuyên môn của mình, thì họ dễ cảm thấy e ngại” – ông Thuyết cho biết.
Có những đại biểu Quốc hội còn rất trẻ. Có đại biểu là người dân tộc thiểu số. Khóa XII, lại có người còn đang đi tìm việc khi được bầu làm đại biểu Quốc hội. Đặc biệt hơn nữa, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng từng “tiết lộ”: “Không loại trừ cả trường hợp nhiều người không thích làm đại biểu đâu nhưng vì công việc nên phải làm”.
Những đại biểu như vậy, nếu im lặng ngồi dự phiên họp toàn thể của Quốc hội, cũng là điều dễ hiểu.
HẬU TRÁCH CƠ CHẾ
Tuy nhiên, sẽ là không thỏa đáng nếu quy hoàn toàn chất lượng hoạt động của cơ quan lập pháp cho năng lực của đại biểu Quốc hội.Nhìn vào danh sách đại biểu Quốc hội các khóa từ khóa 9 tới nay (khóa XII), có thể thấy mặt bằng trình độ của đại biểu Quốc hội đã tăng lên đáng kể (tạm theo một tiêu chí là bằng cấp):
- Khóa IX (1992-1997): 395 đại biểu, trong đó 222 người tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, chiếm tỷ lệ 56,2%;
- Khóa X (1997-2002): 450 đại biểu, trong đó 411 người tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, chiếm tỷ lệ 91,33%;
- Khóa XI (2002-2007): 498 đại biểu, trong đó 465 người tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, chiếm tỷ lệ 93,37%;
- Khóa XII (2007-2011): 493 đại biểu, trong đó 473 người tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, chiếm tỷ lệ 95,94%
(nguồn: Văn phòng Quốc hội)
Bên cạnh đó, có một thực tế là vào những kỳ họp đầu tiên của mỗi khóa Quốc hội, các đại biểu thường vào cuộc rất sôi nổi. Càng các kỳ họp về sau, không khí càng bớt “nóng”, và rồi đến khi nhiều vấn đề không được giải quyết triệt để như mong đợi của một bộ phận cử tri, thì câu hỏi về chất lượng hoạt động của Quốc hội lại tiếp tục được đặt ra.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII vừa qua, báo cáo kinh tế – xã hội được trình Quốc hội khá muộn, báo cáo về dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên phải được “nhắc” đôi lần, Chính phủ mới gửi Quốc hội. Chương trình nghị sự cũng không có nội dung thảo luận nào riêng về đại dự án này. Trong khi một trong các chức năng hiến định của lập pháp là “quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”.
Tương tự, mặc dù Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng thấy rõ, trong gói kích cầu của Chính phủ có những khoản thuộc thẩm quyền Quốc hội và phải có ý kiến Quốc hội, nhưng chủ trương kích cầu đã được Chính phủ quyết định nhanh gọn, và Ủy ban thì đã nhất trí cao, tán thành nhanh.
Gói kích cầu chiếm gần 10% GDP mà được thông qua mau chóng như vậy, chứng tỏ công tác quản lý vĩ mô ở ta nhiều khi cũng khá…thuận lợi, nhất là nếu so sánh với một số quốc gia khác. Ở khía cạnh ngược lại, điều này cho thấy vai trò của Quốc hội trong các vấn đề quan trọng của đất nước hãy còn nặng tính hình thức.
Nhìn vào hoạt động của cơ quan lập pháp, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao (Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển) đặt câu hỏi: “Liệu dự án bô-xít, một dự án nằm trên địa bàn hết sức quan trọng không chỉ về văn hóa, môi trường mà còn với an ninh, quốc phòng; việc mở bể than ở châu thổ sông Hồng, hay việc tung ra các gói kích cầu của Chính phủ, có phải là những vấn đề trọng đại của đất nước hay không? Nếu phải, quyền của Quốc hội, quyền thật sự ấy, trong những vấn đề đó là gì, tới đâu?”.
Câu trả lời nằm ở cơ chế cho sự vận hành của Quốc hội, cơ chế đảm bảo quyền lực thực sự của Quốc hội.
QUỐC HỘI CẦN TỰ “LÀM LUẬT”
Cứ như hiện nay thì ngay trong quy chế hoạt động của Quốc hội, cũng đã có những điểm hạn chế năng lực chất vấn, kiểm tra và giám sát của đại biểu.
Một ví dụ đã được báo chí nhắc tới nhiều là quy định về đề xuất bỏ phiếu. Để một vấn đề được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội, cần một trong bốn điều kiện:
- Có đề nghị của Chính phủ;
- Có đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Có đề nghị của một ủy ban chuyên trách liên quan trong Quốc hội;
- Có đề nghị của tối thiểu 20% số đại biểu Quốc hội.
Trong số này, điều kiện “tối thiểu 20% số đại biểu Quốc hội” rất có thể mâu thuẫn với thực tế. Như đại biểu Dương Trung Quốc nhận định: “Quốc hội có tới 92% là đảng viên, mà đã là đảng viên thì khi quyết định các vấn đề, phải tuân thủ theo định hướng của tổ chức”. Nghĩa là, trên thực tế, khó mà đạt được tỷ lệ 20% số đại biểu Quốc hội nhất trí đưa một vấn đề ra biểu quyết.
Do vậy, để tăng tính hiệu quả, cơ quan lập pháp cần xây dựng cơ chế cho sự vận hành của chính mình. Nói cách khác, trước hết, các nhà làm luật cần tự… cởi trói.
ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO
Bên cạnh việc Quốc hội hoàn thiện cơ chế và bản thân mỗi đại biểu tự nâng cao năng lực bản thân, rất cần có sự đổi mới phương thức lãnh đạo để đảm bảo Quốc hội có thực quyền.
Sẽ khó có một quốc hội hiệu quả nếu như với mỗi quyết định “đã rồi” của Chính phủ, “Quốc hội cũng chỉ có thể nhắc nhở, lưu ý các cơ quan Chính phủ “rút kinh nghiệm” thôi”, như đại biểu Nguyễn Minh Thuyết từng thừa nhận. “Nhiều khi, trong suy nghĩ thì mình bất bình đấy, nhưng khi chất vấn mình không được thể hiện thái độ quá. Chất vấn xong, đưa ý kiến của mình xong, Chính phủ không làm theo thì mình cũng phải chấp nhận, vì thực ra ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng chỉ là một ý kiến thôi” – ông Thuyết nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho cử tri, cho nhân dân. Nếu ý kiến của đại biểu Quốc hội “cũng chỉ là một ý kiến”, thì nghĩa là tiếng nói của nhân dân cũng chỉ… như vậy mà thôi.
Cuối cùng, mặc dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng thời gian qua Quốc hội đã phát huy khá tốt vai trò giám sát hành pháp, nhưng thực tế là những phản ứng của Quốc hội lại chỉ đến sau khi Chính phủ đã có quyết định (các dự án bô-xít, gói kích cầu, mở bể than sông Hồng), và về căn bản là đồng thuận.
Cách đo chuẩn xác về hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đó là trả lời câu hỏi: Mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cử tri, đã cảm thấy tiếng nói của mình có khả năng thay đổi chính sách Nhà nước hay chưa?
Một khi đại biểu chưa cảm thấy “sức mạnh” của mình, thì chứng tỏ Quốc hội vẫn chưa thực hiện tốt vai trò “cơ quan quyền lực cao nhất” được cử tri đặt niềm tin và có bổn phận thực hiện niềm tin ấy.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC