Nhìn lại cuộc đời mình từ lúc sinh ra cho đến khi tập tễnh ngồi thiền, được nhìn thấy Phật Thích Ca tọa thiền ngay trước mặt mình, sau đó đến độ tẩu hỏa nhập ma phải kêu cầu với Chúa Giê-su, được các tầng trời mở ra và Chúa Giê-su từ trên cây Thánh giá giang tay đón nhận. Để rồi cuối cùng, được chính Thiên Chúa là Cha trên trời nhận làm nghĩa tử. Con thấy không có chữ gì đúng hơn để gọi cho cuộc đời của con ngoài chữ Duyên cả.
Những ai đã từng đọc truyện hoặc coi phim của Kim Dung, hẳn sẽ biết chuyện về Hư Trúc trong Thiên Long Bát Bộ. Hư Trúc không hề biết chơi cờ vây, ấy vậy mà trong một lần đặc biệt vô tình, đã giải được “ván cờ thế” chưa ai từng giải được của phái Tiêu Dao, để rồi được chân truyền 72 năm thần công của tổ sư Vô Nhai Tử, trở thành một cao thủ võ lâm tuyệt đỉnh.
Cuộc đời con cũng vậy, vốn không hề biết gì cả về Thiền. Ấy vậy, mà khi con nghe theo lời khuyên của một người anh đi trước, mò mẫm tập thiền nhằm mục đích giảm bớt tính khí nóng nảy của mình, thì mọi chuyện xảy ra. Con tập thiền như cá gặp nước, mọi tiến triển đều đến rất nhanh làm con càng tập càng say mê. Có lúc, con còn thấy cả Phật Như Lai tọa thiền trước mặt. Duyên thì bắt đầu từ thiền, nhưng rồi con như bị tẩu hỏa nhập ma, phải kêu cầu đến Thiên Chúa. Sau cùng được Cha đón về như Người Cha Nhân Lành luôn chờ đợi đứa con hoang đàng, hư đốn trở về…
Là một người trần gian, tai phàm mắt thịt, lại sinh ra trong một gia đình không thuộc hẳn một tôn giáo nào vì gia đình con theo truyền thống thờ cúng ông bà, tổ tiên. Nhưng con lại được cho thấy những Hồng Ân lớn lao khác người như vậy, nếu không là Duyên thì phải gọi là gì? Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng, biết trước mọi sự, nên cuộc đời con cũng đã được Ngài sắp đặt, để đến thời điểm thích hợp thì bắt buộc phải “đói rách trở về”, vì chỉ có Cha mới cứu được.
Con sinh ra vào khoảng cuối tháng 6 năm 1962, tại một miền quê hẻo lánh của vùng rừng núi Trà Bồng. Nhưng cả tuổi thơ từ lúc một, hai tuổi cho đến biến cố 30/4/1975 con cũng chưa một lần được thấy hoặc về quê hương của mình. Từ lúc có trí khôn và nhớ được, con chỉ nhớ có một khoảng thời gian gia đình mình sống ở ngã ba Cai Lan, Đà Nẵng rồi sau đó dọn về sống ở đường Nguyễn Hoàng, Đà Nẳng, gần bệnh viện Đa Khoa Đà Nẳng bấy giờ. Về đó rồi con mới bắt đầu đi học Mẫu giáo, rồi lên cấp I ở trường Nam Tiểu Học. Đến năm lớp 6 thì học ở trường Phan Thanh Giản, được hơn nửa chừng thì Cộng Sản bắt đầu tấn công và cưỡng chiếm miền Nam. Bao nhiêu tài sản gia đình dành giụm bấy lâu đều gởi vào Ngân Hàng Quốc Gia Đà Nẳng, nên ba con đành phải theo dòng người chạy lánh nạn Cộng Sản vào Sài-gòn, mong lấy lại tài sản của mình. Nhưng rồi từ đó đến nay, ông vẫn ra đi biền biệt chưa từng có tin tức gì về cho gia đình cả.
Nhớ lại thời ấu thơ, trong xóm có rất nhiều người quê ở Huế. Hằng năm vào dịp Tết hay mùa hè, nhiều đứa bạn chơi chung được theo ba mẹ về quê ăn Tết, con cũng ước mơ được về quê lắm, nhưng chưa được như vậy bao giờ. Ba mẹ kể, quê hương của con là vùng xôi, đậu… nơi mà “ban ngày thì thuộc quốc gia nhưng đêm về lại là Cộng Sản”, một nơi chẳng có sự an toàn, nên không thể về thăm được. Đừng nói chi xa, ngay trong nhà con lúc ấy, ông ngoại và cậu Bốn còn đang đi tập kết ngoài Bắc chưa về.
Lớn lên trong thời chiến tranh loạn lạc, lại gần nhà thương lớn của thành phố. Hàng ngày, luôn có những chiếc máy bay trực thăng cấp cứu chở các binh sĩ bị trọng thương đầy máu me hoặc bất tỉnh trở về. Một đứa trẻ như con, luôn ước ao quê hương mình có ngày được hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Cho ông ngoại và cậu được trở về, dù bên nào thắng cũng chẳng sao…
Ấy vậy mà mùa Xuân 1975 đã trở thành hiện thực. Ước mộng ngây thơ ngày nào không lường được thảm họa ly tán cho cả gia đình. Ba con từ đó đến nay vẫn biền biệt đi mãi không về. Lúc trước ba con đi lính Quân Cụ và có thời gian từng làm cho sở Mỹ nên người trong xóm cứ xầm xì nói ba con làm việc cho CIA. Sau 1975, nhiều người ưa lập công với Cộng Sản lắm, bọn chỉ điểm ở khắp nơi, cứ ưa đặt điều kiếm chuyện với những gia đình liên quan đến Mỹ, Ngụy.
Cũng may là trong nhà có người thân tập kết ngoài Bắc là ông ngoại và cậu Bốn về thăm, nên họ chẳng dám làm gì hơn. Mẹ con sau đó cũng tính đường dọn về quê ở Trà Bồng vì còn bốn đứa con nhỏ đang tuổi đi học, mà ba con thì không còn nữa.
Trà Bồng, quê hương mà con hằng mơ ước cả một tuổi thơ, tuy đẹp và hùng vĩ vô cùng nhưng bà con họ hàng của con sống ở đó thật nghèo làm sao. Lúc con về quê, đi học tiếp lên lớp 7 thì cả xã chỉ có một trường cấp I, còn cấp II thì cả huyện mới có một trường. Con và chị Việt phải khăn gói lên huyện ở trọ học, cuối tuần mới về nhà lấy gạo và thức ăn cho tuần tới. Vì chị Việt hơn con một lớp nên khi dọn về đó thì chị học lớp 8, rồi 9. Năm chị thi lên lớp 10, huyện Trà Bồng lúc ấy chưa có trường cấp III nên chị phải xuống huyện Bình Sơn để trọ học. Năm ấy, con lên lớp 9, vì còn một mình nên vào Quy Nhơn học ở trường Trưng Vương, ở nhà cậu Bốn.
Trong thời gian đi trọ học ở Trà Bồng, con được nghe nhiều người lớn tuổi kể về gia đình của mình. Thì ra, ông nội con là một trong những người cầm đầu trong thời kỳ Ba Tơ – Trà Bồng khởi nghĩa. Sau này khi ông ngoại và cậu Bốn đi tập kết, gia đình bà ngoại bị đưa vào “ấp chiến lược” nơi dành cho thân nhân của gia đình có người đi tập kết. Phần ông nội, không được ra Bắc, lại bị liệt kê vào hàng địa chủ, ông bất mãn với bên Cộng Sản, nhân được phía Quốc gia chiêu hồi, nên trở về với phía Quốc gia. Ba lại phải lòng cô gái xinh đẹp trong “ấp chiến lược”, nên sau khi hai vợ chồng cưới nhau về, đành phải rời bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, tha hương nơi đất khách là thành phố Đà Nẳng lúc bấy giờ, để tránh cảnh xung đột trong chính gia đình thân thuộc của mình.
Cũng trong quãng thời gian mấy năm ngắn ngũi ở Trà Bồng, con mới chứng kiến nhiều cảnh dở cười dở khóc của chế độ Cộng Sản. Những người tri thức có học lại bị xem là tàn dư Mỹ Ngụy, bị cô lập, ức hiếp đến tận cùng. Trái lại, đám ngu dốt, thất học, thậm chí còn không viết được cả tên mình lại được đưa lên làm lãnh đạo. Cả huyện Trà Bồng là như vậy, từ thôn đến xã, đến huyện…
Ở ngoài đời đã vậy, trong học đường cũng chẳng khá hơn. Học sinh cũng bị phân chia theo nhiều thành phần: nào là gia đình nguỵ quân, nguỵ quyền; nào là gia đình có công cách mạng; nào là gia đình thương binh, liệt sĩ… nhiều đứa chẳng thông minh, tài giỏi gì lại là Thiếu nhi bác Hồ, Đoàn viên Cộng Sản… Ngay cả tập thơ lục bát “Nhật Ký Trong Tù” của Hồ chí Minh, chẳng có gì là hay ho cũng được tâng bốc như là văn chương tuyệt phẩm.
Từ nhỏ, con đã đam mê đọc sách, con ham đọc bất cứ cuốn sách nào có thể đọc được. Lúc đầu chỉ là mấy truyện tranh vẽ thiếu nhi, kế tiếp là các tập nhỏ trong tủ sách Hoa Hồng. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên con được đọc chính là “Bên Giòng Sông Trẹm” của Dương Hà. Từ đó, văn chương tiểu thuyết đã đưa con đến tận mây xanh, con đam mê đến nỗi thường trốn lên mái nhà để đọc sách, vì ba con cấm không cho đọc tiểu thuyết. Thời ấy, những truyện tiểu thuyết của Kim Dung đang hồi khuynh đảo miền Nam, con cũng bị cuốn chìm vào cơn sốt ấy…
Phải nói rằng, tánh mê truyện của con có lẽ bắt đầu từ ba. Tuy ông không đọc nhiều, nhưng ông có một cuốn vở, trong đó có ghi khoảng chừng 100 tựa đề những câu chuyện cổ tích nhân gian. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, mấy chị em cứ việc chọn tựa đề nào, là ba sẽ kể câu chuyện đó, ru mấy chị em đi vào giấc ngủ với nhiều mộng đẹp say sưa.
Yêu văn chương từ nhỏ, nên văn chương như trở nên một phần của con vậy. Ngay từ nhỏ, con đã là một tay kể chuyện cừ khôi trong xóm. Tối tối, bọn trẻ con trong xóm, nhiều khi có cả người lớn nữa, cứ yêu cầu con kể chuyện cho chúng nghe. Con vốn đọc truyện nhiều, lại nhớ rất giỏi, nên cứ vậy mà thao thao bất tuyệt.
Các rạp phim hồi đó thường quảng cáo các phim sắp tới bằng những tấm hình với một vài cảnh hay trong phim. Con theo đó, mà suy ra diễn biến trong phim cộng với sức tưởng tượng của mình, kể ra như đã từng coi qua vậy, làm bọn trẻ con trong xóm mê lắm.
Còn văn chương, thi phú thì dù đi học ở đâu con vẫn đứng đầu trong lớp về môn này. Từ lúc nhỏ ở Đà Nẳng hay khi về quê ở Trà Bồng, hay lúc vào Quy Nhơn, rồi xuống Bình Sơn học cấp III, văn chương với con dễ dàng như hơi thở. Nhiều bạn ở khác lớp, nghe tiếng con, nên cứ nhờ làm văn giùm, có bạn còn đưa vở cho con chép thơ hoài…
Bởi vậy, nên cứ nghe người ta ca tụng Hồ chí Minh như thần tượng văn thơ, trong lòng con không phục lắm, con tự biết mình có thể làm tốt hơn nhiều. Đặc biệt có một buổi chiều, bọn trẻ chúng con đang đùa nghịch chia phe đánh nhau trên một miếng đất gần đường trước nhà anh Tịnh. Một ông già đi ngang qua, dừng lại quan sát thật lâu, rồi ông kêu con tới và nói với con: “Cháu có cặp chân mày đại quý, sau này sẽ làm lớn lắm”. Năm ấy con hình như học lớp 8. Về chuyện cặp chân mày này, về sau Cha cho Mai, là vợ con sau này, còn thấy điều kỳ lạ hơn như con đã kể lại trong cuốn Nhật Ký này vào ngày 25-1-2016. Đó là luôn có Cha đi cùng con vào những thời điểm nguy hiểm nhất. Năm xưa ở Trà Bồng, có thể nào ông già ấy đã thấy được cặp chân mày ẩn kia chăng?
Vốn được ươm sẵn trong mình những hạt giống của văn chương, khi lớn lên lại thấy thêm quá nhiều cái sai của chế độ, nay lại được lời tiên tri báo trước số phận của mình. Hỏi làm sao một đứa trẻ như con không khỏi mang nhiều suy nghĩ. Bởi vậy, vào mùa hè 1981 sau khi kết thúc năm học lớp 11, có người rủ đi vượt biên, con gật đầu chấp nhận. Vì nếu tiếp tục sống ở Việt Nam, thì lúc đi thi con không được cộng điểm ưu tiên vì không thuộc thành phần gia đình có công cách mạng hoặc thương binh, liệt sĩ. Trước mắt, chị Việt vừa mới được báo không được thi đại học xong. Còn phần con, tương lai ở Việt Nam cũng chẳng sáng sủa gì.
Ngoài ra, còn có một vấn đề khác quan trọng hơn, là cho đến bấy giờ, ba con vẫn chưa có tin tức gì. Nhưng cả nhà con, đều đinh ninh rằng ba con đã thoát ra được nước ngoài và đang định cư tại Mỹ. Thời ấy, Việt Nam hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, lén nghe tin tức qua đài BBC là trọng tội, bị ghép vào tội phản động và bị bắt tức thời. Bởi vậy, con cũng muốn đi tìm ba cho mẹ. Luôn thể, qua bên đó gia nhập các phong trào phục quốc cũng dễ dàng hơn.
Như con đã nói, mọi chuyện trong đời con như đã có an bài, nên chuyến đi vượt biên của chúng con cũng tiến hành êm đẹp. Tại địa phương vùng biển này, công an làm việc rất gắt gao, từ trước đến giờ, chưa một nhóm nào tổ chức vượt biển thành công. Ấy vậy mà con lúc ấy chỉ là học sinh, đường đời chưa xa lắm, tổ chức thì chẳng biết thế nào, ngoài nhóm bạn của mình thì chẳng biết sẽ đi ghe nào hoặc của ai? đi lúc nào? đường xuống biển ra sao?…
Ấy vậy mà như có bàn tay đẩy đưa của Cha ngay từ lúc ấy… Thật ra, Cha đã từng nhìn xuống mĩm cười với đứa trẻ gan dạ từ lúc mới về Trà Bồng. Thời ấy, ở quê tuy sống với rừng mà người ta lại sợ cọp, voi và gấu lắm. Cọp, voi thì phải gọi là ông, còn gấu thì nghe có ở đâu thì phải tránh…
Rừng Trà Bồng có rất nhiều sim. Sim mọc hoang, có khá nhiều ở những nơi hẻo lánh, vắng người. Đó cũng là nơi cọp thường ưa lai vãng. Mấy tháng hè nghỉ học, bọn trẻ chúng con ngày nào cũng vào núi hái sim, tắm suối… chẳng bỏ chỗ nào. Với cây rựa trong tay, con luôn nhủ thầm, nếu cọp có nhảy ra thì mình cần phải giữ bình tĩnh và hành động cho nhanh và chính xác là được…
Đúng là ngựa non háu đá, chưa biết sợ là gì. Nhưng Cha đã giữ gìn chẳng để chuyện gì xảy ra, làm con càng ngày càng tăng thêm gan dạ.
Có lần nhà nước kêu gọi dời mộ khắp nơi. Vì trong thời gian còn chiến tranh, phương tiện đi lại khó khăn, nên nhiều lúc phải chôn gần đâu đó cho tiện. Bây giờ đất nước đã hòa bình, nhà nước kêu gọi ai có người thân chôn ở nơi xa nên đến đó dời mộ về quê hương cho gần. Trên đường lên Trà Xuân tức huyện Trà Bồng có một đoạn truông vắng người nổi tiếng nhiều ma và cọp. Thời kỳ đó, lại còn có thêm nhiều ngôi mộ quật lên ở hai bên đường, có nhiều quan tài rỗng nằm chình ình trên mặt đất.
Chiều thứ Sáu sau khi học xong đáng lẽ con phải về quê liền, nhưng vì tiếc đêm đó văn nghệ nên nghĩ là chờ xem văn nghệ xong rồi về cũng còn kịp. Thời ấy thanh niên thường hay đi chơi đêm, qua xã khác coi văn nghệ là chuyện thường. Đêm hôm ấy lại có trăng, nên con nghĩ chắc cũng có người ở xã bên kia truông là Trà Phú, cũng qua coi văn nghệ, có gì lúc về mình đi theo bọn họ chắc cũng không sao.
Tối đó, coi văn nghệ xong con đi nhanh về. Nhà trọ nằm trên đường nên khi đi ngang con tạt vào lấy túi là xong. Ai ngờ mấy người đi chung càng lúc càng thưa dần, khi đến gần truông thì họ đã rẻ vào các xóm hết, trên đường chỉ còn mình có mỗi mình con. Tiếp tục đi tiếp xuyên qua truông một mình thì cũng hơi run, mà rút lui trở lại nhà trọ thì mang tiếng nhát. Bởi vậy, con cứ đứng đó chờ chừng 15 – 30 phút, hy vọng có ai hoặc nhóm nào đi xuống mình sẽ đi theo. Nào ngờ, càng về khuya trời càng yên lặng mà vẫn chẳng có một ai. Con đành nhắm mắt đi liều, nghĩ rằng ma bất quá thì cũng chỉ là những người đã chết. Mà người đã chết còn đi dọa mình, thì cần phải có những người ở thế giới bên kia trị họ. Dưới ánh trăng lờ mờ cảnh vật càng tăng thêm phần ma quái, con cứ bước đi nhanh, miệng lầm rầm kêu tên các danh tướng trong lịch sử; thậm chí cả Phật và Chúa… để bảo vệ cho mình. Đêm đó, trời đất linh thiêng, Cha trên trời chắc không khỏi mỉm cười với đứa con ngoại đạo gan dạ này…
Qua được đến Hong Kong, việc con làm ngay đầu tiên là tìm đến văn phòng Hội Chữ Thập Đỏ nhờ tìm giúp ba mình. Họ làm việc rất nhanh và hứa sẽ báo cho con biết liền sau khi liên lạc được với ông. Lúc đầu, con yên tâm chờ đợi với hy vọng tràn trề. Nhưng rồi tháng này qua tháng khác, thậm chí đến tháng 2/1982, sau khi qua định cư ở Hoa Kỳ rồi, con lại nhờ văn phòng họ ở đây tìm kiếm ông thêm lần nữa, vẫn chẳng thấy tăm hơi. Mối hy vọng tìm gặp được ba mình càng ngày càng trở nên mờ nhạt.
Đang có cuộc sống tươi đẹp như mơ bên Việt Nam, lúc ấy con đang giữa tuổi học trò thơ mộng nhất lại thêm con nhà giàu, học giỏi và khá có duyên nên số đào hoa nở rộ, bỗng dưng trở thành mồ côi một mình bơ vơ trên đất khách, con thật bị sốc vô cùng. Trước giờ chưa từng phải lo âu trong cuộc sống, giờ phải đối mặt với cơm áo gạo tiền con thật thấy xót xa. Xót xa cho chính mình để rồi càng căm thù thêm cho chế độ đã gây cho mình phải lâm cảnh nước mất, nhà tan. Thôi thì ước nguyện chính là tìm kiếm ba không thành thì vẫn còn nguyện ước thứ hai: Đó là gia nhập vào các phong trào kháng chiến ở hải ngoại.
Có thể do đọc sách quá nhiều nên phần nào đã khiến cho tâm hồn con cũng nhuộm màu theo tâm hồn cao đẹp của sách: Đó là sống là phải có lý tưởng. Như câu nói của Pavel trong mà con từng thuôc lòng trong “Thép Đã Tôi Thế Đấy”: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người… “.
Bây giờ nếu không làm được gì cho quê hương thì ít ra con cũng dám chết vì quê hương của mình. Nghĩ là làm, nên con không còn do dự nữa. Bởi vậy những năm sau đó, con đã dốc lòng tìm cách gia nhập các phong trào kháng chiến, nhưng rồi đi đến đâu họ cũng hỏi con lúc trước ở binh chủng nào, cấp bực ra sao. Hình như ở hải ngoại này, người ta trông chờ ở những vị tướng bại trận đang sống lưu vong nơi đất khách, hơn là những người tuổi trẻ yêu nước, đầy lòng nhiệt huyết như con.
Ngày xưa chàng thiếu niên Trương Lương từng vì oán hận Tần Thủy Hoàng đã tiêu diệt quê hương mình là nước Hàn, nên quyết tâm tìm thích khách ám sát vua Tần nhưng giết hụt, bị triều đình truy nã khắp nơi, đến nỗi phải thay đổi tên họ đến trốn ở Hạ Bì. Hoàng Thạch Công vì thương Trương Lương ba lần lượm giày, nên không nỡ để cho Trương Lương chết sớm, mà tặng cho cuốn “Thái Công binh pháp”, dựng nên sư nghiệp nhà Hán sau này.
Ngày nay, Cha cũng vì thương con mà cho cơ hội để trở về chánh đạo, sau nhiều năm dài chẳng biết Thiên Chúa là ai? Cha cũng không quản nhọc nhằn trên ba mươi năm trời đồng hành và thay đổi lý tưởng và mọi thứ trong người của con. Những điều Cha tỏ cho con lâu nay, con sẽ sớm viết ra để người đời được rõ, hầu ngợi khen Cha Chí Thánh trên trời. Amen!