HUY CẬN – XUÂN DIỆU CUỘC TÌNH ĐEO ĐẴNG SUỐT ĐỜI!


Năm 1936 khi Xuân Diệu hai mươi tuổi, đang học năm thứ ba tại trường Tú Tài Khải Định, (trường Quốc học Huế) đã gặp Huy Cận khi ấy mới mười bảy tuổi đang học năm thứ nhất cùng trường. Ngay lần đầu gặp gỡ ấy họ đã trở thành đôi bạn thân thiết trong suốt cuộc đời. Trong nửa thế kỉ, trừ hai năm Xuân Diệu đi làm Tham tá ở Mĩ Tho, thì Huy Cận và Xuân Diệu lúc nào cũng theo nhau như hình với bóng kể cả những lúc tham gia kháng chiến ở Việt Bắc. Vượt ra khỏi tình bạn, họ là cặp tình nhân tuyệt vời…

Có lẽ chúng ta không cần đề cập đến sự đồng tính của Xuân Diệu hay lưỡng tính của Huy Cận khi xã hội Việt Nam hiện nay đã công nhận sự bình đẳng giới của những người đồng tính. Trong bài viết này tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến cuộc tình đẹp và vượt qua thời gian, vượt qua sự sống và cái chết để mãi mãi được ở bên nhau không xa lìa của hai nhà thơ lãng mạn.

Ngay từ năm 1936, khi mới gặp nhau ở trường Khải Định, Huế, tưởng chừng như định mệnh đã đưa hai chàng trai đến với nhau như Huy Cận đã viết trong bài “Nửa thế kỉ tình bạn”: “Hai đứa đọc thơ cho nhau nghe, và “đồng thanh tương ứng”, kết bạn với nhau gần như tức khắc…”. Và trong suốt gần năm mươi năm ấy, lúc nào họ cũng sống cùng nhau trong một ngôi nhà. Tình cảm của họ rất thắm thiết. Trong bài “Ngủ chung”, năm 1940, Huy Cận viết:

Ôi rét đêm nay mấy học trò
Ngủ chung giường hẹp, trốn bơ vơ
Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ.

Lạnh lùng biết mấy tấm thân xương!
Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường.
Đâu nữa tay choàng làm gối ấm,
Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương


Trốn tránh bơ vơ, chạy ngủ lang,
Hồn ơi! có nhớ giấc trần gian
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?


Tôi không biết học trò cùng giới ở nước ngoài như thế nào, nhưng ở Việt Nam chuyện học trò cùng giới ngủ chung là rất phổ biến, nhất là những tháng ngày học thi vì nhiều nguyên nhân như cùng thức để khỏi buồn ngủ, tiết kiệm vật chất, đỡ buồn, cùng giải những đề khó… Từ thế kỉ XIX, Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cũng đã từng sống chung khi học thi:

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;
Có khi tầng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.”

(Nguyễn Khuyến – Khóc Dương Khuê)

Thân thiết là vậy nhưng tuyệt nhiên không có tâm sự như Huy Cận. Rõ ràng, tình cảm đã vượt qua giới hạn tình bạn, ngôn ngữ xa lạ với giao tiếp của hai thằng con trai! Nào là: “Ân ái xưa kia”, “tay choàng làm gối ấm”, “đôi lứa chuyện canh sương” và nhất là hai câu cuối:

Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?


Không phải chỉ trong bài thơ “Ngủ chung”, mà trong “Bài thơ mảnh vải” Huy Cận cũng viết:

Một mai ta chết xin chôn
Hai ta sát cạnh xương luồn qua xương
Đất già lạnh toát đêm trường
Huy – Xuân nằm dệt tấm thương muôn đời.

Hồi Ký Song Đôi

Tình cảm của hai nhà thơ lãng mạn ngày càng thêm sâu nặng. Trong “Hồi kí song đôi”, tập 1 – Q, chương 18, phần phụ lục, có đoạn: “Đầu năm 1940, Diệu đi làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho, vì kế sinh nhai (“Cơm áo không đùa với khách thơ”), cũng như tôi học cao đẳng Nông Lâm là cốt để có nghề tay trái. Chúng tôi tạm sống xa nhau, buồn đứt ruột, hằng tuần viết thư cho nhau, có tuần hai, ba lá thư. (…) Diệu thì chờ tôi đậu kỹ sư là “cuốn gói” trở về Hà nội. Hè 1942 tôi đậu kỹ sư canh nông và cuối năm bắt đầu đi làm ở Sở Nghiên cứu Tầm tang. Diệu điện hỏi tôi: “Diệu từ chức được chưa?”, tôi điện trả lời: “Từ chức ngay! Về ngay Hà nội!”. Chúng tôi sống trên gác phố Hàng Bông (số nhà 61), tiếp tục làm thơ, làm “Nhà xuất bản Huy – Xuân”.”

Qua đoạn văn hồi kí, Huy Cận cho chúng ta cảm nhận được tình cảm sâu nặng của hai người, chỉ là hai người bạn trai thôi, thế mà khi “sống xa nhau, buồn đứt ruột, hằng tuần viết thư cho nhau, có tuần hai, ba lá thư”, nhất là lời đối thoại:
– “Diệu từ chức được chưa?”
– “Từ chức ngay! Về ngay Hà nội!”.
Có người đã so sánh lời thoại: “Với cách nói này, theo ngôn ngữ bây giờ giống như 1 seme hỏi 1 uke “Anh về được chưa em?” và nhận được câu trả lời “Anh về đây cho tôi, tôi nhớ anh lắm rồi”. Trích bài “Viết cho mối tình của Xuân Diệu và Huy Cận nhân ngày giỗ thứ 6 của Huy Cận”. Và trong bài thơ “Vạn lí tình” Huy Cận đã viết cho Xuân Diệu bằng những lời nhung nhớ rất thống thiết:

Người ở bên trời ta ở đây;
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này.
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.

Nắng đã xế về bên xứ bạn;
Chiều mưa trên bãi nước sông đầy.
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ,
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.


Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt,
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày.
Chiếu chăn không ấm người nằm một –
Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay.

Mặc dù vẫn gọi Xuân Diệu là “bạn”, nhưng Huy Cận vẫn không giấu giếm tình cảm yêu thương của mình “Chờ mong phương nọ, ngóng phương này – Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm”, hay là “Chiều mưa trên bãi nước sông đầy – Trông vời bốn phía không nguôi nhớ”, nhất là:

Chiếu chăn không ấm người nằm một –
Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay. 
                   

Một bước ngoặt trong cuộc tình của họ, đó là ngày Huy Cận cưới vợ là Ngô Xuân Như, em gái cùng mẹ khác cha của Xuân Diệu. Xuân Diệu rất buồn và có đôi chút hờn ghen:

Ta biết ngày mai em có vợ
Đi làm hai bữa, tối về thăm
Cơm xong, chén nước chờ bên cạnh;
Em bế thằng con được mấy năm.
……………………………

Em nghe tê tái dưới hàng mi
Tiếc thuở say nồng, nhớ bạn si
Khép mắt buồn xa, em sẽ bảo:
– Có chàng Xuân Diệu thuở xưa kia…

(Tặng bạn bây giờ)

 Thế nhưng, ngay khi Huy Cận đã có vợ, họ vẫn không tách lìa nhau:

 Đêm đêm trên gác chong đèn
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ bay
Dưới nhà bút chẳng ngừng tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ

Cũng chính trong “Hồi kí song đôi”, Huy Cận đã viết: “Cuộc sống và thơ đã cho tôi người bạn thân thiết nhất, cho tôi tâm hồn tri kỷ, tấm lòng tri âm nơi Xuân Diệu. Chúng tôi sống giữa đời như anh em sinh đôi”. Tình cảm của Huy Cận với Xuân Diệu đôi lúc cũng khiến thi sĩ bâng khuâng:

Hai đứa rồi ra nghĩ cũng kỳ
Thương nhau hơn ruột thịt dường ni
Mà đàn mỗi đứa riêng âm sắc
Cuộc sống muôn màu lặp lại chi!”.

Cuộc tình của họ, Xuân Diệu đã từng so sánh với cuộc tình đồng tính của hai nhà thơ lãng mạn Pháp:

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen.
…………………………………..
Kể chi chuyện trước với ngày sau
Quên ngó môi son với áo màu
Thây kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.

(Tình trai)

Xuân Diệu chẳng hề giấu giếm sự thật. Họ không cần hình bóng nữ lưu “Quên ngó môi son với áo màu”, cũng chẳng cần quan tâm đến hậu quả “Thây kệ thiên đường và địa ngục”, họ chỉ ao ước một điều “Không hề mặc cả, họ yêu nhau”. Chỉ cần được sống cho nhau, chỉ cần được yêu nhau là hạnh phúc lắm rồi!

Mối tình Huy-Xuân quá sâu nặng. Mối tình ấy đã được Huy Cận hồi tưởng lại trong tập “Hồi kí song đôi”, tập 1- Q, chương 18: “Một tháng trước khi Diệu mất, một buổi chiều, Diệu ngồi trệt giữa phòng nói với tôi:“Trong hai đứa mình, đứa nào chết trước là sướng, đứa nào ở lại sau chắc khổ lắm”. Tôi nghe, lặng người đi, không dám nói câu gì. Tôi cảm thấy nỗi đau trong lòng Diệu khi thốt ra câu đó. Nào ngờ đó là lời trối trăng của Diệu cho tôi. Quả thật, sau đám tang của Diệu, liền trong nửa năm, tôi nghe trong người tôi, trong tâm hồn tôi như hẫng đi, và thấy như cuộc đời hư lãng. Và rất nhiều lần Diệu về gặp tôi trong chiêm bao, cả lúc tôi ngủ trên máy bay đi công tác xa. Ngày Diệu mất, lúc 7 giờ 40 phút ở Hà nội thì đúng lúc ấy ở Dakar (Sénégal) là 12g40’ trưa, tôi bị xuất huyết nặng. Thần giao cách cảm: nhân điện của Diệu truyền thông cho tôi giây phút ấy. Ngày 19-12-1985, về đến Paris được Sứ quán ta báo tin Diệu mất, tôi sửng sốt, bàng hoàng, máu vẫn chảy vì xuất huyết nặng ở mũi. Tôi và con tôi (cháu Vũ) trong cơn đau đớn, cố trấn tĩnh để đi đổi vé máy bay về cho kịp đám tang, nhưng ngày 23 tôi về thì đã chôn Diệu ngày 21 rồi”. Trong tột cùng đau khổ, Huy Cận đã viết bài “Diệu ơi, Diệu đã về yên tịnh”:

Diệu ơi, Diệu đã về yên tịnh
Cận hãy còn đây trăm xốn xang,
Cận mới về thăm quê Nghệ Tĩnh
Gặp tuần trăng sáng ngẩn ngơ trăng
.

Cận ra Thanh Hoá nằm bên biển  
Biển lại dồn xao không phút ngưng.
Diệu đã đi xa về tới bến
Cận đang biển động sóng lừng dâng.

“Hồi kí song đôi” đang viết dở
Hai chương tuổi nhỏ chép xong rồi
Đời ta, trang khép, còn trang mở
Cận viết đầy trang, tay mới xuôi.

Biển lớn băng qua, ấy biển đời
Biển vào vũ trụ, ánh sao mời
Diệu dò thế giới bên kia trước
Khỏi lạ đường khi Cận tới nơi.

Trong thâm tâm Huy Cận, Xuân Diệu không hề chết, người bạn thơ, người bạn tình của mình “Diệu đã đi xa về tới bến”. Xuân Diệu như một trinh thám đi trước thăm dò để dẫn đường cho Huy Cận sẽ đến sau “Diệu dò thế giới bên kia trước – Khỏi lạ đường khi Cận tới nơi”. Gần nửa thế kỉ sống, yêu nhau, chỉ có cái chết mới chia lìa hai nhà thơ lãng mạn. Nhưng với họ chết không có nghĩa là mất. Chết chỉ tạm thời xa nhau. Một người đi trước tìm hiểu những “nẻo vắng đã xa miền” để tránh cho người đến sau phải chịu cảnh “Đường sá lạ thôi lạnh lùng biết mấy!”. Sống gắn bó nên khi chết họ cũng chẳng muốn xa nhau! Trước khi từ giã cõi tạm để về nơi vĩnh hằng, Huy Cận cố gắng viết xong tập “Hồi kí song đôi” mà người tình chưa kịp thực hiện ước mơ như chính Huy Cận đã hứa hẹn với Xuân Diệu:

“Hồi kí song đôi” đang viết dở
Hai chương tuổi nhỏ chép xong rồi
Đời ta, trang khép, còn trang mở
Cận viết đầy trang, tay mới xuôi.

 Hãy bỏ qua chuyện Xuân Diệu cưới Bạch Diệp và đã trải qua bao nhiêu cuộc tình với những chàng trai ngoài Huy Cận và chuyện Huy Cận đã có hai người vợ. Đó là cái lãng mạn của người nghệ sĩ, coi người yêu như nàng thơ để tạo cảm xúc sáng tác. Hay đó cũng chỉ là “Những phút xao lòng” của mối tình Huy-Xuân mà thôi!

 Tình bạn – tình yêu trong suốt năm mươi năm của hai nhà thơ lớn Xuân Diệu và Huy Cận vẫn là một mối tình chung thủy theo nhau suốt đời suốt kiếp!
                                                        
Nguyễn Bá Ngải
Sài Gòn, những ngày cuối tháng ba năm 2019


Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC