I. Một số nét chính về lịch sử của người Duy Ngô Nhĩ đến những năm 1950
Dân tộc Duy Ngô Nhĩ là dân tộc thiểu số tại Trung Quốc được nhiều người trên thế giới biết đến nhất. Đây là một trong 3 dân tộc lớn (cùng với người Kurd và người Tuager) không có quốc gia riêng.
Trên lãnh thổ Trung Quốc hiện nay có hơn 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ, tuyệt đại đa số trong số đó – hơn 8 triệu người, sống trên lãnh thổ lịch sử của họ với tên gọi chính thức hiện nay là Khu tự trị Tân Cương- Duy Ngô Nhĩ.
Tân Cương (theo tiếng Hán – “cương vực mới”), là một khu vực rộng lớn ở cực Tây Bắc Trung Quốc nằm giữa Mông Cổ, các nước Cộng hòa Xô Viết cũ ở Trung Á, Afganistan và Tây Tạng. Chiều dài 2.000 km từ tây sang đông và ít hơn một chút từ bắc xuống nam.
Đây là khu vực có địa hình chia cắt – gồm các đồng bằng khô hạn có các ốc đảo, sa mạc và các dãy núi- là nơi “Con đường tơ lụa” chạy qua nối Trung Quốc với Địa Trung Hải.
Tân Cương có diện tích bằng 1/6 diện tích toàn Trung Quốc (gấp 3 diện tích nước Pháp). Khu vực này có đường biên giới với Kazakhstan (1.718 km), Kyrgyzstan (1.000 km), Tajikistan (450 km), Nga (55 km), Mông Cổ (1.400 km), và với Afganistan, Ấn Độ và Pakistan. Tổng chiều dài đường biên giới quốc gia là 5.600 km. Một phần ba lính biên phòng của Trung Quốc đóng quân tại khu vực này.
Tại Tân Cương (Nga thường gọi là Đông Turkestan, – để phân biệt với Tây Turkestan – khu vực lãnh thổ hiện nay các nước cộng hòa Xô Viết Trung Á cũ từng bị Nga chinh phục được trong thế kỷ XVII-XVIII) – từ trước đây rất lâu đã có nhiều dân tộc sinh sống như người Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan…
Trong thế kỷ thứ XVIII, Đế quốc Dzungarsk (trên khu vực Tân Cương hiện nay) là đế quốc du mục cuối cùng trên thế giới bị nhà Thanh tiêu diệt sau một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài 10 năm.
Quân đội của Nhà Thanh đã sát hại gần 90% người Dzungarsk (người Mông Cổ ở phía Tây), những người sống sót chạy về phía Tây đến tận sông Volga và trở thành dân tộc Kalmức hiện nay tại Nga (sống trong nước Cộng hòa tự trị Kalmưkia).
Đến đầu thế kỷ thứ XIX, nhà Thanh chiếm toàn bộ Tân Cương, toàn bộ Kyrgyzstan và một phần phía nam của Kazakhstan cho đến tận hồ Balkhash.
Nhưng trước đó, cách đây 2.000 năm, người Hán đã từng chinh phạt Tân Cương – đó là vào thời kỳ Nhà Hán muốn thiết lập các tiếp xúc ngoại giao với Hoàng đế La Mã. Trong thế kỷ đầu sau công nguyên, trên vùng đất này bắt đầu xuất hiện các đồn binh Trung Quốc và người Hán bắt đầu di dân đến vùng đất này để kiểm soát “Con đường tơ lụa”. Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách mà nhà Hán đã từng tiến hành tại khu vực này – sự trùng hợp còn làm người ta liên tưởng đến một điều: Trung Quốc ngày nay và nhà Hán trước kia đều do 2 người có nguồn gốc nông dân lập ra – Mao Trạch Đông và Lưu Bang. Trong suốt hai nghìn năm đó, lịch sử Tân Cương là lịch sử của những chiến thắng và thất bại nối tiếp nhau trong cuộc đấu tranh của các quốc gia tại khu vực này với các hoàng đế Trung Hoa – từ hậu duệ Lưu Bang đến hậu duệ Mao Trạch Đông.Trong thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên, trên vùng đất này đã từng tồn tại 3 quốc gia tiền phong kiến lớn – kéo dài từ các thảo nguyên Kazakhstan đến tận bán đảo Triều Tiên ngày nay.
Từ hai thế kỷ trở lại đây
Sau khi những người Mãn Châu (Nhà Thanh) đánh bại vương triều Dzungarsk vào thế kỷ XVIII như đã nói ở trên và thành lập tỉnh Tân Cương, thì nơi này luôn là khu vực bất ổn nhất trong lãnh thổ “Thiên triều”. Người Duy Ngô Nhĩ thường xuyên nổi dậy chống lại sự đô hộ của chính quyền trung ương Bắc Kinh- đó là vào các năm 1816, 1825, 1830, 1847 và 1857.
Để bình định tỉnh mới cứng đầu này, chính quyền Bắc Kinh đã bố trí tại đây các đồn binh gồm người Trung Quốc (người Hán) và Mãn Châu, khuyến khích di dân từ các tỉnh miền trung Trung Hoa đến Tân Cương. Nhà Thanh cũng xây dựng các khu dân cư quân sự đặc biệt gồm toàn những cư dân được đưa từ Vùng Viễn Đông và Trung Á đến khu vực này.
Giành độc lập lần thứ nhất
Vào năm 1864, người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương đã tiến hành một cuộc khởi nghĩa lớn và đã giành thắng lợi. Cả vùng Tân Cương trong vòng hơn 10 năm đã trở thành một quốc gia Hồi Giáo hoàn toàn độc lập với tên gọi là Iettisha do Iaqub Beg – một người Tajikistan đứng đầu.
Iaqub – Beg đã xây dựng được một quân đội mạnh, dựa vào địa hình núi non và sa mạc để đánh trả các đợt tấn công của quân đội nhà Thanh.
Nhưng vào thời kỳ này, một đế quốc khác ở Phương Bắc là Nga cũng đã chinh phục được phần lớn các vương quốc vùng Trung Á (được đặt tên là Tây Turkestan như đã nói ở trên) hoàn toàn không muốn có sự tồn tại ngay cạnh biên giới mới của mình một quốc gia Hồi giáo mạnh và (có thể thù địch).
Trong khi đó, Iaqub – Beg thực hiện chính sách đối ngoại tìm kiếm mối quan hệ đồng minh và sự giúp đỡ của một số nước, trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ và thực dân Anh (lúc này đã chiếm được Ấn Độ và đang bắt đầu các nỗ lực chiếm Afghanistan) để chống lại Nhà Thanh.
Trong cuộc tranh chấp giữa Nga và Anh nhằm giành quyền kiểm soát khu vực Trung Á, Nga tính toán rằng, để đảm bảo an ninh cho Tây Turkestan (lúc này đã thuộc Nga) thì phương án tốt nhất là “nhường” lại trên danh nghĩa Đông Turkestan cho Bắc Kinh ở xa hơn và đang suy yếu chứ không thể “nhượng lại” cho Thực dân Anh hùng mạnh lúc này đã ở ngay sát cạnh Tây Turkestan.
Còn đối với Nhà Thanh, khó khăn lớn nhất trong việc lấy lại Tân Cương là đảm bảo giao thông, nói chính xác hơn là đảm bảo hậu cần cho các đội quân trong các cuộc hành quân hàng nghìn km ở khu vực núi hiểm trở và sa mạc.
Chính Nga, xuất phát từ những tính toán như đã nói ở trên đã giúp “Thiên triều” giải quyết khó khăn này – Tỉnh trưởng đầu tiên của Tây Turkestan là Kaufman, một người Nga gốc Đức đã cho tiến hành một chiến dịch đặc biệt để cung cấp lương thực cho đội quân tấn công của viên tướng Trung Quốc Tszo Tszuntan (không tìm được phiên âm Hán Việt – mong bạn đọc thông cảm-ND). Dĩ nhiên, Nhà Thanh đã phải mua lương thực của Nga với giá cắt cổ, tổng giá trị hơn 10 triệu rúp bạc.
Sau khi giải quyết xong khâu đảm bảo hậu cần bằng cách trên, quân đội nhà Thanh bắt đầu tấn công tàn sát quân khởi người Duy Ngô Nhĩ và người Dungan (người Trung Quốc theo Đạo Hồi) cùng toàn bộ gia đình của họ. Những người còn sống sót chạy sang khu vực lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Chính tại đây, người tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi ăn ở và trực tiếp chữa chạy cho những người tỵ nạn là bác sỹ Vasili Frunze, tức cha đẻ của Mikhaiin Frunze nổi tiếng – là người mà 40 năm sau trong cuộc nội chiến đã lấy lại toàn bộ vùng Tây Turkestan cho chính quyền Xô Viết.
Quốc gia Hồi giáo Ietisha chấm dứt tồn tại, Nhà Thanh lại kiểm soát Tân Cương.
Trong thế kỷ XX
Độc lập lần thứ nhất
Trong thế kỷ XX, trên lãnh thổ Tân Cương cũng đã hai lần hình thành các quốc gia Duy Ngô Nhĩ độc lập với Trung Quốc. Trong cuộc khởi nghĩa chống Trung Hoa năm 1932, Vương quốc Hotan được thành lập, và ngay trong năm sau – Nước cộng hòa Hồi giáo Đông Turkestan.
Tổng thống đầu tiên của Nước Cộng hòa này là Hodza Nhiaz – một người Duy Ngô Nhĩ. Trước đó, Tổng thống Nhiaz là một lính Hồng quân Liên Xô và đã từng tham gia nội chiến tại nước này.
Quốc gia độc lập mới này đã có thể tồn tại nếu Liên Xô vẫn giữ thái độ thù địch với Chính quyền Quốc dân đảng cầm quyền tại Trung Quốc lúc đó. Nhưng đến nửa sau những năm 30, một cục diện mới lại xuất hiện trên thế giới – cả Liên Xô và Trung Quốc Quốc dân đảng đều phải đối mặt với mối đe dọa chung từ nước Nhật Bản quân phiệt đang mạnh lên và bắt đầu tiến hành các chiến dịch bành trướng tại Châu Á.
Liên Xô lại quay sang ủng hộ chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc, một trong những việc làm thể hiện sự ủng hộ đó là giúp chính quyền này giành lại quyền kiểm soát Tân Cương.
Quân đội Liên Xô, kể cả không quân trực tiếp tham gia vào các trận đánh để đưa viên Tỉnh trưởng Tân Cương Thịnh Thế Tài quay lại trị nhậm khu vực này. Binh lính Liên Xô đóng giả làm lính bạch vệ chạy sang Trung Quốc để thực hiện các nhiệm vụ trên. Thời gian đầu, Thịnh Thế Tài có quan điểm thân Liên Xô hơn là chính quyền trung ương Trung Quốc. Năm 1939, ông này thậm chí còn bí mật xin lãnh sự quán Liên Xô tại Tân Cương kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô – thẻ đảng (Cộng sản Liên Xô) của viên tỉnh trưởng người Trung Quốc được bí mật đưa đến thủ đô của Tân Cương. Cũng trong thời gian này, Liên Xô kiểm soát toàn bộ các cơ sở khai thác mỏ chủ chốt và các chuyên gia Xô Viết đã lần đầu tiên phát hiện ra mỏ titan tại đây. Nhưng khi Đức tấn công Liên Xô, tướng Thịnh Thế Tài cho rằng ngày tàn của Liên Xô đã điểm. Ông này trục xuất tất cả các cố vấn Xô Viết và bắt đầu xử bắn các đảng viên cộng sản người Trung Quốc và người Duy Ngô Nhĩ. Trong số những người bị xử bắn có cả em trai của Mao Trạch Đông (Mao Trạch Dân- ND).
Và lần thứ hai
Mùa hè năm 1944, khi tình thế trên chiến trường Liên Xô – Đức có những thay đổi mang tính bước ngoặt, tỉnh trưởng Thịnh biết mình đã tính nhầm và bỏ chạy về Trung Quốc. Cùng thời gian này, việc giao thương buôn bán của Tân Cương với Liên Xô bị đình trệ và tại khu vực này bắt đầu xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Người Duy Ngô Nhĩ lại một lần nữa khởi nghĩa và đến mùa thu năm 1944, Nước Cộng hòa cách mạng Đông Turkestan lại được thành lập tại Tân Cương. Điều thú vị là trong số những người đứng đầu cuộc khởi nghĩa chống Trung Quốc có cả người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Kalmưc và người Tacta (cộng đồng người Tacta ở Kazan giữ một vai trò chủ chốt trong mối quan hệ thương mại giữa Nga- Liên Xô và Tân Cương). Tổng thống Nước cộng hòa cách mạng Đông Turkestan mới (Tân Cương) Akhmedzan Kaswmov cũng là một người Duy Ngô Nhĩ. Ông từng tốt nghiệp phổ thông ở ở Alma-Ata (Liên Xô), tốt nghiệp Đại học tổng hợp ngành sư phạm tại Tashken (cũng Liên Xô), bảo vệ luận án tiến sỹ về lịch sử người Duy Ngô Nhĩ tại Trường đại học ngôn ngữ Phương Đông ở Moscow và là cán bộ của Quốc tế cộng sản. Tư lệnh Quân đội nước Cộng hòa này là Thiếu tướng Bộ Nội vụ Liên Xô Ivan Polinov, còn Tổng tham mưu trưởng là cựu tướng Bạch vệ Varsonofi Mozarov (đã theo Hồng Quân).
Tháng 9/1945, dưới sức ép của các nhà ngoại giao Xô Viết và sau những thất bại liên tiếp trước Quân khởi nghĩa Duy Ngô Nhĩ, chính quyền trung ương Trung Quốc buộc phải thừa nhận “quyền tự trị” của người Duy Ngô Nhĩ.
Giới lãnh đạo Moscow cũng bắt đầu xem xét nghiêm túc đề nghị của Trung ương Đảng cộng sản Kazakhstan (Nước cộng hòa Trung Á của Liên Xô- nơi có cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ rất đông sinh sống) về việc thành lập Đảng Cộng sản Tân Cương – để “nhằm củng cố những thành tựu kinh tế và chính trị của những người Hồi giáo khởi nghĩa chống lại người Trung Quốc tại các khu vực phía Bắc Tân Cương và tiếp tục phát triển phong trào giải phóng dân tộc của những các tầng lớp quần chúng không phải là người Trung Quốc tại tỉnh này (Tân Cương).
Nhưng một lần nữa, quốc gia Duy Ngô Nhĩ mới thành lập này lại là nạn nhân của những tính toán địa- chính trị trong chính sách của hai nước lớn Xô – Trung. Đến năm 1949, kết cục cuộc nội chiến kéo dài tại Trung Quốc (từ năm 1911) đã rõ – đội quân của Mao Trạch Đông sẽ giành phần thắng.
Moscow cho rằng một liên minh chặt chẽ với Trung Quốc đỏ sẽ quan trọng hơn nhiều mối quan hệ với những người Duy Ngô Nhĩ vừa cộng sản vừa Hồi Giáo phức tạp này. Và kết quả của những toan tính ấy là phái đoàn chính phủ nước Cộng hòa cách mạng Đông Turkestan bay từ Tân Cương đến Bắc Kinh trên máy bay của Liên Xô để đàm phán với Mao Trạch Đông đã không bao giờ đến được điểm cần đến. Theo công bố chính thức thì chiếc máy bay này đã gặp nạn ở đâu đó giữa Irkutsk và Chita.
Lực lượng vũ trang nước Cộng hòa Duy Ngô Nhĩ được thành lập với sự hỗ trợ của Liên Xô đã chính thức trở thành Quân đoàn số 5 của PLA. Trong rất nhiều năm sau, cho đến tận khi quan hệ giữa Khrushov và Mao Trạch Đông bắt đầu xấu đi thì quân đoàn này do một trung tướng Trung quốc gốc Nga (tướng Nga Hoàng cũ) là Foti Leskin chỉ huy. Năm 1949, PLA tiến vào Tân Cương và ngày 01/10/1955, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ – Tân Cương được thành lập, thay thế tỉnh Tân Cương.
Như đã thấy, những người ly khai Duy Ngô Nhĩ trong 2 thế kỷ vừa qua đã có không ít cơ hội giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc để giành độc lập. Nhưng họ đã quá không may và luôn là nạn nhân của các tính toán địa chính trị và sự thỏa hiệp giữa các nước lớn, mà trước hết là Moscow và Bắc Kinh. Lịch sử không có chữ nếu nhưng bản đồ chính trị khu vực Đông Turkestan (Tân Cương) đã có thể hoàn toàn khác.
II . Người Duy Ngô Nhĩ và Tân Cương: ‘Quân xanh chống quân đỏ’
Để đối phó với tình trạng bạo lực gia tăng (ở Tân Cương), Trung ương ĐCS Trung Quốc vừa cho công bố nhận định chính thức:
“Đây (tình trạng bạo lực) là hệ quả của mối quan hệ chặt chẽ giữ chủ nghĩa ly khai với những hoạt động tôn giáo bất hợp pháp”. , vừa triển khai một chiến dịch làm hạn chế ảnh hưởng của Đạo Hồi tại SUAR.
Đảng CS Trung Quốc cũng phải thừa nhận là đã không kiểm soát được các tổ chức đảng cơ sở tại Tân Cương. Các phần tử Hồi giáo đã “xâm nhập” vào Đảng CS Trung Quốc ở khu vực này : 25 % tổng số đảng viên tại Tân Cương theo Đạo Hồi , tại các vùng nông thôn, tỷ lệ này còn lên đến 40% .
Để tạo cơ sở pháp lý cho chiến dịch “làm hạn chế ảnh hưởng của Đạo Hồi tại SUAR”, chính quyền Trung Quốc bắt đầu sửa đổi theo hướng xiết chặt bộ luật với đối tượng điều chỉnh là các hoạt động tôn giáo. Số lượng nhà thờ Hồi giáo tại Tân Cương (chiếm tới 1/3 tổng số nhà thờ Hồi giáo trên toàn Trung Quốc) chỉ trong vòng mấy năm đã bị chính quyền đóng cửa tới 20% . Bắc Kinh cũng đặc biệt chú ý kiểm soát các cơ sở giáo dục tôn giáo- chỉ trong năm 1997, tại Tân Cương đã có tới 105 nhà trường Hồi giáo bị đóng cửa .
Song song với (việc thực hiện) chính sách trên, Trung ương ĐCS Trung Quốc tiến hành tái tổ chức toàn bộ các tổ chức cơ sở đảng (các chi bộ) tại Tân Cương. Lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc đã ban hành một chỉ thị đặc biệt cho Đảng ủy Khu tự trị Tân Cương với nội dung:
“Cấm các đảng viên (tại khu vực này) tham gia vào các hoạt động tôn giáo cũng như phổ biến các loại sách báo và tài liệu có nội dung tôn giáo. Nếu đảng viên nào bị phát hiện có những biểu hiện trên , họ sẽ bị mặc nhiên bị coi là tiếp tay chủ nghĩa khủng bố”.
Chính quyền Trung Quốc cực kỳ cứng rắn trong việc kiểm soát các mối quan hệ của những người Hồi giáo nước mình với những người đồng đạo ở nước ngoài – hạn chế số lượng những người Hồi giáo hành hương đến thánh địa Mecka, từ thời điểm đó (từ khi có chỉ thị đặc biệt như đã nói ở trên-ND), chỉ những người đứng tuổi mới được phép rời Tân Cương đến Mecka.
Ngay cả đối với những người đã được phép thực hiện chuyến đi hành hương đến Mecka, tổ chức Đảng tại Tân Cương sẽ “ nghiêm túc ” đề nghị họ thay chuyến hành hương này bằng một tour du lịch miễn phí đến Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng điều tăng cường đến SUAR một số sư đoàn quân đội và tăng đáng kể quân số của các cơ quạn an ninh tại khu vực- đến mức, tại một số khu vực khi có tình hình căng thẳng xảy ra, quân số của các cơ quan sức mạnh (công an, quân đội, an ninh ..) còn nhiều hơn dân số Duy Ngô Nhĩ bản địa tại khu vực đó.
Chỉ trong vòng mấy năm, các cơ quan đặc biệt (an ninh- ND) Trung Quốc đã bắt giữ, sát hại hoặc buộc phải chạy ra nước ngoài những lãnh tụ ly khai và Hồi giáo hoạt động năng nổ nhất.
Theo khẳng định của các nhân vật đối lập Duy Ngô Nhĩ hoạt động ở ngoài biên giới Trung Quốc thì các cơ quan đặc biệt Trung Quốc đã thiết lập được một mạng lưới các tổ chức người Duy Ngô Nhĩ (bị Bắc Kinh khống chế) hoạt động bí mật hoạt động dưới sự chỉ huy của các cơ quan này để chia rẽ những người ly khai và tiến hành những hoạt động gây tổn hại cho những người Duy Ngô Nhĩ ly khai.
Từ năm 1999, tần suất và mức độ các hành động chống Bắc Kinh của người Duy Ngô Nhĩ) giảm dần, đặc biệt là những hành động phản kháng mang tính cực đoan. Đến cuối năm 2005, chính quyền Trung Quốc hoan hỷ tuyên bố là trong suốt năm đó, trên lãnh thổ SUAR đã không có một vụ khủng bố nào xảy ra.
Cuộc đấu kinh tế với chủ nghĩa ly khai
Sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Trung Quốc, dù còn nhiều vấn đề, nhưng đã ảnh hưởng tích cực đến Tân Cương. Đến đầu thế kỷ XXI, SUAR không còn bị xếp vào hạng các khu vực kinh tế kém phát triển và nghèo đói nữa. Trong danh sách 31 tỉnh và các khu tự trị của Trung Quốc thì tổ quốc của người Duy Ngô Nhĩ đứng thứ 12 về mức thu nhập bình quân đầu người.
Bắc Kinh tích cực hỗ trợ sự tăng trưởng của SUAR – các khu vực kinh tế tự do và thương mại với các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập) đã biến Urumchi và một số thành phố khác của Tân Cương thành các trung tâm công nghiệp và thương mại phát triển.
Sự tăng trưởng kinh tế và cùng với nó là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế là những nhân tố rất bất lợi về mặt chính trị đối với những người ly khai Duy Ngô Nhĩ. Vào những năm 90 các tổ chức chính trị của người Duy Ngô Nhĩ có thể hoạt động gần như công khai và không bị cấm đoán gì tại các nước Cộng hòa hậu Xô Viết ở Trung Á.
Sự hiện diện cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ đông đúc ở đây và công tác quản lý yếu kém của chính quyền địa phương là điều kiện thuận lợi để người Duy Ngô Nhĩ xây dựng các cơ sở vững chắc và thuận tiện ngay sát cạnh biên giới Trung Quốc. Các tổ chức bí mật Duy Ngô Nhĩ đã tổ chức được hàng loạt các vụ ám sát các quan chức và các doanh nhân (Trung Quốc) ngoài biên giới Trung Quốc.
Một dẫn chứng: năm 2000 tại thủ đô Kyrgyzstan họ đã ám sát một số quan chức Trung Quốc và lãnh đạo một cộng đồng nhỏ người Duy Ngô Nhĩ hợp tác với chính quyền Trung Quốc.
Cũng trong năm đó, tại Alma – Ata (thành phố lớn nhất Kazakhstan), những người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương với súng tiểu liên đã cướp thành công một số ngân hàng và thậm chí còn bắn nhau với cảnh sát và binh lính Kazakhstan. Năm 2002, tại Bishket (thủ đô Kyrgyzstan), các thành viên của tổ chức bí mật “ Tổ chức giải phóng Đông Turkestan “ đã bắn chết viên lãnh sự Trung Quốc tại đây.
Nhưng đến đầu thế kỷ thứ XXI, tình hình đã thay đổi một cách cơ bản- chính quyền Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Turmenistan không chỉ củng cố được lực lượng cảnh sát của mình, mà ngày càng lún sâu vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Đối với vấn đề này (vấn đề người Duy Ngô Nhĩ) lợi ích và mục tiêu của Trung Quốc với các nước nói trên trong cuộc đấu tranh với các tổ chức Hồi giáo bí mật là hoàn toàn tương đồng.
Và kết quả là, từ 10 năm trở lại đây, tại tất cả các nước cộng hòa nói trên đều đã diễn ra không ít các phiên tòa – hoặc là xử kín, hoặc xử công khai các tổ chức và cá nhân người Duy Ngô Nhĩ. Vì thế cho đến nay, những nhân vật đối lập Tân Cương trên lãnh thổ các nước cộng hòa hậu Xô Viết phải rút vào hoạt động cực kỳ bí mật.
Ngõ cụt cho cả hai bên
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã đạt được một số kết quả nhất định (trong việc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ ly khai), nhưng sự căng thẳng sắc tộc vốn tồn tại khách quan giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ không hề giảm đi. Chính sách di dân số người Hán và sự ghẻ lạnh giữa hai dân tộc thường xuyên châm ngòi cho những vụ bùng nổ sắc tộc tại Tân Cương.
Vụ việc được giới truyền thông nước ngoài biết đến nhiều nhất là vụ xung đột quy mô lớn tại Urumchi năm 2009. Nguyên nhân xảy ra vụ này lại bắt nguồn từ một nơi rất xa Tân Cương- Quảng Đông – một tỉnh giàu và công nghiệp phát triển ở phía nam Trung Quốc.
Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em lớn nhất thế giới “ Early Light International” tại thành phố Shaoguan của tỉnh này bắt đầu áp dụng chính sách cấp hạn ngạch (nguyên văn-ND) cho một số lượng hạn chế người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương đến làm việc tại đây.
Đây là một phần trong khuôn khổ một chính sách lớn của Bắc Kinh nhăm đưa 200.000 thanh niên Duy Ngô Nhĩ đến làm việc tại tại các tỉnh phát triển vùng duyên hải ( từ năm 2008). Tại nhà máy nói trên, trong số 20.000 công nhân người Hán, xuất hiện thêm khoảng 800 thanh niên Duy Ngô Nhĩ .
Ngay sau đó, hai bên đã có đụng độ . Do chính sách kiểm soát và kiểm duyệt thông tin chính thống của Chính quyền Trung Quốc trong những vụ việc tương tự nên sau này đã xuất hiện nhiều giả thuyết khác nhau , – tùy thuộc vào thiện cảm của nguồn đưa tin đối với dân tộc này hay dân tộc khác (Người Hán hay người Duy Ngô Nhĩ)- có nguồn cho rằng các thanh niên Duy Ngô Nhĩ hiếp dâm tập thể (các nữ công nhân người Hán) tại ký túc xá của nhà máy, nguồn khác thì chỉ là quấy rối tình dục các nữ công nhân người Hán.
Nhưng theo chính người Duy Ngô Nhĩ thì họ đã không hề có một hành động bạo lực nào – đơn giản là 2 cô người Hán sợ các điệu nhảy và tiếng hát to của các thanh niên Duy Ngô Nhĩ .
Dù do nguyên nhân gì thì một cuộc ẩu đả tập thể giữ hai nhóm sắc tộc đã xảy ra, và để chấm dứt xung đột chính quyền phải huy động đến 400 cảnh sát. Mức độ bạo liệt của các bên “tham chiến” đến nỗi , cả hai bên tham gia ẩu đả truy sát đối phương ngay cả khi những người này đã nằm trên xe cấp cứu. Theo số liệu chính thức của Trung Quốc: có 2 thanh niên Duy Ngô Nhĩ thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Các thông tin, ảnh và đoạn clip quay cảnh vụ ấu đả tập thể này cộng thêm các loại tin đồn khác nhau ngay lập tức được phổ biến trên mạng Internet và các mạng xã hội Trung Quốc.
Chỉ mấy ngày sau, tại Tân Cương bắt đầu có các cuộc biểu tình của những người Duy Ngô Nhĩ đang trong tâm trạng cực kỳ phẫn nộ. Ngày 5/7/2009, tại thủ phủ Urumchi của SUAR đã diễn ra vụ đụng độ đầu tiên của người Duy Ngô Nhĩ với cảnh sát và những người Hán tại đây.
Phần lớn những người tham gia ẩu đả từ cả hai phía là các sinh viên Trường Đại học sư phạm Kashgara. Theo số liệu cũng của giới truyền thông chính thống Trung Quốc thì đã có tới 197 người chết (khoảng 50 người Duy Ngô Nhĩ, số còn lại là người Hán ) và gần 2.000 người bị thương.
Cảnh sát Trung Quốc hành động không khoan nhượng – tại SUAR, các mạng Internet , điện thoại di động và cố định đều bị căt, chính quyền cũng đóng cửa tạm thời phần lớn các nhà thờ Hồi Giáo và, theo thông tin giữa những người Duy Ngô Nhĩ với nhau, đã có vài chục nhân vật hoạt động tích cực (người Duy Ngô Nhĩ ) đã bị bí mật sát hại.
Hơn 1.000 những kẻ gây rối và đập phá bị bắt, 4 tháng sau đó 10 người đầu tiên trong số họ đã bị xử bắn. Còn tiếp sau đó, các vụ xử án và xử bắn những người liên quan đến cuộc xung đột trên vẫn được tiến hành tại Urumchi .
Một điều đáng để ý là chính quyền Trung Quốc không chỉ hành hình người Duy Ngô Nhĩ mà còn cả những người Hán tham gia các vụ lộn xộn này. Một người Hán trong những kẻ khơi ngòi cho cuộc xung đột tại ký túc xá của nhà máy sản xuất đồ chơi ở Shaoguang – hành động châm ngòi cho các vụ đập phá và bạo loạn ở Urumchi đã bị xử bắn công khai trước đám đông, một người Hán khác ở Urumchi cũng bị kết án tử hình.
Tuy vậy, các cơ quan đặc biệt Trung Quốc vẫn công khai kết luận: những kẻ đầu têu chủ yếu trong các vụ xung đột là các nhân vật ly khai Duy Ngô Nhĩ hoạt động bí mật.
Chủ nghĩa ly khai không có đồng minh
Còn một yếu tố rất quan trọng nữa cần biết để hiểu thêm tình hình và bối cảnh ở Tân Cương. Những người đối lập Duy Ngô Nhĩ đã hoàn toàn mất sự ủng hộ của các đồng minh quan trọng và những nhà tài trợ bên ngoài biên giới Trung Quốc.
Về tình hình ở các nước cộng hòa Trung Á chúng ta đã đề cập tới ở trên, trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải, các nước thành viên (gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) đã đạt được một nhận thức chung trong các vấn đề chống lại chủ nghĩa Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố. Ngay nước Nga cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự ở Bắc Kapkaz.
Một tố còn quan trọng hơn nữa – người Duy Ngô Nhĩ cũng đã mất sự ủng hộ từ bên ngoài (ở góc độ nhà nước). Pakistan và Trung Quốc từ lâu đã “chơi thân” với nhau để chống lại Ấn Độ, Trung Quốc dành cho đồng minh Pakistan của mình sự hỗ trợ rất đáng kể cả về kỹ thuật, quân sự và kinh tế.
Quân đội A rập Xeut được trang bị các tên lửa đạn đạo Trung Quốc và tại Vương Quốc Hồi giáo này thường xuyên có 150.000 công dân Trung Quốc sinh sống và làm việc, Bắc Kinh là một những khách hàng tiêu thụ dầu mỏ A rập Xeut chủ yếu, chỉ kém Mỹ và Nhật Bản một chút.
Bom nguyên tử Pakistan được chế tạo bằng tiền của A rập Xeut và với sự trợ giúp của các chuyên gia Trung Quốc. Dễ hiểu là trong những điều kiện như vậy thì những nhà tài trợ chủ yếu cho tất cả các người Hồi giáo trên toàn thế giới từ A rập Xeut sẽ không muốn làm tổn hại mối quan hệ với Trung Quốc bằng việc giúp đỡ những người Duy Ngô Nhĩ.
Còn Mỹ, dù có mối quan hệ rất phức tạp với Trung Quốc – nhưng cũng chưa muốn biến sự cạnh tranh chính trị- kinh tế đang hình thành ( giữa hai nước) thành một cuộc đối đầu công khai.
Hơn nữa, kể từ năm 2001 (xảy ra sự kiện khủng bố 11/9- ND) Mỹ buộc phải giữ khoảng cách tối đa với bất kỳ một tổ chức Hồi giáo cực đoan nào – chính vì vậy mà Washington đã xếp những nhân vật ly khai Hồi giáo hoạt động năng nổ và cực đoan hơn cả thuộc tổ chức “Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan” vào danh sách những phần tử khủng bố.
Mỹ và Liên minh Châu Âu chỉ dừng ở mức giúp đỡ một cách khiêm tốn “Đại hội đồng Duy Ngô Nhĩ toàn thế giới” – một tổ chức thế tục chuyên tiến hành các hoạt động bảo vệ nhân quyền và tuyên truyền bên ngoài biên giới Trung Quốc.
Thổ Nhĩ Kỳ, với những tham vọng Pantiurizm của mình (đã nói tới ở bài trước – một hệ tư tưởng với nội dung là tất cả các dân tộc thuộc nhánh người Turk cần phải thống nhất lại thành một Quốc gia Hồi giáo dưới sự lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ- xin dẫn một số ví dụ về các Quốc gia người Turk hiện nay: Thổ Nhĩ Kỹ, Azerbaidzan ( hơn 90% dân số), Kazakstan (73%), Kyrzykistan (hơn 85%), Turmenistan ( gần 85%), Uzbekistan.
Người Duy Ngô Nhĩ thuộc nhóm ngôn ngữ và văn hóa này. Tổng số người Turk trên thế giới khoảng 150 triệu người –ND ) cũng không quá vội vàng trong việc giúp đỡ những người Duy Ngô Nhĩ hoạt động bí mật mặc dù tại nước này có một cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tương đối lớn sinh sống.
Những người Hồi giáo Afganistan láng giềng với Tân Cương lại quá nghèo và đang bận rộn với những vấn đề của chính mình. Hơn nữa, các cơ quan đặc biệt Trung Quốc có một vị thế và ảnh hưởng rất mạnh tại Afganistan từ thời kỳ nước này ( Trung Quốc ) cung cấp ồ ạt vũ khí cho các lực lượng thánh chiến chống Liên Xô.
Và kết quả là – ngay cả trong phong trào “Quốc tế Hồi giáo” thì người Duy Ngô Nhĩ vẫn là những người “ ngoài lề” nhất và ít được quan tâm nhất .
Những người ly khai Duy Ngô Nhĩ đã không gặp may và là nạn nhân của những tính toán địa- chính trị trong các thế kỷ XIX , XX và bối cảnh hiện nay cũng tương tự như vậy. Tuy vậy, có thể khẳng định chắc chắn một điều là “vấn đề Duy Ngô Nhĩ ” sẽ rất khó có thể được giải quyết bằng một cách thức nào đấy trong tương lai gần.
Mấy thông tin bổ sung ngoài phần dịch:
1. Như báo chí đã đưa tin , ngày 24/8 Trung Quốc lại xử tử hình 8 người Duy Ngô Nhĩ bị buộc tội khủng bố. Nếu bạn đọc xem bản tin trưa của đài Truyền hình Việt Nam thì rất dễ phân biệt những người Duy Ngô Nhĩ (tù nhân bị xích) và người Hán (cảnh sát và những người khác).
2. Trong một nghiên cứu khác của học giả Boris Mainaev (Saarbrucken – Cộng hòa Liên Bang Đức) với tiêu đề “Người Duy Ngô Nhĩ- quả bom sắc tộc cài dưới chân Vạn Lý trưởng thành”, tác giả – một người có nhiều mối quan hệ với các tổ chức đối lập Duy Ngô Nhĩ đã dẫn ra những số liệu của Ittipak – Chủ tịch Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Kyrgyzstan như sau :
– Theo kế hoạch của Bắc Kinh, trong những năm tới Trung Quốc sẽ đưa 10 triệu người Hán đến khu vực lòng chảo Tarim (Tân Cương). Còn đến cuối thế kỷ này, con số trên sẽ là 100 triệu người.
– Còn nhiều số liệu về những người Duy Ngô Nhĩ bị thiệt mạng từ năm 1933 đến nay. Do chưa được kiểm chúng nên người dịch không dẫn ra ở đây. Các con số mà người Duy Ngô Nhĩ đưa ra rất khủng khiếp.
– Cũng theo Boris Mainaev thì hiện nay có 4 tổ chức (đối lập) của Người Duy Ngô Nhĩ đang hoạt động mạnh, đó là: “ Đảng giải phóng nước Duy Ngô Nhĩ”; “ Mặt trận cách mạng dân tộc thống nhất Đông Turkestan”, “ Liên minh thanh niên dân chủ Đông Turkestan” và “Đảng phục hưng Hồi giáo”.
Tác giả Aleksei Volynhets
Báo “Russkaia Planheta” tháng 2/2014
Lê Hùng lược dịch