Như đã nói ở trên, hệ thống chính trị Việt Nam “có vẻ” như đại nghị, ở chỗ nó có một chủ tịch nước không phải là người đứng đầu chính phủ, thành viên của chính phủ được lấy từ quốc hội và do quốc hội chỉ định, và quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.
Tuy thế, hệ thống chính trị Việt Nam có một đặc thù khác hẳn các chế độ đại nghị: Nó là hệ thống độc đảng, và đảng Cộng sản Việt Nam làm nên một trong ba thành phần chính yếu, chủ chốt của nó.
Trên lý thuyết (do chính đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận), hệ thống chính trị Việt Nam gồm có ba thành phần:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam;
2. Nhà nước;
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên.
Trên thực tế, quyền lực của đảng Cộng sản bao trùm lên tất cả hệ thống chính trị.
ĐẢNG CỘNG SẢN
Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Điều 4 Hiến pháp 2013).
Đảng Cộng sản giữ quyền lãnh đạo nhà nước và khối xã hội dân sự (hay “các tổ chức chính trị-xã hội” như họ đặt tên) thông qua việc áp đặt ý thức hệ cộng sản và các đường lối, cương lĩnh, để từ đó thể chế hóa chúng thành luật, nghị quyết, chỉ thị… Bên cạnh đó, đảng giữ quyền đề cử hoặc bổ nhiệm cán bộ của đảng vào các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Tức là, đảng lãnh đạo “toàn diện, triệt để, tuyệt đối”, bằng đường lối, nhân sự, bằng công tác kiểm tra – thanh tra.
Hệ thống của đảng Cộng sản vận hành giống như hệ thống cấp bậc của nhà nước. Mỗi cơ quan nhà nước đều có một chi bộ đảng chịu trách nhiệm trước đảng bộ địa phương, có thể là cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Trong quân đội và công an, có các chi bộ hoạt động theo đúng với điều lệ và chỉ thị của đảng Cộng sản và theo luật.
NHÀ NƯỚC
Nhà nước CHXHCN Việt Nam bao gồm các thành tố sau:
- Chủ tịch nước;
- Cơ quan hành pháp: gồm Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp (các chính quyền địa phương);
- Cơ quan lập pháp: gồm Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp;
- Cơ quan tư pháp: gồm hệ thống tòa án (Tòa án Nhân dân Tối cao và các tòa án nhân dân địa phương), viện kiểm sát (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các viện kiểm sát nhân dân địa phương), công an.
Cơ quan hành pháp còn bao gồm cả bốn cơ quan ngang bộ là: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, còn Kiểm toán Nhà nước – là một cơ quan độc lập, do Quốc hội bầu ra, hoạt động độc lập và chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thuộc cơ quan nào.
Ở đây bạn sẽ thấy một điều rất kỳ lạ là công an tưởng như thuộc nhánh hành pháp, nhưng hóa ra cũng thuộc cả nhánh tư pháp. Trong hoạt động điều tra, tố tụng, xét xử, công an giữ vai trò hết sức bao trùm và nổi bật. Ngược lại, không có một cơ quan độc lập nào giám sát hoạt động của công an. Không có gì lạ khi tình trạng công an lạm quyền, sử dụng bạo lực quá đà tới mức bạo hành, rồi can thiệp vào bản án, xảy ra thường xuyên và kéo dài hàng chục năm ở Việt Nam.
Các bạn cũng chú ý thêm là khác với ở nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước là một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ. Điều đó cũng có nghĩa là Ngân hàng này không độc lập mà chịu sự quản lý của Chính phủ.
MẶT TRẬN TỔ QUỐC
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo Hiến pháp, “là một liên minh chính trị và liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và các cá nhân đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. “Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, và Hội Cựu Chiến binh là các tổ chức chính trị-xã hội hợp tác với các thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc và thống nhất các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc”.
Như vậy, Mặt trận Tổ quốc hoạt động như một tổ chức “xã hội dân sự” hình thức, quản lý thống nhất các tổ chức xã hội dân sự khác trong cả nước. Nó đóng vai trò rất quan trọng trong bầu cử Quốc hội. (Xem Chương “Bầu cử”, thuộc Phần V, “Tương tác chính trị”).
QUAN HỆ GIỮA CÁC THÀNH PHẦN TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
1. “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”
Tháng 12/1986, Đại hội lần thứ 6 của đảng Cộng sản Việt Nam (tên gọi đầy đủ là “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của đảng Cộng sản Việt Nam”, gọi tắt là “Đại hội VI”) đưa ra một “sáng kiến”. Đó là cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, được ấn định là “cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”.Suốt hàng chục năm sau đó, các cây bút lý luận chính trị của đảng Cộng sản đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để ca ngợi và làm rõ phương châm này, vì thật sự là nó quá khó hiểu và khó áp dụng.
- Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo “toàn diện, triệt để, tuyệt đối”;
- Nhà nước quản lý (nhưng không lãnh đạo);
- Nhân dân làm chủ (nhưng không lãnh đạo cũng không quản lý).
Vấn đề ở đây là, đảng Cộng sản thì có thể lãnh đạo bằng đường lối, nhân sự, thanh tra-kiểm tra, Nhà nước thì có cả bộ máy hành pháp, lập pháp, tư pháp, công an, quân đội, nên cũng có thể quản lý. Còn nhân dân thì sẽ thực hiện quyền làm chủ như thế nào, nếu không có gì trong tay?
Một số nhà lý luận có cố gắng cụ thể hóa cách để nhân dân làm chủ, đó là thông qua các tổ chức “của nhân dân”, đó là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Họ coi Mặt trận Tổ quốc là tập hợp các tầng lớp nhân dân để thể hiện quyền làm chủ của người dân. Tuy nhiên, thực chất cả Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của nó đều chỉ là những tổ chức ngoại vi, những cánh tay nối dài của đảng Cộng sản. Do vậy, bảo người dân phải thể hiện quyền làm chủ thông qua đó thì thật khó khăn.
Nhìn chung, các nhà lý luận bảo rằng nhân dân chắc chắn là chủ, thậm chí “nhân dân làm chủ” là yếu tố trung tâm của cơ chế quản lý toàn xã hội nêu trên, bởi vì mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước đều từ nhân dân, vì nhân dân. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo đảm các hoạt động đó đều của dân, do dân, vì dân thì họ thường không nói rõ, chỉ hô khẩu hiệu như vậy và khẳng định nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Nhà nước.
2. Quan hệ thứ bậc
Trên thực tế, quan hệ trong đảng Cộng sản là quan hệ thứ bậc, có cấp trên-cấp dưới rất rõ ràng. Khoản 4, Điều 9 Điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Ðảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Ðảng phục tùng Ðại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”.
Khoản 5, Điều 9 quy định: “Ðảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Ðại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Ðảng”.
Trong khi đảng viên cấp dưới có nghĩa vụ phục tùng cấp trên thì ngược lại, cấp trên có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức cấp dưới.
Cơ quan hành pháp duy trì một hệ thống cấp bậc trên dưới tương tự. Thủ tướng có quyền phê chuẩn và cách chức chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phê chuẩn và cách chức chủ tịch UBND cấp huyện… Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng vậy.
Cơ quan lập pháp – có thể nói là cơ quan có tính đại diện cho dân cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam trên lý thuyết – thì lại không phân định cấp trên – cấp dưới với quyền và nghĩa vụ ngặt nghèo như hành pháp và Mặt trận Tổ quốc. Quốc hội và các hội đồng nhân dân ở cấp cao hơn chỉ có quyền hướng dẫn và giám sát các hội đồng nhân dân cấp dưới, chứ không có quyền bổ nhiệm hay cách chức. Theo quy định, tất cả đều được dân bầu trực tiếp.
Cơ quan tư pháp cũng không duy trì quyền và nghĩa vụ theo thứ bậc. Trên danh nghĩa, các cấp tòa án đều độc lập. Tòa án cấp cao hơn có quyền bác bỏ kết luận của tòa án cấp dưới, nhưng không có quyền bổ nhiệm, cách chức. Trên thực tế, hệ thống tòa án ở Việt Nam không thể độc lập, một khi thẩm phán luôn phải là đảng viên đảng Cộng sản và phải chấp hành nghị quyết của đảng, phục tùng đa số, phục tùng cấp trên.
Công an, viện kiểm sát, và tòa án cũng thường có các cuộc họp ba bên, gọi là họp liên cơ quan tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử) để thống nhất tinh thần chung trước khi xét xử. Cuộc họp này định hướng đường lối xét xử, có thể nói đây gần như là cuộc bàn bạc định tội trước; sau đó tại tòa, hội đồng xét xử chỉ việc làm theo định hướng đã có sẵn, hay còn gọi là theo chỉ đạo.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC