ĐỊNH NGHĨA
Phong trào xã hội là một dạng hành động tập thể, tập trung vào một hoặc một số vấn đề kinh tế – xã hội nào đó, nhằm tiến hành thay đổi xã hội hoặc chống lại sự thay đổi.
Thế hành động tập thể là gì? Đơn giản, đó là hành động được tiến hành đồng loạt bởi một nhóm người. Nó khác hẳn với hành động cá nhân, là hành động chỉ của một người.
“Hành động tập thể” là một khái niệm mới đối với phần đông người Việt Nam, nhất là những người không nghiên cứu khoa học xã hội. Tuy nhiên, nó là khái niệm có mặt trong rất nhiều ngành khoa học xã hội trên thế giới: tâm lý học, xã hội học, nhân học, kinh tế học, chính trị học.
Và phong trào xã hội là một dạng hành động tập thể có mục đích (thực hiện thay đổi hoặc chống lại sự thay đổi xã hội), có tổ chức. Nó không tự phát như một cuộc bạo loạn, không hỗn loạn như khi một đám đông chen lấn, xô đẩy, hay như khi mọi người đổ xô đi mua chứng khoán hoặc ra ngân hàng rút tiền, tháo vốn ồ ạt…
Các bạn lưu ý: Phong trào xã hội không tự phát. Mọi hoạt động của nó đều là có chủ đích, có kế hoạch, nhằm đạt một mục tiêu xã hội chung.
SO SÁNH PHONG TRÀO XÃ HỘI VÀ ĐẢNG
Mặc dù có tổ chức, nhưng phong trào xã hội lại chỉ là phong trào mà không phải là tổ chức, và càng không phải là đảng.
- Phong trào xã hội khác tổ chức ở chỗ nó không có thứ bậc chặt chẽ, không có kỷ luật trên-dưới (rất khó có chế tài, hình phạt cho người vi phạm kỷ luật);
- Phong trào xã hội khác đảng chính trị ở chỗ nó không chỉ không có thứ bậc và kỷ luật trên-dưới, mà còn không hướng đến việc giành chính quyền, không nhằm giành một chỗ đứng nào trong chính trường.
Tuy nhiên, phong trào xã hội hoàn toàn có thể sinh ra đảng phái. Ví dụ: Phong trào quyền lao động sinh ra công đoàn, công đảng và các đảng xã hội. Phong trào bảo vệ môi trường sinh ra đảng xanh.
BA YẾU TỐ CẤU THÀNH PHONG TRÀO XÃ HỘI
Charles Tilly (1929-2008) là một trong những nhà khoa học chính trị hàng đầu nghiên cứu về phong trào xã hội. Trong lý thuyết của mình, ông cho rằng có ba yếu tố tạo nên một phong trào xã hội:
Thứ nhất là một chiến dịch vận động (campaign). Đó là một hoạt động có tổ chức, kéo dài, nhằm đưa các yêu sách tập thể đến đối tượng cần tác động để thay đổi, ví dụ chính quyền.
Thứ hai là các tiết mục để hoạt động (repertoire): Đó là một loạt hình thức hoạt động chính trị được sử dụng kết hợp, như thành lập tổ chức, hội thảo, cafe gặp gỡ, kiến nghị, ra tuyên bố, cầu nguyện tập thể, tuần hành, biểu tình, làm truyền thông, phát tờ rơi v.v. Có rất nhiều hoạt động như vậy. Tất cả đều phải nhằm truyền tải thông điệp đến đối tượng cần tác động, và công chúng.
Thứ ba là sự thể hiện nhất quán trước công chúng bốn đặc điểm, mà Charles Tilly gọi tắt là WUNC – ghép bốn chữ cái đầu bốn từ tiếng Anh:
W: chính đáng, xứng đáng (worthiness)
U: đoàn kết (unity)
N: số lượng (number)
C: dấn thân, cam kết tham gia (commitment)
Có nghĩa là gì? Theo Charles Tilly, những người làm phong trào xã hội phải thể hiện cho công chúng thấy rằng:
Về đạo đức, họ tốt, xứng đáng; sự nghiệp đấu tranh của họ là chính đáng;
Về kỷ luật, họ đoàn kết;
Về số lượng, họ mạnh, vì họ đông đảo;
Về tinh thần, họ dấn thân, cam kết tham gia.
Ngược lại, nếu những người làm phong trào xã hội thất bại trong việc thể hiện bốn yếu tốt trên cho công chúng thì sao? Đơn giản là công chúng sẽ nghĩ rằng:
Nếu không xứng đáng, chứng tỏ họ là người xấu.
Nếu không đoàn kết, chứng tỏ họ không mạnh.Vừa là người xấu, vừa không mạnh, chứng tỏ: Hoặc họ chỉ là nạn nhân, hoặc là một lũ hề.
Nếu không đông đảo, chứng tỏ họ không được đông người ủng hộ, không có tính chính danh.
Nếu không cam kết, dấn thân, họ sẽ không đi đến cùng.
Các bạn có thể thấy: Như vậy, đối với những người tiến hành một phong trào xã hội, làm gì (chiến dịch vận động, các tiết mục đi kèm) là rất quan trọng, và làm như thế nào cũng quan trọng không kém. Làm như thế nào – tức là phải thể hiện bốn đặc điểm WUNC như liệt kê ở trên.
Sự thể hiện nhất quán bốn đặc điểm đó có liên quan đến vấn đề tính chính danh mà chúng ta đã bàn ở Chương II, Phần II. Nói cách khác, người làm phong trào xã hội phải thể hiện được WUNC để thu hút quần chúng, tạo ra và củng cố niềm tin của quần chúng vào phong trào.
Phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội năm 2015 đưa đến sự ra đời nhóm “Vì Một Hà Nội Xanh”, sau là “Cây Xanh” (Green Trees)
– một tổ chức xã hội dân sự độc lập chuyên về bảo vệ môi trường.
Áp dụng lý thuyết của Charles Tilly vào thực tế, chúng ta có thể phân tích được một số phong trào xã hội ở Việt Nam, ví dụ phong trào dân oan, còn thiếu điều gì.Chúng ta cũng có thể hiểu được ngay tại sao an ninh và dư luận viên phải tốn nhiều công sức đến thế cho việc viết bài đánh phá, bôi nhọ các phong trào xã hội cổ súy cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, và công kích toàn bộ phong trào dân chủ nói chung.
Không rõ an ninh và các dư luận viên có nghiên cứu lý thuyết của Charles Tilly không, nhưng cứ cho là không, thì một cách vô tình, những gì bọn họ viết, lập luận, đều nhằm vào phá hủy bốn đặc điểm WUNC của phong trào dân chủ. Ví dụ như sau:
– Đấu tranh dân chủ gì chúng nó, toàn một lũ dân chủ cuội, ăn bám xã hội, mượn danh chống cộng để kiếm chút bơ thừa sữa cặn của ngoại bang, cờ vàng lưu vong”: Đây là lập luận nhằm triệt hạ tính chính đáng của hoạt động đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền (W).
– “Bọn dân chủ cắn xé nhau như chó với mèo”: Đây là lập luận nhằm chứng tỏ những người hoạt động không đoàn kết (U).
– “Quanh đi quẩn lại, lần nào biểu tình cũng chỉ chừng ấy gương mặt cũ rích, những luận điệu cũ rích”: Đây là lập luận đánh vào vấn đề số lượng của phong trào dân chủ, không đông đảo, chứng tỏ không được lòng dân (N).
– “Suy cho cùng cũng toàn là một lũ anh hùng bàn phím, thấy xe công an đến là chạy như vịt, vào đồn là nhận tội hết”: Đây là lập luận nhằm nhấn mạnh rằng những người hoạt động nhân quyền không đủ ý chí dấn thân (C).
Sau khi đã tìm hiểu đến đây về phong trào xã hội, nếu bạn còn hứng thú thì có thể tìm kiếm thêm các tài liệu, sách báo nghiên cứu về chủ đề này. Trong khuôn khổ một phần nhỏ của một chương sách, chỉ có thể nói rằng: Phong trào xã hội là một dạng hành động tập thể có mục đích, có tổ chức. Người tổ chức phong trào xã hội phải đủ tầm chiến lược và khả năng chiến thuật để tạo ra một chiến dịch vận động với thông điệp thống nhất, nhiều hoạt động đi kèm (đòi hỏi người tổ chức phải càng sáng tạo càng tốt), và luôn nhớ đến việc thể hiện thống nhất bốn yếu tố WUNC.
CÁC GIAI ĐOẠN CỦA MỘT PHONG TRÀO XÃ HỘI
Các nhà nghiên cứu cho rằng theo thời gian, có thể chia một phong trào xã hội ra thành bốn giai đoạn.
1. Giai đoạn nổi lên
Trong giai đoạn này, sự bất mãn bắt đầu xuất hiện, khi mọi người đều thấy rằng có điều gì không ổn.
“Những người tiềm năng tham gia phong trào có thể không hài lòng với một chính sách hoặc tình trạng xã hội nào đó, nhưng họ chưa có hành động gì để xử lý mối phẫn uất của họ, hoặc nếu có thì rất có thể là hành động cá nhân chứ không phải tập thể. Một người có thể bình luận với bạn bè và gia đình rằng anh ta/cô ta không hài lòng với hiện tình, hoặc có thể viết thư gửi đến tờ báo địa phương hoặc vị đại diện địa phương, nhưng các hành động này không có tính chiến lược và tính tập thể. Hơn nữa, có thể có sự gia tăng những tin bài mà các phương tiện truyền thông công bố về tình trạng tiêu cực hoặc các chính sách không được ưa thích, điều đó cũng góp thêm vào sự bất mãn chung”.
2. Giai đoạn hợp nhất
Đây là giai đoạn mà phong trào xã hội tự định hình, tự phát triển một chiến lược thu hút người mới, và ra công khai. Có thể có biểu tình, tuần hành…và thu hút giới truyền thông.
“Ở giai đoạn này các cuộc biểu tình quần chúng có thể diễn ra để thể hiện sức mạnh của phong trào xã hội và để làm các yêu cầu rõ ràng hơn. Quan trọng nhất, đây là giai đoạn mà tại đó phong trào trở thành một thứ vượt hơn mức các cá nhân bức xúc ngẫu nhiên gặp nhau, ở điểm này chúng có tính tổ chức và có chiến lược trong tầm nhìn của mình”.2
3. Giai đoạn hành chính hóa
Trong giai đoạn này, phong trào phụ thuộc vào tài năng của một số lãnh đạo và nhất là sự chuyên nghiệp của các nhân viên. Có thế, phong trào mới tồn tại lâu dài được.
“Các phong trào xã hội trong giai đoạn này không còn chỉ dựa vào các cuộc tuần hành của quần chúng hoặc các nhà lãnh đạo gây cảm hứng để tiến tới mục tiêu và tạo lập các tổ nhóm cử tri nữa; chúng phải dựa vào những nhân viên được đào tạo để thực hiện sứ mệnh của tổ chức. Trong giai đoạn này, quyền lực chính trị của phong trào xã hội lớn hơn trong các giai đoạn trước đó ở chỗ chúng có thể tiếp cận thường xuyên hơn với giới tinh hoa chính trị. Nhiều phong trào xã hội không hành chính hóa được theo cách này và kết cục là thất bại do các thành viên khó duy trì được cảm hứng cần thiết và vì việc huy động liên tục quần chúng trở nên khó khăn quá mức đối với người tham gia phong trào. Việc hành chính hóa thường có nghĩa là các nhân viên được trả lương có thể thế chỗ vào khi không sẵn có các tình nguyện viên thừa nhiệt tình”.
4. Giai đoạn thoái trào
Thoái trào là giai đoạn kết thúc một vòng đời của phong trào xã hội. Tuy nhiên, từ “thoái trào” không mang nghĩa tiêu cực, ám chỉ sự thất bại. Thoái trào có thể diễn ra theo các hình thức như:
- Bị đàn áp và dập tắt, do lực lượng đối đầu – thường là chính quyền – quá mạnh;
- Bị sáp nhập, ví dụ thỏa hiệp với chính đối tượng mà ban đầu dự định tác động, chấp nhận đối tượng và làm việc luôn cho họ;
- Thành công, đạt được các mục tiêu đề ra, nên kết thúc hoạt động;
- Thất bại, chiến lược phá sản, nội bộ chia rẽ và tan vỡ, nên kết thúc hoạt động;
- Được xác lập tư cách chính thống, hòa nhập vào hệ thống kinh tế-chính trị, nên kết thúc hoạt động.
Theo Jonathan Christiansen, lý thuyết về bốn giai đoạn của phong trào xã hội có thể giúp giới nghiên cứu hiểu được cách thức mà các phong trào xã hội gây ảnh hưởng đến xã hội. Thông qua việc phân tích những phong trào xã hội xuất hiện tại các thời điểm và giai đoạn nào đó, các nhà xã hội học có thể hiểu sâu hơn về sự vận hành của xã hội và những thay đổi mà nó kinh qua.
Phong trào xã hội được nhiều người Việt biết tới nhất có lẽ là phong trào đòi quyền dân sự của người da đen ở Mỹ vào những năm 1950-1960, với một gương mặt lãnh đạo xuất chúng – mục sư Martin Luther King. Phong trào Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan cũng được biết đến ít nhiều. Còn ở Việt Nam, phong trào bảo vệ cây xanh tại Hà Nội năm 2015 đã hình thành và phát triển như một phong trào xã hội, tiếc là nó chỉ bó hẹp trong phạm vi thủ đô Hà Nội và bị đàn áp quá mạnh nên ảnh hưởng không rõ nét.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC