CÁCH NHÌN CỦA THIÊN CHÚA VỀ QUYỀN LỰC


Bản chất tự nhiên của con người là tham lam và ích kỷ. Nếu có cơ hội, ai cũng muốn được hưởng lợi nhiều hơn người khác. Bởi vậy, trong suốt thời gian dùng Mô-sê đưa đám người nô lệ Ít-ra-en vượt qua biển Đỏ và rèn luyện trong sa mạc 40 năm, sau đó mới cho họ vượt qua sông Gio-đan, tràn về vùng đất hứa. Và cho mãi đến 400 năm sau này, dân tộc Ít-ra-en vẫn không hề có vua. Vua của họ chính là Thiên Chúa. Để giao tiếp với loài người, Thiên Chúa chỉ chọn một người làm thủ lãnh hoặc ngôn sứ, họ chính là gạch nối giữa Thiên Chúa và dân tộc Ít-ra-en…

Vị thủ lãnh cuối cùng của Ít-ra-en là Sa-mu-en. Khi Sa-mu-en về già, ông lập hai con trai ông lên làm người kế vị sau này, nhưng hai con trai ông vốn là người tham lam, đã ăn hối lộ nhiều lần và làm sai lệch công lý. Bởi vậy các kỳ mục tập hợp lại và nói với Sa-mu-en: “Ông già rồi và các con ông lại không đi theo đường lối của ông. Vậy bây giờ, xin ông lập cho chúng tôi một vua để vua xét xử chúng tôi, như trong tất cả các dân tộc…”

Sau khi hội ý với Thiên Chúa, ông Sa-mu-ên đã nói với các kỳ mục và dân chúng rằng: “Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em. Các con trai anh em, sẽ bị bắt và cắt đặt vào làm công việc trông coi xe và ngựa của ông; và chúng sẽ chạy đàng trước xe của ông. Ông sẽ đặt chúng làm người chỉ huy một ngàn hoặc chỉ huy năm mươi, sẽ bắt chúng cày đất cho ông, gặt lúa cho ông, chế tạo vũ khí cho ông và dụng cụ cho xe của ông. Các con gái anh em, ông sẽ bắt vào làm thợ chế nước hoa, nấu ăn và làm bánh. Đồng ruộng, vườn nho, vườn cây ô-liu tốt nhất của anh em, ông sẽ lấy mà cho bề tôi của ông. Lúa thóc và vườn nho của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân mà cho các thái giám và bề tôi của ông. Các tôi tớ nam nữ, các người trai tráng khá nhất của anh em, các con lừa của anh em, ông sẽ bắt mà dùng vào việc của ông. Chiên dê của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân. Còn chính anh em sẽ làm nô lệ cho ông. Ngày ấy, anh em sẽ kêu than vì vua của anh em mà anh em đã chọn cho mình, nhưng ngày ấy ĐỨC CHÚA sẽ không đáp lời anh em”.

Nhưng dân không chịu nghe theo tiếng ông Sa-mu-en. Họ nói: “Không! Phải có một vua cai trị chúng tôi. Cả chúng tôi cũng sẽ giống như mọi dân tộc khác. Vua chúng tôi sẽ xét xử chúng tôi, sẽ dẫn đầu chúng tôi và sẽ lãnh đạo các cuộc chiến của chúng tôi”.

Vì họ nằng nặc yêu cầu, Thiên Chúa cuối cùng đã chiều theo ý họ, Sa-un là vị vua đầu tiên của Ít-ra-en. Trong vài năm đầu tiên, Sa-un còn nghe theo lời khuyên của Sa-mu-en và điều ấy làm đẹp lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, càng về sau này, với uy quyền của một ông vua, Sa-un không những không nghe theo mà còn làm trái ý với Sa-mu-en, làm phật lòng Thiên Chúa. Bởi vậy, Thiên Chúa tìm kiếm một người khác để làm vua Ít-ra-en, người đó chính là chàng trai trẻ Đa-vít.

Đa-vít tuổi trẻ tài cao, có tài ném đá và chơi đàn. Chàng đã giết chết tên khổng lồ Go-li-át, người Phi-li-tinh, kẻ đã ngông cuồng khinh miệt Ít-ra-en và xúc phạm đến Thiên Chúa. Đa-vít sau đó được làm rể vua Sa-un và đánh đâu thắng đó, làm quân thù khiếp sợ. Toàn thể binh lính Ít-ra-en đều yêu thích Đa-vít làm vua Sa-un ghen tị và quyết tâm trừ khử chàng. Biết vậy, nên Đa-vít trốn đi nhưng cũng không vì thế mà tìm cách mưu hại Sa-un. Sau ngày Sa-un tử trận, binh lính Ít-ra-en đã tôn Đa-vít lên làm vua. Đó là vị vua thứ hai của Ít-ra-en.

Đa-vít tuy có lòng yêu mến Thiên Chúa nhưng cũng chưa phải là viên ngọc không tì vết. Sau khi lên ngôi vua, có uy quyền trong tay, một chiều kia, trong lúc đi dạo trên sân thượng, Đa-vít tình cờ nhìn thấy một mỹ nhân đang tắm, đó là nàng Bát Se-va vợ ông U-ri-gia, một người trong quân đội của Đa-vít. Vì muốn chiếm đoạt nàng Bát Se-va cho mình, Đa-vít đã lập mưu giết chết U-ri-gia.

Thiên Chúa không hài lòng với hành động này của Đa-vít nên sai ngôn sứ Na-than đến khiển trách Đa-vít. Dù Đa-vít tỏ vẻ hối lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn phạt Đa-vít, bắt đứa con nàng Bát Se-va đang mang thai với Đa-vít phải chết. Ngoài ra, vì tội chiếm đoạt vợ người, Thiên Chúa báo trước sẽ còn trừng phạt Đa-vít về sau nhiều hơn nữa.

Bát Se-va sinh cho Đa-vít một đứa con trai khác, lấy tên là Sa-lô-môn. Vua Đa-vít yêu thương nó lắm, về sau truyền ngôi vua lại cho Sa-lô-môn. Sa-lô-môn là vị vua nổi tiếng thông minh, người đã xây đền thờ Giê-ru-sa-lem cho Thiên Chúa. Ít-ra-en dưới triều vua Sa-lô-môn rất hùng mạnh và giàu có. Tuy nhiên, về sau này, Sa-lô-môn mê nhiều gái đẹp ngoại bang và lấy họ về làm vợ, vua có đến bảy trăm bà vợ chính thức và ba trăm cung phi. Các bà vợ này là người ngoại bang và thờ thần riêng của họ. Bởi vậy, Thiên Chúa cũng dần dần rời khỏi Sa-lô-môn khiến cho chiến tranh loạn lạc xảy ra khắp nơi. Ít-ra-en bị chia cắt làm đôi và không còn hùng mạnh như trước…

Luận cổ suy kim, sách thánh hiền người xưa để lại không phải là chuyện ngẫu nhiên hay dư thừa, mà để người đời suy ngẫm, tránh phải lập lại cái sai lầm của người xưa. Đành rằng thoát được cái sai này ắt hẳn còn cái sai khác, bởi vì có mấy ai thiện toàn mà mong cho được toàn thiện. Nhưng đời người vốn chẳng dài lâu, tránh được cái sai, cái dỡ nào là hay cái đó. Riêng việc thiện toàn thì chỉ cậy trông vào Thiên Chúa, như Nguyễn Du đã từng viết trong truyện Kiều:

“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”…

Người sống trong đời, trân quý nhất là cái tâm thiện lành và tính tình khiêm tốn. Chỉ cần đạt được hai điều ấy thôi, thì dù sự việc có biến ảo khôn lường hoặc vận, thời thay đổi thì tấm lòng hướng thiện ấy vẫn được Trời cao thấu hiểu và che chở. Suy cho cùng, sự sống linh hồn không chỉ có ở cõi trần này mà thôi…

Nói đến quyền lực trần gian là nói về thể chế. Thể chế thì có phong kiến, độc tài hay dân chủ. Phong kiến hay độc tài đều có điểm chung là cha truyền con nối, quyền lực tập trung vào một cá nhân, gia đình, dòng họ hay một nhóm quyền lực (Đảng viên) nào đó, người dân bên ngoài không thể chen chân vào được. Dân chủ thật sự thì chẳng có cá nhân, dòng họ nào là lãnh tụ mãi mãi cả. Dân chủ là phải do dân bầu, dân chọn… và nhất là từ dân mà ra. Bất cứ người dân nào cũng có thể làm lãnh tụ nếu được ăn học, đào tạo thành tài bài bản và hợp pháp.

Không phải chế độ phong kiến hoàn toàn xấu. Trong lịch sử thỉnh thoảng cũng có vài vị minh quân, biết thương yêu dân và chăm lo xã tắc. Nhưng con số đó cũng chẳng nhiều, và nhất là chẳng có một cơ quan độc lập nào để luận công hoặc tội của vị vua ấy. Suy cho cùng, gặp vua hiền, tài đức là dân gặp may chứ hoàn toàn chẳng có một cái gì để bảo vệ quyền lợi cho mình. Đó là chưa kể dẫu có vua hiền mà hoàng hậu, hoàng thân quý tộc của vua không hiền, thì vua ấy có dám vì dân mà trị tội hay không?

Độc tài thì khỏi cần bàn. Những nước độc tài cộng sản hiện nay chẳng qua cũng như thời phong kiến ngày xưa. Đảng Cộng Sản và những đảng viên của họ là hình thức kiêu binh thời đại. Chỉ những đảng viên chóp bu ở trên mới toàn quyền định đoạt số phận của đất nước dù đầu óc họ chỉ toàn óc heo, óc chó… ngu dốt trăm phần. Bởi vậy, chẳng đất nước Cộng sản nào thành công cả, chỉ toàn nghèo đói thảm bại. Nếu bên các nước Tư bản không chạnh lòng ra tay nghĩa hiệp cứu vớt thì chủ nghĩa Cộng sản đã tự toang hoang vì đói nghèo và ngu dốt lạc hậu.

Phim kiếm hiệp Tàu có câu nói rất hay: “Nhân nhượng với kẻ thù là tự làm hại chính mình”. Khối tư bản hiện nay chính là đang phải đau đầu gánh chịu hậu quả tại hại mà mình đã từng giúp cho các nước Trung quốc, Nga, Việt nam thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng mình giúp cho người dân Trung quốc, dân Nga hoặc dân Việt nam bớt khổ mà không biết rằng điều ấy đồng nghĩa với việc hồi sinh bọn độc tài trong thời kỳ hấp hối.

Từng một thời khăng khăng một sống một còn với chủ nghĩa tư bản, mấy anh cộng sản độc tài bỗng chốc chuyển hướng 180 độ, đổi thành giới tư bản đỏ. Bọn này ngu dốt có thừa, nay lại còn tham lam, ác độc hơn cả địa chủ, bá hộ… thời xưa.

Bởi vậy, việc Thiên Chúa sẽ cứu Việt Nam là việc hiển nhiên. Tuy nhiên, việc quê hương Việt nam trong tương lai sẽ theo thể chế nào? và hệ thống chính trị ra sao? là một việc chẳng tầm thường. Thay đổi từ một thể chế này sang một thể chế khác, nhất là việc xóa bỏ chế độ Cộng Sản trên quê hương Việt nam tức là việc thay đổi quyền lực, nhất định phải có sự chuẩn bị kỹ càng để khỏi sa vào những vũng lầy như trong lịch sử.

Làm người, ai cũng có lòng tham. Thông thường, một vị minh quân dù có công cứu nước cũng khó lòng vượt qua cửa ải này. Việc cha truyền con nối vốn là chuyện thường tình xưa nay, nhưng đó cũng chính là di họa ngày sau cho đất nước. Sinh ra trong thời loạn, hy sinh cả đời khôi phục lại giang sơn xã tắc mà không ôm giữ cho riêng mình, người làm được việc ấy không phải là người thường nữa, mà phải là bậc thánh nhân trong thiên hạ. Thiên Chúa tìm người để cứu Việt Nam ngày nay, không đơn giản như chọn Đa-vít để cứu Ít-ra-en ngày xưa. Vì Đa-vít anh dũng cả đời, cuối cùng cũng truyền ngôi lại cho con.

Chỉ có con đường Dân chủ mới có thể đưa quê hương Việt Nam tới một bến bờ hạnh phúc thật sự. Chỉ có thể chế dân chủ mới tránh lập lại những vết xe đổ của người xưa. Người tài mới có cơ hội phát triển tài năng, giúp ích cho xã tắc. Con đường này, tuy trước mặt đầy chông gai và mờ ảo, tưởng chừng như sương khói mong manh. Nhưng có Chúa soi đường, tôi tin rằng sẽ không còn một ngày xa lắm…

Suy cho cùng, việc của Chúa đã là việc thánh rồi, nên việc Chúa chọn người để đào tạo nên thánh cũng chẳng có gì là lạ. Nếu lạ, là nhờ có Thiên Chúa can thiệp mà nhiều việc khó khăn tưởng chừng như không thể, vẫn có thể hoàn thành…

Gioan Phan Tân


Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC