CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ DÂN CHỦ XÃ HỘI


Những tư tưởng chủ nghĩa xã hội thai nghén từ tác phẩm Utopia (xuất bản năm 1516 bằng tiếng Latin, tiếng Việt dịch là: Không tưởng) của Thomas More, thậm chí xa xưa hơn nữa, từ tác phẩm Republic (viết bằng tiếng Hy Lạp, khoảng năm 380 trước Công nguyên, tiếng Việt: Nền cộng hòa) của Plato.

Bản thân khái niệm chủ nghĩa xã hội thì hình thành từ đầu thế kỷ 19, với mục tiêu nguyên thủy là xóa bỏ nền kinh tế tư bản (dựa trên sở hữu tư nhân và trao đổi thị trường), xây dựng xã hội dựa trên công hữu.

Chủ nghĩa xã hội đối lập với chủ nghĩa tư bản

Chủ nghĩa xã hộiChủ nghĩa tư bản
Một hệ thống kinh tế trong đó phương tiện sản xuất, phân phối và trao đổi đều là công hữu (của chung) và do nhà nước quản lý, vận hành.Một hệ thống kinh tế trong đó phương tiện sản xuất, phân phối và trao đổi phần lớn là tư hữu (của tư nhân) và do tư nhân quản lý, vận hành.

Tư tưởng về chủ nghĩa xã hội phát triển trong thế kỷ 19 với một sự thống nhất chung rằng chủ nghĩa tư bản, dựa trên thiết chế sở hữu tư nhân và người bóc lột người, là nguồn gốc của nghèo đói và bất công. Do đó, cách duy nhất để chống lại sự xấu xa của chủ nghĩa tư bản là để cho xã hội sở hữu chung về phương tiện sản xuất, hệ thống phân phối và trao đổi, mà nhà nước là đại diện quản lý. Nhà nước có thể mua lại hoặc tịch thu “những đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh tế và phân phối sản phẩm, dịch vụ cho các cá nhân tùy theo nhu cầu của mỗi cá nhân.Vị đại diện nổi bật và có ảnh hưởng lớn nhất cho quan điểm này là Karl Marx (Các Mác).

Đến cuối thế kỷ 19 thì nổi lên trường phái cải cách chủ nghĩa xã hội: đưa công nhân hội nhập dần vào xã hội tư bản thông qua cải thiện điều kiện lao động, tăng tiền công, phát triển công đoàn và các đảng xã hội; ủng hộ chuyển đổi từ từ, ôn hòa, hợp pháp, sang chủ nghĩa xã hội; ủng hộ đấu tranh nghị trường hơn là bạo lực cách mạng. Một đại diện của quan điểm này là Eduard Bernstein (1850-1932), “ông tổ” của chủ nghĩa xét lại. Ông này khẳng định: Không có chiến tranh giai cấp, và xã hội có thể chuyển đổi ôn hòa sang chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xét lại

Là ý thức hệ sửa đổi, điều chỉnh lại những quan niệm nguyên thủy của một ý thức hệ khác, cũng có thể được coi như sự từ bỏ những nguyên tắc ban đầu của ý thức hệ khác đó.

Trong phong trào cộng sản quốc tế, chủ nghĩa xét lại được hiểu là sự sửa đổi, điều chỉnh lại những quan niệm của chủ nghĩa Mác thuần túy.

Trong những năm 40 và 50 của thế kỷ 20, từ “xét lại” được Stalin và những người ủng hộ ông ta dùng để gọi những người cộng sản nào cho rằng cần phải ưu tiên hàng tiêu dùng hơn công nghiệp nặng, chấp nhận sự khác biệt giữa các dân tộc thay vì cổ súy tinh thần vô sản quốc tế, khuyến khích cải cách dân chủ thay vì trung thành với học thuyết Mác. Tất nhiên, khi đó, “xét lại” là một trọng tội và người xét lại sẽ bị nghiêm trị, bị thanh trừng.

Trong những năm 60 của thế kỷ 20, từ “xét lại” lại được Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản Trung Quốc dùng để công kích Nikita Khrushchev và đảng Cộng sản Liên Xô. Ở Việt Nam thời gian đó, hàng chục người bị quy kết là “xét lại” đã bị các “đồng chí” cộng sản của họ, đứng đầu là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, bỏ tù không qua xét xử. Một trong những người bị tù oan là ông Vũ Thư Hiên – nhà văn, nhà biên kịch, nhà báo, dịch giả, con trai của cụ Vũ Đình Huỳnh (thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ông Hiên bị tù 9 năm không án. Câu chuyện này đã được ông thuật lại trong hồi ký chính trị nổi tiếng Đêm giữa ban ngày.

Bước sang đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa xã hội chia thành hai khối:

  • Khối cách mạng, tức là cộng sản: đi đầu là Lenin và đảng Bolshevik của ông ta, chủ trương công hữu và kế hoạch hóa tập trung.
  • Khối cải cách, sau này trở thành dân chủ xã hội, chủ trương tái phân phối thông qua phúc lợi và quản lý kinh tế. Những tư tưởng đó bắt nguồn từ tư tưởng của nhà “xét lại” Eduard Bernstein.

Bây giờ chúng ta sẽ bàn sâu hơn về các yếu tố cấu thành chủ nghĩa xã hội, và một số hình thái chủ nghĩa xã hội trong lịch sử hiện đại.

CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Chủ nghĩa xã hội truyền thống (theo nghĩa nguyên thủy của nó, hình thành vào đầu thế kỷ 19) được cấu thành bởi các yếu tố sau:

1. Cộng đồng;
2. Tinh thần bác ái;
3. Bình đẳng xã hội;
4. Nhu cầu;
5. Giai cấp;
6. Công hữu (sở hữu chung).

1. Cộng đồng

Chủ nghĩa xã hội đề cao cộng đồng, cho rằng mỗi cá nhân được định hình bởi các mối quan hệ xã hội và bởi việc cá nhân đó là thành viên của các nhóm, các tập thể. Như Karl Marx đã nói: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”.

Chủ nghĩa tập thể quan trọng hơn chủ nghĩa cá nhân. Cái tôi không là gì trước tập thể vĩ đại.

2. Tinh thần bác ái

Người theo chủ nghĩa xã hội quan niệm: Trong cộng đồng, con người ràng buộc với nhau bởi tình đồng chí, tình anh em, hay nói rộng ra là tình bác ái. Với tinh thần bác ái đó, hợp tác quan trọng hơn và quý hơn cạnh tranh. Hợp tác giúp con người phát triển và khai thác sức mạnh tập thể, trong khi cạnh tranh chỉ kích động thù hằn, mâu thuẫn, xung đột.

Có thể với tư duy đó, những người cộng sản Việt Nam cho rằng sự tồn tại của ba đảng cộng sản (trước năm 1930) chỉ chia rẽ quần chúng, còn chế độ đa đảng chỉ dẫn đến việc các đảng tranh giành quyền lực và đảng nào cũng chỉ lo lợi ích của mình, bỏ mặc nhân dân.

3. Bình đẳng xã hội

Chủ nghĩa xã hội đề cao bình đẳng, nhưng là bình đẳng xã hội (tức là về đầu ra), cả xã hội đều bình đẳng như nhau. Đó là giá trị trung tâm, cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Người theo chủ nghĩa xã hội tin rằng bình đẳng là điều kiện thiết yếu để bảo đảm ổn định xã hội, là cơ sở để hợp tác, là cơ sở của các quyền pháp lý và chính trị.

4. Nhu cầu

Chủ nghĩa xã hội quan niệm rằng lợi ích vật chất phải được phân bổ trên cơ sở nhu cầu cá nhân chứ không căn cứ vào tài năng, năng lực cá nhân (hay năng suất) hoặc công việc.

5. Giai cấp

Karl Marx phân loại giai cấp tùy theo quan hệ với tư liệu sản xuất. Ông ta định nghĩa xã hội phân chia giai cấp là xã hội phân chia thành chủ sở hữu tư liệu sản xuất (tư sản) và người bán sức lao động (công nhân). Chủ nghĩa Mác coi công nhân là lực lượng quyết định thay đổi xã hội, thậm chí là lực lượng tạo ra cách mạng vô sản, tiêu diệt giai cấp tư sản, xóa bỏ tư hữu – nguồn gốc của phân chia giai cấp, của tình trạng người bóc lột người và mọi khổ đau khác của xã hội.

Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa xã hội khác (không theo phái Mác) phân loại giai cấp dựa theo thu nhập và địa vị xã hội. Họ cho rằng có thể được hàn gắn sự phân chia giai cấp bằng cách xóa bỏ hoặc thu hẹp bất bình đẳng về kinh tế và xã hội.

6. Công hữu

“Công” là chung, công cộng. Công hữu, tức sở hữu chung, được thể hiện dưới hình thức tập thể hóa hoặc quốc hữu hóa. Chủ nghĩa xã hội coi công hữu là cách để khai thác nguồn lực vì lợi ích chung, còn tư hữu, trái lại, sẽ thúc đẩy tính ích kỷ, hám lợi và dẫn đến chia rẽ xã hội.

Công hữu là một trong những khái niệm trung tâm của chủ nghĩa Mác, là công cụ để xây dựng xã hội cộng sản trên thực tế. Từ năm 1954 ở miền Bắc, và từ năm 1975 ở cả hai miền cho đến năm 1986, nền kinh tế Việt Nam chỉ gồm hai thành phần: kinh tế nhà nước (đại diện bởi các xí nghiệp quốc doanh) và kinh tế tập thể (đại diện bởi các hợp tác xã) – là biểu hiện của việc đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng chế độ công hữu đối với nền kinh tế quốc gia. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội cuối thập niên 80 thế kỷ trước ở Việt Nam, khiến đảng Cộng sản phải tiến hành đổi mới, chấp nhận một nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều chế độ sở hữu với dấu mốc là Đại hội VI (1986). Về bản chất, quyết định cho phép tồn tại sở hữu tư nhân trong nền kinh tế của đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc hàng đầu của chủ nghĩa Mác: thủ tiêu tư hữu, xóa bỏ thị trường.

* * *

CÁC HÌNH THÁI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Đến đây chúng ta sẽ điểm qua một số hình thái chủ nghĩa xã hội trong lịch sử hiện đại: Chủ nghĩa Mác (nguyên thủy), chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, dân chủ xã hội, con đường thứ ba.


1. Chủ nghĩa Mác (nguyên thủy)

Chủ nghĩa Mác nguyên thủy, với tư cách một học thuyết triết học chính trị, khác với trào lưu cộng sản thế kỷ 20 trên thế giới. Nó được cấu thành bởi các yếu tố đặc thù sau:

  • Chủ nghĩa duy vật lịch sử;
  • Phép biện chứng;
  • Khái niệm “sự tha hóa”: Công nhân bị tách rời khỏi sản phẩm đầu ra của sức lao động, tách rời khỏi cả quá trình lao động, tách rời khỏi các bạn công nhân khác và do đó, mất khả năng sáng tạo và tương tác xã hội.
  • Đấu tranh giai cấp;
  • Giá trị thặng dư;
  • Cách mạng vô sản;
  • Chủ nghĩa cộng sản: một hệ thống kinh tế chính trị trong đó chính quyền được vận hành bởi một đảng duy nhất, độc đoán, và kiểm soát toàn bộ phương tiện sản xuất, trao đổi và phân phối.

2. Chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô (chính thống)

Chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, còn gọi là chủ nghĩa cộng sản chính thống, là một thứ ý thức hệ pha trộn giữa chủ nghĩa Mác với các tư tưởng, quan điểm của Lenin và Stalin.

Lenin lý luận: Giai cấp công nhân không ý thức được về sức mạnh của mình, nên chỉ cần cải thiện điều kiện lao động là đã hài lòng rồi, không nghĩ đến sứ mệnh lật đổ chủ nghĩa tư bản. Do đó, cần có một đảng cách mạng làm đội quân tiên phong của giai cấp công nhân. Đó là một đảng kiểu mới, theo nghĩa là: 1. Nó không phải là một đảng quần chúng, mà đảng viên của nó là các nhà cách mạng chuyên nghiệp và dấn thân vì lý tưởng (ở đây là ý thức hệ cộng sản). 2. Nó được tổ chức dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ (có thể tự do thảo luận nhưng phải thống nhất tuyệt đối về hành động – xem “Nguyên tắc tập trung dân chủ” ở Chương III, Phần V). 3. Nó có thứ bậc và kỷ luật chặt chẽ.

Năm 1917, Lenin và đảng Bolshevik của ông ta giành được chính quyền ở nước Nga trong một chính biến mà họ gọi là Cách mạng Tháng Mười. Sau đó, chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô lan rộng theo các diễn biến sau:

  • Năm 1924, Lenin chết, Stalin lên thay.
  • Năm 1928: Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, xóa hết doanh nghiệp tư nhân.
  • Năm 1929: Tập thể hóa nông trang.
  • Thập niên 1930: Tiêu diệt hết đối lập
  • Từ sau năm 1945: Chủ nghĩa cộng sản kiểu Liên Xô được áp dụng rộng khắp ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Đông Âu.

3. Dân chủ xã hội

Trái với tính máy móc và cuồng nhiệt ý thức hệ của chủ nghĩa Mác nguyên thủy và chủ nghĩa cộng sản chính thống, những người theo trường phái dân chủ xã hội nhân văn hơn hẳn. Đó là những người theo các đảng xã hội ở Bắc Âu, Đức, Pháp, Mỹ (không có Anh, vì Công đảng Anh đã tuyên bố bỏ chủ nghĩa xã hội để theo đuổi ý thức hệ tư bản chủ nghĩa).

Người dân chủ xã hội đề cao chủ nghĩa xã hội nhưng cũng đề cao cả dân chủ. Họ tin rằng có thể đạt tới chế độ xã hội chủ nghĩa thông qua và chỉ thông qua con đường dân chủ và hòa bình, chứ không phải bằng đấu tranh giai cấp bạo lực với một đảng cách mạng tiên phong. Cụ thể, các đảng xã hội cạnh tranh với các đảng khác, giành chiến thắng trong bầu cử, và sau đó, nắm chính quyền và điều hành đất nước một cách dân chủ, thi hành những chính sách xã hội ôn hòa.

Người dân chủ xã hội cố gắng cân bằng giữa thị trường và nhà nước, cá nhân và cộng đồng. Mặc dù cũng coi chủ nghĩa tư bản là cơ chế duy nhất để tạo ra của cải, sự thịnh vượng, nhưng họ mong muốn phân phối của cải theo các nguyên tắc đạo đức hơn là các nguyên tắc thị trường. Do đó, họ chủ trương “nhân văn hóa” chế độ tư bản thông qua sự can thiệp của nhà nước:

  • Chính phủ điều tiết nền kinh tế;
  • Nhà nước đánh thuế để lập quỹ phúc lợi.

Đặc điểm nổi bật của ý thức hệ dân chủ xã hội là luôn luôn quan tâm đến những người bị thua thiệt trong xã hội, người yếu thế, người dễ bị tổn thương. Họ cũng tin vào lòng trắc ẩn và nhân hậu, chủ trương bình đẳng về cơ hội (giống chủ nghĩa tự do), chủ trương con người phải có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc người khác (giống chủ nghĩa bảo tồn).

Từ những năm 1980, chế độ dân chủ xã hội ở các nước công nghiệp đã dần thoái trào, do thế giới có nhiều biến đổi, mà nổi bật là:

  • Cơ cấu lao động, giai cấp đã thay đổi: Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và nhân viên văn phòng hơn, ít công nhân và lao động chân tay hơn.
  • Toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn, ảnh hưởng tới các chính sách kinh tế của mỗi quốc gia.
  • Quốc hữu hóa và kế hoạch hóa thất bại ở nhiều ngành kinh tế, kể cả ở nước phát triển.
  • Xã hội mất lòng tin vào chủ nghĩa xã hội, quốc hữu hóa, tập thể hóa, kế hoạch hóa…

4. Con đường thứ ba

“Con đường thứ ba” là một ý thức hệ có tham vọng thay thế cho cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.

Ý thức hệ này quan niệm, chủ nghĩa xã hội và mọi sự can thiệp của nhà nước theo kiểu từ trên xuống dưới, đã hết thời. Nó thừa nhận toàn cầu hóa như một đặc điểm không thể tách rời của thế giới hiện đại, chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành “kinh tế tri thức”. Nó cũng đề cao vai trò của công nghệ thông tin và kỹ năng cá nhân.

Trong nền kinh tế tri thức, nhà nước đóng vai trò thiết yếu về kinh tế và xã hội. Đó là vai trò:

  • Phát triển giáo dục, đào tạo kỹ năng cho dân chúng, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trên toàn cầu;
  • Phát triển xã hội dân sự và các cộng đồng để hạn chế những sức ép của chủ nghĩa tư bản và thị trường.

Những người theo trường phái Con đường thứ ba đề xướng khái niệm “workfare state” (tạm dịch là nhà nước công lợi), tương phản với “welfare state” là nhà nước phúc lợi: Nhà nước hỗ trợ tài chính hoặc giáo dục một cách có điều kiện, ví dụ chỉ dành cho những người đang tìm việc và có ý thức tự lập, chứ nhất định không hỗ trợ rộng rãi, hào phóng, kiểu “chăm lo cho người dân từ trong nôi cho tới lúc xuống mồ”.

Ở các khía cạnh khác, họ kêu gọi cân bằng giữa quyền và trách nhiệm, và chủ trương bình đẳng về cơ hội, ủng hộ chế độ nhân tài (xã hội meritocracy, như chúng ta đã biết).

Phạm Đoan Trang


1 thought on “CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ DÂN CHỦ XÃ HỘI”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC