“Chính trị bình dân” đã ra đời và tồn tại trong hoàn cảnh thật đặc biệt đối với tác giả.
Cuốn sách này được xuất bản trên trang mạng Amazon, công bố vào ngày 22/9/2017. Ngày 09/2/2018, trước dịp tết nguyên đán Mậu Tuất, một số bản sách bị Hải quan Đà Nẵng thu giữ. Ngày 24/2/2018, tác giả bị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đến tận nhà riêng, đưa về đồn (một trong các trụ sở của Cơ quan An ninh Điều tra, ở số 3 phố Nguyễn Gia Thiều, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để “làm việc” về cuốn sách. Ngay sau đó, ngày 27/2/2018, trong bối cảnh tác giả bị sách nhiễu và đe dọa, Luật Khoa tạp chí – nơi tác giả là sáng lập viên và biên tập viên – đã quyết định công bố miễn phí trên mạng phiên bản “Chính trị bình dân” tái bản lần thứ nhất với nhiều chỉnh lý, bổ sung.
Do đó, trong ấn bản lần thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh điều mà tôi từng đề cập nhiều lần trên mạng: “Tôi sung sướng, vui mừng vì sách được độc giả đón nhận”, “Sự ủng hộ và tấm lòng của các bạn là sự bảo vệ lớn nhất dành cho tôi lúc này, và không bao giờ tôi có thể quên được. Không bao giờ”.
Nếu không có độc giả, thì không tồn tại tôi với tư cách tác giả. Và nếu không có sự ủng hộ nhiệt thành của độc giả suốt từ khi sách ra đời, thì chắc là tôi đã ở trong một nhà tù nhỏ nào đó trên đất nước Việt Nam thời cộng sản.
Tôi muốn dành thật nhiều lời để cảm ơn những người đã giúp tôi viết cuốn sách này, nhưng dung lượng của vài trang giấy có hạn, và thực sự cũng khó có đủ lời để diễn tả hết giá trị của sự giúp đỡ của họ đối với tôi.
Họ ủng hộ tôi về tinh thần và vật chất trong suốt quá trình viết sách. Họ cung cấp kiến thức, tư liệu và hình ảnh, góp phần vào nội dung sách. Trên tất cả, những gì họ làm, cách họ sống, thái độ sống của họ đã là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho tôi để viết nên cuốn sách hơn 500 trang này.
Cảm ơn các nhà hoạt động, các hội nhóm xã hội dân sự độc lập đầu tiên ở Việt Nam – những cá nhân và tổ chức đã đi đầu trong việc chọc thủng bức màn sắt của chế độ độc tài, can đảm cất lên tiếng nói, bước chân xuống đường biểu tình, chỉ để cho người dân trong một xã hội đang tê liệt vì sợ hãi, ì trệ vì chán ngán, thấy một sự thật: Chúng ta có quyền, và chúng ta có thể tạo nên sự thay đổi.
Cảm ơn những bà con cô bác, những người anh, người chị trong cộng đồng hải ngoại, nửa đời xa quê hương và gắn chặt với những lo toan nơi xứ người, vẫn chưa bao giờ thôi hướng về Việt Nam yêu thương.
Cảm ơn các bạn nước ngoài của tôi. Là những người không cùng quê hương, xứ sở với tôi, nhưng luôn giúp đỡ, ủng hộ, chia sẻ với tôi rất nhiều điều, các bạn đã làm cho tôi hiểu hơn bao giờ hết về giá trị của hai từ “nhân quyền” – nhân quyền là không kỳ thị, là phổ quát và không biên giới.
Cảm ơn hàng trăm tù nhân lương tâm đã hy sinh tự do của họ để đẩy lùi tấm màn sắt vây hãm nhân quyền ở Việt Nam.
Xin bày tỏ sự cảm phục và biết ơn tới những thế hệ đi trước trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ-tự do cho đất nước. Không có họ, sẽ không có những “thế hệ F”, “thế hệ xanh” của các nhà hoạt động về sau, và tất nhiên, không có cả tôi với tư cách tác giả cuốn sách này.
Và cuối cùng, một lời cảm ơn với đầy sự trân trọng và cảm mến dành cho những bạn trẻ hoạt động ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu và nhiều địa phương khác trong cả nước – những người đã tạo ra một nguồn cảm hứng lớn mà một tác giả, một cuốn sách viết về họ, cho họ, chẳng bao giờ là đủ.
Không bao giờ tôi diễn tả hết được nguồn cảm hứng mà những người nêu trên đã tạo ra cho tôi, niềm biết ơn của tôi đối với họ, cũng như không bao giờ tôi có thể kể hết tên của họ trong vài hàng chữ.
Vì vậy, đành chỉ xin có một lời cảm ơn chân thành nhất, dành cho tất cả.
Phạm Đoan Trang