TẠI SAO ĐẢNG CỐ “LÙA” DÂN ĐI BẦU CỬ?


Do kiểm phiếu không độc lập, báo chí chỉ là công cụ tuyên truyền, không có một cơ chế giám sát độc lập nào, cho nên, sự thật là: Dù bạn tẩy chay bầu cử, dù bạn không đi bỏ phiếu, dù bạn gạch tất cả các ứng viên Đảng cử, thì cuối cùng tỷ lệ người đi bầu vẫn xấp xỉ 100%, các ứng viên Đảng cử vẫn nghiễm nhiên vào Quốc hội ngủ và im lặng suốt ít nhất 5 năm nữa.

Và cuối cùng, tỷ lệ người đi bầu, tỷ lệ phiếu tín nhiệm bao giờ cũng cao ngất ngưởng.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao đảng Cộng sản phải tổ chức bầu cử Quốc hội cho bằng được, dù rất tốn kém (ngân sách Nhà nước) và dù Đảng thừa biết bầu cử Quốc hội chỉ là màn kịch do Đảng đạo diễn toàn diện?

Trả lời: Ấy là bởi vì đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng độc tài.

Chế độ độc tài có nhiều biểu hiện, trong đó có một biểu hiện bề ngoài rất rõ nét là: Trong một chính thể độc tài, tỷ lệ người đi bầu và tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ (lãnh đạo hoặc chủ trương, chính sách của lãnh đạo) luôn luôn rất cao, ngược lại, tỷ lệ phiếu tín nhiệm phe đối lập phải rất thấp.

Đó là những gì đã xảy ra với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội độc lập (ví dụ Nguyễn Trang Nhung không nhận được một phiếu thuận nào, Nguyễn Thị Kim Anh hay Nguyễn Quang A chỉ được 6-7 phiếu trên tổng số 70-80 phiếu). Đảng nhất định phải khiến họ thua một cách tuyệt đối. Cũng như Đảng sẽ nhất định lùa bằng được “toàn dân đi bầu cử”, để cuối cùng tỷ lệ người đi bầu phải cao chót vót, gần 100%, và Đảng phấn khởi tuyên truyền về thành công của cuộc bầu cử.

“Đồng thuận” trong Quốc hội cao như thế này không chứng tỏ Đảng được lòng dân, mà chỉ chứng tỏ Đảng độc tài thôi.

TỐN KÉM MẤY CŨNG PHẢI CHƠI

Một trong các chức năng của bầu cử là tạo dựng và/hoặc củng cố tính chính danh cho nhà cầm quyền. Nhất là khi cuộc bầu cử được đông đảo dân chúng tham gia – khi ấy nó sẽ bao biện cho sự cai trị của nhà cầm quyền, nó là một cơ hội để nhà cầm quyền tuyên truyền thật lực trong nước và quốc tế về tính dân chủ của chế độ mình, và đặc biệt, nó tạo cho người dân cảm tưởng rằng họ đang thực thi quyền lực của nhân dân. (Điều này cũng giải thích cho việc dân chúng tại các hội nghị cử tri ở nơi cư trú, một khi được/bị cán bộ của Đảng kích động, rất dễ hăng hái vào cuộc đấu tố ứng viên).

Chính vì thế, đảng Cộng sản phải tổ chức bầu cử Quốc hội, phải mạnh tay chi tới hàng nghìn tỷ đồng cho vở kịch của Đảng. Và đã tổ chức rồi thì Đảng sẽ phải cố xua dân đi bầu cho bằng được, càng đông đảo càng tốt.

ĐỘC TÀI VÀ SỞ THÍCH “ĐỒNG THUẬN CAO”

Độc tài đúng là rất thích các con số, thích lượng hóa, kiểu như “ba xây, bốn chống”, “ba phe, bốn mâu thuẫn”, “ba dòng thác cách mạng”, “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, v.v.

Độc tài cũng đam mê những con số thống kê có lợi cho họ, tức là phải rất cao, ít nhất là trên 90%, còn thì càng gần sát mức tuyệt đối càng tốt.

Lịch sử thế giới thế kỷ 20 và 21 đã có rất nhiều thành viên của “câu lạc bộ 90 phần trăm”, mà sau đây chỉ là một vài ví dụ:

– Năm 1973, Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines tuyên bố thông qua Hiến pháp mới với tỷ lệ 95% đại biểu Hội đồng Nhân dân ủng hộ. Cũng năm đó, Philippines tiến hành trưng cầu dân ý với câu hỏi “có muốn Tổng thống Marcos tiếp tục tại vị không”, và 90,67% câu trả lời là có.

– Năm 1979, cuộc trưng cầu dân ý của Giáo chủ Khomeini ở Iran thu được kết quả 98% người bỏ phiếu tán thành việc xây dựng nước cộng hòa Hồi giáo Iran.

– Năm 2002, Tổng thống Iraq Saddam Hussein tái đắc cử, được 100% phiếu bầu.

– Năm 2012 Tổng thống Turkmenistan (Turkmenia) Gurbanguly Berdimuhamedov tái đắc cử với tỷ lệ 97% số phiếu ủng hộ. Trước đó, năm 1992, người tiền nhiệm của ông này, Saparmurat Niyazov, còn được “tín nhiệm” cao hơn thế nữa: 99,5%.

– Anh em nhà Tổng thống Cuba, Fidel và Raul Castro, thường xuyên được 99% phiếu bầu.

– Các cuộc bầu cử ở Liên Xô ngày trước, tỷ lệ trúng cử của đảng viên cộng sản vào các xô viết địa phương trung bình là 99%.

– Ngày 28/11/2013, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp sửa đổi (tiếp tục khẳng định ngôi vị lãnh đạo toàn diện của đảng Cộng sản) với tỷ lệ 97,59% tán thành (xem ảnh trên).

Và bây giờ chúng ta chờ tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, tỷ lệ phiếu tín nhiệm Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội cấp cao của Đảng sẽ cao chót vót, từ 80 đến 100%.1

Đằng nào cũng vậy, cho nên…chúng ta hãy dành ngày chủ nhật 22/5/2016 cho những việc có ích, có lợi, thay vì đi bỏ phiếu.

Phạm Đoan Trang


1 thought on “TẠI SAO ĐẢNG CỐ “LÙA” DÂN ĐI BẦU CỬ?”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC