Từ “chủ nghĩa” đồng nghĩa với “ý thức hệ”, hay “hệ tư tưởng” (tiếng Anh là ideology).
Trong tiếng Anh, thông thường ở cuối mỗi từ chỉ tên riêng của mỗi ý thức hệ, có chữ “ism” (trong tiếng Pháp thì là chữ “isme”), ví dụ liberalism là chủ nghĩa tự do, communism là chủ nghĩa cộng sản. Vậy nên người Việt thường dịch tất cả các từ có hậu tố “ism” hay “isme” thành “chủ nghĩa…” gì đó. Tuy thế, không phải từ nào tận cùng bằng “ism” hay “isme” cũng chỉ một chủ nghĩa. Chẳng hạn, tiếng Anh có từ “euphemism”, nghĩa là “uyển ngữ”, “nói giảm nói tránh”; chúng ta không thể dịch nó thành “chủ nghĩa uyển ngữ” được.
Tùy ngữ cảnh, ta có thể dịch một từ có hậu tố “ism” nào đó thành học thuyết, chủ thuyết, thuyết, luận, đường lối, phương pháp, thuật, đạo, tư tưởng, chế độ, chủ nghĩa, hay ý thức hệ.
ĐỊNH NGHĨA
Ý thức hệ là gì? Cũng giống như với các khái niệm chính trị, dân chủ, từ “ý thức hệ” có nhiều định nghĩa.
Đôi nét lịch sử: Khái niệm “ý thức hệ” do triết gia Pháp Destutt de Tracy đưa ra năm 1796 với nghĩa nguyên thủy là “môn khoa học nghiên cứu về ý thức”, “ý thức học”. Tức là, khái niệm này ban đầu không liên quan đến chính trị. Có lẽ Karl Marx (Các Mác) là người đầu tiên chính trị hóa nó; ông ta cho rằng ý thức hệ chỉ là ý thức của giai cấp thống trị, lừa dối giai cấp bị trị và che giấu mâu thuẫn giai cấp. Ông còn tỏ ra rất tự tin khi tuyên bố: “Các quan điểm chính trị chỉ có thể hoặc là khoa học, hoặc là mang tính ý thức hệ. Và chủ thuyết của ta là khoa học”. Có nghĩa là, với Marx, chủ nghĩa Mác không phải là chủ nghĩa, không phải là ý thức hệ, mà là một khoa học.
Kể từ đó, ý thức hệ trở thành một khái niệm chính trị như ngày nay, mất ý nghĩa ban đầu. Và nó mang nghĩa tiêu cực: Karl Popper cho rằng ý thức hệ là công cụ để quản lý xã hội, để bắt mọi người phải tuân lệnh và phục tùng. Cùng với Hannah Arendt, Karl Popper định nghĩa ý thức hệ là một hệ thống quan điểm khép kín, tự cho là độc quyền chân lý, không chấp nhận các quan điểm và niềm tin khác biệt.
Tuy nhiên, nếu hiểu ý thức hệ như Hannah Arendt và Karl Popper thì chủ nghĩa tự do và các chủ nghĩa mang tính mở, không chấp nhận độc quyền chân lý, sẽ không phải là ý thức hệ nữa.
Ai cũng tự cho mình là khoa học
Karl Marx: Chủ nghĩa Mác là khoa học, không phải ý thức hệ.
Karl Popper: Chủ nghĩa tự do là khoa học, không phải ý thức hệ.
Tóm lại, ý thức hệ là gì? Sau đây là định nghĩa về nó theo quan điểm hiện đại:
Ý thức hệ là một hệ thống niềm tin dẫn dắt hành động chính trị. Cụ thể hơn nữa, ý thức hệ là một tập hợp các quan điểm, quan niệm có liên hệ qua lại, dẫn dắt hoặc tạo cảm hứng cho các hành động chính trị.
Nhà khoa học chính trị Austin Ranney đưa ra một ví dụ: Trong kinh tế học, có một quan điểm cực kỳ phổ biến và vững chắc, là mục đích duy nhất của mỗi cá nhân trên đời này chỉ là làm sao để thu lợi càng nhiều càng tốt. Và quan điểm đó là một trong một tập hợp các quan điểm có liên hệ qua lại với nhau một cách logic để tạo ra một học thuyết. Học thuyết ấy cho rằng cách tốt nhất để tổ chức hệ thống kinh tế là đặt hệ thống kinh tế trên nền tảng sở hữu tư nhân về phương tiện sản xuất, tư nhân hóa việc phân phối hàng hóa và dịch vụ. Tập hợp các quan điểm đó cấu thành nên hệ thống kinh tế và ý thức hệ có tên là chủ nghĩa tư bản.
Sự khác nhau giữa một ý thức hệ và một quan điểm hay quan niệm là gì? Nhà khoa học chính trị Roy C.Macridis cho rằng có bốn tiêu chí sau đây để phân biệt chúng:
Tính tổng quát (comprehensiveness). Một ý thức hệ hoàn chỉnh phải bao gồm những quan điểm, quan niệm về các vấn đề lớn lao, chẳng hạn như vị thế của con người trong vũ trụ, quan hệ của con người với Chúa trời, lịch sử, những mục tiêu to lớn nhất của xã hội và chính quyền, bản chất của con người, và những cách tốt nhất để đạt được các mục tiêu xã hội và chính trị lớn nhất. Những quan điểm, quan niệm đó phải nhất quán với nhau một cách logic, và thường có một tổ chức lớn – ví dụ như đảng Cộng sản Liên Xô hay phong trào nữ quyền – trung thành với những quan điểm, quan niệm đó và cống hiến hết mình để thực hiện chúng.
Tính lan tỏa (pervasiveness). Tập hợp những quan điểm, quan niệm của ý thức hệ đó phải được biết đến không chỉ từ rất lâu mà còn phải hình thành niềm tin chính trị và hành động chính trị của rất nhiều người. Chẳng hạn, mọi người đã nói đến dân chủ, chế độ quý tộc, chế độ chuyên quyền suốt từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên; những phong trào lớn, quy tụ hàng triệu người, đã tranh đấu cho các ý thức hệ đó suốt hơn 2000 năm qua.
Tính rộng khắp (extensiveness). Tập hợp những quan điểm, quan niệm của ý thức hệ đó phải được một số lượng lớn người chia sẻ và phải đóng vai trò quan trọng trong chính trị của một hoặc nhiều hơn một quốc gia.
Tính mạnh mẽ (intensiveness). Tập hợp những quan điểm, quan niệm của ý thức hệ đó phải thu hút được một sự dấn thân của nhiều người theo đuổi nó, và phải gây ảnh hưởng đáng kể đến những niềm tin và hành động chính trị của họ.
Đối chiếu với những tiêu chuẩn như trên thì hẳn bạn đã thấy, để một ý tưởng trở thành một ý thức hệ chẳng phải chuyện dễ dàng gì. Như đã nói, không phải từ nào tận cùng bằng “ism” hay “isme” cũng chỉ một chủ nghĩa. Tùy ngữ cảnh, ta có thể dịch một từ có hậu tố “ism” nào đó thành học thuyết, chủ thuyết, thuyết, luận, đường lối, phương pháp, thuật, đạo, tư tưởng, chế độ, chủ nghĩa, hay ý thức hệ. Cũng vậy, không phải tư tưởng, quan điểm, quan niệm nào cũng trở thành chủ nghĩa được. Người Việt hay “nâng tầm” nhiều thứ lên hàng đạo, chủ nghĩa, ví dụ nói với nhau về “đạo facebook”, “đạo thịt chó”, “chủ nghĩa độc thân”, v.v. nhưng tất nhiên đó là nói đùa với nhau thôi.
Nói nôm na thì một ý thức hệ, đạo, hay chủ nghĩa, có nghĩa là một đường lối, con đường có tính tổng quát, lan tỏa, rộng khắp, mạnh mẽ, thu hút đông đảo người đi theo.
Theo ngôn ngữ Trung Hoa, “Đạo” có nghĩa là “con đường”. Trong ngôn ngữ Ấn Độ, “Yoga” cũng có nghĩa là “Đạo”, cũng lại có nghĩa là “con đường” nốt. Trong ngôn ngữ châu Âu, mọi thứ gì được thêm “cái đuôi” ism (tiếng Anh) hoặc isme (tiếng Pháp) đến cả izm (tiếng Nga) đều thành “con đường” cả. Tiếng nói của tất cả loài người rồi ra hết thảy đều theo khuôn đó: ism(e) hoặc izm sẽ thành “Đạo”. Đem một “linh hồn” để thổi vào hoặc gán cho một cái vật vô tri, thế là có ngay animism (“con đường”, vật linh, hoặc “đạo” thờ vật vô tri vì coi như vật đó có linh hồn, sau rồi con đường ấy được dịch cho rõ nghĩa thành chủ nghĩa vật linh). Đức Phật (Buddha) cùng các ông Mahomet hoặc Jesus Christ ngồi yên trên toà không sao, bỗng dưng có vô vàn người đi theo và gọi đó là các ông Thánh, thế là có ngay “con đường” (hoặc “chủ nghĩa”) Buddhism, Christianism, Mahometism và những cá thể người đi theo “con đường” ấy sẽ thành (có đạo hoặc theo chủ nghĩa) Buddhist, Christianist, Mahometist.
“Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục” – Phạm Toàn, NXB Tri Thức, 2008
Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến một số ý thức hệ, hay chủ nghĩa, phổ biến trong lịch sử loài người từ trước tới nay, theo nghĩa chúng được biết đến nhiều và được thực thi nhiều trên thế giới:
- Chủ nghĩa tự do
- Chủ nghĩa bảo tồn
- Chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội
- Chủ nghĩa phát xít
- Chủ nghĩa vô chính phủ
- Chủ nghĩa môi trường
- Tôn giáo thuần túy
- Chủ nghĩa cộng đồng
- Chủ nghĩa nữ quyền
- Chủ nghĩa dân tộc
Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu sơ qua về hai khái niệm có vẻ đang là “mốt” hiện nay: dân túy và mị dân.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC