NHÁNH HÀNH PHÁP Ở MỸ


Nhánh hành pháp liên bang chịu trách nhiệm thi hành các luật mà Quốc hội thông qua. Nó bao gồm Tổng thống, Phó Tổng thống, nhân viên Nhà Trắng, và bộ máy hành chính liên bang. Mặc dù tổng thống không làm luật, nhưng họ tham gia tích cực vào việc lập chương trình nghị sự, hình thành và thông qua chính sách, và thực thi chính sách. Ngoài phó tổng thống, tổng thống là quan chức duy nhất của liên bang được bầu chọn trên toàn quốc. Trên thực tế, tổng thống đại diện cho chính quyền Mỹ, là biểu tượng cho văn hóa và các giá trị Mỹ, và phát ngôn đại diện cho cả nước Mỹ ở bên ngoài. Với vai trò đó, tổng thống thu hút sự chú ý khổng lồ của dư luận và giới truyền thông, khiến ông ta có ảnh hưởng không ai bằng trong việc thiết lập chương trình nghị sự và lãnh đạo một chính sách. Ví dụ, Tổng thống George H.W. Bush là người khởi động thảo luận về việc xem xét lại Luật Không khí Sạch. Việc ông quan tâm đến sửa đổi luật này và tham gia tích cực vào xây dựng nó đã phá vỡ một thế bế tắc, đóng băng kéo dài cả thập kỷ, và cuối cùng, vào năm 1990, đã đưa đến việc một trong những đạo luật quan trọng nhất về môi trường được thông qua. Tổng thống Reagan năm 1981 và Tổng thống George W. Bush năm 2001 cũng thành công tương tự trong việc tập trung toàn bộ sự chú ý của quốc dân vào yêu cầu phải cắt giảm bền vững thuế liên bang.(…) thành công của họ trong việc thuyết phục Quốc hội phê chuẩn giảm thuế liên bang đã tác động sâu sắc tới chính sách kinh tế, kể cả làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang và nợ quốc gia.

Bên cạnh tổng thống, toàn thể nhân viên Nhà Trắng và Văn phòng Điều hành của Tổng thống  (EOP) cũng tham gia mật thiết vào quá trình xây dựng và triển khai chính sách. EOP bao gồm các văn phòng và cơ quan của Nhà Trắng đóng vai trò hỗ trợ tổng thống trong việc xây dựng, triển khai và thực thi chính sách công. Trong số các văn phòng này, có Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB), Hội đồng Cố vấn Kinh tế, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ. Cùng với nhau, các văn phòng này tạo nên một nền “tiểu hành chính”, cung cấp cho tổng thống và các nhân viên của ông những thông tin và ý tưởng chính sách quan trọng trong lĩnh vực có liên quan. EOP cập nhật thông tin cho tổng thống về số lượng tràn ngập các chính sách đang được xem xét ở Quốc hội hoặc đã được thực thi ở cơ quan hành chính liên bang, giúp tổng thống có cơ hội gây ảnh hưởng đến định hướng chính sách. Trong hầu hết các lĩnh vực chính sách, chương trình nghị sự và quan điểm của tổng thống, đặc biệt trong các vấn đề quốc nội, phản ánh sự quan tâm và ý thức hệ của đảng mà tổng thống là thành viên; cũng như phản ánh các đơn vị bầu cử quan trọng nhất đối với đảng của ông ta và đối với việc tái đắc cử của tổng thống, nếu ông đang làm nhiệm kỳ đầu.

Các tổng thống đảng Dân chủ và Cộng hòa có xu hướng thông qua các lập trường chính sách khác biệt về phần lớn vấn đề, do triết lý khác nhau của họ về quản trị và do những lợi ích cụ thể mà đảng của họ đại diện.George W. Bush ủng hộ cải cách hệ thống an sinh xã hội năm 2004, nhấn mạnh việc lập những tài khoản cá nhân hoặc tài khoản hưu trí tư nhân – một ý tưởng chia rẽ sâu sắc Quốc hội, chủ yếu là do khác biệt về đường lối của mỗi đảng.

Hệ thống hành chính liên bang cấu thành nên nhánh hành pháp. Nó bao gồm tất cả các cơ quan, văn phòng trực thuộc mỗi bộ trong nội các và các văn phòng và cơ quan khác có nhiệm vụ xây dựng, triển khai và thực thi chính sách trong từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Nổi tiếng nhất trong số các cơ quan, văn phòng này là 15 bộ cấp nội các, mỗi bộ được quản lý bởi một bộ trưởng do tổng thống chỉ định và Thượng viện xác nhận.

Mỗi bộ trong nội các lại bao gồm nhiều cơ quan cấp dưới, một số trong các cơ quan đó còn nổi tiếng hơn bộ chủ quản của nó. Ví dụ, Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA), mà nhiệm vụ chính là bảo đảm an toàn hàng không, là một phần của Bộ Giao thông Vận tải. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn lương thực-thực phẩm và thuốc men, là một phần của Bộ Y tế và Con người. FBI, có nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ khỏi những mối đe dọa bên trong và bên ngoài, là cánh tay điều tra của Bộ Tư pháp. Các cơ quan hành chính này ban hành báo cáo và những nghiên cứu giúp cho công chúng theo sát các hoạt động của chúng trong các lĩnh vực chính sách cụ thể.

Mỗi cơ quan làm chính sách trong lĩnh vực cụ thể của nó thông qua việc diễn giải luật và triển khai những quy định quan trọng đối với việc thực thi chính sách. Các quan chức trong những cơ quan liên bang này có quyền hạn tương đối lớn để hình thành chính sách công, thậm chí trách nhiệm cuối cùng trong việc làm chính sách là thuộc về người được tổng thống chỉ định đứng đầu mỗi cơ quan hay bộ đó. Họ phối hợp chặt chẽ với Nhà Trắng để bảo đảm rằng quyết định của các cơ quan và bộ đều nhất quán với các chương trình và ưu tiên của tổng thống, ít nhất là trong các lĩnh vực mà quyết định đó không bị luật pháp giới hạn quá nghiêm khắc. Kết quả là, hệ thống hành chính Mỹ bị/được chính trị hóa rất mạnh so với hệ thống hành chính ở nhiều nước phát triển khác, và chính sách của họ có thể thay đổi rất đáng kể từ đời tổng thống này sang đời tổng thống khác.

Ví dụ như sự chuyển đổi từ Tổng thống Bill Clinton sang Tổng thống George W. Bush.Những người Bush chỉ định vào các cơ quan hành chính, cũng như các chính sách của chính quyền Bush, mang tính bảo thủ hơn so với người tiền nhiệm Bill Clinton. Sự khác biệt thể hiện đáng kể ngay cả trong việc chọn những cá nhân phục vụ tình nguyện trong các ủy ban cố vấn khoa học của các cơ quan hành chính như FDA và CDC (Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh). Các ủy ban cố vấn đó có mục đích cập nhật thông tin cho chính phủ về sức khỏe cộng đồng và các lĩnh vực chính sách khác. Chỉ riêng Bộ Y tế và Con Người đã có hơn 250 ủy ban cố vấn trong lĩnh vực y tế. Do những diễn giải của các ủy ban về khoa học có thể thúc đẩy các quyết định chính sách theo cách này hay cách khác, nên tổng thống và các quan chức nội các đặc biệt quan tâm đến việc ai là người làm trong các ủy ban ấy…..

Một sự thay đổi trong ý thức hệ cũng khiến chính quyền khó mà lấp đầy ngay những vị trí quan trọng trong các cơ quan hành pháp. Ví dụ như việc chỉ định người đứng đầu FDA. Trong vòng hai năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống George W. Bush, FDA không có người đứng đầu, do các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội không thống nhất được với nhau về các yêu cầu đối với người đứng đầu FDA. Đảng Dân chủ nói rằng họ phản đối những ứng viên có liên hệ chặt chẽ với những ngành nghề mà FDA quản lý, gồm cả những ngành làm về dược phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm và hóa mỹ phẩm. Đảng Cộng hòa lại khẳng định rằng ứng viên nhất định phải là người ủng hộ các quan điểm bảo thủ, ví dụ như phải ủng hộ dừng mua bán thuốc tránh thai RU-486. Vào tháng 10/2002, Bush chỉ định Mark McClellan – bác sĩ nội khoa, phó giáo sư ĐH Stanford, người được cả hai đảng tin tưởng và có quan điểm thực dụng hơn là nặng về ý thức hệ – vào FDA. Tuy nhiên, đầu năm 2004, McClellan đã từ chức để chuyển sang làm lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid. Tiến sĩ Lester M. Crawford thay thế ông, đầu tiên làm quyền giám đốc FDA, cho đến khi được Thượng viện chính thức phê chuẩn vào tháng 7/2005. Tới tháng 9/2005, đến lượt ông Crawford lại từ chức, sau một loạt quyết định gây tranh cãi ở FDA, đặc biệt về việc mua bán thuốc tránh thai khẩn cấp không cần kê đơn.

Bên ngoài các bộ thuộc nội các là vô số cơ quan hành pháp và pháp quy độc lập. Một trong số những cơ quan nổi tiếng nhất là Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), một cơ quan hành pháp độc lập, có lãnh đạo là được chỉ định và là người nắm trách nhiệm lớn trong việc xây dựng và thực thi chính sách môi trường. Các cơ quan độc lập khác với các bộ thuộc nội các chủ yếu bởi vì họ chịu trách nhiệm trong một lĩnh vực chính sách tập trung hơn. Các ví dụ khác là Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NASA), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), và Ủy ban Pháp quy về Hạt nhân (NRC) chịu trách nhiệm giám sát việc sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự, gồm cả nhà máy điện hạt nhân lẫn lượng chất thải hạt nhân cao cấp mà chúng sản sinh ra.

Ủy ban Pháp quy Độc lập (IRC) là một nhánh khác của hành pháp. Giống như các bộ thuộc nội các, người đứng đầu ủy ban là do tổng thống chỉ định và thượng viện phê chuẩn, nhưng chỉ trong các nhiệm kỳ cố định. Nhiệm kỳ nhằm tách việc ra quyết định của IRC khỏi các áp lực chính trị từ tổng thống hay quốc hội. Thêm vào đó, hầu hết các IRC đều chịu trách nhiệm về việc xây dựng các quy định kinh tế trong những ngành cụ thể. Ví dụ như Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) làm nhiệm vụ quản lý ngành truyền thông, và SEC điều phối thị trường tài chính. Mỗi IRC tập trung vào một ngành nhất định, do đó phạm vi quyền hạn của nó thường là hẹp.

Mặc dù mỗi cơ quan hành pháp đều vận hành trong lĩnh vực chuyên môn riêng của nó, nhưng việc mà nó làm có thể mâu thuẫn với các cơ quan khác. Ví dụ, EPA, với nhiệm vụ làm giảm ô nhiễm, trong nhiều năm đã muốn các ô tô phải cài thiết bị kiểm soát ô nhiễm để giảm chất thải từ động cơ. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải), có liên quan đến an toàn giao thông bằng phương tiện xe hơi, thì lại cho rằng cơ chế như thế có thể khiến ô tô dễ bị cháy nổ hơn.

15 bộ thuộc nội các và các cơ quan lớn

Bộ điều hànhCác cơ quan liên bang
Bộ Nông nghiệpCơ quan Tình báo Trung ương (CIA)
Bộ Thương mạiỦy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng
Bộ Quốc phòngCơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA)
Bộ Giáo dụcỦy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng
Bộ Năng lượngNgân hàng Xuất Nhập Khẩu Mỹ
Bộ Y tế và Con NgườiỦy ban Truyền thông Liên bang (FCC)
Bộ An ninh Nội địaTập đoàn Bảo hiểm Ký quỹ Liên bang
Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thịCục Dự trữ Liên bang
Bộ Nội vụỦy ban Thương mại Liên bang
Bộ Tư phápCơ quan Hàng không và Vũ trụ Liên bang (NASA)
Bộ Lao độngQuỹ Khoa học Quốc gia
Bộ Ngoại giaoỦy ban Pháp quy Hạt nhân
Bộ Giao thông Vận tảiPeace Corps
Bộ Tài chínhỦy ban Chứng khoán và Hối đoái
Bộ Cựu chiến binhCơ quan Bưu chính Mỹ  

Phạm Đoan Trang


1 thought on “NHÁNH HÀNH PHÁP Ở MỸ”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC