Có vẻ như từ khi tỷ phú Donald Trump trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ (từ ngày 20/01/2017), người Việt bắt đầu nghe nói nhiều đến từ “dân túy”.
Vậy dân túy là gì? Bạn có thể gọi nó là “chủ nghĩa dân túy” (dịch từ tiếng Anh: populism), nhưng có học giả cho rằng nó không đạt tới tầm một ý thức hệ chính trị hay là chủ nghĩa, mà chỉ là một tư tưởng, một cách tư duy về chính trị (John B.Judis, 2016). Quả vậy, bởi vì nó không đạt được đủ bốn tiêu chí của một ý thức hệ, như đã nói ở Chương I, “Thế nào là một chủ nghĩa?”, của Phần IV này.
Dân túy là tư tưởng luôn nhấn mạnh việc ủng hộ những người bình dân, quần chúng, trong tương quan đối lập với giới tinh hoa tham nhũng, bảo thủ, hủ bại. Vâng, điều quan trọng là bên cạnh ủng hộ, cảm thông và chia sẻ với người dân (nói nôm na là “nịnh dân”, “chiều lòng dân”) thì phải chỉ trích và chống lại giới tinh hoa – tức là giới thượng lưu, tài phiệt, doanh nhân, có thể có cả trí thức, vốn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi trong xã hội.
Người bình dân ở đây là ai? Theo John B.Judis, “không có một thành tố nào có thể gom chung hết được “người dân”. Họ có thể là những công nhân cổ xanh, người bán hàng, hoặc sinh viên đang chịu gánh nặng nợ nần; họ cũng có thể là người nghèo hay là tầng lớp trung lưu”.
Chủ nghĩa dân túy cho rằng dân nguyện, hay ý dân, là cơ sở cao nhất để tạo tính chính danh cho hành động chính trị. Những chính trị gia dân túy luôn thể hiện rằng họ gắn bó mật thiết với người dân, họ thấu hiểu những niềm hy vọng, sở nguyện sâu xa nhất của dân chúng, họ đáng tin cậy, còn tất cả các thiết chế trung gian (như xã hội dân sự, các nhóm vận động, nhóm gây áp lực) đều không đáng tin. Tầng lớp tinh hoa bảo thủ, tham lam, hủ bại thì phải bị lên án.
Donald Trump được coi là một tổng thống dân túy, bởi vì ngay từ khi mới nhậm chức, ông đã muốn trục xuất những người nhập cư không giấy tờ, như một cách chiều lòng số đông dân bản địa Mỹ đang sốt ruột trước làn sóng tị nạn dâng lên ở châu Âu.
Một bài viết trên tờ The Economist ngày 19/12/2016 đưa ra thêm một số ví dụ về các biểu hiện của chủ nghĩa dân túy: “Podemos, một đảng dân túy Tây Ban Nha, muốn cho người nhập cư quyền bầu cử. Geert Wilders, chính trị gia dân túy người Hà Lan, muốn xóa bỏ các đạo luật cấm phát ngôn gây thù hận (hate-speech)… Evo Morales, tổng thống dân túy của Bolivia, đã mở rộng quyền trồng coca của nông dân thổ dân. Rodrigo Duterte, tổng thống dân túy của Philippines, đã ra lệnh cho lực lượng cảnh sát tiêu diệt những người bị nghi ngờ là buôn bán ma túy”.
Trong suốt chiều dài tổn tại của nó, nền chính trị cộng sản không có truyền thống quan chức thể hiện mình gắn bó mật thiết với người dân. Do không có cạnh tranh chính trị trong chế độ độc đảng, lá phiếu của dân chẳng có ý nghĩa gì, cho nên các cán bộ cộng sản không chịu sức ép phải lấy lòng dân; họ chỉ cần được lòng cấp trên. Trong đời sống sinh hoạt thường ngày, thậm chí họ còn phải giữ khoảng cách, càng xa dân, càng kín đáo, quan trọng và bí hiểm trước dân càng tốt. Vậy nên nhìn chung, tư tưởng dân túy không phổ biến ở nền chính trị cộng sản. Cá biệt có ông Hồ Chí Minh và một số đồng chí cộng sản thời kỳ đầu của ông có thể tỏ ra mình giản dị, gần gũi, gắn bó mật thiết với người dân… song họ chỉ là một số ít cá nhân và không xác lập được một truyền thống dân túy. Nhất là, sự mờ ảo, bí hiểm ở họ vẫn trội hơn sự bình dị, gần dân.
Từ khi Internet vào Việt Nam (tháng 11/1997) và nhất là từ khi mạng xã hội nở rộ ở Việt Nam (khởi đầu là Yahoo! 360 blog vào năm 2005), chính khách cộng sản bắt đầu nhận thấy nhu cầu phải thể hiện mình hòa đồng, bình dị, gần dân, hiểu tâm tư, nói ngôn ngữ của dân và đặc biệt là hành động khẩn trương, quyết đoán để kịp thời đáp ứng nguyện vọng của dân. Chúng ta có thể “điểm mặt” ngay ở đây vài quan chức dân túy điển hình: Nguyễn Bá Thanh, Đinh La Thăng, Vũ Đức Đam…
Nguyễn Bá Thanh sinh thời được ca ngợi như một chính khách năng động, thẳng thắn, đầy quyết tâm phát triển địa phương. Ông cũng rất chịu khó chăm sóc quan hệ với giới nhà báo (chính thống), luôn tỏ ra hào hiệp và cởi mở với báo chí nên hầu hết các nhà báo từng tiếp xúc, làm việc với Nguyễn Bá Thanh đều yêu quý “anh Thanh” lắm. Nhiều giai thoại về ông được truyền tụng để ca ngợi, như chuyện ông được mời đi xem bóng đá mà lúc hưng phấn quá, nhảy cả xuống sân chỉ đạo. Ông còn nổi tiếng vì câu nói thể hiện quyết tâm chống tham nhũng cao độ: “Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều” (phát biểu tại Hội nghị Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 10/01/2013).
Đinh La Thăng cũng vẽ nên hình ảnh một lãnh đạo trẻ trung, năng động, quyết đoán. Ở tư cách Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông nói thông điệp của ngành là “hành động và hành động”. Ông tham gia đá bóng, chơi đàn, hát hò cùng “anh em cấp dưới”, rất cởi mở thân thiết với giới báo chí (chính thống) và được lòng nhiều nhà báo. Những hình ảnh Đinh La Thăng ôm đàn guitar hát đồng ca hoặc đang cuốc đất trồng cây, lội ao vớt bèo, thường được báo chí hăng hái ghi lại và lan truyền trên mạng.
Vũ Đức Đam cũng rất chịu khó xây dựng hình ảnh cá nhân.
Hậu cảnh của phóng sự ảnh nổi tiếng “Bất ngờ gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một mình khoác balô khảo sát Sơn Trà” (27/5/2017).
Ảnh không rõ nguồn.
Một khái niệm khá gần với chủ nghĩa dân túy ở nghĩa “nịnh dân”, “chiều lòng dân” (nhưng thật ra là phi dân chủ, vì dẹp bỏ hết các thiết chế trung gian như xã hội dân sự) là mị dân. Mị dân là việc một chính trị gia lợi dụng thành kiến và sự kém hiểu biết của dân chúng (dân trí thấp) để kích động tình cảm, sự cảm tính ở họ mà làm lu mờ đi những lập luận duy lý, có lý trí. Các chính trị gia mị dân thường cổ súy những hành động tức thời, kể cả bạo lực, để giải quyết khủng hoảng; họ kêu gọi, kích động dân chúng hành động mạnh mẽ, kể cả dùng bạo lực, đồng thời lên án những người ôn hòa, chừng mực là yếu kém, không quyết đoán, không trung thành. Tất nhiên, chính trị gia mị dân thường có tài hùng biện, và họ luôn sẵn sàng tận dụng tài đó của mình để làm mê hoặc, lôi kéo, dẫn dụ quần chúng.
Năm 1838, James Fenimore Cooper đưa ra bốn đặc điểm xác định một chính trị gia mị dân, như sau:
- Tự xây dựng hình ảnh mình như một người bình dị, gần dân, đối lập với tầng lớp tinh hoa thượng lưu xa dân và ở trên dân;
- Kích động bản năng và cảm xúc của quần chúng;
- Khai thác, lợi dụng những phản ứng bản năng, những cảm xúc của quần chúng để làm lợi cho mình;
- Phá vỡ hoặc ít nhất là đe dọa những thiết chế dân chủ đã được xác lập, những quy tắc hành xử của chính trị gia vốn đã được ngầm mặc định.
Các bạn lưu ý đặc điểm thứ tư ở trên đây: Điều xấu và nguy hiểm ở kẻ mị dân là hắn tuy luôn tỏ ra chiều ý người dân nhưng thực chất lại phá hoại dân chủ, phá vỡ các nguyên tắc của dân chủ, ví dụ nguyên tắc tư pháp độc lập hay bảo đảm tự do báo chí. Ngoài ra, trong việc lôi kéo, dẫn dụ quần chúng, hắn cũng khôn khéo tạo ra cái vỏ giản dị, dân dã, kể cả khi điều đó trái ngược với những quy tắc hành xử thông thường của chính trị gia. Chẳng hạn như sẵn sàng mặc đồ gụ, đi dép cao su, thay vì vận complet thắt cravat. Hay là nói năng thật bỗ bã, kiểu “hốt liền, không nói nhiều”. Hoặc lướt mạng xã hội, chơi facebook, twitter liên tục để giao lưu với người dân. Lịch sử ghi nhận một số chính trị gia mị dân nổi tiếng: Adolf Hitler, Benito Mussolini. Và nếu căn cứ vào bốn đặc điểm nói trên để xác định một lãnh đạo mị dân thì hẳn bạn sẽ nhận ra nhiều gương mặt quen: Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Putin…
Dân túy và mị dân là hai khái niệm rất gần gũi, có nhiều điểm chung. Thứ nhất, các chính trị gia dân túy hay mị dân đều tỏ ra bình dị, gần dân, chiều lòng dân. Thứ hai, cả hai đều phớt lờ sự tồn tại của những thiết chế trung gian – xã hội dân sự – nằm ngoài chính quyền và giúp cân bằng, điều hòa mối quan hệ giữa chính quyền (thống trị) và người dân (bị trị). Vì lý do đó, họ rất dễ tiến đến ngưỡng trở thành phi dân chủ, thậm chí độc tài.
Điểm khác biệt giữa dân túy và mị dân là người dân túy có thể thực lòng muốn chiều theo ý dân, muốn lấy lòng quần chúng trên cơ sở có hướng đến phục vụ số đông bình dân thật. Còn kẻ mị dân thì đơn thuần là cơ hội chính trị, đạo đức giả, chỉ muốn thao túng tình cảm và lợi dụng dân vì tư lợi.
Cũng cần nói rõ rằng, việc tỏ ra gần dân, chiều lòng dân, và lôi kéo, dẫn dụ quần chúng nếu có thể, là điều mà chính trị gia nào cũng muốn làm, cho dù ở thể chế nào. Như chúng ta đã xác định ngay từ Chương I, “Định nghĩa chính trị”, của Phần I, chính trị là việc gây ảnh hưởng lên những người khác, là nghệ thuật vận động. Vì vậy, có thể nói trong mỗi chính khách, mỗi nhà lãnh đạo chính trị hay mỗi quan chức đều ẩn chứa tư tưởng dân túy và thói mị dân, dù ít dù nhiều. Vấn đề là mức độ dân túy, mị dân của họ, cũng như mức độ họ tôn trọng và tuân thủ hiến pháp, nhà nước pháp quyền, nhân quyền và dân chủ, mức độ họ thực sự làm lợi hoặc gây hại cho người dân và xã hội.
* * *
CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ LÒNG YÊU NƯỚC
1. Chủ nghĩa dân tộc
Đến đây chúng ta sẽ bàn về một ý thức hệ được nhắc tới rất nhiều ở Việt Nam những năm vừa qua – tạm coi là những năm đầu của thời toàn cầu hóa: Chủ nghĩa dân tộc (nationalism), hay còn được dịch sang tiếng Việt là chủ nghĩa quốc gia.
Trong tiếng Việt lâu nay, nhiều người vẫn dùng từ “dân tộc” để chỉ một sắc tộc, như dân tộc Kinh, dân tộc Mường, dân tộc Ê-đê… cho nên nếu dịch nationalism là chủ nghĩa dân tộc thì có thể khiến mọi người hiểu sai bản chất của khái niệm này – một khái niệm vốn gắn với quốc gia chứ không phải với sắc tộc. Tuy vậy, do cách dịch đó đã tồn tại quá lâu, nên ở đây, chúng ta cũng đành chấp nhận dùng cụm từ “chủ nghĩa dân tộc”.
Chủ nghĩa dân tộc, theo nghĩa nguyên thủy của nó, là sự gắn bó, về mặt tâm lý, của người dân với một quốc gia cụ thể, dựa trên một lịch sử chung, ngôn ngữ chung, văn học chung, văn hóa chung, và một ước nguyện chung là giành được và/hoặc duy trì được độc lập chính trị.
Việc chia sẻ “một ước nguyện chung là giành được và/hoặc duy trì được độc lập chính trị” là thuộc tính cực kỳ quan trọng của chủ nghĩa dân tộc, bởi nếu không có nó, sẽ không có quốc gia nào tồn tại trong tâm khảm những con người có thể được gọi là “dân” của một quốc gia. Ngôn ngữ không phải yếu tố quyết định. Trên thế giới, không thiếu gì quốc gia đa ngôn ngữ. Ví dụ Thụy Sĩ có bốn thứ tiếng chính thức là Đức, Pháp, Ý, Romansh, nhưng không trở thành bốn quốc gia, bởi vì các thành viên của cộng đồng lớn Thụy Sĩ đều coi cộng đồng lớn của mình là một quốc gia – tức là họ đều chia sẻ ước nguyện chung là duy trì độc lập chính trị.
Từ thế kỷ 20 trở về trước, đặc biệt trong thời phong kiến, chủ nghĩa dân tộc được coi là một phẩm chất tốt đẹp. Trung thành với quốc gia là lòng trung thành cao cả nhất, hơn cả với tôn giáo, gia đình, chủng tộc hay giai cấp. Ngay cả trong nửa đầu thế kỷ 20 với sự nổi lên của làn sóng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản quốc tế và chủ nghĩa phát xít dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc, người ta vẫn chiến đấu vì một ý thức hệ bao trùm là chủ nghĩa dân tộc, hơn là vì chủ nghĩa cộng sản hay vì dân chủ tự do. Nói cách khác, trong các cuộc chiến tranh ấy, bên tham chiến là các quốc gia chứ không phải tôn giáo, giai cấp, hay chủng tộc.
Ở những nước phương Tây tự do, kính yêu lãnh tụ không phải là một phẩm chất tốt đẹp. Nhưng gắn bó và trung thành với quốc gia thì ở đâu, Đông hay Tây, cũng đều được coi là phẩm hạnh. Đó là quan niệm của thời trước.
Tuy thế, từ cuối thế kỷ 20, khi làn sóng toàn cầu hóa bắt đầu dâng lên, thì nhiều nước đã nghĩ lại về khái niệm chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia. Người dân ở các nước phương Tây – vốn cởi mở hơn và hòa nhập vào thế giới toàn cầu hóa nhanh chóng hơn phương Đông – cho rằng chủ nghĩa dân tộc đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, và có hại trong thế giới hiện đại. Đầu óc dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi cản trở một quốc gia hội nhập, chung sống hòa bình và hợp tác với các nước khác. Sớm muộn nó sẽ tạo ra sự cực đoan, tự cô lập, và gây mâu thuẫn, xung đột, bạo lực.
Ở Việt Nam, dân chúng vẫn giữ thói quen mang cờ (càng to càng đẹp) vào sân vận động xem bóng đá trong những trận quốc tế có đội tuyển Việt Nam tham dự. Ở Anh, nếu bạn vác một lá quốc kỳ to vào sân bóng, rất có thể người ta sẽ nhìn bạn như nhìn một kẻ lập dị, cực đoan. Từ “nationalist” – người theo chủ nghĩa dân tộc, người quốc gia – ngày nay đã có hàm ý tiêu cực trong tiếng Anh.
Tuy vậy, tại Trung Quốc, Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc vẫn được đề cao và được coi là động lực để gắn kết toàn dân vì những mục tiêu chung.
2. Lòng yêu nước
Ở trên đã nói, mặc dù ở Mỹ và châu Âu, chủ nghĩa dân tộc đã mang hàm ý tiêu cực (hẹp hòi, cực đoan), nhưng tại Trung Quốc, Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc vẫn được đề cao và được coi là động lực để gắn kết toàn dân vì những mục tiêu chung. Và, ở hai nơi này, nó lại được gọi một cách phổ biến là “lòng yêu nước”, “tình yêu đất nước”, chứ không gọi là “chủ nghĩa dân tộc”. Ví dụ như người ta hay nói “đóng thuế là yêu nước”, chứ không ai nói “đóng thuế là vì chủ nghĩa dân tộc”. Tương tự, trong những cuộc biểu tình chống Tàu ở Việt Nam, người biểu tình cũng nói rằng họ xuống đường vì yêu nước chứ không phải vì chủ nghĩa dân tộc.
Từ đây, nảy sinh một sự nhầm lẫn, hỗn loạn tương đối giữa hai khái niệm: chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước (hay có thể gọi là chủ nghĩa ái quốc).
Để cho rõ ràng, người viết đề xuất rằng chúng ta có thể định nghĩa hai chủ nghĩa này như sau:
- Lòng yêu nước, hay chủ nghĩa ái quốc: sự gắn bó, về mặt tâm lý, của người dân với một quốc gia cụ thể, dựa trên một lịch sử chung, ngôn ngữ chung, văn học chung, văn hóa chung, và một ước nguyện chung là giành được và/hoặc duy trì được độc lập chính trị (chính là nghĩa nguyên thủy của khái niệm chủ nghĩa dân tộc). Trong chừng mực ôn hòa, lòng yêu nước là một phẩm chất tốt đẹp.
- Chủ nghĩa dân tộc, hay chủ nghĩa quốc gia: Là lòng yêu nước được đẩy tới mức cực đoan, trở thành tâm lý sùng bái và tự hào thái quá về đất nước mình, và coi quốc gia là cộng đồng chính trị quan trọng nhất trong mọi loại tổ chức chính trị. Với ý nghĩa đó, nó đã mang hàm ý tiêu cực. Nếu đi tới mức coi đất nước mình là trung tâm của thế giới, ưu việt hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới, thì nó trở thành chủ nghĩa sô-vanh, kiêu ngạo, hung hãn và hiếu chiến.
Lòng yêu nước | Chủ nghĩa dân tộc |
Xuất phát từ tiếng Latin “patria”, nghĩa là quê hương. Là tình cảm gắn bó với một đất nước, không nhất thiết yêu hay tự hào. | Xuất phát từ chữ “nation”, nghĩa là quốc gia. Là ý thức hệ cho rằng quốc gia là trung tâm của việc tổ chức chính trị, đi kèm với sự tự hào và sùng bái đất nước mình. |
Cuối cùng, cho dù là lòng yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc, thì tình cảm gắn bó, trung thành với đất nước rất dễ bị các chính quyền lợi dụng để đoàn kết dân chúng vào những mục tiêu chung, nhiều khi chẳng tốt đẹp gì, ví dụ như tham gia chiến tranh, chém giết sinh mạng con người.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC