PHẦN I: QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP
Hiến pháp Hoa Kỳ là bộ luật tối cao của nước Hoa Kỳ. Nó là bản hiến pháp đầu tiên của thế giới được soạn thảo ngày 17 tháng 9, 1787 dựa trên tư tưởng tam quyền phân lập giữa ba nhánh lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Tổng thống), tư pháp (tòa án) do Baron de Montesquieu, một triết gia người Pháp đề xướng. Nó được phê chuẩn sau các cuộc hội nghị tại 13 tiểu bang đầu tiên.
Lúc đầu Bản Hiếp Pháp có bảy điều. Điều I, Điều II, và Điều III thành lập chính phủ liên bang, phân lập ba ngành làm luật là Quốc hội, hành chính là Tổng thống cùng các cấp dưới, tư pháp là Toà án Tối cao cùng các toà bậc dưới. Điều IV, Điều V, và Điều VI quy định quyền hạn của các bang, quan hệ các bang với chính phủ liên bang, thủ tục sửa đổi hiến pháp. Điều VII quy định cách phê chuẩn hiến pháp. Hiến pháp Hoa Kỳ là bộ hiến pháp thành văn lâu đời nhất vẫn hiện hành.[3]
Năm 1789, Hiến pháp Hoa Kỳ có hiệu lực. Từ thế kỷ 18 đến nay, được sửa lại 27 lần, một tu chính án sau bãi bỏ một tu chính án trước.[4][5] Mười tu chính án đầu bảo vệ tự do cá nhân và hạn chế quyền lực chính phủ, gọi là Tuyên ngôn quyền lợi.[6][7] 17 tu chính án sau bảo vệ thêm quyền công dân, giải quyết những vấn đề quyền hạn liên bang, và sửa thủ tục chính phủ. Hiến pháp Hoa Kỳ khác nhiều hiến pháp khác ở chỗ giữ nguyên bản văn gốc, các tu chính án được chép thêm vào.
Thượng nghị viện Hoa Kỳ nhận định: “Ba từ đầu tiên của Hiến pháp — We the People — tỏ ra chính phủ Hoa Kỳ dựng lên để phục vụ công dân. Hai thế kỷ qua rồi, Hiến pháp vẫn có hiệu lực nhờ các nhà lập hiến nhìn xa trông rộng, cẩn thận chia quyền để bảo vệ lợi ích của số đông và số ít, tự do và bình đẳng, liên bang và các bang”.[5] Hiến pháp Hoa Kỳ đẻ ra bộ hiến luật lớn và ảnh hưởng hiến pháp của nhiều nước khác.
Bối cảnh
Chính phủ thứ nhất
Từ ngày 5 tháng 9 năm 1774 đến ngày 1 tháng 3 năm 1781, Quốc hội Lục địa là chính phủ lâm thời của Hoa Kỳ. Đại biểu do uỷ ban liên lạc của Mười Ba thuộc địa cử, không phải chính quyền thuộc địa.[8]
Các điều khoản Hợp bang
Các điều khoản Hợp bang là bộ hiến pháp thứ nhất của Hoa Kỳ.[9] Quốc hội Lục địa khoá Hai soạn từ giữa năm 1776 đến cuối năm 1777, bang sau cùng phê chuẩn vào đầu năm 1781. Các điều khoản Hợp bang trao chính phủ trung ương rất ít quyền. Quốc hội Hợp bang có thể đưa ra quyết định, nhưng không thể thi hành hầu hết, đến cả việc sửa đổi Các điều khoản, trừ phi nghị hội của tất cả 13 bang đều chấp thuận.[10]
Khó khăn chính của Hợp bang, George Washington xét là “không có tiền”.[11] Quốc hội Lục địa có thể in tiền, nhưng vô giá trị. Có thể vay tiền, nhưng không thể trả nợ.[11] Không có bang nào chịu nộp đủ thuế cho Hoa Kỳ; một số bang chẳng đóng một đồng. Vài bang chỉ đóng đủ để trả lãi nợ quốc gia của dân nó.[11] Lãi nợ nước ngoài, không có bang nào chịu trả. Năm 1786, Hoa Kỳ luôn không trả nợ đúng kỳ hạn.[11]
Ngoài nước, Hoa Kỳ không thể khẳng định chủ quyền có hiệu quả. Quân đội Hoa Kỳ chỉ có 625 lính, hầu hết đóng trước các đài pháo của Anh trên đất Mỹ, nhưng không thực sự uy hiếp. Lính không được trả lương; một số thì đã đào ngũ, một số thì doạ làm phản.[12] Tây Ban Nha cấm Hoa Kỳ buôn bán ở New Orleans, quan chức Hoa Kỳ phản đối, nhưng chẳng được tích sự gì. Cướp biển Barbary chiếm đoạt tàu buôn của Mỹ, nhưng Kho bạc không có đủ tiền để chuộc con tin. Khủng hoảng quân sự mà nảy ra thì Quốc hội vừa không có tiền, vừa không thể đánh thuế để đối phó.[11]
Trong nước, Các điều khoản Hợp bang không thống nhất được các bang. Mặc dù Hoa Kỳ ký Hoà ước Paris (năm 1783) với Anh, ghi rõ tên từng bang, nhiều bang vẫn làm trái. New York và Nam Carolina liên tục truy tố những người thân Anh vì hoạt động chống Cách mạng và lấy đất đai họ phân chia lại.[11] Mỗi bang tự cấm vận, đàm phán thẳng với nước ngoài, mộ lính và gây chiến, trái cả lời văn lẫn tinh thần của Các điều khoản.
Tháng 9 năm 1786, năm bang mở hội nghị để tìm cách bỏ chế độ bảo hộ mậu dịch, mở lại buôn bán giữa các bang, James Madison hỏi liệu Các điều khoản Hợp bang có ràng buộc không hay thậm chí có đủ vững để dựng chính phủ không. Connecticut “quyết không chịu” đóng thuế cho Hoa Kỳ trong hai năm.[13] Ở New York, có tin đồn một nhóm nghị viên “phiến loạn” đã mở đàm phán với Phó Vương Canada. Ở phía nam, có tin Anh đang công khai cấp tiền cho người da đỏ Muscogee tấn công Georgia, bang phải lập ra quân luật.[14] Ở Massachusetts, Daniel Shays phát động nổi dậy, Quốc hội không thể cấp tiền giúp, Tướng Benjamin Lincoln phải lấy tiền của các thương gia ở Boston để mộ binh.[15]
Quốc hội bị bế tắc. Nếu không có chín bang tán thành thì không thể làm gì đáng kể, đôi khi cần phải có tất cả 13 bang đồng lòng. Một bang mà chỉ có một đại biểu có mặt thì Quốc hội không được tính phiếu của bang để hội đủ điều kiện chín phiếu. Cũng vậy nếu các đại biểu của bang nửa thuận nửa chống.[16] Quốc hội Hợp bang “hầu như chẳng màng trị lý nữa”.[17] Các nhà cách mạng như George Washington, Benjamin Franklin, và Rufus King thấy lý tưởng Hoa Kỳ là “nước đáng kính” giữa các nước dường như đang mờ dần; giấc mơ nước cộng hoà không cha truyền con nối, lấy dân làm gốc, bầu cử thường xuyên, có thực hiện được không?[18][19]
Ngày 21 tháng 2 năm 1787, Quốc hội Hợp bang triệu tập hội nghị đại biểu các bang ở Philadelphia để làm kế hoạch chính phủ mới.[20] Khác những lần trước, lần này mở hội nghị không để làm luật mới hay thay đổi từng phần, mà là chỉ để “sửa lại Các điều khoản Hợp bang”. Hội nghị không bị hạn chế giải quyết chỉ các vấn đề buôn bán; mục đích chủ yếu chính là “sửa lại hiến pháp liên bang sao cho thoả mãn được các nhu cầu trị nước và giữ gìn được Hợp bang”. Phương án sẽ được trình Quốc hội và các bang.[21]
Hội nghị Lập hiến hẹn họp vào ngày 14 tháng 5 năm 1787, nhưng chỉ có đại biểu của Virginia và Pennsylvania có mặt, cho nên phải dời lại lễ mở màn.[22] Ngày 25 tháng 5, đại biểu của bảy bang họp, Hội nghị có đủ số người, bắt đầu thảo luận. Tổng cộng 12 bang có mặt ở Hội nghị; 74 đại biểu được chỉ định, 55 tham dự, 39 ký tên.[23] Các đại biểu tin chắc rằng cần phải dựng chính quyền trung ương mới, có nhiều thực quyền thay Quốc hội yếu kém dưới Các điều khoản Hợp bang.
Có hai kế hoạch tổ chức chính phủ liên bang:
- Kế hoạch Virginia đề nghị lập Quốc hội hai viện làm cơ quan làm luật cả nước, cả hai dân cử, số đại biểu mỗi bang chia theo số dân. Các bang đông dân được lợi. Nguyên tắc của kế hoạch thì John Locke chủ trương lấy dân làm gốc, Montesquieu phân lập ba quyền, Edward Coke đặt nặng dân quyền.[24]
- Kế hoạch New Jersey đề nghị lập Quốc hội một viện, mỗi bang có một một phiếu. Các bang ít dân được lợi. Nguyên tắc thì Edmund Burke ủng hộ tăng quyền lực của nghị hội, William Blackstone đặt nặng cơ quan làm luật tự chủ, phản ánh chủ trương các bang vốn độc lập và vẫn độc lập mặc dù tự nguyện vào Hợp chúng quốc.[25]
Ngày 31 tháng 5, Hội nghị họp làm “Ủy ban Toàn hội” để xem xét Kế hoạch Virginia. Ngày 13 tháng 6, ra nghị quyết trình Kế hoạch Virginia có sửa đổi lên Hội nghị. Kế hoạch New Jersey được đưa ra để cạnh tranh với Kế hoạch Virginia.
Từ ngày 2 đến ngày 16 tháng 7, “Ủy ban Mười một” (mỗi uỷ viên thay mặt mỗi bang) họp để giải quyết vấn đề chia đại biểu quốc hội, đạt thoả hiệp giữa hai bên.[26] Các đại biểu đều đồng ý lập chính phủ cộng hoà thay mặt người dân các bang, nhưng trái ý hai việc: cách chia đại biểu và cách bầu đại biểu. Ủy ban ra Thoả hiệp Connecticut, đề xuất đại biểu Hạ nghị viện thì chia theo số dân, người dân bầu thẳng, đại biểu Thượng nghị viện thì chia đều, nghị hội các bang bầu, chỉ Hạ nghị viện có quyền đề nghị các dự luật thu nhập chính phủ.[27]
Ngày 24 tháng 7, Hội nghị lập “Ủy ban Nội dung” có John Rutledge (Nam Carolina), Edmund Randolph (Virginia), Nathaniel Gorham (Massachusetts), Oliver Ellsworth (Connecticut), và James Wilson (Pennsylvania) để soạn bản thảo hiến pháp chi tiết theo các nghị quyết của Hội nghị.[28] Từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 6 tháng 8, Hội nghị thôi họp đợi. Ủy ban trình bản thảo hiến pháp có 23 điều cùng với lời mở đầu lên Hội nghị, có thêm một vài sáng kiến.[29]
Từ ngày 6 tháng 8 đến ngày 10 tháng 9, Hội nghị thảo luận bản báo cáo của uỷ ban, từng phần từng khoản. Mỗi điểm được xem xét, các bên thoả hiệp thêm.[26][28] Ngày 8 tháng 9, Hội nghị lập “Ủy ban Văn phong” có Alexander Hamilton (New York), William Samuel Johnson (Connecticut), Rufus King (Massachusetts), James Madison (Virginia), và Gouverneur Morris (Pennsylvania) để sửa lại bản thảo 23 điều.[28] Ngày 12 tháng 9, bản thảo chung bộ được trình lên Hội nghị, có bảy điều, lời mở đầu, và lời bối thư, Morris là tác giả chính.[23] Ủy ban cũng trình một bức thư để chuyển kèm theo hiến pháp lên Quốc hội Hợp bang.[30]
Ngày 17 tháng 9, bản chung bộ do Jacob Shallus chính thức thảo[31] được đưa ra phiên họp cuối cùng của Hội nghị. Một số đại biểu thấy Hội nghị phải thoả hiệp nhiều điểm, không hài lòng lắm. Vài đại biểu bỏ về trước lễ ký kết, ba không chịu ký. Benjamin Franklin phát biểu ở Hội nghị: “Tôi thú nhận Hiến pháp có một số phần tôi không chấp thuận bây giờ, nhưng tôi không chắc sẽ không bao giờ chấp thuận chúng”. Ông ký hiến pháp “bởi vì vừa chẳng mong đợi được điều gì tốt hơn, vừa ngờ đây là thành quả tốt nhất”.[32]
Phe ủng hộ Hiến pháp muốn tất cả 12 bang có mặt ở Hội nghị đồng lòng tán thành; lời bối thư ghi là “Được làm ở Hội nghị, có các bang có mặt đồng lòng tán thành”. Sau cùng, đoàn đại biểu của 11 bang cùng đại biểu còn lại của New York là Alexander Hamilton chấp nhận phương án.[33]
Quốc hội Hợp bang bấy giờ họp ở New York, có quyền tiến hành hoặc phủ quyết việc phê chuẩn Hiến pháp. Sau khi tranh luận nhiều ngày thì bỏ phiếu chuyển văn kiện tới mười ba bang để phê chuẩn theo thủ tục quy định ở Điều VII: mỗi bang sẽ mở “Hội nghị Liên bang” để phê chuẩn, mục đích là đặt nặng “nhân dân” bằng cách mở rộng quyền bỏ phiếu, khác quy định của Các điều khoản Hợp bang là nghị hội tự xét. “Tu chính án” có hiệu lực ràng buộc các bang sau khi ít nhất chín phê chuẩn, cũng khác Các điều khoản Hợp bang là tất cả các bang phải tán thành.
Ba đại biểu ở Hội nghị là Madison, Gorham, và King cũng là đại biểu Quốc hội Hợp bang. Họ đến New York ngay để xoa dịu sự phản đối. Quốc hội biết rõ quyền lực đang mai một, sau khi tranh luận vài cuộc thì đồng lòng quyết định trình hiến pháp lên các bang vào ngày 28 tháng 9, “hợp với các quyết định của Hội nghị”.[34] Tuy nhiên, không ra khuyến nghị ủng hộ hay phản đối phê chuẩn hiến pháp.
Hai phe chống ủng hộ hiến pháp hình thành. Các bang tranh luận, khen chê, giải thích hiến pháp từng điều từng khoản. Ở bang New York, bấy giờ là lò chống phê chuẩn, Hamilton, Madison, cùng Jay xuất bản các bài luận ủng hộ phê chuẩn hiến pháp dưới bút danh Publius, nay được gọi là The Federalist Papers (“Bàn liên bang”). Các bài luận của ba người, Toà án Tối cao thường dẫn làm nguồn đáng tin cậy cùng thời để giải nghĩa các điều khoản của hiến pháp. Hai bên rất cân sức, phe chống liên bang gay gắt đấu tranh.
Ngày 21 tháng 6 năm 1788, hiến pháp có đủ chín bang phê chuẩn theo đúng Điều VII. Cuối tháng 7, 11 bang đã phê chuẩn, Hoa Kỳ bắt đầu tổ chức chính quyền mới. Ngày 13 tháng 9 năm 1788, Quốc hội Hợp bang thông qua nghị quyết chính thức thi hành Hiến pháp mới.[35] Ngày 4 tháng 3 năm 1789, chính phủ liên bang mới bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, hai viện Quốc hội phải hoãn lại cuộc họp đầu tiên vì thiếu đại biểu dự.[36] Ngày 30 tháng 4, George Washington nhậm chức, trở thành tổng thống thứ nhất của Hoa Kỳ. Ngày 21 tháng 11 năm 1789, Bắc Carolina phê chuẩn hiến pháp. Ngày 29 tháng 5 năm 1790, Đảo Rhode.
Bản văn chính
Cả Hội nghị Lập hiến lẫn Quốc hội Hợp bang đều không đặt tiêu đề hiến pháp, cho nên lúc in ấn thì thường lấy tên Frame of government (“Cơ cấu chính phủ”) để tiện cho các hội nghị phê chuẩn bang và việc thông tin công chúng.[37] Cơ cấu chính phủ có lời mở đầu, bảy điều, và lời bối thư có chữ ký.
PHẦN II: NGUYÊN BẢN HIẾN PHÁP HOA KỲ
Lời mở đầu
Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc, với mục đích xây dựng một Liên Bang hoàn hảo hơn, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước và sự phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong liên minh, giữ vững nền tự do cho bản thân và các thế hệ mai sau, quyết định xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này cho Hợp chúng quốc Mỹ châu.
ĐIỀU I
Khoản 1
Mọi quyền lập pháp được bản Hiến pháp này thừa nhận được trao cho Quốc hội Hợp chủng quốc, bao gồm Thượng viện và Hạ viện.
Khoản 2
Hạ viện sẽ gồm các thành viên được dân chúng ở các bang bầu ra cứ hai năm một lần. Cử tri ở mỗi bang phải có phẩm chất cần thiết như phẩm chất của cử tri ở bang có cơ quan lập pháp đông đảo nhất.
Những người được bầu làm Hạ nghị sĩ phải trên 25 tuổi và phải là công dân của Hợp chủng quốc ít nhất bảy năm và vào thời điểm được bầu phải là cư dân ở bang mà người đó được lựa chọn.
Hạ nghị sĩ và các loại thuế trực thu sẽ được phân bổ cho các bang trong Liên minh theo dân số của mỗi bang. Số dân của các bang sẽ xác định bằng cách tính tổng số gồm những người tự do, kể cả những viên chức nhà nước và 3/5 số những người còn lại, không tính những người da đỏ không nộp thuế. Việc kiểm tra dân số sẽ được tiến hành trong vòng ba năm, sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Hợp chủng quốc và sau đấy, cứ 10 năm tiến hành một lần theo cách thức do Quốc hội qui định. Cứ 30.000 người lại có một đại biểu. Cho tới khi lần kiểm tra đầu tiên được tiến hành, Hạ viện sẽ bao gồm 65 đại biểu: New Hampshire sẽ được quyền bầu ba, bang Massachusetts bầu tám, bang Rhodes Island và các đồn điền Quan phòng bầu một, bang Connecticut bầu năm, bang New York bầu sáu, bang New Jersey bầu bốn, bang Pennsynvania bầu tám, bang Delaware bầu một, bang Maryland bầu sáu, bang Virginia bầu mười, bang Bắc Carolina bầu năm, bang Nam Carolina bầu năm và bang Georgia bầu ba đại biểu.
Khi khuyết ghế đại biểu ở bất cứ bang nào thì cơ quan hành pháp của bang đó sẽ ban hành những sắc lệnh định đoạt thể thức cuộc bầu cử, để bổ sung những chỗ trống đó.
Hạ viện sẽ bầu ra Chủ tịch và các quan chức khác của Viện và là Viện duy nhất có quyền luận tội các quan chức.
Khoản 3
Thượng viện Hợp chủng quốc sẽ gồm hai Thượng nghị sĩ của mỗi bang, do cơ quan lập pháp ở đó chọn lựa, với nhiệm kỳ sáu năm và mỗi Thượng nghị sĩ có một phiếu bầu.
Ngay sau khi nhóm họp lần đầu tiên, các Thượng nghị sĩ sẽ được chia đều thành ba nhóm. Thượng nghị sĩ nhóm một sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ hai, Thượng nghị sĩ nhóm hai sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ tư, Thượng nghị sĩ nhóm ba sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ sáu. Sao cho, cứ sau hai năm, sẽ bầu lại một phần ba số Thượng nghĩ sĩ. Nếu có những ghế trống do từ chức hoặc nguyên nhân nào khác trong thời gian ngừng họp của cơ quan lập pháp ở bất cứ bang nào, thì cơ quan hành pháp của bang đó có quyền tạm thời bổ nhiệm người vào ghế trống đó cho đến khi Nghị viện tiểu bang đó nhóm họp và quyết định bổ sung vào chỗ trống.
Những người được bầu làm Thượng nghị sĩ phải trên 30 tuổi và có ít nhất chín năm là công dân Hợp chủng quốc, đồng thời khi được bầu, phải là cư dân của bang mà người đó được tuyển chọn.
Phó tổng thống Hợp chúng quốc sẽ là Chủ tịch Thượng viện, nhưng không có quyền bỏ phiếu, trừ trường hợp số phiếu chống ngang nhau khi biểu quyết.
Thượng viện sẽ lựa chọn những viên chức khác cho Viện mình và một vị quyền Chủ tịch khi Phó Tổng thống Hợp chúng quốc vắng mặt hoặc khi Phó Tổng thống đảm nhận chức vụ Tổng thống Hợp chủng quốc.
Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xét xử mọi vụ luận tội. Khi nhóm họp để xét xử các vụ án này, các Thượng nghị sĩ phải tuyên thệ. Trong trường hợp xét xử Tổng thống, Chánh án Tòa án Tối cao sẽ là chủ tọa phiên tòa. Không ai bị kết án nếu không được 2/3 số Thượng nghị sĩ có mặt đồng ý.
Mức án áp dụng trong những vụ buộc tội này không vượt quá sự cách chức và tước quyền của bị cáo đang đảm nhận một chức tước danh dự hoặc có lợi lộc trong chính quyền Hợp chúng quốc. Tuy nhiên, họ vẫn có thể bị truy tố, xét xử, kết án và trừng phạt theo luật định.
Khoản 4
Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành bầu cử Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ của tiểu bang nào, sẽ do cơ quan lập pháp của bang đó qui định. Nhưng vào bất cứ lúc nào, Quốc hội Liên bang cũng có quyền ban hành luật, hoặc thay đổi các qui định đó, trừ qui định về địa điểm bầu Thượng nghị sĩ.
Quốc hội sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần và các kỳ họp này phải bắt đầu vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng Mười hai, trừ trường hợp Quốc hội qui định một ngày khác, bằng một đạo luật.
Khoản 5
Mỗi viện có quyền qui định thể lệ cuộc bầu cử của mình, về kết quả của cuộc bầu cử đó và về những điều kiện cần thiết của các nghị sĩ. Ða số trong mỗi Viện có quyền thành lập một ủy ban điều hành công việc, còn thiểu số có quyền trì hoãn phiên họp và có quyền buộc những thành viên vắng mặt phải tới họp theo đúng thể thức và phải nhận một hình thức kỷ luật theo qui chế của mỗi Viện.
Mỗi Viện có quyền quy định những qui chế của Viện mình, thi hành kỷ luật những thành viên có hành vi sai phạm và khai trừ thành viên với sự nhất trí của 2/3 số thành viên.
Mỗi Viện có quyền giữ một cuốn sổ ghi những hoạt động của Viện và theo định kỳ, phải công bố những điều đã ghi, ngoại trừ những việc mà Viện đó cho là cần phải giữ bí mật. Những phiếu thuận và phiếu chống của các thành viên thuộc hai Viện về mọi vấn đề phải được ghi vào cuốn sổ này nếu có yêu cầu của một phần năm các thành viên có mặt.
Trong thời gian Quốc hội họp, không Viện nào được nghỉ họp quá ba ngày hoặc chuyển địa điểm khác với địa điểm mà hai Viện đã quyết định, nếu không được sự đồng ý của Viện kia.
Khoản 6
Các Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ được nhận một khoản trợ cấp cho công việc của mình do luật định và được thanh toán bằng Ngân khố của Hợp chúng quốc. Trong mọi trường hợp, trừ tội phản quốc, trọng tội và tội phá rối an ninh, họ được hưởng đặc quyền không bị bắt giam trong thời gian tham dự khóa họp của Viện, trong khi tới dự cuộc họp và trở về nhà từ cuộc họp. Mọi những lời phát biểu và tranh luận của họ trong cả hai Viện này đều không bị chất vấn tại bất kỳ nơi nào khác.
Trong nhiệm kỳ được bầu của mình, không Thượng nghị sĩ hoặc Hạ nghị sĩ nào được bổ nhiệm vào một chức vụ dân sự trong chính quyền Hợp chúng quốc, lương bổng của họ cũng không được tăng trong thời gian đó. Không một ai khi đang đảm nhiệm bất kỳ chức vụ dân sự trong chính quyền Hợp chúng quốc lại được bầu vào bất cứ Viện nào của Quốc hội.
Khoản 7
Mọi dự luật về lợi tức đều phải do Hạ viện khởi xướng, nhưng Thượng viện có quyền đề nghị hoặc chấp thuận những điều sửa đổi trong các dự luật này như với những dự luật khác.
Mọi đạo luật phải được thông qua bởi Hạ viện và Thượng viện, nhưng trước khi trở thành luật, phải gửi cho Tổng thống của Hợp chúng quốc phê chuẩn. Nếu tán thành, Tổng thống sẽ thể hiện sự đồng ý của mình bằng việc ký vào đạo luật đó. Nhưng nếu thấy việc phê chuẩn đạo luật này là không chính đáng, Tổng thống sẽ trả lại Viện đã khởi xướng đạo luật này cùng với ý kiến không tán thành. Viện này sẽ ghi chép tường tận những ý kiến không tán thành của Tổng thống vào sổ ghi chép của Quốc hội và tiến hành xem xét lại dự luật. Nếu sau khi xem xét, 2/3 thành viên của Viện đó đồng ý thông qua, bất chấp sự phản bác của Tổng thống, thì dự luật sẽ được gửi cho Viện kia, kèm theo ý kiến không tán thành của Tổng thống, để Viện này xem xét. Nếu được 2/3 thành viên của Viện đó phê chuẩn, thì dự luật này sẽ trở thành đạo luật. Nhưng trong mọi trường hợp, cuộc biểu quyết của mỗi Viện được định đoạt bởi các phiếu thuận và chống. Tên của những nghị sĩ tán thành và không tán thành dự luật đó phải được ghi vào cuốn sổ hoạt động của mỗi Viện. Những dự luật mà Tổng thống không gửi trả lại trong vòng 10 ngày (không kể ngày Chủ Nhật) sau ngày đệ trình lên Tổng thống sẽ trở thành đạo luật, như trường hợp Tổng thống đã phê chuẩn, trừ trường hợp vì Quốc hội nghỉ họp nên Tổng thống không thể gửi trả lại cho Quốc hội được. Trong trường hợp đó, dự luật này sẽ không trở thành đạo luật.
Mọi mệnh lệnh, nghị quyết hoặc biểu quyết cần sự chấp thuận của Thượng viện và Hạ viện (trừ trường hợp Quốc hội nghỉ họp), đều phải đệ trình lên Tổng thống Hợp chủng quốc. Trước khi có hiệu lực, chúng phải được Tổng thống phê chuẩn. Nếu Tổng thống không chấp thuận, cần phải có sự chấp thuận lần thứ hai của cả hai Viện với 2/3 thành viên của mỗi Viện, theo đúng các qui chế và giới hạn được qui định cho các trường hợp về dự luật.
Khoản 8
Quốc hội có quyền Đặt và thu các khoản thuế để thanh toán các khoản nợ và chi phí cho công cuộc phòng thủ và phúc lợi chung của Hợp chủng quốc. Nhưng mọi khoản thuế quan và thuế môn bài đều phải thống nhất trên toàn lãnh thổ Hợp chủng quốc;
Vay tiền theo tín dụng của Hợp chủng quốc;
Quy định việc thương mại với ngoại quốc, giữa các bang và với các bộ lạc Da Đỏ;
Ban hành những đạo luật thống nhất việc nhập quốc tịch và luật phá sản trên toàn lãnh thổ Hợp chủng quốc;
Ðúc và in tiền, qui định giá trị của đồng tiền trong nước và đồng tiền nước ngoài, qui định các tiêu chuẩn đo lường;
Trừng phạt những vụ làm giả trái phiếu và đồng tiền đang lưu hành ở Hợp chủng quốc;
Xây dựng các trạm bưu điện và mạng lưới bưu điện;
Thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và các nghề hữu ích bằng cách đảm bảo quyền sở hữu của các tác giả và nhà phát minh đối với các tác phẩm và phát minh trong thời gian hạn định;
Thiết lập các tòa án cấp dưới của Tòa án tối cao;
Xác định và trừng phạt các tội cướp biển và trọng tội xảy ra trên biển và những vi phạm luật pháp quốc tế;
Tuyên chiến, ban hành các văn bản tịch thu và trưng thu để trừng phạt kẻ thù và qui định các thể thức chiếm dụng tài sản trên bộ và mặt biển;
Thiết lập và nuôi dưỡng một đội quân, nhưng không một khoản ngân sách nào cho vấn đề này được kéo dài quá hai năm;
Thiết lập và duy trì hải quân;
Ban hành các luật lệ và các qui chế về lực lượng lục quân và hải quân;
Trù liệu việc xây dựng lực lượng dự bị nhằm thực thi luật pháp của Liên bang, trấn áp các cuộc phiến loạn và đẩy lùi xâm lăng;
Trù liệu sự tổ chức, vũ trang và duy trì kỷ luật các lực lượng dự bị của các bang, và chỉ đạo các lực lượng, khi được huy động để phục vụ liên bang Hợp chủng quốc, nhưng vẫn dành cho các bang quyền bổ nhiệm sĩ quan và quyền huấn luyện lực lượng dự bị của mỗi bang, theo kỷ luật do Quốc hội quy định;
Thực thi độc quyền lập pháp trong mọi trường hợp đối với một vùng đất (không rộng quá 10 dặm vuông) mà các tiểu bang thỏa thuận nhượng lại cho Quốc hội. Sau khi được Quốc hội Liên bang chấp thuận, vùng đất này sẽ trở thành trụ sở của chính quyền liên bang; thi hành quyền lực của liên bang tại tất cả những nơi được mua lại với sự thỏa thuận của cơ quan lập pháp tiểu bang đó, để xây dựng các pháo đài, kho vũ khí, xưởng chế tạo vũ khí, quân cảng và các cơ sở cần thiết khác; và
Ban hành mọi đạo luật cần thiết để thực thi những quyền nói trên, cũng như tất cả những quyền lực khác, được Hiến pháp này trao cho chính phủ Hợp chủng quốc, hoặc cho bất cứ cơ quan nào, hay một quan chức nào của Hợp chủng quốc.
Khoản 9
Nếu một trong các tiểu bang hiện tại xét có thể chấp thuận cho người nào đó được di trú hoặc nhập cảnh, Quốc hội không thể cấm đoán sự di trú hay nhập cảnh này trước năm 1808. Nhưng một khoản thuế không quá 10 đô la cho mỗi người nhập cư có thể được đánh vào sự nhập cư đó.
Đặc ân được xét xử theo đạo luật Habeas Corpus[1] sẽ không bị tước đoạt, trừ trường hợp có phiến loạn và xâm lược, hoặc do yêu cầu nhằm đảm bảo nền an ninh chung đòi hỏi.
Không được thông qua bất cứ đạo luật nào trừng phạt một con người mà không thông qua xét xử. Không được ban hành bất cứ đạo luật hồi tố nào.
Không được ban hành bất cứ loại thuế thân hoặc các loại thuế trực thu khác, nếu không tương ứng với cuộc điều tra dân số kể trên trong điều này.
Không một loại thuế nào được đánh vào các hàng hóa xuất khẩu từ bất cứ bang nào.
Trong những quy chế về thương mại và thu nhập, không hải cảng của bất cứ bang nào được ưu tiên hơn so với hải cảnh của những bang khác. Tàu thuyền đến, hay đi từ một bang nào đó, sẽ không bị bắt buộc phải cập bến, phải chịu sự kiểm tra hay phải nộp thuế ở một bang khác.
Không một khoản tiền nào được lấy từ ngân khố Liên bang nếu không có một đạo luật cho phép. Bản báo cáo tài chính thường kỳ về những khoản tiền thu chi của công quĩ phải được công bố thường xuyên.
Hợp chủng quốc không ban tặng bất cứ danh hiệu quý tộc nào. Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, những người đảm nhận những chức vụ có lợi tức, hoặc tín nhiệm của Hợp chủng quốc, không được phép nhận bất cứ quà tặng, lương bổng, hoặc bất cứ danh hiệu, tước vị nào do vua chúa, hoặc chính phủ ngoại quốc ban tặng.
Khoản 10
Không tiểu bang nào có quyền ký kết một hiệp ước, gia nhập liên minh, hoặc liên hiệp nào; không được phép cấp giấy phép trưng thu hay trưng dụng, không được bắt giữ tàu thuyền nước ngoài; không được đúc tiền, hoặc phát hành trái phiếu, nếu không dựa trên bản vị vàng bạc để thanh toán các khoản nợ; không được thông qua các đạo luật gây tổn hại đến dân quyền, không được ban hành các đạo luật trừng phạt con người về một hành vi không vi phạm pháp luật, hoặc một đạo luật phương hại đến nghĩa vụ thực hiện hợp đồng; không được ban tặng các tước hiệu quý tộc.
Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, không tiểu bang nào được đặt ra thuế và thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu và xuất khẩu, trừ trường hợp tối cần thiết cho việc thực hiện các điều luật về thanh tra. Mọi thu nhập nhờ hệ thống thuế đánh vào hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu, do một bang nào đó đặt ra, đều thuộc quyền sử dụng của Ngân khố Hợp chủng quốc. Đồng thời, mọi điều luật này đều phải đệ trình lên Quốc hội xét duyệt và kiểm soát.
Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, không tiểu bang nào có quyền được đánh thuế tàu, duy trì các đội quân và tàu chiến trong thời bình, ký kết hiệp định hoặc thỏa ước với một bang khác hoặc với lực lượng nước ngoài, hoặc tham gia vào cuộc chiến tranh, trừ trường hợp thực sự bị xâm lược, hoặc lâm vào tình trạng cấp bách không thể trì hoãn.
Điều II
Khoản 1
Quyền hành pháp sẽ được trao cho một vị Tổng thống Hợp chủng quốc. Tổng thống giữ chức vụ của mình trong nhiệm kỳ bốn năm. Tổng thống và Phó Tổng thống, cũng được bầu ra theo nhiệm kỳ đó, được chọn lựa theo thể thức sau đây:
Theo thể thức do cơ quan lập pháp tiểu bang đó qui định, mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng tổng số Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ của bang đó tại Quốc hội Liên bang. Nhưng không một Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức, được chọn làm đại cử tri.
Các đại cử tri sẽ họp ở bang của mình để bỏ phiếu bầu hai người và ít nhất một trong hai người không phải là cư dân trong cùng một bang với người kia. Họ sẽ lập bản danh sách về những người đi bầu và số phiếu bầu của mỗi người, ký và xác nhận vào danh sách, gắn xi niêm phong và chuyển lên trụ sở của chính phủ Hợp chủng quốc, gửi cho Chủ tịch Thượng viện. Với sự có mặt của Thượng viện và Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện sẽ mở các văn bản nói trên và đếm số lượng phiếu bầu. Người nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ là Tổng thống, nếu như số phiếu bầu này chiếm đa số trong tổng số các đại cử tri được bầu ra. Nếu có từ hai người trở lên có đa số phiếu bầu và có số phiếu bầu bằng nhau, thì Hạ viện sẽ bỏ phiếu để chọn một trong những người đó làm Tổng thống. Nếu không người nào có đa số phiếu bầu, thì Hạ viện cũng theo thể thức như vậy, chọn trong 5 người có số phiếu bầu nhiều nhất trong danh sách để bầu ra Tổng thống. Nhưng trong việc bầu Tổng thống, công việc bầu cử tiến hành theo tiểu bang, mỗi nhóm nghị sĩ của một bang chỉ có một phiếu bầu. Để tiến hành công việc này, cần có mặt 2/3 số tiểu bang, mỗi tiểu bang có một hoặc nhiều đại biểu nhưng đa số của tất cả các tiểu bang mới đủ quyền quyết định. Trong mọi trường hợp, sau khi bầu Tổng thống, người có số phiếu nhiều nhất do các đại cử tri bầu sẽ là Phó Tổng thống. Nhưng nếu vẫn có hai người trở lên có số phiếu bầu bằng nhau, thì Thượng viện sẽ bỏ phiếu chọn trong số đó một người làm Phó Tổng thống.
Quốc hội quyết định thời gian chọn lựa các đại cử tri và ngày các đại cử tri bỏ phiếu chọn Tổng thống phải thống nhất trên toàn lãnh thổ Hợp chủng quốc.
Không một người nào có quyền được bầu làm Tổng thống, nếu không phải là công dân sinh ra trên đất Mỹ hoặc đã là công dân Hợp chủng quốc tại thời điểm bản Hiến pháp này được chấp thuận, phải từ 35 tuổi trở lên và có trên 14 năm cư trú trên lãnh thổ Hợp chủng quốc. Trong trường hợp Tổng thống bị cách chức hoặc tạ thế, từ chức, hoặc không đủ năng lực thực thi quyền lực và nhiệm vụ của chức vụ này, mọi quyền lực và nhiệm vụ Tổng thống sẽ được chuyển giao cho Phó Tổng thống. Quốc hội có quyền, bằng một đạo luật, bổ nhiệm một quan chức vào ghế trống trong các trường hợp truất quyền, tử vong, từ chức, hoặc không đủ năng lực của cả Tổng thống và Phó Tổng thống.
Viên công chức thay quyền Tổng thống hoặc Phó Tổng thống sẽ thi hành nhiệm vụ cho đến khi tình trạng không đủ năng lực của Tổng thống, hoặc Phó Tổng thống, bị xóa bỏ, hoặc khi một Tổng thống mới được bầu ra.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống sẽ được nhận một khoản tiền lương trả cho công việc của mình, khoản tiền này sẽ không tăng và cũng không giảm trong suốt nhiệm kỳ. Tổng thống không có quyền được nhận bất cứ một khoản tiền nào khác của Hợp chủng quốc, hoặc bất cứ một bang nào.
Trước khi nhậm chức, Tổng thống phải tuyên thệ như sau: “Tôi trân trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ giữ chức vụ Tổng thống Hợp chủng quốc với lòng trung thành và bằng tất cả khả năng của mình, duy trì, giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp Hợp chủng quốc.”
Khoản 2
Tổng thống sẽ là Tổng tư lệnh các lực lượng lục quân và hải quân Hợp chủng quốc và các lực lượng dân quân của các tiểu bang, khi số dân quân này được triệu tập để phục vụ Hợp chúng quốc. Tổng thống có thể yêu cầu các quan chức của các bộ đề xuất ý kiến bằng văn bản về bất cứ vấn đề nào liên quan tới nhiệm vụ của họ. Tổng thống có quyền hủy bỏ bản án, hoặc ân xá những tội chống lại Hợp chủng quốc, trừ những trường hợp bị luận tội.
Theo thỏa thuận và sự đồng ý của Thượng viện, Tổng thống có quyền ký kết các điều ước với điều kiện được 2/3 số Thượng nghị sĩ có mặt đồng ý. Theo thỏa thuận và đồng ý của Thượng viện, Tổng thống sẽ bổ nhiệm các đại sứ, các công sứ, lãnh sự, các thẩm phán của Tòa án tối cao và mọi quan chức khác của Hợp chủng quốc không qui định theo bản Hiến pháp này, miễn là những việc bổ nhiệm này không trái với những qui định và phải bằng một đạo luật. Nhưng Quốc hội có thể trao cho Tổng thống toàn quyền bổ nhiệm các quan chức cấp dưới trong các tòa án, hoặc các vụ viện, nếu họ cho là phù hợp.
Tổng thống có quyền bổ sung vào những chỗ trống xảy ra trong thời gian Thượng viện nghỉ họp bằng cách cấp giấy ủy nhiệm hết hạn vào cuối khóa họp tới của Thượng viện.
Khoản 3
Thỉnh thoảng, Tổng thống phải thông báo cho Quốc hội biết về tình hình của Liên bang và đề nghị Quốc hội xem xét những biện pháp mà Tổng thống thấy cần thiết và thích hợp. Trong những trường hợp bất thường, Tổng thống có quyền triệu tập cuộc họp của hai Viện hoặc một trong hai Viện. Nếu hai Viện bất đồng về thời gian hoãn họp, Tổng thống sẽ quyết định về thời gian hoãn họp đến thời điểm mà Tổng thống cho là thích hợp; Tổng thống sẽ tiếp kiến các đại sứ và các công sứ; Tổng thống phải đôn đốc việc thi hành pháp luật một cách đúng đắn và giao phó nhiệm vụ cho tất cả các quan chức của Hợp chúng quốc.
Khoản 4
Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Hợp chủng quốc sẽ bị cách chức khi bị buộc tội phản quốc, tội nhận hối lộ, hoặc những tội nghiêm trọng khác.
ĐIỀU III
Khoản 1
Quyền lực tư pháp của Hợp chủng quốc sẽ được trao cho Tòa án tối cao và những tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập trong một số trường hợp. Các quan tòa của Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới sẽ giữ chức vụ của mình suốt đời, nếu luôn luôn có hành vi chính đáng. Trong thời gian đã nêu trên, họ được nhận khoản tiền lương cho công việc của mình và khoản tiền này sẽ không bị giảm đi trong suốt thời gian đó.
Khoản 2
Quyền lực tư pháp theo bản Hiến pháp này sẽ có hiệu lực đối với tất cả các vụ việc trên phương diện luật pháp và công lý, phát sinh theo Hiến pháp của Hợp chủng quốc, theo các hiệp ước đã hoặc sẽ ký dưới thẩm quyền của Hợp chủng quốc; với mọi trường hợp liên quan tới các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự; với mọi trường hợp liên quan tới luật pháp hàng hải và hải quân; với những vụ tranh chấp mà Hợp chủng quốc là một bên liên quan; với các tranh chấp giữa hai bang trở lên, giữa một bang với các công dân của bang khác, giữa các công dân của các bang khác nhau, giữa các công dân trong một bang tranh chấp đất đai do các bang khác nhau cấp, hay giữa một bang hoặc các công dân của bang đó với nước ngoài hoặc các công dân và đối tượng nước ngoài.
Trong các trường hợp liên quan tới các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự, và trong những vụ mà một bang là một bên của vụ kiện thì Tòa án tối cao có quyền tài phán sơ thẩm. Trong những trường hợp khác, Tòa án tối cao có quyền tài phán phúc thẩm, về pháp lý cũng như thực tế, trừ những ngoại lệ do Quốc hội qui định.
Mọi toán án xét xử các vụ trọng tội, trừ những trường hợp bị luận tội, phải được xét xử theo thể thức bồi thẩm đoàn. Những phiên tòa xét xử đó phải mở tại bang đã xảy ra vụ việc phạm tội. Nhưng nếu vụ việc không xảy ra trong bất cứ bang nào, phiên tòa sẽ họp ở một nơi hay những nơi mà Quốc hội qui định bằng một đạo luật.
Khoản 3
Sẽ chỉ coi là tội phản quốc chống lại Hợp chủng quốc đối với mọi hành động gây chiến tranh tấn công các tiểu bang, hoặc ủng hộ kẻ thù, hay trợ giúp và úy lạo chúng. Không ai bị kết tội phản quốc nếu không có hai người làm chứng về hành vi phạm tội, hoặc bị cáo thú tội công khai trước tòa.
Quốc hội có quyền định hình phạt cho tội phản quốc. Nhưng không một sự tra tấn, hành hình hay việc tịch thu tài sản lại được thực hiện đối với người đó mà chỉ thực hiện đối với bản thân họ mà thôi.
ĐIỀU IV
Khoản 1
Mỗi bang đều phải tin tưởng tuyệt đối vào các điều luật, hồ sơ và thủ tục tố tụng của các bang khác. Quốc hội, bằng những đạo luật thông thường, quy định thể thức chứng thực các điều luật, hồ sơ và thủ tục tố tụng đó, cũng như hiệu lực của chúng.
Khoản 2
Công dân của mỗi bang sẽ được hưởng mọi đặc quyền và quyền bất khả xâm phạm như công dân của mọi tiểu bang khác.
Cá nhân bị truy tố về tội phản quốc, trọng tội hoặc một tội nào khác mà trốn tránh pháp luật nếu bị tìm thấy ở một bang khác, khi có yêu cầu của cơ quan hành pháp của bang mà người đó chạy trốn, sẽ bị trao trả lại và dẫn độ về bang có thẩm quyền xét xử.
Không một cá nhân nào, nếu bị câu thúc phải lao động, hay làm việc theo như luật pháp ở bang này, bỏ trốn sang bang khác, lại có thể dựa vào luật lệ và qui chế ở bang này, để trốn tránh những hình phạt nói trên sẽ phải được trao trả lại theo yêu cầu của tiểu bang mà cá nhân đó buộc phải làm việc và lao động.
Khoản 3
Những bang mới có thể được Quốc hội chấp nhận cho gia nhập Liên bang. Nhưng không một bang mới nào được thành lập, hoặc xây dựng nên dưới thẩm quyền của bất cứ bang nào khác. Cũng không một bang nào được thành lập bằng cách sáp nhập hai bang trở lên, hoặc những vùng lãnh thổ của các tiểu bang, nếu không được sự đồng ý của cơ quan lập pháp ở các bang có liên quan, cũng như của Quốc hội.
Quốc hội có quyền sử dụng hoặc quyền ban hành mọi đạo luật và qui chế cần thiết liên quan tới lãnh thổ hoặc các tài sản khác thuộc Hợp chủng quốc. Không một điều khoản nào trong Hiến pháp này được giải thích gây tổn hại đến bất cứ tuyên bố nào của Hợp chủng quốc hay của bất cứ một tiểu bang nào.
Khoản 4
Hợp chủng quốc đảm bảo cho mỗi bang trong Liên bang này một chính thể cộng hòa và bảo vệ mọi tiểu bang chống lại sự xâm lược theo lời yêu cầu của cơ quan lập pháp, hoặc hành pháp (khi cơ quan lập pháp không thể nhóm họp), để chống lại tình trạng bạo động nội bộ trong tiểu bang đóủ
ĐIỀU V
Khi 2/3 thành viên của cả hai Viện xét thấy cần thiết sẽ đưa ra những tu chính án đối với Hiến pháp này, hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp ở 2/3 các bang, Quốc hội sẽ triệu tập một Hội nghị để đề xuất những tu chính án.
Trong cả hai trường hợp, những tu chính án này đều có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp, nếu được các cơ quan lập pháp của 3/4 các bang, hoặc Hội nghị của 3/4 các bang, phê chuẩn, theo thể thức phê chuẩn do Quốc hội đề nghị, với điều kiện là không một tu chính án nào được chấp thuận trước năm 1808 nếu có ảnh hưởng thay đổi đoạn 1 và đoạn 4 trong khoản 9 của Ðiều 1. Không một bang nào, nếu không có sự đông thuận của bang đó, lại bị tước đoạt quyền bỏ phiếu bình đẳng trong Thượng viện.
ĐIỀU VI
Mọi khoản nợ đã ký kết và những cam kết ký trước khi bản Hiến pháp này được thông qua, vẫn có hiệu lực đối với Hợp chủng quốc được thành lập theo bản Hiến pháp này, cũng như đối với Liên minh cũ.
Hiến pháp này, các đạo luật của Hợp chủng quốc được ban hành theo Hiến pháp này, mọi điều ước đã, hoặc sẽ được ký kết dưới thẩm quyền của Hợp chủng quốc, sẽ là bộ luật tối cao của quốc gia. Quan tòa ở mọi tiểu bang đều phải tuân theo những luật tối cao này. Bất cứ điều khoản nào trong Hiến pháp, hoặc luật pháp của các bang trái ngược với Hiến pháp Liên bang, đều không có giá trị.
Các Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ, các thành viên của cơ quan lập pháp các bang, các quan chức trong cơ quan hành pháp và tư pháp của liên bang và tiểu bang, đều phải tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp này. Nhưng không một điều kiện tôn giáo nào bị coi là bắt buộc, như tiêu chuẩn cần thiết, để bổ nhiệm vào bất cứ chức vụ, hoặc cơ quan nào trong chính quyền Hợp chủng quốc.
ĐIỀU VII
Sự phê chuẩn do các hội nghị tiểu bang của 9 tiểu bang sẽ được coi là đủ điều kiện cần thiết để các bang tham gia phê chuẩn thiết lập bản Hiến pháp cho Liên bang.
Chữ ký
Làm tại Hội nghị Lập hiến với sự đồng thanh chấp thuận của các tiểu bang có mặt vào ngày 17 tháng Chín năm Thiên chúa Giáng sinh thứ 1787, và là năm độc lập thứ 12 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ðể chứng thực, chúng tôi, những người có mặt tại đây, đã đồng ý và ký tên:
Go. Washington – Chủ tịch Hội nghị, Ðại biểu Bang Virginia
Bang New Hampshire – John Langdon, Nicholas Gilman
Bang Massachusetts – Nathaniel Gorham, Rufus King
Bang Connecticut – Wm Saml Johnson, Roger Sherman
Bang New York – Alexander Hamilton
Bang New Jersey – Wil Livingston, David Brearley, Wm Paterson, Jona. Dayton
Bang Pennsylvania – B Franklin, Thomas Mifflin, Robt Morris, Geo. Clymer, Thos FitzSimons, Jared Ingersoll, James Wilson, Gouv Morris
Bang Delaware – Geo. Read, Gunning Bedford jun, John Dickinson, Richard Bassett, Jaco. Broom
Bang Maryland – James McHenry, Dan of St Tho Jenifer, Danl Carroll
Bang Virgina – John Blair, James Madison Jr.
Bang Bắc Carolina – Wm Blount, Richd Dobbs Spaight, Hu Williamson
Bang Nam Carolina – J. Rutledge, Charles Cotesworth Pinckney, Charles Pinckney, Pierce Butler
Bang Georgia – William Few, Abr Baldwin
Người làm chứng: William Jackson, Thư ký
Chú thích cuối trang
[1] Habeas Corpus là lệnh của tòa án buộc phải đem người bị bắt ra tòa để làm sáng tỏ tính hợp pháp của việc giam giữ người đó. Đạo luật này cho phép tòa án có quyền thẩm định lý do bắt giam là hợp pháp hay không.
Bản dịch này có thông tin cấp phép khác với văn kiện gốc. Tình trạng bản dịch áp dụng cho phiên bản này.
Bản gốc:
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Bản dịch:
Tác phẩm này được phát hành theo giấy phép Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ