Dù trường quay được bày biện phô trương sự hoành tráng, lộng lẫy vàng son, hình vẽ trập trùng cổng vòm lâu đài nguy nga, màu sắc loè loẹt, ánh sáng chói loà, tôi vẫn phải nhận ra văn hoá đình làng, thẩm mĩ lí toét ở chương trình bình luận bóng đá của đài truyền hình mang danh quốc gia VTV. Chói chang sắc màu, loang loáng chùm sáng pha đèn quét ngang, quét dọc như sân khấu thi hoa hậu cũng chỉ là chốn sân đình cho mấy ông lí toét, xã xệ được khoe góc chiếu giữa làng. Chễm chệ trên ghế cao ngất ngưởng chỉ là mấy trai làng vênh váo với đời mà thôi.
Bóng đá chỉ ra đời khi loài người bước vào văn minh công nghiệp, văn minh đô thị. Bóng đá là môn thể thao của xã hội công nghiệp, của văn minh đô thị. Cũng như phóng lao, ném đĩa là môn thể thao tái hiện sự vận động của con người thời săn bắn, hái lượm.
Văn minh công nghiệp cũng là văn minh đô thị là xác nhận sự có mặt của cá nhân trong xã hội đồng thời cũng khẳng định mối quan hệ hữu cơ, ràng buộc chặt chẽ và hài hoà giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội. Mạnh mẽ ý thức khẳng định sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời cũng mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, bổn phận của cá nhân với cuộc đời. Đó là con người của văn minh công nghiệp.
Sức mạnh của ném đĩa, phóng lao là sức mạnh của một cá thể riêng biệt và chỉ một cá thể mà thôi. Sức mạnh của bóng đá là sức mạnh mỗi cá thể phối hợp nhịp nhàng cao nhất với sức mạnh cả một tập hợp. Sức mạnh và tài nghệ mười một cá thể phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển chiến thắng sức mạnh và tài nghệ của tập hợp mười một cá thể đối kháng tạo nên cái đẹp của bóng đá.
Cốt lõi của xã hội công nghiệp là tạo ra sản phẩm ngày càng hoàn hảo và tinh xảo cả về công nghệ và thẩm mĩ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội. Bóng đá là môn thể thao của xã hội công nghiệp, của văn minh đô thị còn bởi tài năng cầu thủ và danh tiếng đội bóng cũng là sản phẩm hàng hoá trên thị trường văn hoá xã hội.
Thời công nghiệp, cả thế giới là một thị trường và thị trường bóng đá, thị trường tài năng cầu thủ và danh tiếng đội bóng là thị trường rộng lớn nhất, sôi động nhất, đắt giá nhất. Những ông chủ mỏ dầu Ả Rập, ông nhà giầu người Nga Roman Abramovich đến nước Anh mua những đội bóng Anh lừng dang thế giới thì chỉ thời văn minh công nghiệp mới có.
Tạo ra cái đẹp là nghệ thuật. Bóng đá vừa là thể thao của cơ bắp, vừa là nghệ thuật của tâm hồn con người trong văn minh công nghiệp. Không chỉ liên kết giữa những cá nhân trong tập hợp đội bóng, bóng đá còn tạo đường dây tình cảm đẹp đẽ giữa những tên tuổi cầu thủ tài năng với triệu triệu trái tim trên thế giới như một sản phẩm công nghiệp, chiếc smatphone, được cả thế giới tin yêu, ưa chuộng.
Bóng đá chính là loại hình sinh hoạt văn hoá phổ biến nhất, thích hợp nhất, lôi cuốn nhất của kỉ nguyên công nghiệp. Bóng đá cho con người được trở về sự hồn nhiên, được bộc lộ và bùng nổ tình cảm, bùng nổ cảm xúc chân thật và mạnh mẽ nhất.
Cái đẹp cuốn hút, chinh phục, đắm say cả trăm triệu người, cả ngàn triệu người, bóng đá đã tạo ra cả văn hoá bóng đá, văn hoá của văn minh công nghiệp, tạo ra triết lí bóng đá, triết lí vai trò của cá nhân được khẳng định, được hài hoà với cộng đồng trong xã hội công nghiệp.
Tóm lại. Bóng đá là thể thao, là văn hoá, là nghệ thuật của văn minh công nghiệp. Triết lí bóng đá là vai trò của cá thể phải được nhìn nhận, tài năng của mỗi cá thể mới được bộc lộ cao nhất, được phô diễn sáng chói nhất, lộng lẫy nhất cùng những cá thể tài năng khác.
Ở mọi thể chế độc tài, con người chỉ được nhìn nhận trong bầy đàn. Cá nhân không được nhìn nhận. Nhà nước độc tài cộng sản hối hả làm ra các điều luật hình sự ngày càng khắt khe, ngày càng dã man, tàn bạo để hình sự hoá quyền con người, quyền công dân của người dân, quyết xoá bỏ, phủ nhận, bóp chết sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời.
Cá nhân khẳng định sự có mặt trong cuộc đời, thực hiện quyền và trách nhiệm con người với loài người, thực hiện bổn phận công dân với xã hội liền bị các điều 79; 88; 258 luật Hình sự 1999, các điều 109; 117; 331 luật Hình sự 2015, buộc tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, bị tuyên án mười năm, mười lăm năm tù đày, huỷ hoại đau đớn, thê thảm cuộc đời những con người trung thực, những khí phách hiên ngang.
Dù xã hội đã công nghiệp hoá, hiện đại hoá, dù công nghệ thông tin của văn minh tin học đã đi vào mọi ngóc ngách cuộc sống nhưng nhà nước không nhìn nhận sự có mặt của cá nhân, không tạo ra pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nhà nước chỉ tạo ra pháp luật bảo vệ quyền cai trị của một đảng phái, chỉ tạo ra pháp luật hình sự hoá quyền con người, quyền công dân của người dân thì vẫn chỉ là nhà nước độc tài và người dân chỉ là bầy đàn công cụ, không có cá nhân.
Không có cá nhân, những trai làng, những lí toét, xã xệ vênh váo chốn sân đình không những an phận trong bầy đàn mà còn hả hê vui sướng với thân phận bầy đàn. Những con người không có cá nhân, những tầm nhận thức xã hội ích kỉ đó làm sao hiểu được văn hoá bóng đá. Đến kiến thức thông thường của bóng đá cũng không có!
Bày biện trường quay màu mè hoa hoè hoa sói để lấp liếm sự trống rỗng, thiếu hụt văn hoá bóng đá. Phải vay mượn cả nhan sắc của mấy cô bé mới lớn đang tí tởn khoe chút nhan sắc trời cho, vay mượn mốt thời trang, vay mượn đường cong cơ thể hot girls để bù lấp sự tẻ nhạt của một chương trình văn hoá đủ thấy chương trình bình luận bóng đá của VTV trống rỗng, nghèo nàn thảm hại đến thế nào!
Không có cái nền, không có vốn liếng của văn minh công nghiệp, không hiểu văn hoá bóng đá và triết lí bóng đá thì chỉ biết mượn ngôn từ đại ngôn sáo rỗng bình tán hàm hồ, lặp đi lặp lại những cảm thán, những xuýt xoa và ngôn từ luôn được thốt ra là “Nguy hiểm quá!”, “Thật đáng tiếc!”
Không hiểu văn hoá bóng đá và triết lí bóng đá, không thấy được vẻ đẹp của đường bóng Kylian Mbappé chuyền cho Olivier Giroud mở tỉ số trong trận bóng vòng 1/8 World Cup 2022 Pháp – Ba lan, bình luận viên chỉ biết dùng ngôn từ xôi thịt đình làng “Một đường chuyền dọn cỗ của Mbappe cho Giroud!” mà không thấy rằng đường bóng của Mbappé còn quyết định cả động tác tiếp theo mà Giroud phải thực hiện. Phải là những cá nhân lừng lững cái Tôi mới có thể lừng lững tài năng, mới có thể hiểu nhau để hài hoà, nhịp nhàng phô diễn tài năng tạo nên cái đẹp dù chỉ một đường bóng bình thường.
Không có cá nhân, con người chưa trưởng thành, không thấy trách nhiệm và bổn phận của cá nhân với cuộc đời, với xã hội, không chỉ bình luận viên hiện hình như những trai làng trong chương trình bình luận bóng đá trên VTV nói năng rất vô trách nhiệm mà cả những ông quan bự cũng chỉ là những người chưa trưởng thành.
Ở những nước người dân được làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, những viên đá lát hè phố từ thế kỉ 18, thế kỉ 19 nay vẫn lành lặn, phẳng phiu đón dòng người từ khắp thế giới đến ngắm đường phố của lịch sử, ngắm viên đá lát dòng chảy thời gian. Thủ đô Hà Nội chi khoản ngân sách lớn để hè phố được lát đá bền bỉ với thời gian. Nhưng đá vừa lát đã vỡ vụn, quan bự giám đốc cấp sở kinh đô trơ tráo bảo rằng đá vỡ là do thấm nước mưa, tự vỡ!
Đó là sự trí trá của đứa trẻ sớm nhiễm thói gian dối, lưu manh chứ không phải tiếng nói của người trưởng thành có lòng tự trọng.
Đó là tiếng nói của tâm thế nô lệ hoàn toàn không có tư thế của người dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Phạm Đình Trọng