Thay đổi xã hội là sự biến đổi các thiết chế văn hóa và xã hội theo thời gian. Nó thường là kết quả của nhiều nguyên nhân:
Công nghệ, khoa học kỹ thuật: Có những phát minh, sáng chế đã làm thay đổi cả một nền văn hóa và xã hội. Ví dụ như kính đeo mắt, đồng hồ cơ giới, máy in…
“Sự sáng chế ra kính đeo mắt đã kéo dài hơn gấp đôi tuổi lao động của những thợ thủ công lành nghề, đặc biệt là những người làm những công việc tinh vi: những người chuyên việc sao chép (có một vai trò quyết định trước khi phát minh ra máy in), và những người đọc, những người thợ làm dụng cụ và công cụ, những người thợ dệt chuyên dệt những hoa văn tỉ mỉ, những người chuyên chế tạo những sản phẩm tinh xảo bằng kim loại”.
“… Kính mắt khuyến khích sự phát minh những dụng cụ tinh vi, thực sự đã đẩy châu Âu tiến theo một hướng mà người ta không thấy ở một nơi nào khác. Người Hồi giáo biết cái dụng cụ để đo độ cao của mặt trời và các vì sao khác, nhưng họ chỉ biết có thế. Người châu Âu tiếp tục phát minh ra những chiếc đồng hồ đo, những thước trắc vi, những máy cắt bánh xe tinh vi – cả một hệ thống công cụ gắn với đo lường và kiểm tra chính xác. Do đó, họ đã đặt cơ sở cho những máy móc có khớp nối được làm bằng nhiều bộ phận lắp vào nhau. Lao động tinh vi: Trong các nền văn minh khác, khi làm công việc này thì người ta làm bằng cách tập luyện lâu dài cho thành thói quen. Kỹ năng là ở đôi bàn tay, chứ không phải ở đôi mắt gắn liền với công cụ. Họ đã thực hiện được những kết quả thật là xuất sắc, nhưng không có cái nào giống cái nào; còn châu Âu thì đã chuyển theo hướng tái tạo bản sao – sản xuất hàng mẻ rồi bán hàng loạt. Hơn nữa, việc biết được chiếc thấu kính là một trường hợp để tiến xa hơn nữa về quang học… Châu Âu đã được hưởng đặc quyền về những thấu kính điều chỉnh trong vòng từ 3 đến 400 năm. Thực tế là những chiếc thấu kính đó đã làm tăng gấp đôi lực lượng lao động thủ công lành nghề, và còn hơn gấp đôi nếu người ta tính cả giá trị của kinh nghiệm”.
Đồng hồ cát thì đẹp nhưng không bao giờ có thể chính xác tuyệt đối và trở thành công cụ để làm chuẩn chung được.
Đồng hồ cơ giới đã làm điều đó.
Mâu thuẫn, căng thẳng và xung đột: Karl Marx gọi đó là đấu tranh giai cấp, xem nó là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Một thế kỷ sau Marx, người ta cho rằng nếu chỉ là “đấu tranh giai cấp” thì quá đơn sơ, đơn giản; đúng hơn thì phải nói: Mâu thuẫn xã hội nảy sinh từ sự bất bình đẳng (không chỉ trong vấn đề giai cấp mà cả bất bình đẳng sắc tộc và giới tính nữa) sẽ đưa đến thay đổi xã hội.
Tư duy, quan niệm: Theo Max Weber, nguồn gốc của nhiều thay đổi xã hội chính là suy nghĩ, quan niệm. Ví dụ, những người có sự hấp dẫn, lôi cuốn như Martin Luther King có thể đưa ra những thông điệp mà đôi khi làm thay đổi thế giới.
Weber nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy bằng việc kể rằng niềm tin tôn giáo ở thời kỳ đầu của đạo Tin Lành đã mở đường như thế nào cho sự lan truyền, lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Với ông, việc chủ nghĩa tư bản công nghiệp phát triển mạnh chủ yếu ở Tây Âu, nơi nền đạo đức Tin Lành rất phát triển, là bằng chứng cho thấy tư duy có sức mạnh tạo ra sự thay đổi.
Nhân khẩu học: Thay đổi về dân số cũng có thể đưa đến thay đổi xã hội. Ví dụ như việc tỷ lệ sinh gia tăng sau chiến tranh, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn, việc đất nước bước vào thời kỳ dân số vàng, hay khi dân số già đi… tất cả đều có thể đưa đến thay đổi về tâm lý xã hội, văn hóa xã hội, thói quen tiêu dùng, v.v.
Biến động chính trị: Những dạng thay đổi xã hội xuất phát từ các nguyên nhân nêu trên thì thường là không có kế hoạch, không được ai định liệu trước, và nói chung là không cá nhân hay tổ chức nào chủ ý tạo ra thay đổi. Nhưng biến động chính trị thì ngược lại, thường là kết quả của những nỗ lực thật sự, có chủ đích.
Con người nói chung thường tập hợp lại với nhau để hình thành nên những phong trào xã hội – một hoạt động có tổ chức nhằm khuyến khích hoặc chống lại sự thay đổi xã hội. Lịch sử nước Mỹ tràn ngập các phong trào xã hội, từ thời kỳ thực dân và chiến đấu để giành độc lập, đến việc các tổ chức ngày nay ủng hộ hay phản đối nạo thai, quyền của người đồng tính, và án tử hình.*
Bây giờ, với Phần V này, chúng ta sẽ tập trung vào những thay đổi xã hội bắt nguồn từ biến động chính trị.
* * *
CÁCH MẠNG VÀ CHUYỂN HÓA
Ở Chương II, Phần II, các bạn đã biết khái niệm tính chính danh, đó là “niềm tin phổ biến của các thành viên trong một xã hội rằng quyền lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp, và vì thế dân chúng phải phục tùng”.
Khi nào niềm tin đó suy giảm, tức là tính chính danh của chính quyền sa sút. Khi nào tình trạng suy giảm niềm tin của người dân vào bộ máy quản lý, lãnh đạo và cả thể chế đến mức sâu sắc, thì đó là khi xảy ra khủng hoảng tính chính danh. Khi khủng hoảng này xuống tới đáy, thì chỉ có hai kịch bản: Hoặc là chính quyền thẳng tay khủng bố, đàn áp, tiêu diệt mọi sự phản kháng, biến đất nước thành nhà tù (chính quyền, tức phe chống lại sự thay đổi, thắng); hoặc là hệ thống chính trị, đất nước, xã hội sẽ thay đổi (phe cổ súy thay đổi thắng).
Sự thay đổi cũng chỉ có một trong hai xu hướng: phát triển hoặc suy thoái, tức là tốt lên hoặc xấu đi.
Và cho dù theo xu hướng nào, tốt lên hay xấu đi, thì sự thay đổi cũng chỉ diễn ra dưới một trong hai hình thức: cách mạng hoặc chuyển hóa.
Cách mạng
Cách mạng trong chính trị là một cuộc nổi dậy của số đông, gắn với những hành động tập thể của quần chúng. Có thể có bạo lực, và khả năng cao là có, tuy không nhất thiết. Cách mạng mang lại một sự thay đổi căn bản, hoàn toàn hệ thống chính trị chỉ trong một thời gian ngắn, cắt đứt với quá khứ (và thường là một cách bạo lực), chứ không phải chỉ thay đổi chính sách hay thay thế người cầm quyền.
Các bạn lưu ý là đây chỉ là định nghĩa về cách mạng trong địa hạt chính trị. Chúng ta cũng có cách mạng trong các lĩnh vực khác như khoa học kỹ thuật, công nghệ, nghệ thuật… Có thể định nghĩa chung rằng, cách mạng là một sự thay đổi toàn diện, tận gốc rễ, trong một thời gian ngắn.
Bức tranh nổi tiếng về cuộc cách mạng tháng 7/1830 ở Pháp: Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân. Tác giả: họa sĩ Eugène Delacroix.
Những người theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội có xu hướng ưa thích cách mạng vì nó quyết liệt và nhanh gọn. Người theo chủ nghĩa bảo tồn thì không muốn cách mạng mà thích sự chuyển hóa hơn.
Cũng cần phân biệt cách mạng với đảo chính và bạo động. Đảo chính là việc một nhóm, mà thường là một phe cánh trong chính quyền, hoặc công an, quân đội nổi dậy lật đổ, cướp chính quyền, có bạo lực, có vũ trang. Còn bạo động là một cuộc nổi dậy (khởi nghĩa) của quần chúng, có bạo lực, có thể có vũ trang. Cả hai hình thức thay đổi này – đảo chính và bạo động – nếu thành công thì đều chỉ thay đổi chính sách hoặc thay thế nhà cầm quyền, chứ không mang lại thay đổi căn bản như cách mạng. Cách mạng, về bản chất, là phải đem đến sự thay đổi căn bản. Ta thường hay nói “một sự thay đổi mang tính cách mạng” là vì thế.
Đảo chính và bạo động, nếu thất bại, thì đương nhiên hậu quả sẽ là đàn áp và trừng phạt nhằm vào những người tiến hành.
Người tiến hành | Tính chất | Kết quả | |
Cách mạng | Quần chúng | Có thể có bạo lực. | Thay đổi đột ngột, toàn diện thể chế. Không thất bại. (Nếu thất bại thì không thay đổi được và không gọi là cách mạng). |
Đảo chính | Một phe trong chính quyền | Có bạo lực | Chỉ thay đổi chính sách hoặc nhà cầm quyền. Nếu thất bại thì bị đàn áp. |
Bạo động | Quần chúng | Có bạo lực | Chỉ thay đổi chính sách hoặc nhà cầm quyền. Nếu thất bại thì bị đàn áp. |
Chuyển hóa
Chuyển hóa trong chính trị là sự thay đổi có hình thức một cuộc cải cách, diễn ra dần dần, thay đổi từng phần hệ thống chính trị và xã hội. Sự thay đổi ấy đi theo một quá trình liên tục, kèm với việc tái cơ cấu (tái cấu trúc) thể chế hay tổ chức, thay vì xóa bỏ hay thay thế luôn cả thể chế hay tổ chức.
Chuyển hóa là khái niệm được những người theo chủ nghĩa bảo tồn ưa thích, do họ có xu hướng ủng hộ truyền thống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, v.v. (xem Chương III, Phần IV). Lập luận phổ biến nhất của những người bảo tồn, khi họ phản đối cách mạng và ủng hộ chuyển hóa (họ hay dùng từ “cải cách” hoặc “đổi mới”), là cách mạng tạo ra sự đứt gãy và đổ vỡ trong xã hội, làm thiệt hại cho người dân mà chẳng nhà cách mạng nào chịu trách nhiệm hay bù đắp cho người dân được, trong khi với chuyển hóa thì sự thay đổi diễn ra một cách chậm rãi hơn, tránh được những tổn thất quá sức chịu đựng của xã hội.
Khác biệt chủ yếu giữa cách mạng và chuyển hóa là: Cách mạng là sự thay đổi đột ngột, căn bản, toàn diện, còn chuyển hóa là sự thay đổi chậm, từng phần.
Những kịch bản thay đổi ở Việt Nam theo hướng dân chủ hóa |
Cách mạng | Biểu tình lớn và kéo dài (có thể kéo theo đình công, bãi thị, bãi khóa trên diện rộng), có bạo lực và đổ máu, làm tê liệt, đảo lộn đời sống thường nhật, tạo sức ép buộc đảng Cộng sản cầm quyền phải nhượng bộ, đầu hàng. |
Bạo động | Một bộ phận quần chúng ở một địa phương nào đó nổi dậy chống chính quyền. Khởi nghĩa lan rộng, tạo sức ép buộc chính quyền địa phương, rồi tới chính quyền trung ương (của đảng Cộng sản) phải nhượng bộ, đầu hàng. |
Đảo chính | Một phe nhóm nào đó trong nội bộ đảng Cộng sản cầm quyền nổi dậy lật đổ chính quyền. |
Chuyển hóa | 1 Chính quyền của đảng Cộng sản tự đổi mới, tự cải cách (thay đổi từ bên trong và từ bên trên). (*) | 2 Một hoặc một số đảng đối lập nổi lên, đủ sức mạnh thu hút quần chúng và gây sức ép buộc đảng cầm quyền phải nhượng bộ. | 3 Xã hội dân sự phát triển mạnh, kéo theo các phong trào xã hội rộng lớn, đủ sức mạnh gây sức ép buộc đảng cầm quyền phải nhượng bộ. |
(*) Đề cập tới kịch bản “chính quyền của đảng Cộng sản tự đổi mới” (hộp đánh số 1 ở trong bảng trên) để dân chủ hóa đất nước, có nhiều ý kiến nói thêm đến các khả năng sau:
- Đảng Cộng sản đồng ý tổ chức tổng tuyển cử, và tham gia tranh cử một cách bình đẳng với các đảng phái khác. Người dân Việt Nam trong và ngoài nước được tự do bầu ra quốc hội mới, đa đảng và thực sự đại diện cho dân. Từ đó, sẽ có hiến pháp mới và thể chế mới theo hướng dân chủ, tự do. Đây là kịch bản tích cực nhất.
b) Đảng Cộng sản tự chia nhỏ thành một số đảng theo đuổi các đường lối (ý thức hệ) khác nhau, các đảng này cùng tham gia tranh cử vào quốc hội và thúc đẩy cải cách theo hướng dân chủ, tự do. Đây cũng là một kịch bản tích cực.
c) Đảng Cộng sản giả vờ thay đổi: tự đổi tên*, tự chia nhỏ thành một vài đảng (nhưng thực chất vẫn là các tổ chức thuộc sở hữu và chịu sự quản lý của đảng), để diễn một màn kịch thay đổi ôn hòa, ví dụ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trong đó đảng vẫn chi phối tiến trình và kiểm soát kết quả, nên cuối cùng vẫn chiến thắng.
d) Đảng Cộng sản tự tổ chức lực lượng đối lập giả – gồm một hoặc một vài đảng phái hoặc tổ chức thuộc sở hữu và chịu sự quản lý của đảng – để khi cần thì diễn màn kịch thay đổi ôn hòa.
Trong các kịch bản trên, (c) và (d) là hai kịch bản trong đó đảng Cộng sản chỉ diễn màn kịch thay đổi, kết quả sẽ là “bình mới rượu cũ”, tức là chỉ có hình thức bên ngoài thì có vẻ mới, còn nội dung, bản chất bên trong vẫn y như cũ, không có gì thay đổi. Do đó, thiết nghĩ cũng không nên xếp (c) và (d) vào bảng trên, danh sách “những kịch bản thay đổi ở Việt Nam theo hướng dân chủ hóa”.
Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu các hoạt động chính trị xoay quanh đảng phái và xã hội dân sự (hộp 2 và 3 trong bảng trên). Trong đó, có một hoạt động mà đã làm chính trị thì không thể thiếu, và bản thân nó cũng là một hình thức hoạt động chính trị mà chúng ta đã đề cập đến từ Phần I: làm truyền thông.
*. Trong lịch sử hoạt động của mình, đảng Cộng sản Việt Nam từng có thời gian tự đổi tên để trá hình: Ngày 11/11/1945, đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, lấy tên gọi mới là Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Mục đích của việc làm này là để che giấu sự liên hệ giữa những người cộng sản với nhà nước mới thành lập.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC