TỔ CHỨC VÀ NHÓM LỢI ÍCH


NHÓM LỢI ÍCH

Nhóm lợi ích còn được gọi là nhóm gây áp lực. Đó là những nhóm có tổ chức, hành động để đạt được lợi ích của mình, bằng cách gây ảnh hưởng lên chính quyền hoặc lên tiến trình chính sách. Đương nhiên, chúng là loại nhóm mà thành viên có ý thức về lợi ích chung của mình và họ cùng hành động để có được lợi ích đó. Hiểu theo nghĩa này thì đảng phái cũng là một nhóm lợi ích.

Như vậy, các bạn có thể thấy rằng nhóm lợi ích luôn tồn tại trong xã hội; bản thân nó không phải là một khái niệm tiêu cực, cần phải xóa bỏ như lâu nay ở Việt Nam, người ta vẫn tưởng. Chừng nào con người còn chia sẻ lợi ích thì chừng đó họ còn có nhu cầu kết hợp thành nhóm và tổ chức nhau lại.

Tuy nhiên, ở các chế độ độc tài, nơi các quyền tự do của dân chúng bị hạn chế, xã hội dân sự bị kìm kẹp, nhà nước bưng bít thông tin, thì nhóm lợi ích chỉ còn là những thế lực ngầm đen tối, thao túng chính trường, tham nhũng và làm nghèo người dân, phá hoại đất nước. Đó là cách hiểu lâu nay của người Việt Nam về khái niệm nhóm lợi ích.

Các bạn cũng có thể thấy là trong xã hội, cũng tồn tại cả những nhóm không hề có tổ chức và cũng không có ý định trở thành có tổ chức. Đó là nhóm mà thành viên có đặc điểm chung, song họ không quan tâm đến đặc điểm chung đó và chẳng có nhu cầu tập hợp lại với nhau vì một mục tiêu chung nào dựa trên đặc điểm đó. Ví dụ như nhóm những người mắt nâu, thế hệ @, thế hệ 9x, hội những người lương hơn 200 USD/tháng, v.v. Dĩ nhiên, đây không gọi là nhóm lợi ích. Nhưng các học giả phương Tây vẫn có tên gọi cho nó; người ta gọi nó là “nhóm chỉ để phân loại” (tiếng Anh: categoric group).

Ở chương này, chúng ta chỉ tìm hiểu về nhóm lợi ích.

SO SÁNH NHÓM LỢI ÍCH VÀ ĐẢNG PHÁI

Như trên đã nói, với định nghĩa nhóm lợi ích là “nhóm mà thành viên có ý thức về lợi ích chung của mình và họ cùng hành động để có được lợi ích đó” thì đảng chính trị cũng là một loại nhóm lợi ích.

Tuy thế, giữa đảng phái và nhóm lợi ích có một số điểm khác nhau căn bản:

ĐảngNhóm lợi ích/ Nhóm gây áp lực
Trong các hoạt động, có hoạt động rất quan trọng là tham gia tranh cử.Không tham gia tranh cử.
Theo đuổi việc giành quyền lực nhà nước và thành lập nội các sau khi giành được quyền lực đó.Không theo đuổi việc giành quyền lực nhà nước, không thành lập nội các.
Có cương lĩnh.

Cương lĩnh phải thể hiện sự quan tâm đến hàng loạt vấn đề, bao trùm các lĩnh vực chính trị – xã hội – kinh tế – môi trường v.v.

Ví dụ: Cương lĩnh của đảng Xanh là đi theo đường lối dân chủ tự do, trường phái ôn hòa trong chủ nghĩa môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững kết hợp với bảo đảm nhân quyền và công lý…
Không có cương lĩnh.

Lập ra các phong trào hay chiến dịch chỉ để gây áp lực lên chính quyền nhằm giải quyết một vấn đề hoặc một lĩnh vực duy nhất.

Ví dụ: Tổ chức Vì Một Hà Nội Xanh chỉ cố gắng giải quyết vấn đề bảo vệ cây xanh ở Hà Nội.      

Để tránh bị ấn tượng rằng nhóm lợi ích là tiêu cực, chúng ta có thể gọi nó bằng cái tên “nhóm gây áp lực” hoặc “nhóm vận động”.

GIÁ TRỊ CỦA NHÓM LỢI ÍCH

Ngoài việc sự tồn tại của nhóm lợi ích là đương nhiên trong mọi xã hội, dù chúng ta ghét nó hay không, thì thực sự nhóm lợi ích cũng có nhiều khía cạnh tích cực:

  • Nó là một kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, ít nhất là một nhóm dân; từ đó, đảm bảo ổn định chính trị;
  • Nó thúc đẩy dân chủ đại diện, tăng cường tính đại diện của (một nhóm) người dân, giúp họ thể hiện các quan điểm hay lợi ích khác nhau, điều mà nhiều khi đảng phái bỏ quên vì quan điểm hay lợi ích ấy quá nhỏ bé để được vào chương trình nghị sự của đảng;
  • Nó rõ ràng là một phương thức gây ảnh hưởng tới chính quyền;
  • Nó thúc đẩy chia sẻ thông tin, thảo luận và phản biện, từ đó nâng cao chất lượng chính sách công;
  • Nó kìm hãm quyền lực nhà nước, phát triển xã hội dân sự, từ đó, bảo vệ tự do.

MẶT TRÁI CỦA NHÓM LỢI ÍCH

Bên cạnh các ưu điểm là các nhược điểm của nhóm lợi ích:

– Nó có nguy cơ khoét sâu thêm bất bình đẳng chính trị, bởi một thực tế là người có giáo dục, có khả năng tài chính, khả năng tổ chức hơn sẽ có tiếng nói mạnh hơn;
– Nó có thể gây chia rẽ xã hội, thông qua việc thúc đẩy quyền lợi cục bộ của một thiểu số, bỏ qua lợi ích chung của toàn xã hội;
– Nó tiềm ẩn thứ quyền lực không có tính chính danh: trong các nhóm lợi ích mạnh, lãnh đạo tự tung tự tác, nhiều quyền lực, mà lại không phải minh bạch với truyền thông và công chúng;
– Nó mở đường cho tham nhũng, nhất là tham nhũng chính sách, và tệ nạn “đi cửa sau”;
– Nó có thể ngăn cản những chính sách tốt chỉ để phục vụ lợi ích cục bộ của một thiểu số.

PHÂN LOẠI NHÓM LỢI ÍCH

Căn cứ vào khía cạnh lợi ích và đối tượng hưởng lợi, người ta chia nhóm lợi ích thành hai loại căn bản:

  1. Nhóm lợi ích tư: Là nhóm lợi ích có mục đích thúc đẩy hoặc bảo vệ lợi ích của các thành viên của nhóm. Thường các nhóm này đại diện cho những tầng lớp hay ngành nghề khác nhau trong xã hội: công nhân, người lao động, người tiêu dùng, người thiểu số. Công đoàn là một nhóm lợi ích tư điển hình.
  2. Nhóm lợi ích công: Là nhóm lợi ích có mục đích thúc đẩy các giá trị, lý tưởng chung, lợi ích chung, chứ không phải hoặc không chỉ bảo vệ lợi ích của thành viên nhóm mình. Ví dụ: ủng hộ nữ quyền, chống nạn công an bạo hành, phản đối nạo phá thai, bảo vệ môi trường. Quỹ Bảo vệ Động vật Hoang dã (WWF) là một nhóm lợi ích công điển hình.

Trong các tổ chức thuộc nhóm lợi ích công, có một bộ phận rất đông đảo là các tổ chức phi chính phủ.

Tổ chức phi chính phủ (NGO)

Tổ chức phi chính phủ là các tổ chức phi lợi nhuận, do tư nhân thành lập, độc lập với các chính phủ (cả trong và ngoài nước), và hoạt động ôn hòa để đạt được mục đích hay là sứ mệnh của chúng.

NGO ra đời có lẽ đã từ lâu trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, khái niệm NGO chỉ trở nên phổ biến với sự thành lập Liên Hợp Quốc vào năm 1945, với Điều 71 Chương 10 Hiến chương Liên Hợp Quốc nói đến vai trò tư vấn, cố vấn của những tổ chức không phải là chính phủ cũng không phải là nhà nước thành viên Liên Hợp Quốc. Đó là các NGO.

Có nhiều loại NGO và nhiều cách phân loại chúng. Chẳng hạn, có thể chia thành hai loại NGO chính:

  1. NGO hoạt động/ cung ứng dịch vụ công cộng: Mục đích là xây dựng và thực hiện các dự án phát triển và/hoặc cứu trợ. Ví dụ như các NGO về nước sạch nông thôn, nâng cao năng lực cán bộ địa phương, bảo tồn di sản.
  2. NGO vận động: Mục đích là cổ súy, vận động cho một giá trị, lý tưởng, hay chính sách cụ thể nào đó. Ví dụ như nhóm Vận Động Ứng Cử Đại Biểu Quốc Hội 2016 cổ súy cho phong trào tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội Việt Nam và vận động cho quyền tham gia chính trị của người dân.

Tất nhiên cách phân chia này chỉ là tương đối. Nhiều NGO vận động vẫn có thể tham gia các dự án phát triển và cứu trợ khi họ thấy cần thiết. No-U là một tổ chức thành lập ngày 30/10/2011 với mục đích bảo vệ chủ quyền, chống chính sách bá quyền của Trung Quốc và chính sách ngoại giao hèn yếu của đảng Cộng sản Việt Nam. Sứ mệnh này được phản ánh trong slogan của họ – “xóa đường lưỡi bò, bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, No-U cũng thường xuyên làm thiện nguyện, cứu trợ đồng bào ở những nơi khó khăn.

Tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO)

Tổ chức phi chính phủ quốc tế về bản chất cũng là các tổ chức phi chính phủ – phi lợi nhuận, do tư nhân thành lập, độc lập với các chính phủ, hoạt động ôn hòa để thực hiện mục đích của mình – nhưng có quy mô quốc tế. Nghĩa là chúng hoạt động trên phạm vi quốc tế, đặt chi nhánh và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới.

Trước năm 1895, số INGO trên toàn cầu không bao giờ vượt quá 50, nhưng sau đó con số bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt kể từ sau Thế chiến II. Ngày nay, có tới hàng nghìn INGO khắp toàn cầu, trong đó, số INGO nổi tiếng và có ảnh hưởng cũng khoảng vài chục. Người Việt Nam hẳn từng nghe nhắc đến những cái tên như: CARE, OXFAM, Thầy thuốc không biên giới (Doctors without Borders), Ân xá Quốc tế (Amnesty International, AI), Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW), Hòa Bình Xanh (Green Peace)…

Các bạn chú ý phân biệt tổ chức phi chính phủ quốc tế – INGO – với tổ chức liên chính phủ – IGO. Tổ chức liên chính phủ tất nhiên không phải do tư nhân thành lập và không độc lập với các chính phủ. Ví dụ tiêu biểu là Liên Hợp Quốc (UN), và các cơ quan của nó, như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), v.v.

Trong thời toàn cầu hóa, các NGO và INGO có vai trò rất quan trọng trên chính trường quốc tế. Chúng được coi như lực lượng đối trọng với các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia, và với các chính quyền. Chúng là những rường cột của xã hội dân sự quốc tế.

IGO cũng là những thế lực quan trọng, nhưng chúng là các cơ quan liên chính phủ và không phải là xã hội dân sự.

Human Rights Watch (HRW)

Tổ chức phi chính phủ quốc tế này được nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam xem như bạn, trong khi Chính phủ Việt Nam xem như kẻ thù.

HRW ban đầu được thành lập bởi một người Mỹ, Robert L. Bernstein, vào năm 1978. Về sau, HRW phát triển thành một tổ chức chuyên nghiên cứu và thúc đẩy nhân quyền trên phạm vi toàn thế giới. Trụ sở của họ ở New York City, và họ có văn phòng ở nhiều nơi thuộc các quốc gia khác như: Amsterdam (Hà Lan), Geneva (Thụy Sĩ), Johannesburg (Nam Phi), Nairobi (Ai Cập), Sydney (Úc), Tokyo (Nhật Bản)… Tại khu vực Đông Nam Á, HRW không mở được văn phòng ở nước nào, chỉ có đại diện hoạt động không chính thức ở Bangkok. Có lẽ do các chính phủ trong khu vực đều không ưa gì tổ chức này.

Hàng năm, HRW xuất bản nhiều báo cáo về tình hình nhân quyền ở các nơi khác nhau trên thế giới. Họ từng có nhiều báo cáo về Việt Nam, như về vụ án Cù Huy Hà Vũ (2011), nạn công an bạo hành đối với dân thường (2016), và việc chính quyền dùng côn đồ hành hung các nhà hoạt động nhân quyền (2017).

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của HRW, là người bị chính quyền nhiều nước căm ghét, nhất là các nước như Việt Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, ông từng nói với người viết rằng: “Chính phủ Việt Nam nghĩ tôi chống cộng. Nhưng họ không hiểu rằng HRW không quan tâm tới chế độ nào cả, chúng tôi chỉ quan tâm đến nhân quyền. Bất kể là cộng sản hay không, nếu một nhà nước vi phạm nhân quyền, chúng tôi đều phản đối. HRW từng chỉ ra và chống cả những vi phạm nhân quyền ở chính nước Mỹ; điều này có lẽ quan chức Việt Nam không hề biết”.

Cũng theo ông Robertson, HRW có tiền sử chống cả các tập đoàn toàn cầu như Google, Yahoo!, nếu họ hợp tác với các nhà nước vi phạm nhân quyền.

Phạm Đoan Trang


1 thought on “TỔ CHỨC VÀ NHÓM LỢI ÍCH”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC