QUÂN ĐỘI VÀ CÔNG AN


Bây giờ chúng ta sẽ đi đến thảo luận về hai lực lượng có vai trò rất quan trọng và cũng rất phức tạp trong mọi xã hội, mọi quốc gia. Đó là quân đội và công an.

Quân đội và công an giữ vai trò rất quan trọng, bởi vì họ liên quan đến chủ quyền của quốc gia. Ở Chương III thuộc Phần II, chúng ta đã nói về vấn đề chủ quyền. Một trong các yếu tố để một quốc gia hình thành và tồn tại là chủ quyền của nhà nước, vốn gồm hai khía cạnh: đối nội và đối ngoại. Một cách vắn tắt, có thể nói công an bảo vệ chủ quyền đối nội, và quân đội bảo vệ chủ quyền đối ngoại. Không có họ thì không thể giữ được chủ quyền đối nội và đối ngoại. Cũng có nghĩa là, đó là hai lực lượng bắt buộc phải có ở mọi quốc gia độc lập.

Tất nhiên có ngoại lệ, ví dụ như Puerto Rico không sở hữu quân đội riêng mà hoàn toàn trông cậy vào Mỹ; song đó chỉ là thiểu số. Bản thân Puerto Rico rất mong được trở thành bang thứ 51 của nước Mỹ, đến mức ta phải tự hỏi liệu người dân của họ có nguyện vọng chung sống với nhau như một quốc gia không.

Quân đội và công an cũng giữ vai trò rất phức tạp, bởi vì với sức mạnh của họ, họ luôn luôn có thể lạm quyền, có thể bảo vệ một chế độ cũng như lật đổ, thay thế chế độ đó. Riêng trong hoàn cảnh Việt Nam, tính chất phức tạp càng cao hơn nữa: Họ vừa lạm quyền, vừa bảo vệ đảng Cộng sản, lại vừa lợi dụng nền cai trị của đảng để làm lợi cho mình.

* * *

CHỨC NĂNG CỦA QUÂN ĐỘI VÀ CÔNG AN

1. Quân đội

Quân đội có chức năng:

  • Làm công cụ để nhà nước tiến hành chiến tranh (phòng vệ, phản công, tấn công, bành trướng – xâm lược);
  • Bảo vệ chủ quyền quốc gia (quốc phòng);
  • Bảo đảm trật tự trong nước.Ví dụ: bảo đảm trật tự xã hội trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, địch họa; cứu hộ, cứu trợ; trấn áp bạo động, bạo loạn, đàn áp các cuộc nổi loạn.

Chức năng “trấn áp bạo động, bạo loạn, đàn áp các cuộc nổi loạn” này là một chức năng gây tranh cãi của quân đội, bởi vì nhiều khi ranh giới giữa bảo đảm trật tự quốc nội và đàn áp những cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại nhà cầm quyền phi nghĩa là rất mong manh.

Bạn sẽ thấy là có những trường hợp, đất nước rất cần một quân đội mạnh để trấn áp bạo động, bảo vệ chính quyền, ví dụ như khi quân Taliban kéo quân vào cướp chính quyền Afghanistan và áp đặt ách thống trị tàn bạo lên đất nước này từ năm 1996 đến năm 2001. Ngược lại, trong trường hợp nhà nước độc tài và một bộ phận dân chúng nổi dậy khởi nghĩa, mà quân đội lại thực hiện chức năng “đàn áp bạo loạn” của họ thì đó lại là điều chúng ta không mong muốn.

2. Công an

Chức năng của công an là bảo vệ nhân quyền của mỗi người dân, không để người này xâm phạm nhân quyền của người kia. Ngoài ra, công an cũng có chức năng bảo vệ trật tự trong nước, trong từng địa phương của đất nước, thông qua việc ngăn chặn, phòng chống tội phạm. Họ cũng có thể được huy động để bảo đảm trật tự xã hội trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, địch họa.

So với quân đội, công an không có chức năng “làm công cụ chiến tranh” và “quốc phòng”. Có thể vì thế mà công an không được vũ trang ở mức độ như quân đội: Ở nhiều quốc gia, họ chỉ là lực lượng bán vũ trang, thậm chí có những nơi công an không được phép sử dụng súng.

* * *

ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA QUÂN ĐỘI VÀ CÔNG AN

So với dân thường, quân đội và công an có những đặc thù sau đây:

1. Độc quyền sử dụng vũ khí và vũ lực

Ở bất kỳ quốc gia nào thì quân đội và công an cũng được mặc định là hai lực lượng duy nhất trong xã hội có quyền sử dụng vũ khí và vũ lực để cưỡng bức khi cần. Cả xã hội mặc định điều đó, hay nói cách khác, họ có tính chính danh để sử dụng vũ khí và vũ lực.

2. Hệ thống cấp bậc và kỷ luật

Quân đội và công an được đặc thù bởi hệ thống tổ chức theo cấp bậc trên-dưới và kỷ luật rất chặt chẽ, nghiêm khắc. Thậm chí có quan niệm cho rằng kỷ luật làm nên sức mạnh của họ. Cấp trên được khuyến khích quyết đoán, còn cấp dưới được khuyến khích phục tùng – đó là phẩm chất của quân đội và công an. Chủ nghĩa cá nhân, tự do, sáng tạo và cá tính là những thứ không được đề cao trong đội ngũ này.

3. Can đảm, xả thân, sẵn sàng hy sinh

Xin nói rõ đây không phải là đặc điểm cố hữu của quân đội và công an, mà là những đặc điểm được xã hội kỳ vọng, đòi hỏi ở họ, và xã hội cũng mặc định là quân nhân và công an có những phẩm chất cao đẹp đó. Nói cách khác, quân nhân và công an là hai nghề có thương hiệu tự thân, cũng giống như ở Việt Nam, nhà giáo được mặc định là nghề có đạo đức, mô phạm. Tuy nhiên, đặt chuyện kỳ vọng của xã hội qua một bên, thì quân đội và công an về bản chất là hai nghề vì cộng đồng; quân đội và công an được coi là người của cộng đồng.

Xin bạn lưu ý: Người của cộng đồng ở đây không có nghĩa là người nổi tiếng, như ca sĩ, diễn viên, người mẫu, mà có nghĩa là người có ảnh hưởng đến cộng đồng, thậm chí có thể làm gương và dẫn dắt cộng đồng, và vì thế phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng ấy về lối sống, hành động, hành vi ứng xử của họ.

Cụ thể những ai hoặc những nghề nào là người của cộng đồng thì không có luật pháp nào quy định, điều đó tùy thuộc văn hóa của mỗi xã hội, mỗi cộng đồng.

Một cách chung nhất thì những người của cộng đồng có thể bao gồm lãnh đạo chính trị, linh mục, thầy tu, sư sãi, giáo viên, nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội, quân nhân, cảnh sát, kể cả các chức vụ lãnh đạo nhỏ trong cấp chính quyền địa phương như chủ tịch xã, chủ tịch huyện, trưởng thôn.

4. Nguy cơ lạm quyền rất cao

Chính vì là hai lực lượng duy nhất trong xã hội có quyền và có tính chính danh để sử dụng vũ khí, vũ lực, cho nên quân đội và công an có sức mạnh, và ở họ tiềm ẩn khả năng lạm quyền rất cao.

Quân đội có thể dựng lên một chế độ, bảo vệ chế độ, và lật đổ chế độ ấy. Họ có thể thay thế một chính quyền dân sự bằng một chính quyền quân sự, với các tướng lĩnh quân đội nắm giữ các chức vụ lãnh đạo dân sự, và lập nên một chế độ quân phiệt hay là một chính quyền quân sự.

Công an, có thể do mức độ vũ trang kém hơn và tính chính danh thấp hơn quân đội, thường không dựng lên một chế độ, không lật đổ chế độ và không thay thế chế độ. Nhưng họ lại có thể khống chế, chi phối chính quyền, can thiệp, kiểm soát tiến trình chính sách và mọi khía cạnh của đời sống dân sự, và tạo ra một nhà nước cảnh sát hay là một chính quyền công an trị.

Ngay cả khi quân đội và công an đứng ngoài chính trị, thì nguy cơ lạm quyền vẫn tồn tại, nhất là ở công an. Bởi vì, khác với quân đội, hoạt động của công an gắn chặt với cộng đồng trong đời sống thường nhật. Nếu không có cơ chế kiểm soát (ta sẽ nói về cơ chế ấy sau, trong chương này), thì công an rất dễ bắt nạt, hà hiếp dân, đơn giản là vì họ mạnh hơn dân và họ ở gần dân hơn quân đội.

CHẾ ĐỘ QUÂN PHIỆT VÀ CHẾ ĐỘ CÔNG AN TRỊ

Đặc trưng của chế độ quân phiệt hay là nhà nước quân sự là:

  • Tướng lĩnh quân đội nắm giữ các chức vụ lãnh đạo của nhà nước – những chức vụ mà lẽ ra là thuần túy dân sự.
  • Quân đội kiểm soát tiến trình chính sách.
  • Chủ nghĩa quân phiệt trở thành ý thức hệ bao trùm: Quốc phòng, quân sự phải mạnh thì đất nước mới hùng cường; chiến tranh là một công cụ chính sách chính đáng và hiệu quả; quân nhân được tôn vinh và được hưởng đặc quyền, đặc lợi; tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, kỷ luật nhà binh, sự phục tùng, cống hiến, xả thân được ngợi ca.
  • Luật nhà binh, tòa án quân sự được tăng cường và áp đặt rộng rãi; thiết quân luật có thể được áp dụng thường xuyên và kéo dài. Đất nước bị quân sự hóa (có thể đến mức độ như đang trong thời chiến).
  • Các quyền tự do dân sự bị bóp nghẹt.

Để lấy ví dụ về nhà nước quân phiệt, có thể kể đến: Chile dưới thời Pinochet, Myanmar từ 1962 đến khi cải cách dân chủ, Libya dưới thời đại tá Gaddafi.

Đặc trưng của chế độ công an trị hay nhà nước cảnh sát là:

  • Lực lượng công an phát triển rất hùng mạnh về quân số.
  • Công an được hưởng đặc quyền đặc lợi, hoạt động ngoài sự giới hạn của luật pháp, có thể nói là đứng trên luật pháp.
  • Công an nắm quyền lực hành pháp không giới hạn, không bị kiểm soát, và có thể sử dụng tùy tiện, không phải chịu trách nhiệm giải trình trước bất kỳ lực lượng nào khác trong xã hội (công chúng, báo chí, quốc hội hay tòa án).
  • Công an can thiệp và kiểm soát tiến trình chính sách.
  • Công an can thiệp và kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống dân sự, bằng các biện pháp nghiệp vụ như theo dõi, nghe lén, quay phim trộm, quay phim công khai.
  • Các quyền tự do dân sự bị bóp nghẹt.

Ví dụ về các nhà nước cảnh sát, có thể kể đến Đông Đức cũ (CHDC Đức), và chính Việt Nam thời cộng sản (CHXHCN Việt Nam).

Các bạn chú ý điểm giống nhau lớn giữa chúng là ở cả hai loại xã hội này, các quyền tự do dân sự đều bị bóp nghẹt. Đó là những nhân quyền mà người dân có trong quan hệ của họ với nhà nước, tức là các nhân quyền để bảo vệ người dân khỏi sự can thiệp tùy tiện của nhà nước, ví dụ: tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và lương tâm, tự do đi lại, tự do tụ tập, tự do hiệp hội.

Khi quyền lực được tập trung cao độ vào một người hoặc một nhóm người ở cương vị lãnh đạo, và các quyền tự do dân sự bị siết chặt, quốc gia có thể đã trở thành độc tài quân sự hoặc độc tài công an trị. (Xem “hội chứng sáu điểm” của chế độ toàn trị ở Phần III, “Dân chủ”).

* * *

KIỂM SOÁT QUÂN ĐỘI

Do quân đội sở hữu vũ khí và sức mạnh như chúng ta đã biết, nên kiểm soát quân đội trở thành một vấn đề trong mọi nền chính trị. Ở các nước trên thế giới lâu nay, có hai cách chính để kiểm soát quân đội: 1. Sử dụng cách tiếp cận tự do (liberal approach); 2. Sử dụng cách tiếp cận theo kiểu thâm nhập (penetration approach).

1. Cách tiếp cận tự do

Với cách tiếp cận này, hiến pháp và luật pháp của một quốc gia phải bảo đảm rằng quân đội hoàn toàn giữ tính trung lập, phi chính trị hay là nằm ngoài chính trị, và hệ thống quân đội phải nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền dân sự. Họ phải trung thành với quốc gia, theo nghĩa là trung thành với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đối ngoại của đất nước, trung thành với nhân dân và hiến pháp. Nhưng không có nghĩa là trung thành với bất kỳ một đảng phái, chính quyền, nội các nào.

Trung lập, như đã định nghĩa ở Chương IV (“Tư pháp”) của Phần VI này, là phi đảng phái, không ủng hộ hay chống lại đảng phái hay ý thức hệ nào. Phi chính trị, tức là không tìm cách gây ảnh hưởng đến tiến trình chính sách, không giữ và không tranh giành quyền lực nhà nước. Quân đội phải nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền dân sự, thậm chí ngay cả trong lĩnh vực quốc phòng – cùng lắm thì tướng lĩnh quân đội chỉ có thể đóng vai trò cố vấn, tư vấn cho quan chức dân sự thôi chứ không có tiếng nói quyết định.

Xin bạn lưu ý rằng những nguyên tắc này có thể thay đổi trong thời chiến, tức là khi đất nước thật sự trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, việc xác định và tuyên bố tình trạng chiến tranh cũng là của chính quyền dân sự. Không thể có chuyện tướng lĩnh quân đội đột nhiên tuyên bố đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh, áp đặt thiết quân luật và thay đổi mọi nguyên tắc trên.

Sở dĩ đây được gọi là “cách tiếp cận tự do” bởi vì nó được sử dụng bởi các nước theo chế độ dân chủ tự do, ví dụ Mỹ và Tây Âu.Từ “tự do” ở đây không hề hàm ý là quân đội được tự do, mà ngược lại: Quân đội phải tuyệt đối phi chính trị, không được can thiệp vào chính sách.

2. Cách tiếp cận theo kiểu thâm nhập

Cách tiếp cận này hoàn toàn ngược lại với cách tiếp cận tự do: Thay vì giữ quân đội trong tình trạng tuyệt đối phi chính trị thì ngược lại, chính quyền (dân sự) chính trị hóa quân đội triệt để, theo hướng để cho ý thức hệ và đảng cầm quyền “thâm nhập” toàn diện vào quân đội. Thay vì trung thành với chủ quyền quốc gia, nhân dân và hiến pháp, thì quân đội trung thành với đảng cầm quyền và ý thức hệ của nó. Lòng trung thành này có được nhờ áp dụng đồng bộ một loạt biện pháp: 1. Dành đặc quyền đặc lợi cho quân đội, đặc biệt là tầng lớp lãnh đạo; 2. Tuyên truyền dữ dội về ý thức hệ của đảng cầm quyền; 3. Trừng phạt, trừ khử, tiêu diệt các phần tử bất tuân phục, song song với việc tưởng thưởng các quân nhân trung thành, nhiệt thành về ý thức hệ.

Hẳn bạn đã biết cách tiếp cận này được áp dụng ở đâu: Các nước độc tài, độc đảng, đặc biệt là các quốc gia cộng sản như Liên Xô, Đông Đức cũ, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, và Việt Nam. Tại các nước cộng sản này, một mạng lưới chi bộ đảng được lập nên trong quân đội và vận hành song song với quân đội, lãnh đạo toàn diện quân đội. (Các bạn có để ý đến những nhân vật được gọi là “chính ủy”, “chính trị viên” trong quân đội?).

Những tướng lĩnh cao cấp, ngoài việc được hưởng quyền lợi vật chất to lớn, còn có thể can thiệp vào tiến trình chính sách và/hoặc giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền dân sự. Đổi lại, quân đội đương nhiên là trung thành với đảng và đường lối của đảng, và một lòng bảo vệ đảng cầm quyền.

Ở Việt Nam, so với công an, quân đội có được thiện cảm lớn hơn nhiều từ dân chúng, do thừa hưởng hình ảnh đẹp của “anh bộ đội cụ Hồ” trong cuộc chiến tranh vệ quốc, do tuyên truyền, và do thực tế là tình trạng công an lạm quyền, bạo hành dân quá nghiêm trọng. Vì lẽ đó, nhiều người vẫn nghĩ về khả năng quân đội đảo chính, lật đổ chế độ toàn trị độc đảng để dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên, có lẽ họ không để ý tới một thực tế là đảo chính quân sự rất ít xảy ra ở các nước cộng sản – nơi quân đội và chính quyền “thâm nhập” nhau quá sâu sắc.

KIỂM SOÁT CÔNG AN

Cơ chế kiểm soát công an cũng tương tự như với quân đội, có hai cách cơ bản nói trên. Tuy nhiên, do đặc thù của nghề công an là gắn bó chặt chẽ với cộng đồng hơn quân đội, khả năng họ lạm quyền, bạo hành dân cao hơn hẳn quân đội và vì thế, sự kiểm soát đối với họ cũng phải chặt chẽ hơn.

Ở các nước theo chế độ dân chủ tự do, công an, ngoài việc trung lập, phi chính trị và nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền dân sự, còn phải chịu trách nhiệm giải trình và minh bạch rất ngặt nghèo trước chính quyền, trước các lãnh đạo dân cử, trước quốc hội đại diện của dân, trước báo chí và trước công luận.

Vấn đề đặt ra là: Ai, và làm thế nào để buộc công an phải chịu trách nhiệm giải trình và minh bạch đây?

Giải pháp căn bản nhất là một nhà nước pháp trị (còn gọi là nhà nước pháp quyền), một hệ thống tư pháp độc lập, quyền lực của các cơ quan dân cử như quốc hội, và báo chí tự do.

Ngoài ra, những chuyên gia về nhân quyền trên thế giới khuyến nghị rằng, ở nhiều nước, trong tình trạng công an lạm quyền mà các thiết chế khác (quốc hội, tòa án, báo chí) chưa đủ mạnh để kiểm soát nó, thì chính quyền có thể thành lập một cơ quan độc lập để giám sát và điều tra hoạt động của công an. Song song với đó, là việc đào tạo mạnh mẽ về nhân quyền, tự do, dân chủ cho công an để họ ý thức được về chức năng, nhiệm vụ, nghĩa vụ của mình.

Phạm Đoan Trang


Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC