CÔNG LUẬN VÀ VIỆC LÀM CHÍNH SÁCH


Người dân Mỹ có vô vàn cách và vô vàn cơ hội để lên tiếng, do đó, các nhà làm chính sách ở mọi cấp chính quyền cần ý thức được về sự thay đổi trong các quan niệm của dân chúng. Ngoài việc trả lời khảo sát, thăm dò ý kiến các loại, người dân còn có thể biểu đạt chính kiến thông qua sự tham gia, bao gồm không chỉ việc đi bỏ phiếu bầu cử, mà còn là tham dự các cuộc họp/ hội thảo/ hội nghị, viết hoặc nói chuyện với các quan chức chính quyền, tham gia các nhóm lợi ích, và tham gia các cuộc trưng cầu dân ý hay các sáng kiến lập pháp đặt ở các điểm bỏ phiếu cấp bang hoặc địa phương.

Có những hình thức công dân tham gia trực tiếp vào việc làm chính sách, và nhiều bang cho phép sử dụng các hình thức đó.  Ví dụ như vào năm 2004, cử tri ở bang Colorado phê chuẩn với tỷ lệ 54-46 một cuộc trưng cầu dân ý toàn bang về việc sử dụng năng lượng tái tạo mà trước đó, cơ quan lập pháp của bang đã bác bỏ tới ba lần (…). Năm 2008, cử tri bang Cali thông qua một cuộc trưng cầu dân ý cấm hôn nhân đồng giới, ngay cả sau khi một tòa án ở Cali đã ra phán quyết rằng việc cấm hôn nhân đồng giới trước đó, mà cơ quan lập pháp bang thông qua, là vi hiến.

Bằng trực giác, có thể thấy công luận rất quan trọng trong một nền dân chủ, ngay cả theo một cách ít trực tiếp hơn so với bỏ phiếu. Tuy nhiên, sự thực là phần lớn công dân ít quan tâm đến chính quyền, chính trị, chính sách công. Họ bị những mối quan tâm khác che lấp đầu óc, về gia đình, công việc, nhà ở, và các vấn đề khác quan trọng với họ từng ngày. Kết quả là, họ có thể không có thông tin về các vấn đề chính sách, và họ có thể có những quan điểm sai lầm về chính sách. Các ý kiến như vậy thường được coi là thấp cả về tính gây chú ý lẫn cường độ.

Tính gây chú ý phản ánh mức độ quan trọng của một vấn đề đối với một cá nhân, còn cường độ nói lên sức mạnh của quan điểm, hay là quan điểm đó vững tới độ nào. Cả hai tính chất này đều quan trọng trong việc dự đoán xem liệu mọi người có hành động theo quan điểm của họ không và khả năng cao hay thấp. Ví dụ, hầu hết mọi người đều thể hiện lập trường ủng hộ việc bảo vệ môi trường; nhưng không ai đóng vai trò như nhà hoạt động môi trường khi họ dùng năng lượng, họ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, v.v. Bởi vì chính sách môi trường là một vấn đề có tính gây chú ý thấp, nên ít có khả năng nó sẽ hình thành chủ trương của cử tri khi bỏ phiếu.

Tính ổn định là một chiều kích khác của quan điểm. Nó nói đến sự tiếp tục một quan điểm theo thời gian. Công luận vốn ngắn hạn và thay đổi rất nhanh, có thể bị tác động bởi các sự kiện nhất thời và cách trình bày vấn đề trên truyền thông cũng như từ giới quan chức. Một ví dụ rất hay là cái mà các nhà phân tích công luận gọi là hiệu ứng “tập trung xung quanh một ngọn cờ”, xuất hiện ở người dân khi mà một khủng hoảng mang tính quốc tế bỗng khuấy động lòng yêu nước và sự ủng hộ khác thường đối với tổng thống và các nhà lãnh đạo quốc gia khác. Tổng thống Mỹ George W.Bush rõ ràng đã đắc lợi từ hiệu ứng này sau sự cố 11/9; có thể thấy điều đó trong việc tỷ lệ ủng hộ ông bỗng tăng vọt. Nói như vậy là để chỉ ra rằng, thường rất khó mà biết được công dân muốn gì ở chính quyền và họ sẽ tán đồng với đề xuất chính sách nào. Tuy nhiên, công luận càng ổn định về một vấn đề cụ thể nào đó, thì các nhà làm chính sách càng chắc chắn phải chú ý cân nhắc quan điểm của công chúng khi ra quyết định.

Một phần bởi vì rất ít người dân Mỹ tiếp cận chính quyền và chính sách công với một ý thức hệ (quan điểm, đường lối) rõ ràng và mạnh mẽ, nên họ thường dễ có những quan điểm không nhất quán về vai trò của chính quyền. Xét về khía cạnh ý thức hệ, đa số người Mỹ có xu hướng bảo thủ, tức là họ thích chính quyền nhỏ gọn, có giới hạn, và ít hành chính, ít luật lệ, quy định hơn, nói chung thế. Tuy nhiên, cũng chính đa số này chắc chắn lại muốn đòi hỏi chính phủ phải cung cấp nhiều dịch vụ, từ việc quy định về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm – dược phẩm, đến quy định về chất lượng môi trường, từ việc đảm bảo giáo dục phổ cập đến việc bảo vệ trật tự, an toàn đời sống người dân. Cách mà dân chúng phản ứng với một chính sách bất kỳ phụ thuộc rất nhiều vào việc chính sách đó được trình bày đến người dân như thế nào. Khi những người khảo sát đặt câu hỏi cho người dân về các chương trình chính sách cụ thể, nói chung họ sẽ thấy công chúng tương đối ủng hộ. Cùng lúc đó, có thể các chính trị gia lại đang phải xin công chúng thông cảm, nếu công chúng công kích chính quyền, chỉ trích hệ thống hành chính quan liêu, các loại luật lệ quy định, thuế má… theo một cách rất chung chung.

Bất chấp việc công chúng nói chung thường rất hiểu rất ít về các vấn đề chính sách, có những lý do để tin rằng, nếu được trao cơ hội, các công dân đều sẽ rất thích các vấn đề công cộng và chính sách công, họ sẽ thích tìm hiểu về vấn đề và được có thông tin, họ sẽ sẵn sàng lên tiếng và gây ảnh hưởng tới chính sách công. Đặc biệt ở cấp độ địa phương, các công dân có thể và thực sự đã tham gia, và họ có tiếng nói rất lớn trong chính sách công. Thậm chí, ngay cả trong các lĩnh vực mang tính chuyên môn cao như điện hạt nhân và chính sách về chất thải hạt nhân, những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng công dân có tiềm năng đáng kể để tham gia và gây ảnh hưởng. Hơn nữa, chính quyền có rất nhiều cách để khuyến khích công dân tham gia nhiều hơn nếu họ muốn. Lấy ví dụ các cộng đồng dân cư địa phương đang nỗ lực để được phát triển bền vững hơn chẳng hạn, họ có vô vàn cơ hội để công dân đóng vai trò trung tâm trong tiến trình chính sách.

Phạm Đoan Trang


1 thought on “CÔNG LUẬN VÀ VIỆC LÀM CHÍNH SÁCH”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC