CHỦ NGHĨA BẢO TỒN


Chủ nghĩa bảo tồn ra đời vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, như một sự phản ứng lại đà nổi lên của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc. Lâu nay, người Việt vẫn gọi nó là “chủ nghĩa bảo thủ”, nhưng vì từ “bảo thủ” hàm ý tiêu cực (thủ cựu, cố chấp, không chấp nhận cái mới), nên người viết muốn chọn một cách gọi khác, trung tính hơn, là “bảo tồn”.

Chủ nghĩa bảo tồn được cấu thành bởi các thành tố sau:

1. Truyền thống;
2. Chủ nghĩa thực dụng, tính thực dụng;
3. Quan điểm “con người không hoàn hảo”;
4. Tôn ti trật tự, thứ bậc;
5. Quyền lực của lãnh đạo;
6. Tư hữu tài sản.

1. TRUYỀN THỐNG

Chủ nghĩa bảo tồn có đặc trưng là sự tôn trọng truyền thống, phong tục tập quán và các thiết chế lâu đời. Trong quan niệm của người theo chủ nghĩa bảo tồn, truyền thống là trí tuệ của nhiều thế hệ tích lũy lại, đã được kiểm nghiệm bởi thời gian, cho nên nó đúng đắn, khôn ngoan, đảm bảo duy trì ổn định, trật tự xã hội, và vì thế cần được tôn trọng, bảo tồn.

Xin lưu ý, chủ nghĩa bảo tồn ra đời ở phương Tây, cho nên “truyền thống” ở đây cũng là truyền thống của phương Tây, theo cách hiểu của người phương Tây. Nó không phải phong tục tập quán và các thiết chế của các nước châu Á như Việt Nam, ví dụ, không phải là quan niệm “ăn cây nào, rào cây ấy” hay “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, v.v.

Người theo chủ nghĩa bảo tồn tôn trọng truyền thống, có nghĩa là họ đề cao sự quân tử, tinh thần quý tộc chẳng hạn. Đối với họ, xã hội nên được cai trị bởi các giá trị: sự thủy chung, trung thành, và bởi tầng lớp quý tộc, không phải bởi các công ty vì lợi nhuận. Xã hội phải duy trì nền tảng đạo đức, được dẫn dắt bởi truyền thống và tôn giáo, không phải bởi thị trường tự do.

2. CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG

Chủ nghĩa thực dụng là một ý thức hệ của Mỹ hay nói đúng hơn, của triết học Mỹ. Nó là ý thức hệ cho rằng chỉ có lý thuyết/ hành động nào đã được thực thi và kiểm nghiệm trên thực tế, có mục đích thực tế, và dùng được (khả dụng), mới tốt. Đối với triết gia theo chủ nghĩa thực dụng, ý thức, tư duy không phải là để phản ánh hiện thực. Ý thức, tư duy là công cụ để dự đoán vấn đề, giải quyết vấn đề, và hành động.

Chủ nghĩa thực dụng cũng là một yếu tố cấu thành nên chủ nghĩa bảo tồn. Những người theo chủ nghĩa bảo tồn tin vào truyền thống, kinh nghiệm thực tiễn, lịch sử, và theo trường phái thực dụng.

3. QUAN NIỆM “CON NGƯỜI KHÔNG HOÀN HẢO”

Chủ nghĩa bảo tồn bi quan về con người: năng lực có giới hạn, phụ thuộc, dựa dẫm, chỉ dám dùng cái gì đã được thử nghiệm kiểm chứng, thích sự ổn định, an toàn, trật tự. Về mặt đạo đức, con người tham lam, ích kỷ, thèm khát quyền lực và danh lợi, và tội ác sinh ra từ mỗi con người chứ không phải từ xã hội.

Do đó, chủ nghĩa bảo tồn cổ súy nhà nước mạnh, luật pháp nghiêm minh để đảm bảo duy trì trật tự và kiểm soát những mặt tiêu cực tự nhiên của con người.

4. TÔN TI TRẬT TỰ, THỨ BẬC

Chủ nghĩa bảo tồn thủ trọng tôn ti trật tự, thứ bậc trong xã hội, trong tổ chức. Xã hội phải có tôn ti trật tự, thứ bậc, ai cũng biết vai trò và trách nhiệm của mình.

Chủ nghĩa bảo tồn cho rằng mỗi người trong xã hội đều có vai trò và trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhau (chủ với thợ, giáo viên với sinh viên, bố mẹ với con cái v.v.). Người theo chủ nghĩa bảo tồn luôn đề cao trách nhiệm, ví dụ, người giàu sang, may mắn phải có trách nhiệm với người nghèo khổ, bất hạnh.

Ở khía cạnh nhấn mạnh vào tôn ti trật tự trong xã hội và tự do kinh tế này, chủ nghĩa bảo tồn không đề cao sự bình đẳng như là một giá trị cần theo đuổi; và vì thế so với chủ nghĩa tự do thì nó có khuynh hướng “hữu” hơn. Những người bảo tồn được coi là đi theo thiên hướng chính trị cánh hữu.

“Một người càng coi bình đẳng tuyệt đối giữa người với người là một điều kiện đáng khao khát, thì ông ta/bà ta sẽ càng ngả về phía tả hơn trên phổ ý thức hệ. Một người càng coi bất bình đẳng là điều không thể tránh được, thậm chí đáng khao khát, thì ông ta/ bà ta sẽ càng ngả về phía hữu hơn”.*(Roderick Stackelberg)

* “Hitler’s Germany”, Roderick Stackelberg, Routledge, 1999.

5. QUYỀN LỰC

Chủ nghĩa bảo tồn cho rằng lãnh đạo có quyền và nghĩa vụ định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ cấp dưới vì họ có kinh nghiệm, tài năng, trình độ hơn – giống như cha mẹ với con cái. Tự do phải đi cùng với trách nhiệm, mỗi người phải sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

6. TƯ HỮU TÀI SẢN

Chủ nghĩa bảo thủ đề cao việc sở hữu tài sản, coi đó là điều tối quan trọng để giúp con người được an toàn và độc lập trước chính quyền. Tuy nhiên, ngay cả sở hữu tài sản thì cũng phải đi liền với trách nhiệm, như người giàu phải có trách nhiệm với người nghèo, bởi như đã nói, tự do luôn đi cùng trách nhiệm. Người giàu có một nghĩa vụ cao quý là phải chăm lo cho người nghèo, gồm cả công nhân, nông dân, không để họ thất nghiệp, đói rách.

Áp dụng tư tưởng bảo tồn trong lĩnh vực kinh tế chẳng hạn, người theo chủ nghĩa bảo tồn quan niệm: Nhà nước hạn chế can thiệp vào nền kinh tế. Nhà nước chỉ có nghĩa vụ bảo đảm thực thi pháp luật, thực hiện hợp đồng. Doanh nghiệp phải được quyền tự do về kinh tế để phát triển và tạo ra sự thịnh vượng cho xã hội.

Tuy nhiên, trong các lĩnh vực ngoài kinh tế, đặc biệt là đạo đức và tôn giáo, thì chủ nghĩa bảo tồn lại ủng hộ sự can thiệp của nhà nước. Đối với họ, nhà nước phải cổ súy hôn nhân bền vững, cổ súy quan hệ tình dục khác giới và chung thủy, phản đối quan hệ đồng giới, chống nạo phá thai, cấm văn hóa phẩm đồi trụy, v.v.

Đó là lý do vì sao bạn thấy ở Mỹ, đảng Cộng hòa (đảng mà ý thức hệ họ theo đuổi là chủ nghĩa bảo tồn) phản đối nạo phá thai.

Ở Anh, chính đảng theo đuổi chủ nghĩa bảo tồn là đảng Bảo thủ.Chủ nghĩa bảo tồn được gọi là Toryism trong tiếng Anh, đảng viên đảng Bảo thủ thì được gọi là người Tory.

Đã nói tới hai ý thức hệ rất quan trọng trong triết học chính trị, là chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo tồn (bảo thủ), thì chúng ta cũng nên nói đến một đất nước, hay là một nền chính trị, nổi tiếng với hai chính đảng lớn theo đuổi hai ý thức hệ này và không ngừng cạnh tranh nhau: Mỹ, với đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

* * *

CHỦ NGHĨA TỰ DO VÀ CHỦ NGHĨA BẢO TỒN Ở MỸ

Chủ nghĩa tự do, như chúng ta đã bàn đến từ Chương II, là chủ nghĩa tự do cổ điển, nghĩa là chủ nghĩa tự do theo nghĩa nguyên thủy của nó. Nó ra đời từ cuối thế kỷ 18, và có đặc thù là đề cao tự do, chủ nghĩa cá nhân, sự duy lý, bình đẳng, tinh thần khoan dung, đồng thuận, hợp hiến (hạn chế quyền lực nhà nước để bảo vệ nhân quyền), như chúng ta đã biết.

Tuy nhiên, ở Mỹ, kể từ giữa những năm 1930 dưới thời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt (đảng Dân chủ) và chính sách New Deal của chính phủ Roosevelt, người ta lại nói đến chủ nghĩa tự do như một ý thức hệ không chỉ cổ súy tự do cá nhân mà lại ủng hộ cả việc nhà nước điều hành và can thiệp vào nền kinh tế để bảo đảm mức sống tối thiểu và công ăn việc làm cho người dân. Quá dễ gây lẫn lộn, phải không? Do vậy, để khỏi nhầm lẫn ý thức hệ này với chủ nghĩa tự do cổ điển, người ta gọi nó là chủ nghĩa tự do hiện đại ở Mỹ.

Những người tự do theo chính sách New Deal cho rằng tự do thật sự phải là “tự do có”, tức là có sự can thiệp chủ động của nhà nước để bảo vệ người dân khỏi đói nghèo. Nhà nước không thể không làm gì cả, phó mặc tất cả cho thị trường tự do, mà phải là một nhà nước phúc lợi, tức là phải đảm bảo cho mỗi công dân những điều kiện tối thiểu để có thể sống một cuộc đời đạo đức. Điều này khiến cho đảng Dân chủ có xu hướng “tả”. Đấy là trong lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, ở các lĩnh vực ngoài kinh tế, những người theo chủ nghĩa tự do hiện đại ở Mỹ lại không ủng hộ sự can thiệp của nhà nước, nhất là vào các vấn đề tôn giáo và đạo đức. Ví dụ, họ đòi hỏi nhà nước thế tục (tách biệt chính quyền với thần quyền), không tán thành cầu nguyện tập thể trong các trường công, chống kiểm duyệt văn hóa, và ủng hộ quyền nạo phá thai của phụ nữ vì coi đó là quyền của người phụ nữ tự quyết định những gì thuộc về cơ thể mình.


Truyền thông của hai đảng chỉ trích nhau suốt ngày. Tranh của Dave Granlund


Chủ nghĩa bảo tồn ở Mỹ, ban đầu, cũng là ý thức hệ đề cao các giá trị và thiết chế truyền thống, tôn ti trật tự và trách nhiệm, đề xuất xã hội cần được cai trị bởi tầng lớp quý tộc thay vì doanh nhân mới nổi, như chúng ta đã bàn. Tuy nhiên, kể từ những năm 1930 dưới thời Roosevelt, chủ nghĩa bảo tồn trở thành từ để chỉ ý thức hệ của tất cả những người chống lại chính sách New Deal của Tổng thống Roosevelt và đảng Dân chủ. Người ta gọi nó là chủ nghĩa bảo tồn hiện đại ở Mỹ. Nó có hai nội dung chính:

Ủng hộ tự do kinh tế tuyệt đối: Những người bảo tồn này cho rằng nhà nước chỉ cần bảo đảm các nguyên tắc pháp luật hỗ trợ và thúc đẩy thị trường tự do, và chẳng nên can thiệp gì khác vào nền kinh tế. Thuế phải thấp, chỉ nên ở mức tối thiểu. Tất cả nhằm khuyến khích tự do kinh tế. Điều này khiến cho những người bảo tồn có xu hướng “hữu”.

Bảo vệ, bảo tồn các giá trị truyền thống, như hôn nhân (dị tính) và gia đình, lòng chung thủy, sự ngoan đạo, đạo đức. Những người bảo tồn cho rằng nhà nước có quyền can thiệp để gìn giữ các giá trị đó, đồng thời, ủng hộ cầu nguyện tập thể trong trường công, chống nạo thai, tán thành kiểm duyệt văn hóa (chẳng hạn, cấm phim ảnh đồi trụy).

Những người theo chủ nghĩa bảo tồn ở Mỹ được cho là đã tóm tắt quan điểm của họ lại trong 10 từ sau đây: Stronger Defense, Free Economy, Lower Tax, Smaller Government, Family Values. Có nghĩa là (theo thứ tự):

Quốc phòng mạnhThị trường tự doThuế thấpBộ máy nhà nước nhỏ hơnCác giá trị gia đình

Đảng Cộng hòa ở Mỹ là đảng theo đuổi chủ nghĩa bảo tồn hiện đại này.

Như vậy, ở Mỹ, đảng Dân chủ (theo chủ nghĩa tự do hiện đại) có xu hướng “tả”, còn đảng Cộng hòa (theo chủ nghĩa bảo tồn hiện đại) có xu hướng hữu. Tuy nhiên, không phải cứ đảng nào xưng tên là Dân chủ thì đều có xu hướng tả. Ví dụ như ở Đức, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) lại là đảng bảo tồn, bởi họ đề cao tầm quan trọng của các thiết chế trung gian như nhà thờ, công đoàn…Về kinh tế, CDU cổ súy kinh tế thị trường với điều kiện phát triển phải vì lợi ích chung, đảm bảo xã hội hòa hợp.

* * *

SAO LẠI GỌI LÀ “CÁNH TẢ”, “CÁNH HỮU”?

Trong Hán Việt, tả là trái, hữu là phải. Từ đâu mà nảy sinh khái niệm “cánh tả”, “cánh hữu” trong chính trị?

Nguồn gốc của chúng được cho là bắt đầu từ thời Cách mạng Pháp. Mùa hè năm 1789, Quốc hội nước Pháp họp soạn thảo hiến pháp. Các đại biểu bất đồng sâu sắc xoay quanh việc nên để cho vua Louis XVI nắm quyền lực đến đâu. Hai phe, theo hai quan điểm chính, dần dần đứng sang hai bên trong hội trường. Phe cách mạng, chống lại hoàng gia, đứng về bên tay trái chủ tọa, còn phe quý tộc bảo thủ (bảo tồn), ủng hộ nền quân chủ, thì tập trung lại phía tay phải chủ tọa.

Về sau, báo chí bắt đầu nói về phe “tả” cấp tiến và phe “hữu” truyền thống trong Quốc hội Pháp. Bước sang thế kỷ 19, các nhà lập pháp theo hai chủ nghĩa – tự do và bảo tồn – lại tiếp tục đứng về cánh trái và cánh phải trong cơ quan lập pháp. Cho đến giữa thế kỷ 19, từ “tả” và “hữu” đã có mặt trong tiếng Pháp như cách gọi tên ngắn gọn các ý thức hệ chính trị đối lập nhau. Các đảng phái cũng bắt đầu tự định vị mình là “trung tả”, “trung hữu”, “cực tả”, “cực hữu”.

Từ tiếng Pháp, khái niệm “tả” và “hữu” cũng lan dần sang tiếng Anh và các nước nói tiếng Anh.

Người ta còn diễn tả một số ý thức hệ chính trị phổ biến, có ảnh hưởng, lên một biểu đồ gọi là “dải ý thức hệ”, “phổ ý thức hệ”, và trong cái phổ đó, các chủ nghĩa có xu hướng “tả” thì nằm về bên tay trái, “hữu” thì về bên tay phải, như trong hình dưới đây.

Người dịch dùng từ “chế độ” ở hai khái niệm “chế độ quân chủ” và “chế độ quốc xã” vì cách gọi này có vẻ quen thuộc với độc giả Việt Nam hơn, nhưng thực chất đó cũng là hai chủ nghĩa – ý thức hệ chính trị (tiếng Anh tương ứng là monarchism và nazism).

Phạm Đoan Trang


1 thought on “CHỦ NGHĨA BẢO TỒN”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC