THIÊN CHÚA DẠY TÔI KỀM CHẾ TÍNH NÓNG CỦA MÌNH


Năm 2004, khi bé Mai Uyên chưa đầy một tuổi thì có người quen làm chung trong hãng tôi đang làm là ông Đ, hỏi tôi có chịu ra nhà thờ phụ giúp cho một tay không? Đó là làm thư ký cho Khu Tử Đạo, nơi tôi đang sống. Giáo xứ Khiết Tâm Mẹ có tất cả bốn khu, mỗi khu đều có ban trị sự riêng, đó là trưởng, phó, thư ký và thủ quỹ. Khu Tử Đạo hiện ban trị sự chưa kiếm đủ người, nên ông ta nhờ tôi vào làm thư ký.

Vì nhà thờ chúng tôi cuối tuần có bán hàng dưới hội trường từ sáng thứ Bảy cho đến sau lễ thứ nhì của ngày Chúa Nhật. Từ thứ Năm, thứ Sáu đã có người trong Ban Ẩm thực ra đó chuẩn bị các thứ. Giáo xứ bán đủ loại thức ăn: các loại giò lụa, giò bì, chả chiên, các loại bánh cam, bánh còng, bánh giò, bánh ú, bánh tét, bánh mì…. và các loại xôi, chè… Ngoài ra còn có thêm dồi, phở và chả giò…

Vì bán hàng hai ngày cuối tuần như vậy nên phải có người phụ trách bán hàng. Lâu nay, Hội đồng giáo xứ chỉ định ban trị sự của bốn khu giáo thay nhau làm việc ấy. Như vậy, bốn khu chia làm hai cặp, luân phiên phụ trách hàng tuần.

Trong mỗi cặp có hai khu, lại chia nhau phụ trách một trong hai ngày thứ Bảy hoặc Chúa Nhật. Coi như cứ cách một tuần là tôi phải có mặt dưới hội trường.

Tôi trước giờ chỉ tới nhà thờ để tham dự thánh lễ, chẳng biết gì đến việc bên trong. Tuy vậy, tôi vẫn luôn biết đây là nhà thờ của Cha trên trời nên là con, lúc nào mình cũng phải có trách nhiệm; bởi vậy tôi đồng ý nhận lời.

Khi ra nhà thờ làm việc rồi tôi mới thấy khó. Công việc thì không khó gì nhưng người phụ trách toàn bộ việc bán hàng dưới Hội trường lúc ấy là ông Thu, tức Tổng Thủ Quỹ của giáo xứ bấy giờ. Ông này nói chuyện như tạt nước vào mặt người khác, thường chửi những người khác khi ông không vừa ý điều gì.

Có người nói với tôi rằng đó là do thói quen nghề nghiệp. Trước năm 1975, ông làm chức vụ phát lương hay quân trang đạn dược gì đó cho lính, phải thường xuyên chửi như vậy mới trị nổi đám lính ngang tàng. Chửi miết rồi thành thói quen, bây giờ già rồi khó mà thay đổi được.

Lúc mới ra giúp việc bán hàng, tôi cũng bị ông quát vào mặt. Nếu là trước đây thì ông đã được chở đi cấp cứu ngay sau lần ấy rồi. Còn bây giờ, tôi biết Cha đang nhìn mình nên ráng nhịn, chẳng nói lời nào. Tôi cũng không hiểu tại sao từ ngày vượt biển xa quê hương mình lại trở nên nóng nảy như vậy. Hồi ở Việt Nam tôi cũng thuộc loại bình thường mà.

Có lẽ từ lúc tôi chuẩn bị cho mình đi gia nhập kháng chiến. Dù chưa được chính thức gia nhập vào nhưng tôi vẫn thường tìm hiểu để gia nhập các phong trào kháng chiến hải ngoại. Thành phố Lincoln lúc ấy chẳng có một tổ chức kháng chiến, hoặc một ai thực sự tìm mọi cách gia nhập vào các nhóm phục quốc như tôi. Lúc ấy tôi hận bọn Cộng Sản Việt Nam lắm, hận chúng đã làm cho gia đình tôi tan nát. Sau này, còn thêm tin tức về đứa em gái mà tôi thương yêu nhất, cũng mất tích trên đường vượt biển, lòng hận thù ấy càng dâng cao. Anh Lê Quang Vinh, một con người tài hoa, lấy bút hiệu là Mặc Thái Thủy, sau này làm chung trong nhóm Họ Việt. Đọc những bài viết và tâm sự của tôi, có lần anh và anh Vô Kỵ đã hỏi: “Ngũ Tử Tư chết bằng cách nào?”. Lúc ấy tôi chẳng biết trả lời sao. Sau này có dịp đọc bộ Xuân Thu Chiến Quốc tôi mới hiểu ra. Thì ra, ngay thời điểm ấy, hai anh đã nhìn thấu suốt hết tâm trạng của tôi rồi. Vì đang chất chứa thù hận nóng bỏng trong lòng, nên hễ có dịp là bung lên như hỏa diệm sơn, không kiềm chế nổi.

Lúc mới đến thành phố này một thời gian, tôi có liên lạc gởi thư với đứa bạn cùng đi vượt biển với mình, bảo nó về đây để đi học. Vì trên khắp nước Mỹ, chỉ có mấy tiểu bang miền quê như Nebraska mới tiếp tục trợ cấp miễn phí cho học sinh lên đến 21 tuổi, cho họ cơ hội để tốt nghiệp bằng Trung Học Phổ Thông.

Sau ngày nó qua, chúng tôi hồi ấy cùng nhau mướn phòng ở chung cho rẻ. Nó tên là Luyến (đã thay đổi), hai đứa chúng tôi cùng với một người bạn đang học cùng trường nữa tên là C, mướn căn phòng chung cư trên đường “F”.

C có đứa em gái cũng đang học cùng trường với chúng tôi. Thời ấy, con gái Việt nam bên này rất ít nên có giá vô cùng. Em gái C sống chung với những người bạn gái khác. Việc này, tôi không rõ lắm và cũng chẳng hề quan tâm.

Bọn con trai trong trường muốn tán tỉnh em gái của C nên làm đủ chuyện để lấy lòng anh C của chúng. Cứ cuối tuần, hết người này rồi người khác đem bia đến nhà anh C trò chuyện.

Tôi thật thấy gai mắt vô cùng, thường vào phòng đóng cửa lại đọc sách cho xong.

Một cuối tuần kia, không hiểu sao tất cả mọi người cùng đến một lúc, trên mười mấy người, bày ra ngồi nhậu ngay giữa nhà.

Vì cũng là học sinh cùng trường với nhau, cả đám cứ mời tôi ra ngồi nhậu cho vui. Tôi thấy vậy cũng nể lời, ra ngồi chung vui với họ. Sau khi uống được vài lon bia, C coi bộ đã ngà ngà bắt đầu nói chuyện ra vẻ ta đây lắm. Bây giờ thời gian đã qua lắm rồi, tôi cũng không nhớ rõ là rắc rối đã bắt đầu ra sao, nhưng đại khái là tôi và C đã không đồng ý với nhau về một vấn đề.

Tôi biết mình đúng nên hùng biện rất hăng. Cả đám ngồi yên không bắt bẽ được lời nào, tuy nhiên C vẫn cứ ngoan cố cứng đầu, không đủ lý lẽ để đáp lời tôi nên nổi nóng mắng tôi là đứa mất dạy; rằng ba C là bác sĩ ở Việt Nam, gia đình này nọ…

Trong đám người kia còn có người phụ họa, bởi họ cứ có dịp là tìm cách lấy lòng ủng hộ cho anh C. Tôi bực mình đứng lên nói thẳng: nếu không mau về mà còn ngồi đây nhậu tiếp thì chết hết cả đám.

Tôi dám nói dám làm, chẳng biết sợ là gì. Thằng Luyến thấy vậy khuyên tụi họ về hết, đêm đó C cũng đi với họ luôn.

Sáng hôm sau, lúc tôi vẫn còn đang ngủ thì C về kéo tôi ra phòng khách nói chuyện. C nói ở Việt Nam gia đình C học thức gia giáo nên cuối tuần nào cũng ngồi lại kiểm điểm với nhau như kiểu học tập phê bình thời bao cấp. Tôi lâu nay vốn đang căm thù Cộng Sản, bây giờ có người lại giở giọng đó trước mặt tôi nên máu nóng chợt sôi lên sùng sục. C cứ vậy nói hoài nhưng tai tôi chẳng còn nghe gì nữa cả. Tôi chạy vào bếp lấy con dao, tay kia xô C ngã xuống và đâm thẳng dao vào.

C la lên đau đớn. Tôi thấy máu văng ra dính cả tay mình thì cơn giận tan biến. Tôi kêu Luyến tìm cách băng bó lại vết thương cho C và tự mình gọi số điện thoại khẩn cấp 911 bảo rằng mình vừa nóng giận đã lỡ đâm người rồi. Lúc ấy vào năm 1984.

Tôi nghĩ là tương lai đã mất hết, qua Mỹ chỉ để vào tù nên buồn lắm. Thời gian đó có ông Baker là giáo sư tiếng Anh ở trường trung học rất thương tôi, ông là người đến nhà giam xin bảo lãnh cho tôi được thả ra tại ngoại, trong thời gian chờ tòa phán xử.

Hai người luật sư biện hộ cho tôi cũng vậy. Họ rất thương vì tôi nói mình qua Mỹ không phải vì miếng cơm manh áo hay vì bằng nọ bằng kia, mà chỉ vì Cộng Sản đã làm cho gia đình tôi tan nát, và tôi hận họ vô cùng. Bây giờ anh C qua được bên này mà cứ ưa ca tụng Cộng Sản nên tôi không thể nào nhịn được. Hơn nữa anh còn chữi tôi giữa đám đông, làm nhục mạ ba mẹ tôi, nên tôi phải làm vậy vì lòng tự trọng. Họ còn đang tìm cách giúp tôi chưa xong thì lại thêm một việc khác nữa xảy ra.

Trong giai đoạn này người Việt trên đất Mỹ rất ít, đa số vẫn còn nghèo và đang hưởng tiền trợ cấp xã hội. Vì vậy sự đối xử của người Mỹ bản xứ với người Việt lúc đó cũng khác: hoặc là rất tốt hoặc rất xấu, chứ không bình bình như bây giờ.

Đại khái, nếu họ thấy mình ngoài đường mà không thích thì cứ việc đưa bàn tay với ngón giữa lên hoặc la lớn cho mình biết chứ chẳng ý tứ gì. Có người Mỹ xấu như vậy thì lại có người Mỹ tốt khác nhảy ra, sẵn sàng gây với người kia để bảo vệ kẻ yếu như mình.

Sau khi được tại ngoại, tôi vẫn tiếp tục đi học chờ ngày ra tòa. Một buổi chiều đi học về tôi cùng đứa bạn đang chạy xe đạp trên vỉa hè, thì một chiếc xe đang đi dưới lòng đường bỗng bóp còi inh ỏi, rồi hai ba thanh niên Mỹ giơ bàn tay với ngón giữa lên, xoay về hướng chúng tôi. Bọn chúng la lớn: “Cút đi, cút hết về nước chúng mày đi!”.

Lúc đó, tôi nghĩ chắc chắn là mình sẽ ngồi tù, nên bây giờ có ngồi thêm nữa hoặc tử hình luôn cũng không sao. Thế là tôi đạp nhanh đuổi theo chiếc xe hơi đó. Cũng may là họ bị đèn đỏ nên phải dừng lại, thấy tôi đuổi tới họ sợ hãi quay kiếng xe lên và trốn hết trong xe không dám bước ra. Tôi quăng luôn chiếc xe đạp lên đầu xe của họ.

Vậy là có người kêu cảnh sát tới, sau khi nghe bọn thanh niên kia méc lại những gì mà tôi không rõ, còn tôi thì lúc ấy tiếng Anh cũng chưa đủ thành thạo để biện bạch cho mình, người cảnh sát đưa tôi tấm thẻ phạt vì đã làm trầy xe hơi người khác. Một trong hai vị luật sư kia ngay sau khi biết tin đã tìm đến tận nhà tôi, ông hỏi tại sao tôi làm vậy. Tôi nói bây giờ sắp đi tù rồi nên chẳng còn gì để mất nữa. Tôi không từ bỏ quê hương gia đình để đến đây ở tù. Còn nếu muốn cho tôi ở tù thì cũng được, có chết cũng không sao, tôi xin nhận luôn bản án tử hình…

Tôi vừa nói vừa hình dung đến những gì sẽ xảy ra mà không khỏi chạnh lòng rơi nước mắt. Ông âm thầm nhìn tôi rồi nhìn quanh căn phòng cũ kỹ (sau tai nạn vừa rồi tôi và Luyến dọn đến một chung cư khác nghèo hơn, gọi là xóm nhà lá), thật lâu sau ông nói: Đừng bao giờ nghĩ tôi sẽ bị ngồi tù vì sự việc đã xảy ra. Có điều từ nay phải lo học tốt, đừng để phạm thêm bất kỳ lỗi lầm nào nữa. Nếu không, ông sẽ cứu không nổi.

Quả thật hai người luật sư tốt bụng ấy đã cứu tôi thoát nạn. Dù tòa phán xét tôi bị phạm tội nhưng cũng chỉ phạt tù treo 3 năm, nghĩa là trong ba năm tới tôi vẫn được tự do sống bình thường. Trong trường hợp nếu muốn đi đâu ra khỏi tiểu bang, tôi phải báo cho người phụ trách biết và cứ mỗi tháng một lần, phải đến trình diện xem có xài xì ke ma tuý gì không…

Trở lại việc ông Thu ở dưới hội trường giáo xứ. Qua một thời gian làm việc, tôi thấy mấy bà phụ bếp ở đây ai cũng bị ông ấy mắng chửi. Tôi không thể chấp nhận được, người ta ra đây là để giúp việc nhà Chúa chứ đâu phải ra làm cho ông đâu mà ông chửi. Nói thật, đi làm trong hãng không những được trả tiền mà sếp Mỹ họ còn lịch sự, muốn sai mình làm gì họ nói nhỏ nhẹ dễ nghe. Đằng này đã đi làm tình nguyện mà ông này thật chẳng biết điều chút nào.

Thế là tôi điều đình với Cha, tôi chỉ chấp nhận để cho ông chửi bảy lần. Đó đã là con số đã quá lớn đối với tôi lúc ấy rồi. Qua khỏi lần đó mà ông vẫn còn tiếp tục thì tôi sẽ đánh ông ngay tại hội trường luôn.

Sau tuần đầu tiên tôi về kể lại, Mai nghe đã hoảng sợ hết hồn nói tôi thôi đừng ra phụ giúp nhà thờ nữa. Trong khi ở nhà, các con còn nhỏ cứ hỏi ba đâu? Tình nguyện ra làm giúp nhà thờ mà chỉ để gặp phiền phức thì đâu có lợi gì? Từ đó, mỗi lần tôi ra nhà thờ làm việc Mai đều phải đọc Kinh cầu xin Mẹ cho tôi. Còn tôi lúc ấy chỉ biết mỗi Kinh Lạy Cha từ trong Kinh Thánh, tuy vậy, tôi vẫn thầm thì cầu nguyện với Cha vào những lúc căng thẳng như vậy. Con số tám là do tôi biết trong Kinh thánh Lời Chúa Giê-su nói thế nào khi nóng giận. Trong Tin Mừng Mát-thêu chương 18, Chúa Giê-su trả lời với Phê-rô là phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy. Tôi biết rằng lúc ấy mà mình qua được bảy lần đầu tiên, thì đã là một kỳ tích lớn lắm rồi.

Hai, ba tuần kế tiếp ông Thu vẫn cứ tiếp tục quát tháo hoặc chửi. Tôi ngồi lặng im cộng lại số lần ông đã quát tháo hoặc mắng chửi tôi một cách vô lý như vậy. Tôi quyết định chỉ cần đến lần thứ 8 là sẽ cho ông biết phải lễ độ như thế nào. Ông Thu thấy tôi chẳng sợ mà cứ lầm lì đâm ra cũng ngán, không dám quát mắng nặng lời như trước nữa.

Bây giờ ngồi viết lại những trang kỷ niệm này, tôi thật tình muốn gởi lời xin lỗi đến anh C. Xin anh hãy tha lỗi cho tôi. Lúc ấy tôi tính tình quá nóng nên chẳng kềm chế được mình chứ anh cũng chẳng có lỗi gì quá đáng. Tất cả đều do ở nơi tôi mà ra cả. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha Nhân Lành che chở cho anh và gia đình.

Phần ghi thêm: Viết xong phần này, ngồi đọc lại thấy có thể làm người đọc không an tâm nên tôi phải giải thích thêm: Ở đoạn phần đầu, tôi điều đình với Cha con số bảy lần nhường ông Thu như vậy, nếu đến lần thứ tám tôi sẽ đánh ông thì sao? Xin thưa, Thiên Chúa là Thiên Chúa của trật tự, đây là giáo xứ của Ngài, Ngài đang dẫn tôi đi. Tuy là thân xác và ý muốn là của tôi, nhưng Ngài có thể can thiệp bất cứ lúc nào. Lúc tôi đứng dậy để định làm việc ác thì chưa chắc sẽ còn sức mạnh nữa, tôi sẽ cảm giác như mình không còn xương nữa và tôi cũng đã từng đuợc trải nghiệm điều ấy trước đó rồi. Không một sức mạnh nào thì làm sao hại ông được? Nhưng đồng thời, cũng chính con người bình thường không sức mạnh gì của tôi bây giờ trong nháy mắt lại có thể như một siêu nhân sức mạnh dời núi lấp biển, nếu đó là do Thánh Ý Ngài. Tất cả đều do Thiên Chúa mà thôi. Ngài không để tôi trực tiếp phạm tội nặng vì tôi đã được nhận làm con của Ngài rồi. Đối với Thiên Chúa, tội đã kết thành khi chỉ còn trong ý nghĩ chứ không cần phải chờ đến lúc hành động xong mới thành. Cho đến lúc này tôi chỉ có Thần Khí Chúa đi cùng, con tim vẫn còn là của tôi, Chúa có thể cho tôi con tim mới như Lời Ngài đã hứa ở Ê-dê-ki-en 11:19 nhưng lúc này tôi chưa biết để mà xin. Chỉ khi nào con cái Chúa nhận ra sự thấp kém hèn hạ của mình, họ mới thực sự muốn từ bỏ tất cả để cầu xin Chúa làm cho mình trở thành một con người mới, với con tim mới. Được như vậy, họ mới có thể sống thật sự đúng nghĩa là con Thiên Chúa dưới trần đời này: đó là một tấm lòng vị tha không thù hận, không ganh tị… như đã nêu ra trong Kinh thánh ở phần hoa quả của Chúa Thánh Thần. (xem 1 Cô-rin-tô 13)

Chúa chọn tôi khi tôi còn đang trong tội lỗi như bao ngàn người khác hoặc thậm chí có thể còn hèn hạ ghê tởm hơn. Những gì Thiên Chúa đã làm cho tôi, giờ đây tôi ghi lại không phải cho mình. Tôi vốn không thích chỗ đông người náo nhiệt nên hào quang đó tôi chẳng mơ ước bao giờ. Những gì tôi viết lại đây là để cho mọi người biết rằng ngoài thế giới chúng ta đang sống, còn có thế giới thần linh bên ngoài. Thượng Đế luôn là Đấng Chí Tôn, Quan Tòa Thẩm Phán nhưng bóng tối ma quỷ vẫn còn tồn tại. Là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót Ngài luôn cho con người cơ hội để trở thành tốt đẹp hơn, gần gũi với Ngài hơn.

Gioan Phan Tân


Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC