CÁI GÌ QUYẾT ĐỊNH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHE NHÓM LỢI ÍCH?


Vai trò và tầm quan trọng của các nhóm lợi ích trong xã hội khác nhau tùy từng chế độ, tùy từng nhà nước, và tùy thời gian, thời đại. Những thành tố chính quyết định ảnh hưởng của nhóm lợi ích bao gồm:

  • Văn hóa chính trị;
  • Cơ cấu thể chế;
  • Tính chất của hệ thống đảng;
  • Tính chất của chính sách công.

Văn hóa chính trị mang tính ảnh hưởng quyết định đối với vai trò của nhóm lợi ích, bởi hai lý do. Thứ nhất, nó quyết định liệu các nhóm sẽ được coi là có tính chính danh hay không có tính chính danh, sự hình thành và ảnh hưởng của các nhóm là hợp pháp và được khuyến khích, hay ngược lại. Thứ hai, nó ảnh hưởng tới việc người dân có sẵn sàng thành lập và/hoặc tham gia các nhóm lợi ích, để qua đó tham gia vào chính trị không.

Một mặt, các chế độ có thể thực hành nhất nguyên luận, tức là đàn áp tất cả các hình thức tụ tập, lập hội tự nguyện, nhằm bảo đảm chỉ có một trung tâm quyền lực nhà nước duy nhất và không thể bị thách thức trong xã hội. Hiện tượng này đặc biệt hay xảy ra trong các chế độ độc tài quân sự, các nhà nước độc đảng. Mặc dù không có nhà nước nào – hiện nay cũng như trong lịch sử – thành công trong việc dập tắt kỳ hết mọi hình thức hội nhóm và hoạt động hội nhóm, nhưng các thể chế nhất nguyên ít nhất cũng đã khiến hoạt động tụ tập, lập hội trở thành bất hợp pháp hoặc chỉ có thể được thể hiện thông qua bộ máy đảng – nhà nước và do đó bị cản trở, kìm hãm bởi các mục tiêu chính trị và ý thức hệ của chính quyền.

Mặt khác, các chế độ đa nguyên không chỉ cho phép các nhóm hội được tồn tại, mà còn khuyến khích và thậm chí đòi hỏi điều đó. Các nhóm có thể được mời tham gia vào việc xây dựng chính sách. Một trong những lý do khiến cho hoạt động nhóm nói chung rất mạnh ở Mỹ, là việc văn hóa chính trị Mỹ thừa nhận các nhóm tư có quyền được lên tiếng và được lắng nghe. Điều này được thể hiện rõ trong hiến pháp và được hiến pháp bảo vệ – đó là các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tụ tập, vân vân.

Ở Nhật Bản, không có sự phân biệt rõ ràng giữa không gian công và không gian tư, cho nên đã tạo ra một thứ văn hóa chính trị mà ở đó, trong cả giai đoạn dân chủ lẫn tiền dân chủ, người dân cho rằng chính quyền và giới doanh nghiệp có quan hệ thân thiết với nhau là lẽ đương nhiên.

Ngược lại, ở một số nước Âu châu, các nhóm lợi ích bị nhìn bằng con mắt nghi ngờ. Hiện tượng này đặc biệt đúng ở Pháp, nơi chịu ảnh hưởng của ý thức hệ Jacobin, do đó các nhóm bị coi là phá hoại “ý chí chung” của nhân dân, phá hoại sức mạnh và sự đoàn kết của nhà nước. Ở cao điểm vào năm 1975 chẳng hạn, chỉ có 24% lực lượng lao động Pháp gia nhập công đoàn – con số đó tới năm 1989 chỉ còn 13%. Tuy vậy, văn hóa chính trị Pháp vẫn đại diện cho một truyền thống hành động trực tiếp, như khi những người nông dân Pháp chặn đường sá, cướp xe tải để biểu tình, hay khi sinh viên và công đoàn nổi dậy trong các vụ bê bối chính trị tháng 5/1968.

Cơ cấu thể chế của chính quyền rõ ràng rất có ảnh hưởng đối với các nhóm lợi ích, theo nghĩa là nó thiết lập nên những cửa để người dân tiếp xúc với tiến trình chính sách. Hệ thống chính trị tập trung và thống nhất, như ở Anh, có xu hướng hạn chế ảnh hưởng của nhóm lợi ích và tập trung mọi việc vào tay nhánh hành pháp. Điều này không làm cho nhóm lợi ích trở nên khó tồn tại, nhưng sức nặng vẫn ở trong tay người bên trong chính quyền, và chính quyền có thể đáp ứng hoặc không đáp ứng trước áp lực của nhóm lợi ích.

Tương tự, ở Pháp, hoạt động của nhóm lợi ích cũng tập trung vào tham vấn trực tiếp chính quyền, đặc biệt với sự mạnh lên của vai trò tổng thống và sự suy yếu của Quốc hội trong nền Cộng hòa thứ năm (1958).

Ở Mỹ thì ngược lại, chính quyền phân tán và phi tập trung. Điều đó được phản ánh trong hệ thống quốc hội lưỡng viện, tam quyền phân lập, cơ cấu liên bang và cơ chế bảo hiến.Hệ thống chính trị Mỹ đặc biệt nhạy cảm với áp lực của phe nhóm lợi ích. Chẳng hạn, các nhóm đều biết rằng nếu đánh nhau thua ở Quốc hội thì có thể lôi nhau ra đánh tiếp ở tòa án, ở cấp liên bang hay cấp bang hay cấp địa phương, vân vân. Mặc dù hiện tượng đó chắc chắn là một chất kích thích cho việc hình thành các nhóm phái, và làm tăng số lượng các nhóm có ảnh hưởng, nhưng nó cũng có thể mang tính phá hoại, theo cái nghĩa là hoạt động của các nhóm cuối cùng lại đi đến loại trừ và hủy diệt lẫn nhau (trung hòa lẫn nhau). Có nhiều nhóm lợi ích có khi chỉ làm mỗi việc “phủ quyết” các nhóm khác.

Quan hệ giữa đảng phái và các nhóm lợi ích luôn luôn phức tạp. Nhiều khi, đảng và nhóm còn là đối thủ cạnh tranh của nhau. Trong khi đảng tìm cách tăng cường lợi ích và hoạch định nên các chương trình, chính sách, chủ yếu căn cứ vào các mục tiêu ý thức hệ, thì nhóm lợi ích chỉ quan tâm đến những vấn đề nhỏ hẹp hơn nhiều, những mục tiêu rất cụ thể. Tuy nhiên, nhóm lợi ích lại thường tìm cách gây ảnh hưởng trong đảng và thông qua đảng, đôi khi còn tạo ra đảng nhằm tham gia tranh giành quyền lực. Nhiều đảng xã hội, như Công đảng Anh, là do công đoàn lập ra, và những mối liên hệ tài chính, cơ cấu… giữa họ vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Phe nhóm lợi ích có ảnh hưởng tới mức nào cũng còn tùy hệ thống đảng. Chế độ độc đảng, hoặc đa đảng mà một đảng chi phối tất cả, cũng có xu hướng thu hẹp ảnh hưởng của phe nhóm lợi ích, một cách tự nhiên, để mọi việc tập trung cả vào tay đảng cầm quyền. Do đó, những nhóm lợi ích trong các ngành sản xuất, kinh doanh, thương mại ở Ý và Nhật đều cố gây áp lực thông qua đảng cầm quyền – như đảng Dân chủ Thiên chúa Giáo, đảng Tự do-Dân chủ. Mặc khác, chế độ đa đảng là miếng đất màu mỡ cho hoạt động của các phe nhóm lợi ích, bởi vì đa đảng sẽ giúp cho các phe nhóm lợi ích có nhiều cửa để tiếp xúc với chính quyền hơn. Ảnh hưởng của giới lập pháp lên phe nhóm có lẽ là mạnh nhất ở Mỹ, nơi các đảng yếu cả về tổ chức lẫn kỷ luật. Điều đó thể hiện rõ vào cuối những năm 1970, khi các nhóm lợi ích phá hoại chương trình năng lượng của Tổng thống Jimmy Carter, bất chấp việc đảng Dân chủ có đa số trong cả Thượng viện và Nghị viện.

Cuối cùng, mức độ phát triển của phe nhóm lợi ích còn có quan hệ với những thay đổi trong chính sách công, đặc biệt là trong mức độ nhà nước can thiệp vào đời sống kinh tế và xã hội. Quy luật chung là, chủ nghĩa can thiệp (việc nhà nước ra các chính sách để điều tiết hay quản lý đời sống kinh tế, hay nói rộng ra là chính sách can dự, can thiệp nói chung của nhà nước) luôn đi cùng, tồn tại cùng, tay trong tay, với chủ nghĩa tập đoàn (việc các tập đoàn lớn, các nhóm lợi ích lớn kiểm soát, chi phối cả nhà nước), mặc dù người ta vẫn còn tranh cãi xem cái nào là nguyên nhân, cái nào là kết quả. Liệu các chính sách can thiệp có khiến chính quyền dấn sâu hơn vào quan hệ thân thiết với các nhóm lợi ích có tổ chức, nhằm thu được thông tin, sự tư vấn, lời khuyên và sự hợp tác? Hay liệu các nhóm có tận dụng khả năng tiếp cận với chính quyền để xin bao cấp, viện trợ nhà nước, hay các khoản lợi khác, cho thành viên của nhóm mình? Cho dù câu trả lời là gì đi nữa thì cũng rõ ràng là, trong các nước phương Tây, sự thâm nhập của các nhóm lợi ích có tổ chức vào đời sống công cộng đã đi quá xa.

Hệ thống chính trị Thụy Điển là một ví dụ điển hình của hiện tượng này. Các nhóm lợi ích đã cấu thành một phần không thể thiếu trong sân khấu chính trị Thụy Điển, ở mọi cấp. Có những mối liên hệ, chưa nói là thân thiết, giữa công đoàn và Công đảng Dân chủ Xã hội (SAP). Tiến trình lập pháp ở Riksdag phải gắn với tham vấn rộng rãi các nhóm lợi ích có ảnh hưởng, quan chức nhà nước thì xem những tổ chức/hiệp hội “đỉnh” như là Liên đoàn Lao động Thụy Điển và Liên đoàn Các chủ lao động là “đối tác xã hội”.

Một mô hình tương tự, trong đó giới doanh thương có đại diện rất đáng kể, đã hình thành trong hệ thống chính trị Áo, nơi các nhóm lợi ích lớn trong thương mại, nông nghiệp và lao động đều có tiếng nói mạnh trong vấn đề lập pháp. Ở Đức, các nhóm lợi ích lớn như Liên đoàn Các Hiệp hội Chủ Lao động Đức, Liên đoàn Công nghiệp Đức, Liên đoàn Công đoàn Đức, đều tham gia rất sâu vào việc hình thành chính sách.

Phạm Đoan Trang


1 thought on “CÁI GÌ QUYẾT ĐỊNH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHE NHÓM LỢI ÍCH?”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC