NGUYÊN TẮC “DÂN QUẢN QUÂN” VÀ VẤN ĐỀ TƯỚNG LĨNH NẮM QUYỀN CƠ QUAN DÂN SỰ VIỆT NAM


Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, sau khi trở thành Phó bí thư Đảng bộ Hà Nội, đang được giới thiệu nắm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Nếu chưa xét đến thành tựu, kỹ năng quản lý kinh tế, xã hội hay các cáo buộc lạm quyền đang ngày càng gia tăng nhắm đến giới công an tại Hà Nội trong khoảng thời gian gần đây, quy trình tổ chức nhân sự nói riêng cũng đã làm quan ngại một bộ phận người dân thủ đô khi chúng ta đang đi vào con đường của một chính phủ lai quân sự, bỏ qua một trong những nguyên tắc quản lý nhà nước cơ bản của một quốc gia hiện đại: “dân quản quân”.

CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM – QUÂN ĐỘI “ĐỐI NỘI”

Đến đây có lẽ sẽ có người bắt đầu nghi ngờ về tính liên kết của bài viết bởi tướng Chung thuộc ngành công an, không phải thành viên quân đội.

Dù vậy, ít người chú ý rằng Việt Nam là một trong những số ít quốc gia phong tướng cho các vị trí lãnh đạo công an, những vị trí mà đáng lẽ ra chỉ nên là một công chức bình thường thuộc ngạch quản lý của Bộ Tư pháp.

Tính chất này kèm với việc duy trì một bộ riêng biệt – Bộ Công an, có quyền hạn và nguồn nhân lực khổng lồ, trở thành một đặc sản không thể thiếu trong bộ máy bạo lực của Nhà nước Việt Nam, song song với quân đội nhân dân.

Nói cách khác, việc các vị trí quản lý của cơ quan công an mang danh hàm tướng không hẳn chỉ là vấn đề “tâm tư”, mà thể hiện đúng vai trò và tầm ảnh hưởng của họ đối với các cơ quan quyền lực nhà nước, vốn không kém cạnh gì so với tổ chức quân đội. Vì vậy, dù còn nhiều tranh cãi, người viết cho rằng vẫn có đủ cơ sở để xem hệ thống công an nhân dân tại Việt Nam tương tự như một tổ chức quân đội “đối nội”. Đây cũng là căn cứ để người viết cân nhắc phân tích nguyên tắc “dân quản quân” trong thực trạng hiện nay.

VÌ SAO “DÂN QUẢN QUÂN” QUAN TRỌNG?

Dân quản quân, hiểu theo nghĩa đơn giản là một nguyên tắc trong quân sự học và khoa học chính trị, giao quyền quyết định tối cao các vấn đề chiến lược, trật tự xã hội và an ninh quốc gia trong tay của các lãnh đạo chính trị dân sự mà không phải là các thủ lĩnh quân đội chuyên nghiệp. Thực tiễn chứng minh trong trường hợp ngược lại, tức quân đội kiểm soát chính phủ, thông thường sẽ tạo ra chế độ quân phiệt hoặc độc tài quân sự. Trong một trường hợp khác, nếu cơ quan quyền lực dân sự không thể kiểm soát quân đội, chúng ta lại có tình trạng “quốc gia trong quốc gia”.

Câu hỏi làm thế nào để kiểm soát những cá nhân sở hữu kỹ năng, chiến thuật và quyền lực tối thượng, vốn có thể đàn áp và cưỡng chế vật lý các chủ thể còn lại luôn là bài toán căn bản trong tiến trình quản trị nhà nước của lịch sử nhân loại.

Các bậc vua chúa trong thời kỳ phong kiến cũng như một số nhà nước còn tồn tại hiện nay ưa thích phương pháp xóa mờ ranh giới giữa hai nhánh quyền lực dân sự và quân sự, đồng nghĩa với việc họ là người nắm toàn quyền kiểm soát của cả hai nhánh. Cách làm này thật sự không khác biệt mấy so với thể chế độc tài quân sự bởi nếu cần thiết, cá nhân nắm quyền vẫn sẽ sử dụng quyền lực quân sự như là công cụ đắc lực nhất nhằm kiểm soát các biến động về dân sự, có thể bao gồm xử lý yêu sách của công dân, thuế, các tranh chấp dân sự thông thường hay quan trọng nhất, bảo vệ quyền lực dân sự tối cao của mình.

Đặc điểm dễ nhận biết của thể chế này là những người thống trị quyền lực dân sự không có sự chính danh từ ý nguyện của nhân dân (như thông qua bầu cử) mà từ các cơ sở khác như thần quyền, huyết thống, hay lý thuyết chính trị. Vì lý do đó, nắm giữ cả hai nhánh là chìa khóa để bảo vệ lợi ích và sự cầm quyền lâu dài của họ.

Ngược lại, sự quản chế đúng nghĩa của chức danh dân sự, được bầu chọn bởi nhân dân, đối với hệ thống quân sự là nền tảng cơ bản để một thể chế dân chủ có thể tồn tại. Vì sao lại có quan niệm như vậy?

1. Sự kiểm soát dân sự trước tiên cho phép chính phủ một quốc gia đánh giá và kiểm soát những giá trị và mục đích của mình căn cứ vào nguyện vọng và niềm tin phổ biến của nhân dân hơn là kỳ vọng vào các lựa chọn của giới lãnh đạo quân sự, vốn chỉ tập trung vào trật tự nội bộ và an ninh biên giới.

Ví dụ cụ thể cho đặc điểm này là việc pháp luật của một quốc gia cho phép biểu tình.

Theo đánh giá ngắn hạn, biểu tình diện rộng khó lòng có bất kỳ tác dụng tích cực nào ngoài sự hỗn loạn nhất thời, đốt cháy thời gian lao động một cách vô nghĩa và ảnh hưởng lớn đến nguồn thu kinh tế của xã hội. Vì vậy, giới quân sự sẽ có cách quản lý cấm đoán, triệt tiêu và dập tắt ngay lập tức.

Trong khi đó, các chức danh dân sự được nhân dân bầu chọn, thấu hiểu quan điểm, niềm tin của quần chúng nhân dân và quan trọng hơn, họ được sống trong một môi trường tin rằng sự hỗn loạn nhất thời đó cần thiết để chính phủ có thể biết được công dân của họ đang muốn điều gì, là cơ sở của cải cách và hoàn thiện bộ máy nhà nước.

2. Tổ chức quân đội (hay các tập hợp bạo lực tương tự) dù cực kỳ cần thiết và quan trọng, lại là mô hình tổ chức thiếu dân chủ nhất trong kinh nghiệm lịch sử quản lý nhà nước. Điều này trái ngược với bản chất tự nhiên tự do cá nhân và tự do dân sự của con người. Vì quân đội được lập ra để bảo vệ các bản chất tự do đó, sự kiểm soát phải thuận chiều.

3. Quân đội mang tính chất ủy quyền. Trong khi đó xã hội là sự hợp tác và đồng thuận.

Nói cách khác, dù ở quy mô quốc gia hay cộng đồng, sự tồn tại của một chính quyền dựa trên sự ủy quyền của các cá nhân trong xã hội, tự nguyện từ bỏ một phần quyền lợi của mình nhằm duy trì sự ổn định và khả năng phát triển của xã hội đó. Quân đội cũng không nằm ngoài phạm vi này. Trường hợp những người đứng đầu quân đội không hề được ủy quyền từ bất kỳ cơ quan dân sự hay đồng thuận xã hội nào khác, tức là họ tự giao cho mình quyền được thay mặt dân chúng, bước đầu tiên của thể chế độc tài.

Lý thuyết này chắc chắn không thừa khi nó hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến vận mệnh thế giới mà ví dụ cụ thể là xung đột nổi tiếng giữa Truman – MacArthur vào những năm 1950 trong kỷ nguyên bom nguyên tử.

Trong chiến tranh Triều Tiên và các cuộc chiến tranh Hoa Kỳ phát động chống lại phong trào cộng sản cùng thời điểm, vị tướng huyền thoại MacArthur luôn mong muốn sử dụng bom nguyên tử như một chiến thuật chiến tranh đơn giản, hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn bảo đảm được tính mạng của quân nhân dưới trướng ông. Nguyên tắc “dân quản quân” trong pháp luật Hoa Kỳ, may mắn thay, giúp quan chức dân sự kịp thời ngăn cản vì lo ngại sự bùng nổ của một cuộc thế chiến và chạy đua vũ trang mới. Tướng MacArthur sau đó nhanh chóng phải từ bỏ vị trí chỉ huy chiến trường và trở về Hoa Kỳ.

HOA KỲ: KHÔNG ĐƯỢC DÁN BIỂU TƯỢNG ĐẢNG PHÁI TRÊN XE CÁ NHÂN

Một câu hỏi mà nhiều người có thể đặt ra là “Điều gì xảy ra nếu quá trình dân chủ lựa chọn một ra một vị tướng đương nhiệm trở thành quan chức dân sự?” và liệu cấm cản có vi phạm quyền tự do bầu cử của dân chúng. Câu trả lời là có, nhưng đó là điều cần thiết; bởi khả năng của việc lạm dụng bạo lực để khống chế và kiểm soát hệ thống bầu cử là quá cao, như cách mà chính quyền Thái Lan hay Myanmar vẫn đang sử dụng. Cách tốt nhất là ngăn chặn cơ hội xảy ra vấn đề ngay từ đầu như một số quốc gia đã làm, bảo đảm rằng quá trình bổ nhiệm, chỉ định chỉ đi một hướng từ dân sự sang quân sự mà không có chiều ngược lại.

Với pháp luật Hoa Kỳ, hiển nhiên sản phẩm nền tảng là bản hiến pháp dân sự. Theo đó, Tổng thống Hoa Kỳ, thống chế tối cao của lực lượng quân đội, là một chức danh được nhân dân bầu cử rộng rãi mỗi bốn năm một lần. Quyền lực quân sự đồng thời cũng được chia tách giữa Tổng thống và Nghị viện.

Không dừng lại, các văn bản dưới hiến pháp còn quy định những vấn đề cụ thể hơn với chỉ thị 1344.10 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ làm nòng cốt (DOD Directive 1344.10). Chỉ thị này hướng đến việc kiểm soát việc tham gia chính trị các quân nhân thuộc biên chế quân đội Hoa Kỳ vào mọi cấp chính quyền dân sự.

Trong đó, thành viên quân đội không thể:

  • Là ứng cử viên hay nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong bộ máy dân sự.
  • Đăng tải, cho phép đăng tải hoặc có bất kỳ tác động nào khác dẫn đến việc đăng tải bài viết của hoặc nhân danh mình nhằm lôi kéo phiếu bầu cho hoặc chống lại một đảng phái, ứng cử viên chính trị.
  • Phát biểu trước quần chúng nhằm kêu gọi ủng hộ cho một đảng phái, ứng cử viên chính trị.
  • Tham gia vào bất kỳ chương trình phát thanh, truyền hình, chương trình truyền thông khác, với tư cách người ủng hộ cho một đảng phái hoặc ứng cử viên chính trị.
  • Bán vé (hoặc tham gia tích cực) vào quảng bá các sự kiện gây quỹ chính trị.
  • Tham gia vào bất kỳ buổi tuần hành ủng hộ chính trị nào.
  • Phục vụ như thành viên chính thức hoặc được liệt kê như nhà tài trợ cho một câu lạc bộ hoặc đảng phái chính trị.
  • Trưng bày, dán dấu hiệu, tranh cổ động, biểu tượng của một đảng phái chính trị lên phương tiện di chuyển riêng tư

VƯƠNG QUỐC ANH: KHÔNG ĐƯỢC BÌNH LUẬN CHÍNH TRỊ

Tương tự, tại Vương quốc Anh, sự tham gia của quân đội vào các vấn đề chính trị không phải là một thái độ được cho phép, đôi khi được xem là làm hại đến thanh danh Hoàng gia.

Các tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử của lực lượng vũ trang Vương quốc Anh được ghi nhận rõ trong Điều lệ Nữ hoàng (trong đó có các văn bản riêng biệt dành cho Lục quân, Hải quân và Không quân), bao gồm:

  • Nghiêm cấm các thành viên quân đội nắm giữ các vị trí hoạt động tích cực trong các tổ chức chính trị; đồng thời cũng hạn chế chặt chẽ việc bổ nhiệm vào các vị trí này trong và sau thời gian quân ngũ.
  • Quân nhân không được phép bình luận hoặc đóng góp vào các cuộc tham luận công liên quan đến bất kỳ chủ đề chính trị gây tranh cãi nào.

* * *

Văn hóa nói chung của hầu hết các quốc gia đều coi trọng và vinh danh những người lính. Điều này không nên đồng nghĩa với việc các tướng lĩnh có thể tham gia một cách tự do vào các hoạt động chính trị dân sự.

Dưới cơ chế quản lý đơn nhất và mệnh lệnh, quân đội luôn có khả năng trở thành công cụ để bảo vệ nền độc tài toàn trị, thậm chí chính nó trở thành người kế thừa của nền độc tài đó. Ở một góc nhìn khác, một quân đội lớn hơn cần thiết, thực hiện các nhiệm vụ hoặc công việc nằm ngoài phạm vị bảo vệ quốc gia (như hành chính, kinh tế…) luôn tiềm ẩn rủi ro sự thoát ly, lộng quyền và thách thức của quân đội so với các thể chế dân sự.

Nguyễn Quốc Tấn Trung


1 thought on “NGUYÊN TẮC “DÂN QUẢN QUÂN” VÀ VẤN ĐỀ TƯỚNG LĨNH NẮM QUYỀN CƠ QUAN DÂN SỰ VIỆT NAM”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC