Dân chủ mang đến một loạt những cơ chế, những kênh khác nhau để người ta thể hiện quan điểm, theo đuổi lợi ích và mưu cầu hạnh phúc, thông qua hội nhóm/ tổ chức/ phe phái/ đảng phái, với tư cách cá nhân cũng như tập thể…
Dân chủ tạo điều kiện cho sự ra đời những chính sách công tốt. Ở đây, các bạn lưu ý là bất kỳ chính sách nào, dù mục đích tốt đẹp đến đâu, cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một hoặc một số nhóm người trong xã hội. Tuy thế, dân chủ sẽ làm giảm nguy cơ ra đời những chính sách gây hại cho số đông dân chúng, và nếu thiểu số có chịu thiệt hại thì thiệt hại đó cũng không quá lớn.
Dân chủ tất nhiên gây tranh cãi, nhưng một nền dân chủ không đòi hỏi tất cả mọi người phải đồng ý với nhau về tất cả các vấn đề; nó chỉ đòi hỏi mọi người đồng ý với nhau về cơ chế ra quyết định đối với các vấn đề công cộng. Nói cách khác, nó không cần tất cả mọi người phải đồng ý với nhau về kết quả của cuộc chơi, mà chỉ đòi hỏi mọi người cùng chấp nhận luật chơi. Nếu vẫn còn có những nhóm phải bất mãn với một luật chơi bị áp đặt, điều đó chứng tỏ dân chủ vẫn chưa được đảm bảo, chưa được thực thi.
Tuy nhiên, có lẽ cách tốt hơn để bạn thấy các lợi ích về dân chủ là để bạn tìm hiểu về hai chế độ đối nghịch với nó: toàn trị và độc đoán.
CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ
Chế độ toàn trị là một hệ thống chính trị trong đó ách cai trị bao trùm lên tất cả, toàn bộ, các mặt của đời sống (hiểu nôm na là toàn trị nghĩa là cai trị toàn bộ); ách cai trị đó được xác lập với việc áp đặt một ý thức hệ bao trùm và sự tàn bạo, hà khắc, gây sợ hãi.
Chế độ toàn trị khác với chế độ chuyên quyền và chế độ độc đoán ở chỗ nó tìm kiếm “toàn bộ quyền lực”, “quyền lực tuyệt đối” thông qua việc chính trị hóa mọi khía cạnh của đời sống xã hội và cá nhân. Còn chế độ chuyên quyền và chế độ độc đoán có mục tiêu khiêm tốn hơn, là chỉ nắm độc quyền về quyền lực chính trị, thường là bằng cách loại quần chúng ra khỏi chính trị.
Chế độ toàn trị thẳng thừng xóa bỏ xã hội dân sự: tiêu diệt cái cá nhân, cái riêng, của tư nhân. Đôi khi chế độ toàn trị được xác định nhờ có “hội chứng sáu điểm” như sau :
- Có một ý thức hệ chính thức;
- Nhà nước độc đảng, có khi bị cai quản bởi một nhà lãnh đạo hùng mạnh, toàn năng;
- Một hệ thống cảnh sát giám sát, gây sợ hãi;
- Độc quyền các phương tiện truyền thông đại chúng;
- Độc quyền các phương tiện vũ trang;
- Nhà nước kiểm soát tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế.
CHẾ ĐỘ ĐỘC ĐOÁN
Chế độ độc đoán đi theo một chủ nghĩa cho rằng, và thực thi, quyền lực dội từ trên xuống, trong đó, quyền lực được thực thi bất kể có được sự tán thành chung hay không. Chế độ độc đoán, vì thế, nhấn mạnh việc quyền lực phải bao trùm lên tự do cá nhân. Tuy nhiên, chế độ độc đoán thường được phân biệt với chế độ toàn trị. Việc thực thi quyền lực từ trên xuống có liên hệ với chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài truyền thống, và hầu hết các chế độ quân sự đều xoay quanh việc đàn áp phe đối lập cũng như tự do chính trị, thay vì theo đuổi một mục tiêu cực đoan hơn, là xóa bỏ sự tách biệt giữa nhà nước và xã hội dân sự. Do đó, các chế độ độc đoán có thể dung tha một số đáng kể các quyền tự do kinh tế, tôn giáo và các quyền tự do khác.
* * *
NHỮNG MẶT TRÁI CỦA DÂN CHỦ
Nền độc tài của đa số
Đến đây chúng ta đã biết một trong các nguyên tắc của dân chủ là “thiểu số phải theo đa số”. Chúng ta cũng biết một thực tế là, bất kỳ chính sách công nào được ban hành, cho dù bản chất nó có tiến bộ đến đâu, thì cũng sẽ có người bất mãn với nó.
Vậy, sẽ ra sao nếu có một thiểu số thường xuyên, liên tục phải chịu thua đa số, và vì thế thường xuyên, liên tục bất mãn? (ví dụ: người đồng tính, người dân tộc thiểu số…). Khi điều đó xảy ra, mâu thuẫn có thể tích tụ và nếu không có cơ chế giải quyết thì xung đột sẽ là không tránh khỏi.
Đám đông có thể sai
Một trong các nguyên tắc của dân chủ là “thiểu số phải theo đa số”. Vấn đề là không phải đa số lúc nào cũng đúng. Trong lịch sử, có vô vàn ví dụ về cái sai của đám đông, mà một trong các ví dụ kinh điển nhất là câu chuyện nhà bác học Galileo đối đầu với hệ thống nhà thờ và giáo lý ở châu Âu thời Trung cổ. Chỉ một mình Galileo nói rằng trái đất quay xung quanh mặt trời, và ông đúng, còn đám đông thì sai.
Khi thực hiện dân chủ, thiểu số theo đa số, mà đa số lại sai, thì có nghĩa là dân chủ đã không đồng hành cùng chân lý, công lý. Cho nên trong nhiều trường hợp, muốn theo đuổi công lý, phải hy sinh dân chủ (không theo số đông nữa), và ngược lại, muốn thực thi dân chủ thì phải chấp nhận bỏ qua công lý. Người ta gọi đây là mâu thuẫn giữa công lý và dân chủ.
Vai trò của chuyên gia
Đến đây chúng ta đều đã biết một trong các nguyên tắc của dân chủ là “tất cả mọi người đều có khả năng ảnh hưởng tới chính sách như nhau”. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống, gần như tất cả các lĩnh vực đều cần phải có tiếng nói của chuyên gia trong lĩnh vực đó; chuyên gia mới là người quyết định những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đó.
Và vì thế, ta thấy ở đây một mâu thuẫn nữa: mâu thuẫn giữa dân chủ và vai trò của chuyên gia. Rõ ràng, nếu chuyên gia là người có tiếng nói quyết định, thì nguyên tắc “tất cả mọi người đều có khả năng ảnh hưởng tới chính sách như nhau” là không thể thực hiện.
Mâu thuẫn này thể hiện rất rõ trong chính trị và chính sách công: Dân chủ cho mọi người dân quyền lên tiếng trong quá trình ra quyết định, làm chính sách, và thế là dường như mọi việc trên đời đều cần và đều có chuyên gia, chỉ trừ việc quản trị, điều hành đất nước. Có nhiều vấn đề, “chuyên gia” đóng góp ý kiến nhiều đến mức cuối cùng không ai nghe ai cả, ví dụ như những vụ chặt hạ hàng loạt cây xanh ở Hà Nội vì mục tiêu phát triển đô thị.
Nhiều khi mất thì giờ và không hiệu quả
Nguyên tắc của dân chủ là tất cả mọi người đều được tham vấn, được có ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách. Hậu quả của việc này là quá trình ra quyết định không thể không kéo dài. Ở một nền dân chủ nổi tiếng là Mỹ, rất thường xuyên xảy ra tình trạng gọi là “thế bế tắc về chính sách”, khi mà không một chính sách nào được ban hành để giải quyết một vấn đề chung nào đó, bởi lẽ tranh cãi, phản biện, vận động chính sách quá nhiều và không bên nào thắng để có thể dứt điểm.
TRONG NGẮN HẠN, DÂN CHỦ KHÔNG HỨA HẸN NHIỀU ĐIỀU NHƯ BẠN TƯỞNG
Ở Việt Nam dưới thời cộng sản, nhiều dư luận viên hoặc những người có tư duy kiểu dư luận viên hay hỏi vặn, đại ý: “OK, cứ cho là Việt Nam không dân chủ đi, và bây giờ đùng một cái đất nước chuyển sang chế độ dân chủ đa đảng. Thế đường sá còn tắc không, còn rác rưởi, bụi bặm không? Thực phẩm an toàn sạch sẽ ngay chưa? Chưa phải không? Chứng tỏ dân chủ không phải liều thuốc thần, nhé. Cái gì cũng phải từ từ, phải có lộ trình, không phải cứ dân chủ là giải quyết hết các vấn đề của đất nước đâu”.
Tất nhiên là họ ngụy biện. Nhưng họ nói đúng một điểm: Dân chủ không phải liều thuốc thần, nhất là trong ngắn hạn (dưới 1-3 năm).
Dân chủ không hứa hẹn phát triển kinh tế ngay lập tức, không hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao hơn: Tỷ lệ tiết kiệm, tỷ lệ đầu tư, năng suất lao động, trình độ học vấn, năng lực sáng tạo v.v.ở các nước dân chủ không chắc đã cao hơn, nhất là trong giai đoạn chuyển giao chế độ.
Dân chủ không hứa hẹn bộ máy hành chính tốt hơn: Năng lực làm việc của bộ máy hành chính ở chế độ dân chủ thậm chí còn có thể chậm hơn, tiến trình làm việc kéo dài hơn, tốn kém hơn so với xứ độc tài.
Khi chuyển giao sang chế độ dân chủ, giai đoạn đầu người dân có thể còn tỏ ra bất mãn hơn, nhất là bởi vì khi đó họ đã có quyền tự do phản biện và phê phán, không lo bị chính quyền đàn áp.
Dân chủ không hứa hẹn trật tự và đồng thuận: Khi người dân có quyền tự do biểu đạt, thì sự bất mãn, chống đối các quy định, chính sách mới có thể còn cao hơn trong chế độ độc tài.Mâu thuẫn trong xã hội có thể còn cao hơn thời độc tài: Mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc nổi lên (ví dụ: Tây Nguyên đòi quyền tự trị).
Tự do kinh tế luôn chứa đựng rủi ro: Dân chủ đưa đến nền kinh tế mở, hội nhập với thế giới, giảm thiểu chủ nghĩa bảo hộ. Điều đó có thể mang lại sự thịnh vượng, nhưng cũng có thể đem đến cạnh tranh không lành mạnh, thất bại trước các công ty nước ngoài, phá sản, thất nghiệp v.v. Bên cạnh đó, các quyền tự do về kinh tế (như quyền tư hữu tài sản, quyền được bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền không bị nhà nước can thiệp về kinh tế…) không chắc đã đồng nhất với tự do về chính trị.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC