HIẾN PHÁP LÀ GÌ?
Hiểu một cách đơn giản nhất thì hiến pháp là một bản thiết kế ban đầu, xác định tổ chức bộ máy nhà nước và xác lập quyền hạn, trách nhiệm của nhà nước và công dân. Nó có thể là văn bản (hiến pháp thành văn) hoặc không phải văn bản (hiến pháp bất thành văn).
Woolsey định nghĩa hiến pháp là “tập hợp những nguyên tắc mà dựa theo đó, các nhánh quyền lực của một nhà nước, quyền hạn của một nhà nước, và quan hệ giữa hai cái đó, được điều chỉnh”.
Bouncier định nghĩa hiến pháp là “luật căn bản của một quốc gia, hướng dẫn các nguyên tắc mà dựa theo đó chính quyền được thành lập, và điều chỉnh việc thực thi quyền tối cao, trực tiếp chỉ định ba nhánh quyền lực sẽ bao gồm những cơ quan nào và cách thức thực thi quyền lực của chúng”.
Charles Baregeaud thì định nghĩa hiến pháp là “luật căn bản mà các mối quan hệ giữa các cá nhân hay người dân thường và cộng đồng được xác định theo đó. Nó có thể là một văn kiện, một văn bản chính xác hoặc một loạt các văn bản, được thông qua vào một thời điểm nhất định bởi một quyền lực tối cao, hoặc nó có thể là kết quả tương đối của một loạt các đạo luật, nghị định, quyết định của tòa án, tiền lệ hoặc tập quán với những nguồn gốc khác nhau và mức độ quan trọng khác nhau”.
Còn rất nhiều định nghĩa khác nữa về hiến pháp. Tuy nhiên, từ các định nghĩa nói trên, ta có thể rút ra một số đặc điểm chung của mọi hiến pháp là:
- Là đạo luật căn bản (luật nguồn);
- Có thể thành văn hoặc bất thành văn;
- Quy định cấu trúc và quyền lực của nhà nước;
- Quy định quyền của công dân;
- Quy định mối quan hệ giữa chính quyền (bên cai trị) và dân chúng (bên bị cai trị);
- Là luật tối cao của một quốc gia mà mọi người đều phải tuân theo, cao hơn mọi đạo luật khác.
TẠI SAO PHẢI CÓ HIẾN PHÁP?
Dù thành văn hay bất thành văn, hiến pháp cũng là đạo luật căn bản không thể thiếu của mỗi nhà nước, vì một số lý do. Nhà nước nào cũng cần có hiến pháp để:
– Giới hạn quyền lực của nhà nước trước nhân dân, không để nhà nước lạm quyền;
– Bảo vệ quyền công dân, bảo vệ tự do;
– Ngăn chặn tình trạng vô chính phủ;
– Xác định bộ máy nhà nước ổn vững, ngăn chặn hoặc hạn chế tác hại của những biến động chính trị trong hiện tại và tương lai.
Ở khía cạnh tinh thần, hiến pháp cũng là điều cần thiết để gắn kết người dân với chính quyền và nhất là với nhau trong một nguyện vọng chung là được tồn tại, chung sống cùng với nhau trong một đất nước.
Cũng cần nói thêm rằng, mọi nhà nước đều cần có hiến pháp. Điều đó hàm ý rằng mỗi chính quyền với một thể chế (chế độ, hay hệ thống chính trị) tương ứng đều cần có hiến pháp. Với nhiều quốc gia chuyển đổi thành công sang dân chủ, một trong những việc đầu tiên mà chính quyền mới cần làm là soạn thảo hiến pháp mới hoặc sửa đổi hiến pháp cũ. Một số ví dụ có thể kể đến: Philippines (1986), Nam Phi (1994)…
NỘI DUNG CHÍNH CỦA HIẾN PHÁP
Hiến pháp có thể dài hay ngắn, có thể có nhiều hay ít điều khoản, nhưng nội dung chính của mọi bản hiến pháp phải bao gồm:
- Hình thức và tổ chức bộ máy nhà nước;
- Chức năng của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, quyền hạn của chúng, và mối quan hệ giữa chúng với nhau;
- Những quyền cơ bản của công dân;
- Quan hệ giữa chính quyền và nhân dân;
- Chế độ kinh tế của quốc gia;
- Thủ tục thông qua, sửa đổi hiến pháp và giải quyết xung đột giữa hiến pháp và các luật dưới hiến pháp.
THỦ TỤC XÂY DỰNG VÀ THÔNG QUA HIẾN PHÁP
Quy trình này khác nhau ở mỗi nước. Cơ quan soạn thảo hiến pháp cũng khác nhau. Theo một thống kê thì trong số 194 quốc gia trên thế giới:
42% | Cơ quan lập pháp soạn thảo hiến pháp |
17% | Hội đồng lập hiến soạn thảo hiến pháp |
10% | Hội đồng do chính phủ chỉ định soạn thảo hiến pháp |
9% | Hội đồng do quốc hội chỉ định soạn thảo hiến pháp |
6% | Đàm phán, thương lượng hòa bình tạo thành hiến pháp |
6% | Hội đồng lập pháp đương thời, được chỉ định tạm thời trong thời kỳ chuyển giao, soạn thảo hiến pháp |
5% | Ban chấp hành trung ương đảng soạn thảo hiến pháp |
3% | Một đại hội quốc dân soạn thảo hiến pháp |
2% | Một bàn tròn soạn thảo hiến pháp |
Do hiến pháp là một bản khế ước, thỏa thuận giữa chính quyền với nhân dân, cho nên nhất thiết phải có sự tham vấn (lấy ý kiến) nhân dân và thảo luận, phản biện cả trước và sau khi dự thảo hiến pháp ra đời. Tất nhiên, việc soạn thảo thì chỉ nên giới hạn trong một nhóm người, thường là các chuyên gia pháp lý, chứ không phải dành cho một số đông tham gia. Ở Việt Nam, Khoản 1 Điều 70 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định Quốc hội là cơ quan làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật.
Phê chuẩn, hay phúc quyết, hiến pháp là tiến trình mà thông qua đó, hiến pháp có hiệu lực chính thức. Có hai cách thức chính là: 1. Quốc hội phê chuẩn; 2. Trưng cầu dân ý toàn quốc. Ở Mỹ, soạn thảo hiến pháp mất bốn tháng nhưng quá trình phê chuẩn kéo dài tới 40 tháng.
CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT, TRANH CHẤP
Tất cả các hiến pháp đều cần quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền phán xét tính hợp hiến của một đạo luật hay quy định nào đó của các cơ quan nhà nước. Ở các quốc gia lâu nay, cơ quan có thẩm quyền đó thường là tòa án tối cao (tối cao pháp viện) hoặc tòa án hiến pháp (tòa bảo hiến). Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, thành lập năm 1789, được coi là tòa bảo hiến cổ nhất thế giới, vì nó là tòa án đầu tiên trên thế giới có thẩm quyền tuyên vô hiệu một đạo luật nào đó nếu đạo luật ấy vi phạm hiến pháp (vi hiến).
Nhiều nước khác thành lập những tòa án riêng biệt chỉ giải quyết các vấn đề xoay quanh hiến pháp và bảo vệ hiến pháp. Tòa bảo hiến riêng biệt đầu tiên trên thế giới được thành lập ở Áo vào năm 1920.
Ở Việt Nam, không có tòa bảo hiến riêng, và Tòa án Nhân dân Tối cao cũng không có thẩm quyền diễn giải Hiến pháp.Khoản 2 Điều 74 nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ và quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Điều 119 Hiến pháp quy định “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”.
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam Ở Việt Nam, bản “khế ước xã hội” mang tên Hiến pháp lâu nay thật ra không phải là khế ước, bởi nó không thể hiện ý chí của cả hai bên – người dân, hay chủ nhân của đất nước, và chính quyền. Hiến pháp của nước Việt Nam thời cộng sản thuần túy do đảng Cộng sản cầm quyền áp đặt lên người dân, thông qua một quốc hội mà tuyệt đại đa số thành viên là đảng viên cộng sản. Hiến pháp cũng được xem là sự thể chế hóa cương lĩnh của đảng Cộng sản, còn luật pháp là sự thể chế hóa các nghị quyết của đảng. Bản thân Hiến pháp có nhiều điều luôn thòng theo cụm từ “theo quy định của pháp luật”, “do pháp luật quy định”, ví dụ: Điều 23: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 30: “Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”. Điều 54: “Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”. |
CƠ CHẾ BẢO HIẾN
Bảo hiến tức là bảo vệ hiến pháp. Ở các nước phương Tây, nhất là Mỹ, có một thủ tục gọi là “judicial review”, dịch sát nghĩa là “xem lại, xét duyệt lại luật pháp”, cũng chính là cơ chế bảo hiến. “Xem lại, xét duyệt lại luật pháp” là việc cơ quan tư pháp xem xét, thẩm định lại và có thể tuyên vô hiệu một đạo luật, nghị định hay các hành động, việc làm của các nhánh quyền lực khác (lập pháp và hành pháp). Theo đó, tòa án có thể tuyên bố những đạo luật, nghị định hay việc làm nào đó của chính phủ hay quốc hội là “vi hiến”, nếu chúng không tuân thủ hoặc thậm chí đi ngược lại hiến pháp. Khi ấy, chúng mất hiệu lực.
Ở Việt Nam dưới thời chính quyền cộng sản, không tồn tại cơ chế bảo hiến này. Cho nên luật và các văn bản dưới luật ở Việt Nam vi hiến rất nhiều nhưng vẫn được sử dụng làm công cụ quản lý nhà nước. Một báo cáo của Bộ Tư pháp, công bố ngày 15/1/2015, cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2014, các bộ, cơ quan, địa phương đã kiểm tra và phát hiện 9.017 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản (chiếm tỷ lệ 22%).
Một trong những nghị định vi hiến nổi tiếng là Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Văn bản này đã trở thành công cụ cực kỳ đắc lực để lực lượng công an trấn áp bất kỳ cuộc tụ tập ôn hòa nào của người dân, xâm phạm hoàn toàn quyền biểu tình được quy định tại Điều 69 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 (sau này là tại Điều 25 Hiến pháp 2013).
TIÊU CHUẨN CỦA MỘT HIẾN PHÁP
Một bản hiến pháp tốt phải đạt được ít nhất là các tiêu chí sau đây:
- Rõ ràng, chặt chẽ: Mọi điều khoản và ngôn từ của hiến pháp đều phải rõ ràng, chặt chẽ để không tạo ra kẽ hở hay điểm nào mơ hồ, gây tranh cãi; không ai có thể hiểu nhầm.
- Tổng quát: Hiến pháp phải nêu đầy đủ các khía cạnh trong nội dung chính đã nêu ở trên.
- Súc tích: Câu từ trong hiến pháp phải cô đọng, hàm súc. Hiến pháp cũng chỉ quy định những điều căn bản nhất, quan trọng nhất liên quan tới nội dung. (Tất nhiên, không được bỏ sót những điều quan trọng).
- Linh hoạt: Hiến pháp không được quá cứng nhắc, không thể sửa đổi. Nó vẫn phải đảm bảo cơ chế để có thể sửa đổi nếu cần.
* * *
LUẬT PHÁP
T.H. Green định nghĩa: “Luật pháp là hệ thống các quyền và nghĩa vụ mà nhà nước cưỡng chế thi hành”. Sidgwick định nghĩa: “Luật pháp là bất cứ quy tắc chung nào để thực hiện hoặc không thực hiện một loại hành vi nào đó, và nếu không tuân thủ thì người không tuân thủ sẽ phải chịu một hình phạt nào đó”.
Triết gia cộng sản Karl Marx có một định nghĩa phản ánh cái mà ông gọi là “tính giai cấp của pháp luật”, rằng “pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được đề lên thành luật”. Đây quả là một định nghĩa rất nặng tính giai cấp.
Có nhiều định nghĩa khác về luật pháp. Một cách trung tính, có thể định nghĩa luật pháp là “một tập hợp các quy tắc công cộng và có thể thực thi, được áp dụng trong toàn thể cộng đồng chính trị, có tính ràng buộc”. Định nghĩa này không nặng nề tính giai cấp, nhưng các bạn nên lưu ý từ “chính trị”. Thật vậy, luật pháp có liên quan chặt chẽ đến chính trị, đến thể chế.
Vì luật pháp điều chỉnh hành vi trong quan hệ xã hội (quan hệ giữa người với người), cho nên nó chắc chắn phải có ý nghĩa chính trị. Ở khía cạnh chính trị đó, các tác giả phương Tây đều hiểu luật pháp như công cụ để bảo vệ trật tự và văn minh, và nếu không có luật pháp thì xã hội rơi vào trạng thái tự nhiên – dã man, phi văn minh – trong đó cá nhân nào cũng có quyền tự do xâm phạm đến tự do của cá nhân khác. Vì thế, luật là để bảo vệ mỗi thành viên trong xã hội khỏi phần còn lại của xã hội, bảo vệ quyền và tự do của thành viên đó khỏi những người khác.
Điều này thật khác với cách hiểu “chính thống” về luật ở Việt Nam dưới thời cộng sản. Quan chức, công chức, công an… đều tin rằng luật pháp là công cụ quản lý nhà nước, và theo nghĩa đó thì nó chẳng liên quan gì đến quyền và tự do. Ngược lại, luật phải làm sao để tạo thuận lợi tối đa cho công tác quản lý của nhà nước.
Còn nếu mở rộng thêm cách hiểu của phương Tây về luật pháp, ta sẽ thấy như vậy, trên nguyên tắc, luật pháp và chính trị bắt buộc phải tách biệt với nhau, để luật pháp không trở thành công cụ hỗ trợ cho nhà nước áp chế nhân dân, người giàu áp chế người nghèo, đàn ông áp chế phụ nữ… Cũng vậy, tư pháp bắt buộc phải độc lập, nằm ngoài và không chịu ảnh hưởng của chính trị. Trong khi đó, với cách hiểu của Việt Nam về luật pháp, thì tư pháp không thể độc lập.
* * *
SỰ KHÁC NHAU GIỮA “RULE OF LAW” VÀ “RULE BY LAW”
Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến một vấn đề gây tranh cãi rất lớn ở Việt Nam và… Trung Quốc, đó là cách dịch (sang tiếng Việt và tiếng Trung) hai khái niệm: “rule of law” và “rule by law”. Để dịch sang tiếng Việt được chính xác hai khái niệm này thì trước hết phải hiểu bản chất chúng là gì, theo cách định nghĩa của phương Tây.
“Rule of law” có nghĩa là tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, cho dù đó là người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp hay tư pháp, là đảng cầm quyền hay một tổ chức phi chính phủ nhỏ bé. Không một ai đứng trên pháp luật, không một ai có quyền hoặc nghĩa vụ nhiều hơn luật định.
Còn “rule by law” nghĩa là luật pháp được sử dụng như một công cụ để quản lý, để cưỡng chế và đàn áp. “Rule by law” đòi hỏi một sự trung thành tuyệt đối với pháp luật, kể cả là trung thành mù quáng với một thứ pháp luật bất công, hà khắc, độc đoán; nhưng lại chỉ đòi hỏi điều đó từ những người bị cai trị mà thôi. Luôn luôn có một tầng lớp – một cá nhân hoặc một nhóm – nắm quyền lực lập pháp, ở trên luật pháp, và hưởng những đặc quyền, đặc lợi do việc ở trên luật pháp đó tạo ra. Tầng lớp đó sẽ luôn lợi dụng luật pháp làm công cụ để cai trị những người khác.
Như vậy, bạn có thể thấy: Một chính quyền độc tài sẽ “rule by law” khi nó dùng luật pháp làm công cụ để tiện bề cai trị dân chúng – ngôn ngữ cộng sản gọi là “tạo thuận lợi cho công tác quản lý”, “vì mục tiêu quản lý nhà nước”. Nó “rule by law” không phải vì nó thượng tôn pháp luật, mà vì “rule by law” đem lại thuận tiện cho nó.Và bởi luật pháp làm ra chỉ để cai trị dân, còn chính quyền thì được “đặc cách”, làm sai cũng không phải chịu trách nhiệm gì, nên đất nước đó không có “rule of law”.
Với cách hiểu ấy, ta có thể dịch “rule of law” là pháp trị, hoặc “pháp quyền” như nhiều người lâu nay vẫn gọi – hàm ý pháp luật ở trên tất cả, pháp luật trị vì tất cả, quyền lực của pháp luật là cao nhất. Còn “rule by law” là tận dụng luật pháp để cai trị, có thể dịch nó là “ỷ pháp trị quốc” như gợi ý của luật sư Trần Quỳnh Vi, biên tập viên Luật Khoa tạp chí.
Ngày 12/6/2011, trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn, facebooker Phan Nguyên bị an ninh mặc thường phục đánh đập tàn nhẫn ở khu vực Nhà Thờ Đức Bà. Bức ảnh Phan Nguyên bị quật ngã lan truyền trên mạng xã hội; bản thân Phan Nguyên cũng viết bài trên mạng kể lại câu chuyện. Nhưng không một nhân viên công quyền nào bị xử lý vì vụ việc này. Phía công an nghiễm nhiên cho rằng đó là ảnh giả, chuyện bịa. Cũng trong tháng 7/2011, vào chiều mồng 2, một cô gái 18 tuổi tên là Phạm Thị Mỹ Linh, do bức xúc với cảnh sát giao thông nên đã tát một cảnh sát giao thông trên đường Lê Văn Khương (phường Thới An, quận 12, TP. HCM). Hình ảnh cũng bị quay clip; clip này nhanh chóng được công an sử dụng. Ngày 20/7, cô Linh bị công an quận 12, TP. HCM, khởi tố vì tội “chống người thi hành công vụ”. Cô lĩnh án 9 tháng tù. … Ngày 7/4/2016, tại Hà Nội, Trung úy Nguyễn Văn Bắc (SN 1983, cảnh sát khu vực phường Trung Liệt, quận Đống Đa) bất thình lình kiểm tra nhà dân nhưng bị từ chối. Trung úy đã nhổ nước bọt vào mặt cô Trần Phương Linh (SN 1992) và bị quay clip. Clip lan nhanh trên mạng xã hội trong ngày 8/4, buộc công an quận Đống Đa phải vào cuộc xác minh. Trung úy Bắc ban đầu phủ nhận việc nhổ nước bọt, nhưng cuối cùng, ngày 11/4, đã chấp nhận xin lỗi cô Linh, ngoài ra không bị xử lý gì thêm. Ngày 14/4/2016, tại TP.HCM, Thượng sĩ công an Lương Việt Hà dùng thế võ hiểm quật ngã anh Phạm Thiện Minh Phong, một người bán hàng rong, gây chấn thương. Lý do là anh Phong không chịu đóng 700.000 đồng “hụi chết” mỗi tháng như những người bán hàng rong khác. Thượng sĩ Việt Hà sau đó cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự gì về hành động của mình. Mỗi năm ở Việt Nam dưới thời cộng sản, đều có hàng chục vụ cảnh sát, an ninh bị tố cáo lạm quyền, đánh đập người dân gây thương tích, thậm chí gây tử vong. Song, hầu như không có vụ nào công an bị xử lý hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu phía dân có lời nói hay hành vi nào động chạm đến công an thì sự trừng phạt sẽ đến rất nhanh chóng và hình phạt rất nghiêm khắc. Bộ luật Hình sự có rất nhiều điều luật được dùng để khép tội dân một cách dễ dàng: Điều 245 “gây rối trật tự công cộng”, Điều 257 “chống người thi hành công vụ”, Điều 258 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích nhà nước”… Tình trạng ấy nói lên một sự thật: Luật pháp ở nước CHXHCN Việt Nam chỉ là công cụ để nhà nước quản lý, hay là chỉ dùng cho dân. Công an – với vai trò lực lượng bảo vệ chế độ – thường được ưu ái, được luật pháp ưu tiên bảo vệ. Việt Nam dưới thời cộng sản là một chế độ “rule by law”, nơi không tồn tại “rule of law”. |
Vấn đề “rule by law” cũng đưa đến một câu chuyện khác, đó là việc nhiều người có quan điểm duy luật, họ hướng tới và đòi hỏi xã hội phải thượng tôn luật pháp, bất kể luật pháp đó như thế nào. Ví dụ, nếu luật pháp không thừa nhận hôn nhân đồng tính thì quan điểm duy luật cho rằng việc hai người đồng tính lấy nhau chắc chắn là hành vi phạm pháp và phải bị trừng phạt. Tương tự, cho dù công an có lạm quyền, hành hung, bắt người tùy tiện (như trong vụ cưỡng chế đất ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức), nhưng nếu dân chống lại thì tức là phạm tội chống người thi hành công vụ; nếu dân “cả gan” bắt giữ công an thì thậm chí còn phạm tội bắt người trái pháp luật, khủng bố.
Trong một xã hội “rule of law”, quan điểm thượng tôn pháp luật đó là đúng đắn, tiến bộ. Nhưng trong một xã hội “rule by law”, quan điểm đó dĩ nhiên sẽ được chính quyền độc tài rất ưa thích và lợi dụng: Nhà nước cứ việc ban hành thật nhiều đạo luật “tạo thuận lợi cho công tác quản lý”, siết chặt tự do của dân chúng, và cưỡng bức dân chúng phải phục tùng. Và nếu luật bất công mà ta cũng phải tuân thủ, thì lịch sử thế giới sẽ không còn ghi nhận công lao của Mahatma Gandhi, Rosa Parks, Martin Luther King – những người bất tuân dân sự nổi tiếng – nữa.
“Làm sao chúng ta có thể cổ súy cho việc vi phạm một số luật và tuân thủ một số khác? Câu trả lời nằm ở một thực tế là có hai loại luật: công bằng và bất công. Tôi sẽ là người đầu tiên cổ súy cho việc tuân thủ những đạo luật công bằng. Con người ta không chỉ có trách nhiệm pháp lý mà còn có cả trách nhiệm đạo đức buộc ta phải tuân thủ các đạo luật công bằng. Ngược lại, con người cũng có trách nhiệm đạo đức là phải bất tuân những luật không công bằng. Thánh Augustine nói đúng, ‘luật bất công thì không phải là luật’”. “Luật nào nâng phẩm tính của con người lên là luật công bằng. Luật nào hạ thấp nhân tính là luật bất công”. (“Lá thư từ ngục Birmingham”, Martin Luther King, 16/4/1963) |
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC