
Các bạn thân mến, thật khó để một người có nhiều niềm tự hào dân tộc như Vi chấp nhận việc dân tộc mình có điều khiếm khuyết nhưng Vi nghĩ, chỉ có việc chấp nhận và lên tiếng mới dẫn đến sự phát triển và thay đổi. Hôm nay Vi muốn nói về một đề tài khá nhạy cảm đối với cộng đồng người Việt đó là : Sự phân biệt đối xử, mà chính xác hơn là sự phân biệt chủng tộc. Sự kỳ thị là một bản năng của con người. Thời sơ khai, sự phân biệt là một kỹ năng để giúp con người tồn tại. Chúng Ta vs chúng nó. Những ai giống chúng ta hơn thì ít có nguy cơ để hại ta hơn. Cái bản năng sinh tồn này đã ăn sâu vào tiềm thức và thói quen của người Việt nên, kể cả ở VN, chúng ta cũng thấy sự phân biệt hiện hữu rất nhiều như: phân biệt vùng miền, thiên hướng tình dục, độ tuổi, dân bản địa-dân nhập cư, quan điểm chính trị, trình độ học vấn và cả sự chênh lệch kinh tế, vân vân và vân vân. Nhưng chúng ta không còn sống ở thời sơ khai. Chúng ta hiện tại đang sống ở một xã hội văn minh nên hành vi này không còn là một hành vi được chấp nhận. Sự phân biệt đối xử, Vi nhận ra rằng, đã đến từ sự thiếu hiểu biết và thiếu cảm thông cho đối phương. Khi chúng ta hiểu rõ về những người khác, biết họ là ai, tính tình thế nào thì chúng ta sẽ khó xem họ như loài “thấp hơn con người” được.
Vài tháng gần đây, kể từ khi Vi bắt đầu quan tâm hơn đến chính trị thì Vi đã rất sốc, buồn và thất vọng khi thấy nhiều người trong số chúng ta đã biểu hiện rõ rệt các hành vi phân biệt chủng tộc đối với người da màu, chính xác hơn là với người da đen trong khi bản thân chúng ta cũng là người da màu. Một số trong chúng ta đã tìm các hình không được duyên dáng lắm của cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama đăng lên như một minh chứng rằng bà ấy không xứng đáng đạt được những gì bà đã đạt được, hoặc thậm chí ngụ ý là bà ấy kém hơn chúng ta. Một số trong chúng ta còn dùng những từ ngữ rất là khó nghe để diễn tả cựu tổng thống và đệ nhất phu nhân như “mọi rợ”, “đười ươi”, hay “khỉ đột” trong khi cựu tổng thống Obama là một trong những tổng thống có công nhất với nước Mỹ. Cái thái độ kỳ thị này không chỉ áp dụng đối với những người không đồng quan điểm chính trị với các bạn như cựu tổng thống và phu nhân Obama, mà còn bị áp dụng rộng rãi đối với cộng đồng người da đen kể cả các em mang hai dòng máu Việt-Phi.
Người Việt chúng ta, tính đến hôm nay, đã định cư tại đất nước này gần nửa thế kỷ rồi. Một phần không nhỏ trong chúng ta đã lập gia đình với người dân bản địa tạo nên nhiều gia đình đa sắc tộc. Thế hệ thứ 2 của người Việt mình trên đất Mỹ có rất nhiều em là người mang trong mình hai dòng máu. Các em như vậy hiện vẫn phải đương đầu với sự phân biệt chủng tộc của cả gia đình và xã hội. Các em đó không biết mình thuộc về đâu. Việc này rất có hại đến sự phát triển tâm lý của các em và sự phát triển của xã hội nói chung.
Một số các bạn kỳ thị vì các bạn cho rằng người da đen làm biếng, hay ăn welfare và hay phạm pháp. Như tất cả các sắc dân khác, kể cả người Việt, có một thành phần người da đen là như vậy. Điều đó không thể phủ nhận. Nhưng với tỉ lệ là 13.4% của tổng số dân, người da đen ở Mỹ hiện tại có đến những 44.3 triệu người, hơn cả tổng số dân của tiểu bang đông dân nhất ở Mỹ là California. Nếu người da đen nào cũng là tội phạm, ăn welfare hay làm biếng thì đất nước này đã lụn bại từ lâu rồi. Sự thật là sao? Tính đến 2017, đã có hơn 2.1 triệu người da đen có bằng sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, nha sĩ, luật sư, dược sĩ, etc…) và hơn 10.6 triệu người da đen 25 tuổi trở lên có bằng đại học. Những thành phần có học như thế này thường sẽ làm những công việc khó trốn thuế. Kể cả các thành phần không đi học, người da đen đóng góp rất nhiều trong thể thao, ca nhạc và điện ảnh. Thành phần này cũng đóng rất nhiều thuế cho đất nước. Để dễ so sánh, tổng số người Việt ở Mỹ của mình chỉ có 2.1 triệu người thôi mà phần lớn là làm nghề tự do nữa. Mình không cần phải viết tiếp thì chắc các bạn cũng đã hiểu ý mình rồi, đúng không? Các bạn có biết ở Mỹ sắc tộc nào phạm tội và lãnh welfare nhiều nhất không? Là người da trắng đó. Đơn giản vì họ là sắc tộc đa số ở Mỹ. 60% của các loại tội phạm là người da trắng theo Department of Justice tương đồng với tỉ số của họ trong dân số. Theo một thống kê của Kaiser family foundation, ở các tiểu bang vùng xa, người lãnh medicaid (bảo hiểm miễn phí cho người nghèo) thì gần như 100% là da trắng đó. Nên các khái niệm trên của các bạn về người da đen là hoàn toàn lệch lạc.
Chiến tranh VN vừa kết thúc chưa lâu, với các thế hệ lớn tuổi hơn, hẳn các cô bác anh chị còn nhớ là trong những năm chiến tranh, đã có không ít các người Mỹ của đủ mọi sắc tộc, kể cả da đen, đã đến Việt Nam để giúp chúng ta chống lại chế độ Cộng Sản. Họ đã sát cánh chiến đấu cùng dân Việt, đã giúp giải cứu người Việt và một số không ít trong số họ đã nằm lại mãi mãi trên đất Việt.
Sau chiến tranh, thì phần lớn cộng đồng của chúng ta mới đến Mỹ. Người Việt có mặt ở Mỹ phần lớn là sau năm 1975 . Là những người đến sau, chúng ta phải cảm ơn những người đã đến trước chúng ta. Những người da đen đã có mặt từ những ngày đầu lập quốc. Họ đã góp công xây dựng và gìn giữ đất nước này. Họ đã xây đường rày, làm việc ở những nông trường trồng cotton, họ đã xây nên những con đường, những cây cầu và những đại lộ thênh thang để hàng ngày các bạn có thể vô tư phi bon bon khi đi làm hay đi chơi. Người da đen cũng đã chiến đấu trong tất cả các trận chiến của Mỹ hoặc tại Mỹ như Revolutionary war, Civil war, Spanish-American War, World Wars, Korean War, VN War, Gulf War, các cuộc chiến tranh ở Afghanistan & Iraq và hàng loạt các cuộc chiến nhỏ khác nữa. Ngoài những việc trên, người da đen cũng đã đóng góp rất nhiều cho tất cả mọi ngành nghề bao gồm sự phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước này. Các bạn ngày nay có thể tham gia giao thông an toàn hơn nhờ đèn giao thông (xanh-vàng-đỏ) của Garrett Morgan (1923). Trước đó, nước Mỹ chỉ dùng đèn giao thông 2 đèn là xanh-đỏ. Frederick McKinley năm 1940 đã làm cho thức ăn của bạn an toàn hơn và rẻ hơn vì đã chế tạo ra xe tải lạnh, kể cả việc phát triển chương trình không gian của Mỹ cũng có công của những người da đen như Katherine Johnson. Ở đây Vi chỉ liệt kê những ví dụ điển hình nhưng trong lịch sử 243 năm của nước Mỹ, đã có rất nhiều nhà phát minh và khoa học người da đen. Họ đã làm cuộc sống của chúng ta dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều.
Ngày nay, nhiều thầy cô giáo người da đen đã góp phần truyền tri thức cho các bạn và con cái các bạn. Các bác sĩ và y tá da đen cũng đã, đang và sẽ chăm sóc các bạn khi các bạn ngã bệnh. Các bạn sống an toàn vì các viên cảnh sát, chiến sĩ cứu hoả, cứu thương và các quân nhân da đen cùng chung tay bảo vệ các bạn.
Là những người nhập cư, nhất là những người nhập cư da màu, thì chúng ta phải cảm ơn những người đã đấu tranh cho sự bình đẳng chủng tộc. Nếu không có civil rights movement của thập niên 60, thì đã không có immigration Act of 1965 và người Việt đã chẳng có thể nhập cư hợp pháp ở Mỹ. Mà dù có nhập cư thì cũng chẳng có quyền nhập tịch, hoặc bầu cử, hoặc ngồi cùng nhà hàng, đi học cùng trường với người da trắng. Sự bình đẳng chúng ta có được ngày nay được góp phần bằng xương máu và sinh mạng của rất nhiều người da màu đi trước.
Chúng ta hãy cảm ơn họ bằng cách xoá bỏ các định kiến về màu da. Hãy sống chan hoà và đánh giá một người bằng nhân cách và nội dung con người họ chứ không phải bằng màu da của họ.
Để kết thúc bài mình xin mượn một khúc trong bài thơ “Bài Ca Trái Đất” của nhà thơ Định Hải
Trái đất của bạn trẻ năm châu
Vàng, trắng, đen… dù da khác màu
Ta là nụ, là hoa của đất
Gió đẫm hương thơm, nắng tô thắm sắc
Màu hoa nào, cũng quý, cũng thơm!
Và một khúc trong bài The Hill We Climb của nhà thơ Amanda Gorman được bạn Uyên Phương chuyển dịch.
Có một điều rõ ràng ta thấu hiểu
Lòng nhân từ với sức mạnh vô biên
Nếu kết hợp cùng lẽ phải tất nhiên
Thì tình yêu sẽ trở thành di sản
Hãy để lại một quốc gia xán lạn
Tươi đẹp hơn gia sản của cha ông
Mỗi nhịp tim từ lồng ngực bằng đồng
Biến khổ đau thành niềm tin hy vọng
Vi Trần