Ở Chương II, Phần I, bạn đã được biết truyền thông, hiểu đơn giản là “truyền tải thông tin”, là việc một cá nhân/tổ chức truyền tải thông tin (dưới các hình thức ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, tín hiệu) cho một/các cá nhân/tổ chức khác biết. Còn truyền thông đại chúng là truyền tải thông tin đến một lượng lớn khán/thính/độc giả nhưng không tiếp xúc trực tiếp với họ.
Truyền thông đóng một vai trò khổng lồ trong thúc đẩy thay đổi xã hội: Tất cả các cuộc cách mạng chính trị đều có truyền thông chiếm đến một nửa vai trò, và có lẽ còn hơn thế nữa, trong thời đại Internet ngày nay.
Trong mọi mâu thuẫn, xung đột xã hội, phe nào nắm được truyền thông, khả năng phe đó thắng sẽ cao hơn, và ngược lại.
Ngay cả trong đời sống thường nhật của xã hội, truyền thông vẫn đóng vai trò quan trọng sống còn đối với chính quyền. Sự thực là những gì chúng ta hiểu về chính trị, chính sách công…không phải đến từ các chính trị gia, mà từ những gì chúng ta nghe, xem hay đọc được trên báo, đài, Internet… Chế độ dân chủ đương nhiên cần truyền thông để thực hiện nghĩa vụ minh bạch trước người dân. Nhưng bạn tin không, chế độ độc tài cũng cần truyền thông không kém, để mị dân, tỏ ra dân chủ, nhằm củng cố tính chính danh (tức niềm tin của dân chúng). Có thể nói không quá rằng truyền thông nằm ở trung tâm của hoạt động chính trị, nó gắn chặt với tất cả các hoạt động chính trị khác.
* * *
CÔNG LUẬN
Nói tới truyền thông đại chúng thì phải nói tới đối tượng mà nó hướng tới: đại chúng. Và nói tới truyền thông chính trị thì phải nói tới đối tượng mà nó vừa tác động, định hướng, lại vừa chịu tác động ngược lại: công luận. Truyền thông đóng vai trò khổng lồ, trung tâm của hoạt động chính trị trong cả xã hội dân chủ cũng như độc tài, thì công luận cũng vậy, cũng quan trọng cả dưới chế độ dân chủ lẫn độc tài.
Nhà khoa học chính trị Mỹ Valdimer Orlando Key viết trong cuốn sách nổi tiếng của ông năm 1961, “Public Opinion and American Democracy” (Công luận và nền dân chủ Mỹ), như sau:
“Các chính quyền luôn quan tâm đến ý kiến của công dân, cho dù chỉ để có cớ trấn áp nỗi bất mãn. Sự tò mò, lo lắng dai dẳng của kẻ cai trị về việc người bị trị nói gì về chúng và hành động của chúng, luôn còn ghi trong lịch sử của ngành mật vụ. Các biện pháp để thỏa mãn sự tò mò đó thông qua điều tra ý kiến công luận mới chỉ là một khía cạnh của khủng bố và trấn áp về chính trị; chúng còn có thể mở đường cho những chính sách khủng bố và trấn áp được tính toán để biến sự bất mãn thành sự phục tùng vui vẻ.
Ngay cả trong những chế độ ít dân chủ nhất, ý kiến công luận vẫn có thể ảnh hưởng đến đường lối hoặc tiến độ của chính sách. Cho dù một chính quyền nào đó có thể đứng vững nhờ ách độc tài, nhưng để trụ được lâu, nó cũng cần có sự ủng hộ hào phóng của một số lượng đáng kể người dân”. Cho nên chúng ta cần bỏ một quan niệm sai lầm là chỉ có chính quyền dân chủ mới cần biết đến công luận, còn độc tài thì luôn bỏ ngoài tai mọi ý kiến của dân. Thực tế là ở chế độ nào, chính quyền cũng cần hiểu và nắm được công luận.
Một biểu hiện của tâm lý thù ghét và chống Nhật Bản điên cuồng tại Trung Quốc.
Công luận là gì? Valdimer Orlando Key định nghĩa: “Công luận bao gồm tất cả những ý kiến, quan điểm của các cá nhân, mà chính quyền cho rằng cần phải lưu tâm đến”. Nói cách khác, công luận là tổng hợp tất cả các quan điểm cá nhân về một vấn đề nào đó, mà chính quyền nhận thức được và cân nhắc đến trong quá trình ra quyết định, hoạch định chính sách. Có nghĩa là, nếu không được chính quyền biết tới và cân nhắc, thì những quan điểm cá nhân đó không tạo thành công luận.
Cũng cần lưu ý rằng, công luận là một khái niệm rất linh hoạt, co giãn:
– Không phải tất cả các thành viên của cộng đồng đều quan tâm đến tất cả các vấn đề của cộng đồng.
– Mọi vấn đề đều có thể gây ra những quan điểm khác nhau, bao gồm cả việc chẳng có quan điểm gì. Cho nên, trong các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận, thường có phương án trả lời: “Không biết”, hoặc “Không quan tâm”.
– Bản thân quan điểm, lập trường cũng là thứ có thể thay đổi liên tục. Do đó, công luận có thể thay đổi, trước thế này sau thế khác, không nhất quán.
– Đồng thời với tính linh hoạt, hay thay đổi, công luận lại cũng rất bảo thủ. Nói đúng hơn, trong các vấn đề chính sách, công luận có thể dễ dàng thay đổi nếu tác động của truyền thông chính trị đủ lớn; nhưng liên quan đến tư tưởng, ý thức hệ, thì công luận rất khó thay đổi. Đa số thường chậm tiến về tư tưởng, khó chấp nhận cái mới. Các quan niệm cũ kỹ, lạc hậu, khổ nỗi luôn chiếm đa số, ý tưởng mới bao giờ cũng là của thiểu số.
Nói đến công luận đối với một vấn đề nào đó, ta cần quan tâm đến các khía cạnh: 1. Thái độ, lập trường (quan tâm và cho đó là việc quan trọng, hay thờ ơ, coi nhẹ? Nếu quan tâm thì ủng hộ, phản đối, hay ba phải?); 2. Mức độ, cường độ, tức là sức mạnh của quan điểm (quan tâm ở mức độ mạnh hay yếu, quyết liệt hay vừa phải?); 3. Tính ổn định (quan điểm có dễ thay đổi theo thời gian không?). Tất nhiên là cả ba khía cạnh này đều quan trọng như nhau.
Quan sát và nghiên cứu về công luận trong những xã hội dân chủ tự do như Mỹ và châu Âu, các chuyên gia rút ra một kết luận thú vị: Rất nhiều khi, các nhóm nhỏ nhưng quyết liệt, mạnh mẽ, lại chiến thắng các nhóm đối thủ tuy lớn nhưng thờ ơ, không đủ quyết liệt. Người Mỹ có một câu nổi tiếng: “Đôi khi, những kẻ thất bại kêu gào to hơn người chiến thắng ca hát”. Điều này nói lên tầm quan trọng của khía cạnh số 2, “cường độ”. Chính trị gia và quan chức không chỉ cần biết dân chúng nghĩ gì, thích gì, ghét gì (khía cạnh 1), mà còn cần phải biết họ thích hay ghét mạnh mẽ đến đâu (khía cạnh 2).
Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp xúc trực tiếp với dân.
Và cũng không chỉ chính trị gia và quan chức cần nắm bắt được công luận, mà cả những người hoạt động chính trị dưới các hình thức vận động, tham gia phong trào xã hội, làm truyền thông… cũng bắt buộc phải hiểu tầm quan trọng của công luận và ba khía cạnh của nó. Chúng ta lấy một ví dụ:
Giả sử Việt Nam tổ chức bầu cử với hai đảng cạnh tranh là Cộng sản và Cộng hòa.
Nếu 60% dân số ủng hộ Cộng sản, 40% ủng hộ Cộng hòa, và tất cả đều nhiệt tình bỏ phiếu, thì kết quả là đảng Cộng sản thắng 3:2.
Nếu 60% dân số ủng hộ đảng Cộng sản, 40% ủng hộ Cộng hòa, nhưng chỉ một nửa số cử tri ủng hộ đảng Cộng sản bỏ phiếu, số còn lại thờ ơ, trong khi tất cả “fan” của Cộng hòa đều nhiệt tình đi bầu: Cộng hòa thắng 4:3.
Được công luận yêu thích, ủng hộ không chưa đủ, mà còn phải được họ yêu thích và ủng hộ một cách mạnh mẽ, thực chất nữa. Và bạn hãy nhớ đến cái thực tế mà lịch sử đã ghi nhận: Trong vận động chính sách, nhóm nhỏ nhưng tranh đấu quyết liệt, mạnh mẽ, có thể chiến thắng các nhóm đối thủ tuy lớn nhưng thờ ơ, không đủ quan tâm.
Làm thế nào để “đo” công luận? Thông qua lá phiếu của cử tri; Thông qua các tổ chức xã hội dân sự; Thông qua tiếp xúc trực tiếp với người dân; Thông qua các cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến, điều tra xã hội học; Thông qua báo chí (báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh, báo điện tử, họa báo, báo ảnh); Thông qua mạng xã hội (blog, facebook, twitter…) v.v. Chắc hẳn còn rất nhiều cách, điều quan trọng là ta có sẵn sàng tìm hiểu không mà thôi. Từ khi cầm quyền, đảng Cộng sản Việt Nam, tuy cũng rất quan tâm và muốn nắm được công luận (cũng giống như mọi chính quyền khác trên thế giới), nhưng họ có tâm lý chỉ chấp nhận những điều họ thích nghe, những sự thật có lợi cho họ. Từ đó, nảy sinh một hệ thống báo chí-tuyên truyền và một đội ngũ tham mưu chỉ có nhiệm vụ “minh họa đường lối”, tức là làm sao để thiết kế nên những “sự thật” vừa ý đảng. Phản biện xã hội bị bóp nghẹt, bất đồng chính kiến bị tiêu diệt. |
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO RA VÀ/HOẶC ĐỊNH HƯỚNG CÔNG LUẬN?
Có hai cách chính để tạo ra và/hoặc định hướng công luận, là sử dụng truyền thông và giáo dục.
Xin nhắc lại: Truyền thông, hiểu đơn giản là “truyền tải thông tin”, là việc một cá nhân/tổ chức truyền tải thông tin (dưới các hình thức ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, tín hiệu) cho một/các cá nhân/tổ chức khác biết. Còn truyền thông đại chúng là truyền tải thông tin đến một lượng lớn khán/thính/độc giả nhưng không tiếp xúc trực tiếp với họ.
Như vậy, truyền thông có rất nhiều hình thức. Âm nhạc, sân khấu, điện ảnh cũng là truyền thông. Tuy nhiên, một cách cụ thể hơn, khi nói tới việc sử dụng truyền thông để tạo ra và/hoặc định hướng công luận, bạn đừng quên: vận động trực tiếp, báo chí, xuất bản, quảng cáo, và tuyên truyền. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về truyền thông với mục đích này, ở phần sau, về truyền thông chính trị.
Bên cạnh truyền thông, cũng có thể thông qua giáo dục để tạo ra và/hoặc định hướng công luận. Đảng Cộng sản Việt Nam có “sáng kiến” kết hợp tuyên truyền và giáo dục thành “tuyên giáo”, và đó là một nghề ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản.
* * *
TRUYỀN THÔNG CHÍNH TRỊ
Đến đây, khi đã biết được tầm quan trọng của công luận, chúng ta sẽ bàn về truyền thông chính trị, một khái niệm rộng hơn tuyên truyền.
Truyền thông chính trị chỉ đơn giản là truyền thông trong lĩnh vực chính trị, truyền thông nhằm mục đích chính trị. Bây giờ chúng ta sẽ phân tích sâu hơn về các thành tố của truyền thông chính trị.
1. Người truyền tải thông tin (người truyền thông)
Trong truyền thông chính trị, người truyền thông là bất kỳ người hoặc nhóm nào hành động để gây ảnh hưởng đến chính sách. Chủ thể này bao gồm: chính trị gia (chính khách), đảng phái, các nhóm, hội, tổ chức, các cơ quan nhà nước.
2. Thông điệp chính trị
Có thể được truyền tải dưới dạng ngôn ngữ, biểu tượng, hình ảnh, cử chỉ, v.v. thông qua đó người làm truyền thông truyền tải một ý nào đó đến đối tượng mục tiêu. Ví dụ như “Độc lập dân tộc” và “Ruộng đất dân cày” là thông điệp chính trị của Việt Minh đến đối tượng làm cách mạng tiềm năng (chủ yếu là nông dân) trong giai đoạn Việt Minh xây dựng lực lượng, những năm 1930-1931.
3. Phương tiện truyền tải thông tin
Có vô cùng nhiều cách truyền tải thông tin. Tìm ra một, một số, hoặc càng nhiều càng tốt phương tiện để truyền tải thông điệp chính trị, là việc người truyền thông phải nghĩ ra và nỗ lực thực hiện. Có một số phương tiện phổ biến như:
- Báo chí (báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh, báo điện tử, họa báo, báo ảnh);
- Xuất bản (tài liệu, sách, tờ rơi, ấn phẩm các loại);
- Truyền thông Internet: mạng xã hội, blog…;
- Các hình thức quảng cáo;
- Loa phóng thanh (kể cả loa phường, loa xã);
- Email (thường là spam);
- Hội thảo, hội nghị, tập huấn;
- Biểu tình;
- Cờ, biểu ngữ, bảng hiệu, bảng thông báo… (có thể nằm trong hoạt động biểu tình hoặc tách riêng);
- Gạch đá, cà chua, trứng thối…(có thể nằm trong hoạt động biểu tình hoặc tách riêng);
- Trò chuyện trực tiếp; và bạn đừng quên một cách quan trọng dưới đây:
- Rò rỉ thông tin.
Trong lịch sử thế giới và chắc chắn là cả Việt Nam, rất nhiều thông điệp chính trị đã được tung ra bằng con đường bí mật truyền miệng, rò rỉ một cách cố ý. (Tất nhiên là cố ý rồi, bởi đã gọi là truyền thông thì phải là hoạt động có chủ ý chứ không phải vô tâm, lỡ miệng). Người truyền thông chủ ý rò rỉ thông tin đó đến phóng viên, nhà báo, và trong thời của mạng xã hội thì họ rỉ tai các blogger, facebooker nổi tiếng, có ảnh hưởng tới cộng đồng.
Trong lịch sử Việt Nam, từng có một phương tiện truyền tải thông điệp chính trị rất độc đáo. Đó là trong trường hợp trong kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi cho người phết mật ong lên lá cây với dòng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi là vua, Nguyễn Trãi là bề tôi). Kiến ăn mật dọc theo dòng chữ này trên lá, và khi lá khô cuốn theo dòng nước về xuôi, dân chúng bắt được sẽ tin rằng phong trào Lam Sơn được Trời ủng hộ, Lê Lợi trước sau gì cũng thành vua vì đó là ý Trời. |
4. Người tiếp nhận
Đó là bất kỳ ai biết tới thông tin, thông điệp từ người làm truyền thông chính trị. Việc tiếp nhận có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp, song khả năng bị ảnh hưởng tới đâu là phụ thuộc vào:
- Kiến thức, trình độ;
- Mức độ quan tâm;
- Văn hóa chính trị.
5. Phản ứng
Truyền thông chính trị có thể:
- Tạo ra hoặc làm tăng thêm sự hài lòng, ủng hộ;
- Tạo ra hoặc làm tăng thêm sự thù địch, bất mãn; hoặc
- Chẳng tạo ra phản ứng gì ở người tiếp nhận.
Trường hợp thứ ba được coi là thất bại. Trường hợp một và hai được coi là thành công, tùy theo mục đích của người truyền thông là gì và có đạt được không. Cụ thể hơn, truyền thông chính trị thành công nếu nó tạo ra được ở người tiếp nhận những phản ứng sau đây:
- Bắt đầu nghĩ tới vấn đề: Trước kia người ta chưa từng nghĩ tới vấn đề, bây giờ thì bắt đầu nghĩ.
- Thay đổi: Trước kia người ta nghĩ khác, bây giờ đã thay đổi.
- Củng cố: Trước kia người ta chưa ủng hộ hay phản đối mạnh, bây giờ ủng hộ hay phản đối mạnh.
- Hành động: Trước kia người ta chẳng làm gì, bây giờ người ta chủ động làm điều gì đó.
Truyền thông chính trị là một lĩnh vực rộng lớn trong chính trị. Và khi nói tới truyền thông chính trị, chúng ta không thể không bàn tới một mảng của nó – vốn được coi như “tà đạo” vì gắn chặt với ngụy biện, dối trá và lợi dụng đối tượng tiếp nhận: tuyên truyền.
* * *
TUYÊN TRUYỀN
Tuyên truyền là việc đưa ra những thông tin có chọn lọc, có nội dung thiên vị, không công bằng, sai lệch, bóp méo để tác động tới một đối tượng nào đó, nhằm phát tán và/hoặc đẩy mạnh một quan điểm chính trị nào đó. Tuyên truyền cũng là một hình thức truyền thông, một nhánh của truyền thông chính trị.
Về từ nguyên, tuyên truyền tiếng Anh là propaganda, một từ có gốc Latin. Khái niệm này khởi thủy xuất phát từ nhà thờ Công giáo ở Rome vào năm 1622 và chỉ mang nghĩa trung tính là truyền giáo. Tuy nhiên từ những năm 1790 (thập niên cuối cùng của thế kỷ 18), nó bắt đầu được thế tục hóa, và từ giữa thế kỷ 19 thì được sử dụng trong chính trị và mang nghĩa tiêu cực.
Sở dĩ bị coi là tiêu cực, bởi người làm tuyên truyền sử dụng những thông tin thiên vị, không công bằng, thậm chí sai lệch, méo mó, hoặc trình bày thông tin một cách có chọn lọc (ví dụ: chỉ kể những gì tích cực, xóa bỏ thông tin tiêu cực), hoặc truyền đạt làm sao để kích động cảm xúc thay vì khuyến khích người ta suy nghĩ có lý trí. Mục đích của tuyên truyền luôn là để nhào nặn công chúng (đối tượng của tuyên truyền) và tận dụng, lợi dụng họ cho các tư lợi chính trị.
Đó là những việc không lương thiện.
Chiến tranh Lạnh đã hết, Liên Xô và khối Đông Âu cộng sản – những xứ sở vàng của tuyên truyền – đã sụp đổ, nhưng từ “propaganda” ngày nay vẫn giữ nghĩa xấu, tiêu cực. Có lẽ vì thế mà sau nhiều năm dùng nhầm tên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ở Việt Nam đã phải sửa tên tiếng Anh của họ từ “Academy of Journalism and Propaganda” thành “Academy of Journalism and Communication”, báo chí và truyền thông.
Phương tiện tuyên truyền: Có một số phương tiện trùng với các phương tiện truyền thông chính trị, ví dụ:
- Báo chí (báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh, báo điện tử, họa báo, báo ảnh);
- Xuất bản (tài liệu, sách, tờ rơi, ấn phẩm các loại);
- Truyền thông Internet: mạng xã hội, blog…;
- Loa phóng thanh (kể cả loa phường, loa xã);
- Tuần hành, mít tinh;
- Cờ, biểu ngữ, bảng hiệu, bảng thông báo…(có thể nằm trong hoạt động tuần hành, mít tinh, hoặc tách riêng).
Nhưng tuyên truyền còn sử dụng cả nhiều phương tiện tinh vi hơn rất nhiều:
- Dùng người, nhất là người đẹp, người nổi tiếng;
- Dùng vật, đồ vật (tượng, phù điêu, huy hiệu);
- Dùng hình ảnh (nhiếp ảnh, các thể loại phim);
- Dùng hội họa (tranh, bích họa, tem…);
- Dùng âm nhạc;
- v.v.
Kỹ thuật tuyên truyền: Bản chất của tuyên truyền là tung tin có chọn lọc, sai lệch, bóp méo, cho nên về kỹ thuật, nó buộc phải gắn với dối trá và ngụy biện. Có rất nhiều kỹ thuật, hay là thủ đoạn tuyên truyền, ví dụ như: sử dụng những hình ảnh, những biểu tượng, hoặc từ ngữ gây cảm xúc; bóp méo có chọn lọc; đánh lạc hướng (đánh tráo chủ đề); tung tin đồn; nói dối trắng trợn, v.v.
(Xem phần Phụ lục để biết các kỹ thuật tuyên truyền căn bản).
Ngoài ra, điều rõ ràng là hiệu quả của tuyên truyền không chỉ phụ thuộc vào kỹ thuật tuyên truyền mà còn vào diện phủ sóng của phương tiện truyền thông đại chúng được sử dụng vào tuyên truyền. Một thực tế hiển nhiên là cá nhân hay tổ chức nào càng nắm được nhiều kênh truyền thông thì càng dễ tuyên truyền hơn.
Đó là lý do khiến cuộc chiến truyền thông của những người ủng hộ dân chủ – nhân quyền ở Việt Nam với đảng Cộng sản trở nên không cân sức, phần thắng rất nhiều khi thuộc về đảng Cộng sản. Bởi đảng này sở hữu và kiểm soát toàn bộ hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng (gồm hàng nghìn cơ quan báo đài, trong đó riêng VTV đã có thể phủ sóng tới tận quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa), trong khi “lề trái” chỉ mạnh ở facebook và blog.
Kiểm soát và định hướng báo chí ở chế độ độc tài |
Kiểm duyệt kỹ thông tin và lập luận trước khi công bố ra cho giới truyền thông. Kiểm soát các nguồn tin để đảm bảo là chỉ “quan điểm chính thức”, “quan điểm chính thống” mới được công bố và có giá trị. Ví dụ như ở Việt Nam dưới thời cộng sản, công an cũng như rất nhiều người dân đều quan niệm rằng chỉ có thông tin do “báo đài nhà nước” đưa là đáng tin cậy, còn tin tức lấy trên mạng Internet là vô giá trị, không đáng tin. Bí mật tung tin từ nguồn ẩn danh, rò rỉ thông tin. Một trong các ví dụ kinh điển ở nước Việt Nam cộng sản là trang Chân Dung Quyền Lực, ra đời tháng 12/2014. Ngày 15/1/2015, tròn một tháng xuất hiện, trang này đạt 24 triệu lượt truy cập. Chỉ cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông thân tín và ủng hộ mình. Ở Việt Nam thời cộng sản, tất cả các tờ báo chính trị-xã hội đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng Cộng sản, nhưng trong đó có 6 cơ quan báo chí được ưu đãi đặc biệt: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân, báo Công an Nhân dân. Có nhiều sự kiện của “Đảng và Nhà nước”, chỉ những cơ quan báo chí này mới được tham dự. Cung cấp thông tin thật trễ, sát nút, để khiến báo chí không còn đủ thời gian kiểm chứng, phe đối lập không kịp phân tích phản biện. Tung tin khác (ví dụ tin xấu…) vào lúc các sự kiện quan trọng đang chiếm sóng trên truyền thông. Ví dụ: Những người thạo tin ở Việt Nam nhận thấy rằng cứ mỗi lần dư luận xôn sao về một vụ việc xã hội nào đó thì giới showbiz lại có chuyện gây chú ý, chẳng hạn như người mẫu, “nữ hoàng đồ lót” Ngọc Trinh lên báo với câu nói nổi tiếng “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” đúng lúc vừa nổ ra vụ cưỡng chế đất đai đầy tai tiếng ở Văn Giang (Hưng Yên). Về sau, chuyện giới showbiz với những “sao lộ hàng”, “hot girl lộ vòng 1 khủng”… bão hoà, không thu hút được đông đảo tầng lớp độc giả, khán giả nữa (dù có thể vẫn thu hút được đáng kể “bạn đọc tuổi teen”), tuyên giáo Việt Nam bắt đầu khéo léo hướng báo chí chuyển sang các đề tài khác, sử dụng những nhân vật khác ngoài giới showbiz, gồm cả những quan chức, cán bộ cấp thấp, cho ra những phát ngôn ngớ ngẩn và những chính sách quái đản, để dư luận ồn ào lên chửi bới, công kích mà quên mất những vấn đề thời sự chính trị nóng bỏng và đáng quan tâm hơn thế nhiều. Ta có thể lấy ví dụ như vụ tháng 3/2017, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đột nhiên đưa ca khúc “Con đường xưa em đi” vào danh sách nhạc phẩm cấm lưu hành (vốn dĩ nó đã bị cấm từ lâu trước đó). Hay chuyện cuối năm 2017, Giáo sư Bùi Hiền công bố bảng chữ cái tiếng Việt cải cách – kết quả một công trình nghiên cứu kéo dài 20 năm của ông ta. |
Giới hạn của tuyên truyền: Mặc dù tuyên truyền là một lĩnh vực truyền thông đầy thủ đoạn và rất có ảnh hưởng, nhưng sức mạnh của nó không phải là vô hạn. Tuyên truyền sẽ bị hạn chế bởi các yếu tố sau:
1. Luật pháp: Nếu là một xã hội dân chủ với nền luật pháp công bằng, thì luật pháp sẽ bảo vệ nhân quyền, trong đó có quyền của người dân không bị bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Dân trí: Người dân càng có tư duy phản biện và tinh thần duy lý (trọng lý lẽ, lý trí hơn trọng tình) thì càng khó bị dẫn dụ, dắt mũi, định hướng.
Các nhà nghiên cứu đã công bố một điều thú vị là người ít đọc sách dễ bị tuyên truyền hơn người đọc nhiều sách; người không có quan điểm hoặc quan điểm không mạnh sẽ dễ bị tuyên truyền hơn người đã có sẵn quan điểm.
3. Những định kiến, quan niệm ăn sâu: Tuyên truyền rất khó thay đổi những định kiến, những quan niệm đã bắt rễ quá sâu trong xã hội. Ví dụ như chúng ta không thể tuyên truyền để toàn thể xã hội nghĩ rằng người ốm hạnh phúc hơn người khỏe.
Thông thường, tuyên truyền về các vấn đề vốn bị người dân coi là không quan trọng lắm, thì sẽ hiệu quả hơn tuyên truyền về các vấn đề được coi là quan trọng. Vấn đề người dân càng ít quan tâm, ít biết, thì càng dễ tuyên truyền. Chẳng hạn, nếu phần đông dân chúng vốn không để ý tới việc hút thuốc lá nơi công cộng, thì tuyên truyền về luật chống thuốc lá có khả năng cao là thành công, mà biểu hiện là không ai phản đối và luật sẽ được thông qua nhanh chóng.
Đến đây, hẳn bạn đã thấy: Tuyên truyền là một mảng của truyền thông chính trị, và nó là một thứ “tà đạo” của truyền thông chính trị. Còn truyền thông là một loại hoạt động không thể thiếu trong chính trị; hoạt động chính trị nào cũng phải gắn chặt với nó, dù là cách mạng hay chuyển hóa, dù là đảng phái hay xã hội dân sự. Ở Chương III, chúng ta sẽ tiếp tục với hai lĩnh vực hoạt động chính trị cực kỳ có ảnh hưởng và mang tính “chính trị” cao độ: hoạt động đảng phái và xã hội dân sự.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC