KHI CÓ QUÁ NHIỀU MỘT THỨ TỐT ĐẸP


Việc các thiểu số nhỏ, tận tình, có thể lũng đoạn chính trị, đã gây lo ngại sâu sắc ngay từ thời các nhà tư tưởng sáng lập của nước Mỹ. James Madison (tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ) đã định danh chính xác vấn đề này, vấn đề mà ông gọi là “cái nguy của bè phái”, và ông cho rằng nó xuất phát từ nguyên nhân “sự bất ổn, bất công, và hỗn loạn trên thực tế đã là những căn bệnh chết người mà vì chúng, các chính quyền ở khắp nơi đều diệt vong”. Trong tiểu luận nổi tiếng của mình, Federalist Paper 51, ông lập luận rằng giải pháp duy nhất hiệu quả cho vấn đề này là hạn chế quyền tự do lập hội và biểu đạt, vì chúng giúp cho các nhóm như thế hình thành (“Liberty is to faction what air is to fire”: Tự do đối với phe phái thì cũng giống như không khí với lửa). Nhưng phương thuốc này còn tệ hơn là căn bệnh, cho nên Madison nhanh chóng gạt bỏ nó đi.

Thay vì thế, Madison đặt niềm tin vào quy mô và độ phức tạp của nước Mỹ. Thứ nhất, ông cho rằng phe phái là các nhóm thiểu số, và họ sẽ không thể có đường nào mà đi bởi vì các phe phái khác – đông hơn về số lượng so với các nhóm thiểu số – sẽ lớn mạnh và làm tê liệt nhóm thiểu số. Ngay cả khi phe phái mạnh thì ở một nước rộng lớn và đa dạng như nước Mỹ, cạnh tranh sẽ bùng nổ giữa các phe phái và tất cả sẽ trung hòa lẫn nhau.

Than ôi, ở điểm quyết định này Madison lại nói sai. Có lẽ ông đã không tưởng tượng được rằng chính quyền lại có thể có nhiều bổng lộc lớn đến thế, tới mức nó thu hút hàng đàn các nhóm lợi ích cuồng tín. Nhưng vẫn còn một vấn đề về lý thuyết nữa trong lập luận của Madison. Ông đã chỉ ra rằng các nhóm lợi ích nhỏ thì dễ hình thành hơn, bởi vì thành viên của chúng được hưởng quá nhiều mà phần còn lại của đất nước thì lại ít bị thiệt. Đây là một phần của khái niệm mà ông gọi là “logic của hành động tập thể”. Nếu một nhóm 100 nông dân kết hợp lại để gửi kiến nghị cho chính phủ đòi 10 triệu USD, lợi ích mỗi nông dân giành được sẽ là 100.000 USD. Chi phí đổ lên đầu phần còn lại của đất nước chỉ là khoảng 4 xu một người. Vậy ai sẽ là người có nhiều khả năng hình thành lobby hơn, họ hay chúng ta? Hãy nhân con số này lên hàng nghìn lần và bạn sẽ hiểu vấn đề trung tâm của nền dân chủ Mỹ ngày nay.

Ngoài ra, các phe phái trên thực tế không trung hòa lẫn nhau. Hầu hết các nhóm lợi ích đều rất sung sướng khi thấy các nhóm khác cũng phát triển. Khi được hỏi là liệu ông có ủng hộ việc giảm bớt tài trợ ngân sách cho các nhóm đối thủ không, Bog Bergland, thuộc Hợp tác Xã Điện Nông thôn Quốc gia, nói: “Chúng tôi nghĩ rằng, có sự ủng hộ cho tất cả các bên là một lập luận rất hay”. Thực tế đó giúp thêm cho lý lẽ của bất kỳ nhóm nào – họ luôn có thể chỉ ra rằng nhóm khác cũng đang được tài trợ kia mà, tại sao lại phân biệt đối xử với họ? Càng đông càng vui. Suy cho cùng, sẽ dễ hơn trong việc xin được một khoản miễn thuế đặc biệt cho mình nếu ta cổ suý việc đó cho tất cả các nhóm khác nữa. Kết quả là, chính sách công đã trở thành, không phải là tổng của các nhóm lợi ích trung hòa lẫn nhau và đạt tới một kết quả hợp lý, như Madison tưởng là đúng, mà là tích lũy những khoản tiền cho không của chính phủ, hết khoản này tới khoản kia, trong một con đường xuống dốc.

Phạm Đoan Trang


1 thought on “KHI CÓ QUÁ NHIỀU MỘT THỨ TỐT ĐẸP”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC