ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG ĐẢNG


Chúng ta bắt đầu quá trình tìm hiểu bằng bước căn bản nhất: định nghĩa.

ĐẢNG LÀ GÌ? THẾ NÀO LÀ MỘT ĐẢNG CHÍNH TRỊ?

Đảng là một nhóm có tổ chức, gồm các cá nhân nhất trí với nhau về một hoặc một số nguyên tắc chính trị chung (có thể là một ý thức hệ hay một chính sách v.v.) và cùng nhau hoạt động để giành và giữ quyền lãnh đạo – nhằm phục vụ lợi ích quốc gia và hưởng lợi từ việc có được quyền lãnh đạo đó.

Tất nhiên, cũng tồn tại những đảng nhỏ yếu đến mức họ không có cơ hội nào tham gia cạnh tranh với các đảng khác, mưu giành quyền lãnh đạo. Với những đảng nhỏ yếu như vậy, mục đích của họ là giành một chỗ đứng trong chính trường.

Từ đó, ta thấy rằng đảng chính trị có ba đặc điểm: 1. Có tổ chức; 2. Chung đường lối; 3. Mục đích tối thượng là giành và giữ quyền lực nhà nước. Trong đó, đặc điểm số ba là đặc thù của đảng phái, đã là đảng phái thì phải hoạt động nhằm giành và giữ quyền lực nhà nước.

Hẳn từ lâu, bạn đã quen nghe những lập luận kiểu như “đảng nào thì cũng vì lợi ích của đảng ấy thôi, chẳng có đảng nào vì dân”. Không biết những người nói như vậy có tính cả đảng cộng sản trong đó hay không? Tuy nhiên, cũng đúng là đảng nào cũng vì lợi ích của đảng ấy và thành viên đảng ấy mà thôi. Có điều, vì mục đích của các đảng đều là giành, giữ quyền lực nhà nước và hưởng lợi từ việc giữ quyền ấy, cho nên các đảng sẽ phải cố gắng làm sao để lấy lòng dân, để thu hút được nhiều phiếu bầu của người dân nhất. Do đó, khi các đảng đang vận hành vì lợi ích của mình, đang tranh giành quần chúng, một cách tự nhiên, họ làm lợi cho cử tri của họ, tức là cho dân.

Chính là trong cơ chế độc đảng, không có cạnh tranh chính trị, thì mới có chuyện đảng duy nhất đó chỉ quan tâm đến quyền lợi của nó và bỏ mặc quần chúng, tức những người ở ngoài nó.

A: Đảng nào thì cũng chỉ vì quyền lợi của đảng ấy thôi chứ lo gì cho dân, cho nên đa đảng thì chỉ tổ các đảng đấu đá, tranh giành quyền lực, làm loạn xã hội. Thà một đảng mà chăm lo cho dân còn hơn.

B: Đa đảng, có cơ chế cạnh tranh, mà đảng nào cũng chỉ lo quyền lợi của mình. Thế thì làm thế nào mà một đảng, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, không phải cạnh tranh với ai, lại chăm lo cho dân được? Làm cách nào?

Xin nhấn mạnh mục đích của đảng phái là “hoạt động chính trị để tiến tới nắm chính quyền và cai quản xã hội theo đường lối của họ”. Đây là điều làm cho đảng phái khác với một tổ chức xã hội dân sự nói chung và tổ chức chính trị nói riêng. Tổ chức xã hội dân sự có thể tham gia chính trị, tiến hành các phong trào xã hội (như Occupy Central chẳng hạn), các chiến dịch vận động (như vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc), nhưng chừng nào họ không có mục đích nắm chính quyền, chừng đó họ vẫn không phải là đảng phái.

Chỉ khi nào một tổ chức, ví dụ như Hội Anh Em Dân Chủ, Phong trào Liên đới Dân Oan… theo đuổi việc giành chỗ đứng trong chính quyền, kiểm soát chính quyền, họ mới trở thành đảng phái chính trị.

Bởi vậy cho nên, nếu một đảng, ví dụ Việt Tân, nói với bạn rằng họ không có mục đích giành ngôi vị lãnh đạo đất nước, thì bạn đừng tin, vì nếu như thế họ không còn là đảng nữa. Đã là đảng, phải tham gia chính trị nhằm kiểm soát cương vị lãnh đạo, điều hành nhà nước. Họ có thể chấp nhận chia sẻ hoặc không chia sẻ quyền lãnh đạo đó với đảng khác, nhưng việc giành quyền lực chính trị càng nhiều càng tốt luôn phải là mục đích tối hậu của mọi đảng phái.

Cũng bởi vậy, nên khi Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam (…) là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, thì mặc dù không nói trắng ra là cấm đa đảng, nhưng Điều 4 này đã nhẹ nhàng và nghiêm khắc loại bỏ sự tồn tại của tất cả các đảng khác. Bởi vì chẳng có đảng nào lại không hoạt động để giành quyền lãnh đạo.

Đó là mục đích của đảng, là cái mà nó hướng tới. Vậy các chức năng của nó là gì, hay nói cách, đảng làm được gì, đảng phái có lợi gì cho một xã hội? Phần dưới đây là câu trả lời.

* * *

CHỨC NĂNG CỦA ĐẢNG PHÁI

1. Nâng cao nhận thức dân chúng

Sự tồn tại của các đảng phái có một ý nghĩa quan trọng là nâng cao nhận thức chính trị của người dân, cung cấp thông tin cho người dân về các vấn đề công cộng, các vấn đề chính sách thông qua các hoạt động vận động tranh cử, truyền thông chính trị của họ.

Sự thờ ơ, vô cảm của phần đông dân chúng Việt Nam dưới thời cộng sản có nguyên nhân rất lớn là chế độ độc đảng: Vì chỉ có một đảng, người dân hầu như không còn cơ hội tham gia chính trị, và đảng duy nhất đó không có động lực thực hiện các hoạt động vận động tranh cử, truyền thông chính trị, nên dẫn đến nhận thức chính trị của dân chúng bị hạn chế đáng kể.

2. Cung cấp nhân sự lãnh đo cho nn qun trquc gia

Chức năng thứ hai của đảng phái là cung cấp nhân sự lãnh đạo cho bộ máy chính quyền, thông qua việc đề cử các ứng viên để dân chúng lựa chọn hoặc qua việc chỉ định. Nói cách khác, đảng là tổ chức sản sinh ra các chính trị gia. Một trong các chức năng của một đảng chính trị là tuyển lựa, chiêu mộ và đề cử người cho vị trí lãnh đạo các cơ quan cấp cao của nhà nước.

Vậy các cá nhân có thể tự ứng cử vào vị trí lãnh đạo mà không cần thông qua đảng phái nào, ví dụ một bác sĩ giỏi có thể tự ứng cử vào ghế bộ trưởng y tế không? Câu trả lời: Tất nhiên là có, nhưng thường thì nên có tổ chức.  Vì lý do đơn giản là chúng ta không thể tự mình làm hết mọi việc được; chuyện này lại liên quan đến một khái niệm của ngành kinh tế học, là “chi phí cơ hội”.

Nếu bạn vừa phải làm chuyên môn (y tế), vừa lo vận động tài chính, gây quỹ để làm truyền thông, quảng bá mình, vừa tiếp xúc cử tri để lấy lòng họ, lại vừa phải lo cả khoản hình ảnh (trang điểm, phục sức khi xuất hiện trước công chúng v.v.), thì cứ cho là bạn giỏi tất cả mọi việc, bạn cũng sẽ mất rất nhiều chi phí, trong đó luôn luôn có chi phí cơ hội. Chính vì vậy, bạn cần có tổ chức, với các nhân sự chuyên vào các công việc khác nhau, cụ thể là vào công việc mà chi phí cơ hội của họ là thấp nhất: Bạn sẽ có người của đảng lo hộ bạn khâu gây quỹ, người khác lo việc xây dựng hình ảnh cho bạn, người khác nữa làm cố vấn về chuyên môn và chính sách, v.v. Nói cách khác, đảng là một tổ chức làm chính trị chuyên nghiệp. Nếu bạn muốn làm chính khách, bạn nên là thành viên của một đảng nào đó.

Ở Việt Nam, công dân không có quyền ứng cử vào cơ quan hành pháp. Dù bạn có là một bác sĩ vừa giỏi chuyên môn, vừa có năng lực tổ chức và quản lý, bạn cũng không thể tự ứng cử vào chức bộ trưởng y tế. Bạn phải được thủ tướng (là đảng viên cộng sản) đề cử và được quốc hội (với 95% thành viên là đảng viên cộng sản, 5% là đội ngũ dự bị của đảng cộng sản) phê chuẩn – và đấy mới là vấn đề.

Poster của Chó Hai Đuôi (MKKP) –
Một tổ chức chính trị ở Hungary chưa được đăng ký chính thức làm đảng, vì lý do tên gọi không nghiêm túc.

3. Lập chính sách công

Chức năng thứ ba của đảng phái nói chung là đưa ra các chính sách công hay là cung cấp các giải pháp chính sách, thể hiện thông qua cương lĩnh, chương trình hành động của đảng với cam kết sẽ thực thi chúng nếu họ thắng cử và nắm được chính quyền.

Các đảng đều có đường lối, cương lĩnh chính trị riêng, và đó là nền tảng để họ ban hành chính sách công. Về điểm này, có thể ví chính trị như một thị trường, mà mỗi đảng phái là một công ty cung ứng sản phẩm, sản phẩm đó là các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vậy.

4. Phê bình, phản biện chính sách công

Bên cạnh việc đưa các giải pháp chính sách ra “chào mời”, các đảng phái cũng có chức năng phản biện chính sách, nhất là đảng đối lập. Và, bạn thấy đấy, đó cũng là lý do tại sao phải đa đảng: Thị trường mà chỉ có một nhà cung cấp thì chắc chắn chất lượng sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp ấy chẳng ra gì, không sớm thì muộn.

Xin nhấn mạnh chức năng phản biện chính sách của các đảng phái: Đặt trong bối cảnh Việt Nam, đây là điều bắt buộc phải có. Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách đảng cầm quyền duy nhất, đã sở hữu quá thừa đội ngũ cố vấn chuyên về minh họa chính sách, giải thích đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước cho người dân, mà không có được lực lượng phản biện chính sách chuyên nghiệp – các đảng đối lập. Thiếu phản biện, không có cạnh tranh chính trị, không phải chịu sức ép gì, tất cả những điều đó đã đẩy đảng Cộng sản đi từ sai lầm này tới sai lầm khác trong việc điều hành đất nước.

Mỹ là nơi những đảng phái đầu tiên ra đời, và cũng là nơi mà quyền tự do ngôn luận được bảo vệ rất mạnh mẽ. Ta thường chỉ nghe nói tới hai đảng chính ở Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa, nhưng bên cạnh đó, nền chính trị nước này còn có hàng chục đảng lớn nhỏ khác, không có cơ hội giành quyền thì cũng tranh nhau phản biện đảng cầm quyền. Có câu nói vui: Nhìn chung, các đảng phái ở Mỹ giỏi phê phán hơn là điều hành đất nước. (Các tuyên truyền viên của đảng Cộng sản Việt Nam hẳn là rất thích nghe điều này). Càng tự do, dân chủ, các đảng càng phản biện, tranh luận và cạnh tranh nhiều. Nhưng làm sao ta có thể không thừa nhận tính ưu việt của thực trạng đó được.

5. Làm cầu nối với dân

Chức năng thứ năm của đảng phái là làm sợi dây nối kết chính quyền và người dân. Điều này đặc biệt đúng ở các đảng đối lập. Ta lấy ví dụ, dưới thời cộng sản, nông dân Việt Nam muốn tư hữu hóa đất đai. Nếu như có đảng đối lập thì khi ấy, nông dân có thể vận động đảng đối lập lên tiếng, gây sức ép với đảng Cộng sản cầm quyền để sửa đổi hiến pháp và luật đất đai. Trên thực tế, điều này đã không xảy ra, do Việt Nam chỉ có một đảng.

Đảng phái chính là một cơ chế để thông qua đó, người dân lên tiếng hay nói đúng hơn, những nhóm dân khác nhau lên tiếng. Trong chế độ đa đảng, tồn tại nhiều đảng đối lập, công chúng dễ dàng có tiếng nói hơn nhiều. Ít nhất, ta cũng có thể thể hiện nhu cầu và nguyện vọng bằng cách bầu cho một đảng có đường lối, chính sách đúng ý mình, và không bầu cho đảng có đường lối, chính sách trái ý mình.

6. Đoàn kết những người chung tư tưởng

Người ta cho rằng hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ đã thực hiện tốt chức năng thứ sáu của đảng phái, đó là đoàn kết, thống nhất người dân thuộc các tôn giáo, sắc dân, ngôn ngữ, chủng tộc khác nhau.

Từ định nghĩa và một số chức năng nói trên của một đảng phái, chúng ta có thể chắc chắn một điều, rằng: Đa đảng không đảm bảo dân chủ. Nhưng một đảng thì chắc chắn là độc tài.

* * *

HỆ THỐNG ĐẢNG

Hệ thống đảng là mạng lưới quan hệ giữa các đảng với nhau.

Khi tìm hiểu về một hệ thống chính trị, chúng ta không thể không tìm hiểu về quan hệ giữa các đảng với nhau, bởi nó là yếu tố quyết định cách vận hành của hệ thống chính trị, là chỉ dấu quan trọng cho thấy một đất nước dân chủ đến đâu.

Phân loại hệ thống đảng: Trên thế giới xưa nay, có hai hệ thống đảng chính là: 1. Đa đảng; 2. Độc đảng.

Đa đảng là hệ thống có từ hai đảng trở lên, cùng hoạt động, cạnh tranh bình đẳng với nhau, làm giảm khả năng một đảng nắm trọn chính quyền và tăng khả năng các đảng phải liên minh. Tuy nhiên, ngay cả chế độ đa đảng cũng có một số “biến thể” khác, không đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, như sau:

– Lưỡng đảng: Là hệ thống trong đó có thể có nhiều đảng nhưng chỉ hai đảng đủ mạnh để luân phiên giành quyền lãnh đạo: Một đảng nắm đa số ghế trong quốc hội, đảng kia là đảng đối lập.Ví dụ: Mỹ, Anh.

– Bá quyền: Là hệ thống trong đó có nhiều đảng được phép tồn tại, nhưng chỉ khi được sự cho phép của một đảng cấp cao nhất; và họ tồn tại nhưng không được phép tranh cử, không được phép cạnh tranh với đảng đó.Về bản chất, loại hình này không khác độc đảng là bao. Ví dụ: Trung Quốc, Việt Nam (1954-1975 ở miền Bắc và 1975-1987 trên cả nước).

– Một đảng chi phối: Là hệ thống trong đó có nhiều đảng được phép tồn tại và tranh cử, nhưng một đảng luôn chiến thắng, luôn giành gần như tất cả phiếu bầu. Ví dụ điển hình là Singapore.

Đa đảng không đi đôi với dân chủ. Những nhà nghiên cứu khoa học chính trị trên thế giới đã chỉ ra rằng, tồn tại những thể chế đa đảng mà phi dân chủ hoặc kém dân chủ, như trường hợp Trung Quốc: Đa đảng, song tất cả các đảng đều phải chịu sự lãnh đạo, quản lý của đảng cầm quyền trong một mặt trận thống nhất. Còn có trường hợp, tuy đa đảng, song đảng cầm quyền liên tục thắng cử, giành hết mọi lợi thế để tiếp tục tạo đà… thắng cử tiếp, đẩy các đảng khác vào thế đã yếu ngày càng yếu hơn. Những tiếng nói đối lập bị o ép nhiều bề, bị trấn áp thông qua nhiều hình thức tinh vi. Đó là trường hợp của Singapore với Đảng Nhân dân Hành động (PAP).

Lại có một loại thể chế, loại chế độ mà bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (nhiệm kỳ 2007 – 2016) bảo là “dân chủ gấp vạn lần tư bản”, nhưng vì nó chỉ có một đảng mà suốt hàng chục năm qua không phải chịu sự cạnh tranh hay chí ít là phản biện nào, nên người viết không biết làm cách nào mà nó dân chủ được. Nếu không tin, đố bạn – không phải là đảng viên cộng sản – tham gia vào chính trường trong cái thể chế đó đấy! Chưa kể, trong hệ thống chính trị ấy, nếu bạn thành lập và/hoặc tham gia một đảng nào khác ngoài đảng Cộng sản, bạn đối mặt với nguy cơ tù tội rất cao (vi phạm Điều 79 Bộ luật Hình sự, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, hoặc tội khủng bố, thậm chí phản quốc, v.v.).

Độc đảng, tức là chỉ một đảng được phép tồn tại. Chúng ta có ngay một ví dụ rất điển hình là hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam.

Ở Việt Nam, hoạt động đảng phái dẫn đến tù tội. Đó là một thực tế. Dù vậy, trên lý thuyết, vẫn phải khẳng định sự cần thiết của các đảng phái chính trị trong mọi xã hội.

CHÍNH TRỊ TRONG ĐẢNG

Về cấu trúc, mỗi đảng thường có một ban chấp hành (hay còn gọi là ban điều hành). Đó là cơ quan hoạch định các chính sách của đảng trên toàn quốc. Bên cạnh đó là một cấu trúc cấp ủy trung ương – địa phương, thường dựa trên cấp bầu cử. Chẳng hạn vì Việt Nam có bốn cấp bầu cử là Quốc hội – Hội đồng Nhân dân tỉnh – Hội đồng Nhân dân huyện – Hội đồng Nhân dân xã, nên đảng Cộng sản cũng chia làm bốn cấp chính là Ban Chấp hành Trung ương – Tỉnh ủy – Huyện ủy – Đảng ủy xã.

Thành viên của đảng được gọi là đảng viên, gắn bó trực tiếp, mật thiết với đảng và được công nhận một cách chính thức, ví dụ thông qua lễ kết nạp và được cấp thẻ đảng, sinh hoạt trong một chi bộ đảng nhất định. Quyền và nghĩa vụ của đảng viên với đảng như thế nào thì tùy theo điều lệ, quy định của mỗi đảng, nhưng nói chung mức độ gắn bó và trung thành của đảng viên với đảng phải cao hơn của cảm tình viên. Chẳng hạn như đảng viên thì phải đóng đảng phí và phải chấp hành chủ trương của đảng.

Cảm tình viên của một đảng là người ủng hộ đảng đó (ví dụ: bỏ phiếu bầu cho đảng viên của đảng), nhưng có thể: không hỗ trợ tài chính; không dự họp, mít-tinh hay các sự kiện khác của đảng; không phát tờ rơi, truyền đơn cho đảng; không có đóng góp gì cho đảng.

Mỗi đảng còn có thể thành lập và vận hành các tổ chức ngoại vi dành cho một nhóm đảng viên hoặc cảm tình viên, ví dụ lập ra đoàn thanh niên, tổ phụ nữ, dân tộc thiểu số, v.v.của đảng. Trước năm 1945, đảng Cộng sản Việt Nam từng lập ra Hội Nhi đồng Cứu vong, Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Nông hội Đỏ, Phụ nữ Đỏ…Thời có mạng xã hội, đảng Việt Tân cũng lập ra Cộng đồng Việt Tân, dành riêng cho các đảng viên và cảm tình viên là thanh niên. Như đã nói ở phần “Chức năng của đảng phái”, đảng chính trị có một chức năng quan trọng là cung cấp nhân sự lãnh đạo cho bộ máy chính quyền. Do đó, một trong những hoạt động chính của đảng là tranh cử vào các vị trí lãnh đạo trong chính quyền trung ương hay địa phương. Việc lập ra tổ chức ngoại vi có lợi cho đảng, nhất là trong đào tạo, phát triển nhân sự. Các tổ chức ngoại vi này thường là bước đệm để người tham gia tiến vào các vị trí trong những cơ quan dân cử.

Ở Việt Nam dưới thời cộng sản, tham gia vào các tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản, như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cũng là một bước đệm tốt để “leo” vào các vị trí lãnh đạo (nhưng tất nhiên, không phải trong cơ quan dân cử). Người ta mô tả việc tham gia chính trường như thế là “đi lên từ con đường Đoàn, Đội”.

VẤN ĐỀ DÂN CHỦ TRONG ĐẢNG

Tồn tại hai quan điểm đối lập nhau về chuyện dân chủ trong đảng.

Quan điểm thứ nhất cho rằng dân chủ trong nội bộ một đảng là điều có thể làm được và nội bộ đảng phải dân chủ. Quyền lực trong đảng phải được phân tán rộng rãi và công bằng. Đảng viên phải có quyền tham gia vào các quyết định lớn của đảng. Lãnh đạo cần phải được lựa chọn công bằng thông qua bầu cử trong đảng.

Quan điểm thứ hai cho rằng dân chủ trong nội bộ một đảng là điều bất khả thi hoặc khó có thể làm được; nếu có dân chủ trong đảng thì đó cũng chỉ là hình thức, chứ quyền lực thật sự trong đảng luôn nằm trong tay một thiểu số đảng viên cao cấp lãnh đạo toàn đảng. Lý do là bởi trong mọi tổ chức đều có sự chuyên môn hóa, đi kèm với sự bất bình đẳng về vai trò: Thành viên nào có năng lực hơn các thành viên khác sẽ nổi bật lên, và một nhóm nhỏ các thành viên có năng lực đó sẽ dần dần hội tụ với nhau để hình thành nhóm “tinh hoa”. Bản thân nhóm tinh hoa này cũng có xu hướng cấu kết bởi chỉ có thế nó mới mạnh và có khả năng duy trì quyền lực. Trong khi đó thì đa số thành viên khác – phần còn lại trong tổ chức – lại vừa kém năng lực, vừa thờ ơ với công việc chung, và do đó, phải chấp nhận phụ thuộc vào lãnh đạo.1

Vì lẽ đó, quan điểm thứ hai cho rằng dân chủ trong đảng là không nên có và cũng không thể có. Quyền ra quyết định phải tập trung vào tay số ít đảng viên được bầu làm lãnh đạo. Việc này có thể dẫn đến nền độc tài của thiểu số được bầu hoặc thậm chí của đa số không được bầu. Cho nên kết quả và thực tế là không có dân chủ trong nội bộ đảng.

NGUYÊN TẮC “TẬP TRUNG DÂN CHỦ”

Nguyên tắc tập trung dân chủ là một phát kiến (năm 1917) của Lenin về tổ chức đảng, chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa tổ chức quân ngũ. Theo đó, trong đảng phải bảo đảm hai điều: 1. Tự do trao đổi, thảo luận; nhưng 2. Hành động phải tuyệt đối thống nhất, đoàn kết.2

Sở dĩ gọi là “dân chủ” bởi vì các đảng viên đều có quyền thảo luận về đường lối, chính sách của đảng. Còn “tập trung” thực chất nghĩa là tập quyền, trung ương tập quyền, dồn quyền lực về trung ương. Gọi là “tập trung” bởi theo nguyên tắc này, một khi đa số đã bỏ phiếu quyết định, toàn đảng phải chấp hành.

Có vẻ như nguyên tắc này rất đáng sợ đối với các đảng viên cộng sản, và nó làm nên sức mạnh – cũng đáng sợ như thế – của đảng cộng sản, bởi nó bảo đảm sự thống nhất ý chí cao độ, tuyệt đối trong đảng. Cho dù có thể có bất đồng, mâu thuẫn này nọ giữa các cá nhân, thậm chí có đấu đá, tranh giành ảnh hưởng và quyền lực dữ dội (như chúng ta thường hay thấy trong những tháng trước mỗi kỳ đại hội đảng), nhưng đảng cộng sản vẫn luôn thống nhất, ít nhất là bề ngoài mà đảng thể hiện trước dân chúng cũng là một khối thống nhất.


Điều 9, Điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam quy định:

“Ðảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:

1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Ðảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ðảng là Ðại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Ðảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).

3. Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.

4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Ðảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Ðảng phục tùng Ðại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.

5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Ðảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Ðảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Ðại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Ðảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.

6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên”.

Bạn có thể thấy nguyên tắc tập trung dân chủ ràng buộc đảng viên cộng sản tới mức nào. Hãy để ý, ví dụ quy định “đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Ðại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Ðảng”. Điều đó thực chất có nghĩa là nếu anh/chị chẳng may thuộc về thiểu số có ý kiến khác với đa số, thì chỉ được phép nghĩ một mình thôi, đừng đem đi bàn tán lung tung! Đó có thể là lý do khiến nhiều đảng viên cộng sản là cán bộ, quan chức im lìm suốt thời gian tại vị, về hưu rồi mới dám có “đôi điều suy ngẫm lại” với những nội dung khác, thậm chí trái ngược, đường lối của đảng.

Tóm gọn lại thì phát kiến “tập trung dân chủ” của Lenin, mà các đảng cộng sản trên thế giới đều áp dụng, có những điểm chính sau:

  • Tất cả các cơ quan đảng đều phải giải trình, báo cáo định kỳ hoạt động với tổ chức;
  • Kỷ luật đảng rất nghiêm khắc, thiểu số phải phục tùng đa số;
  • Tất cả các quyết định của các cơ quan cấp trên đều có giá trị ràng buộc tuyệt đối đối với các cơ quan cấp dưới và với tất cả đảng viên.

* * *

TÀI CHÍNH CHO ĐẢNG

Thông thường, tài chính cho một đảng chính trị đến từ ít nhất một trong bốn nguồn sau:

  • Từ đảng phí do các đảng viên đóng;
  • Từ các cá nhân, tổ chức ủng hộ (vì được hưởng lợi từ hoạt động của đảng), như doanh nghiệp, công đoàn, nhóm lợi ích;
  • Từ tài trợ của chính phủ (tính vào chi tiêu công);
  • Từ tài trợ nước ngoài.

Đảng không phải là công ty, do đó, không được đầu tư hay sản xuất, kinh doanh để kiếm lời; chỉ có thể đầu tư vào các tổ chức phi lợi nhuận, các hoạt động phi lợi nhuận. Bù lại, các đảng được miễn thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập.

Tài chính cho đảng là một vấn đề đau đầu với bất kỳ cá nhân hay nhóm người nào nghĩ tới chuyện thành lập đảng. Ở các nước dân chủ đa đảng, các đảng thường xuyên phải tổ chức những chiến dịch vận động gây quỹ, kêu gọi quyên góp tài chính. Thời còn là thượng nghị sĩ, Barack Obama từng quyên góp được 55 triệu USD trong tháng 2/2008, lập kỷ lục về khả năng gây quỹ tranh cử của một ứng viên tổng thống trong một tháng.

Một buổi gây quỹ của Công đảng Úc. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Năm 2014, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn từng có thời gian làm trợ lý cho dân biểu Chris Hayes (Úc), và dự những buổi gây quỹ của Công đảng. Anh kể lại trên facebook cá nhân:

“Không như đảng Cộng sản Việt Nam thường trực ăn bám ngân sách quốc gia (mà thực chất là tiền thuế mồ hôi xương máu của người dân) cho mọi hoạt động ban bệ của nó, các đảng chính trị ở đây đều phải tự thân vận động, thuyết phục những người ủng hộ bằng chính sách và uy tín để có tiền tranh cử.

Trong hình, sếp mình, Dân biểu Chris Hayes, đang phát biểu cảm ơn cử tọa và trình bày chính sách của đảng Lao động, trong khi bên dưới mình cùng các bạn trong văn phòng đi bán vé số cho quan khách để kiếm từng đồng cho quỹ Đảng. Mỗi tờ 10 đô Úc, mại dzô các bác!!!”.

NHƯỢC ĐIỂM CỦA ĐẢNG PHÁI

Ở phần trên, chúng ta đã nói về các chức năng của đảng phái chính trị. Và đó cũng chính là những ưu điểm của đảng phái, hay là lý do cho sự cần thiết phải tồn tại đảng phái.

Tuy nhiên, đảng phái cũng có những nhược điểm của chúng, như:

  • Kỷ luật và thứ bậc (trên-dưới) làm cá nhân mất tự do, làm giảm sức hấp dẫn của đảng;
  • Hành chính và quan liêu, nên dễ chậm đổi mới và xơ cứng;
  • Đảng viên cấp dưới ít quyền lợi, thụ động;
  • Nhiều khi đảng chỉ là công cụ phục vụ những cá nhân hoặc một nhóm cá nhân độc tài;
  • Do mục đích tự thân của đảng phái là tranh giành quyền lực nhà nước, nên đảng viên có thể nhiễm những tính xấu như hay ngờ vực, nịnh trên nạt dưới, ưa giành giật, đấu đá, đố kỵ với người ngoài đảng mình, thậm chí là ngay trong cùng đảng.

    Có những ý kiến nhận xét rằng, nhiều đảng viên (của nhiều đảng chứ không chỉ riêng đảng Cộng sản) trong quan hệ xã hội, trên tư cách cá nhân, thì họ cũng lương thiện và dễ mến, nhưng hễ cứ cư xử với tư cách đảng viên là họ trở nên độc đoán, hay ganh ghét, nặng đầu óc bè phái, ham danh lợi, tham quyền lực, thích hình thức và thành tích… tóm lại là đáng ghét và đáng sợ. Điều đó có thể do văn hóa tổ chức, nhưng cũng có thể là hậu quả của việc tham gia chính trị thông qua con đường đảng phái.

    Đặc biệt, trong thời đại của tốc độ, của Internet và mạng xã hội, đảng phái với tính xơ cứng của chúng có thể kém hấp dẫn so với các tổ chức không phải đảng phái, và phong trào xã hội. Thanh niên chẳng hạn, hẳn sẽ thích tham gia các phong trào xã hội vui nhộn, trẻ trung hơn những tổ chức nặng nề về kỷ luật và trật tự thứ bậc như đảng. Ở các nền dân chủ phương Tây, cùng với việc dân chúng ít đi bỏ phiếu bầu cử hơn, là việc họ ít gắn mình vào trong các đảng phái hơn.

Phạm Đoan Trang


1 thought on “ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG ĐẢNG”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC