TÒA ÁN ĐỘC LẬP


TẤT CẢ CÁC BỊ CÁO ĐỀU CÓ QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ BỞI MỘT TÒA ÁN ĐỘC LẬP.

Tất cả các tòa án và thẩm phán đều phải độc lập với nhánh hành pháp và lập pháp của chính quyền cũng như các bên tham gia tố tụng. Điều này có nghĩa là cả ngành tư pháp lẫn các thẩm phán của ngành ấy đều không được là cấp dưới của bất kỳ nhánh nào trong nhà nước hay bên nào trong tiến trình tố tụng. Tòa án cũng phải thật sự độc lập và độc lập một cách hiệu quả, cũng như hoàn toàn không chịu ảnh hưởng hay áp lực nào từ các nhánh khác trong nhà nước hay bất kỳ khu vực nào khác.

Sự độc lập của tòa án và các quan chức tư pháp phải được bảo đảm bằng hiến pháp, luật và chính sách của quốc gia, và được tôn trọng trên thực tế bởi chính phủ, các cơ quan nhà nước, cũng như bởi quốc hội.

Nhánh tư pháp phải có quyền tài phán đối với tất cả các vấn đề mang bản chất tư pháp và phải có độc quyền trong việc quyết định một vấn đề nào đó được đưa ra lấy quyết định có thuộc thẩm quyền của tòa án như định nghĩa của pháp luật hay không.

Không được có bất kỳ một sự can thiệp không thích đáng hoặc không có lý do xác đáng nào vào hoạt động tư pháp. Các quyết định của tòa án không bị đem ra để xem xét lại (trừ phi thông qua cơ chế bảo hiến) hay để giảm nhẹ – trừ phi việc đó do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành theo luật định.

Tư pháp phải độc lập về các vấn đề trong nội bộ của ngành tư pháp, kể cả việc chỉ định thẩm phán cho vụ án, tại cấp tòa của vị thẩm phán ấy.

Sự độc lập của thẩm phán và tòa án có hai phương diện: cơ quan độc lập và cá nhân độc lập. Cả hai đều đòi hỏi rằng ngành tư pháp cũng như thẩm phán của ngành đều không phải là cấp dưới của bất kỳ quyền lực nhà nước nào khác:

  • Cơ quan độc lập, có nghĩa là thẩm phán, tòa án đều phải được độc lập khỏi các nhánh quyền lực khác, mà một trong những yêu cầu là thẩm phán không phải là cấp dưới, cũng không chịu trách nhiệm trước các nhánh khác trong chính quyền, đặc biệt là hành pháp. Điều này cũng có nghĩa, tất cả các định chế nhà nước khác đều có nghĩa vụ phải tôn trọng và tuân theo phán quyết và quyết định của tư pháp;
  • Cá nhân độc lập, có nghĩa là thẩm phán phải được độc lập khỏi những thành viên khác trong ngành tư pháp (cũng như ở các nhánh quyền lực khác – ND bổ sung).

Tiến trình chỉ định cá nhân vào cơ quan tư pháp phải minh bạch và chịu những tiêu chuẩn chọn lọc khắc nghiệt. Nói chung, sẽ tốt hơn nếu thẩm phán được lựa chọn bởi các đồng nghiệp hoặc bởi một cơ quan độc lập với hành pháp và lập pháp. Bất kỳ cách chọn lựa người nào cho ngành tư pháp cũng phải bảo đảm tính độc lập và vô tư của ngành tư pháp. Việc chỉ định, nếu do hành pháp thực hiện hoặc thông qua phổ thông đầu phiếu để lựa chọn thẩm phán, đều làm hỏng tính độc lập của tư pháp.

Tiêu chuẩn để chỉ định người vào cơ quan tư pháp phải là sự phù hợp của ứng cử viên với những cơ quan như vậy, căn cứ vào tính liêm chính, năng lực, các kỹ năng pháp lý, và được đào tạo hoặc có trình độ phù hợp về luật pháp. Bất kỳ ai đáp ứng được những tiêu chuẩn này phải có quyền được xem xét để chọn vào cơ quan tư pháp, không có sự phân biệt đối xử vì bất kỳ nguyên nhân gì, chẳng hạn như sắc tộc, màu da, nguồn gốc dân tộc, tiếng nói, tình dục, giới tính, khuynh hướng tình dục, bản sắc giới, quan điểm chính trị và các quan điểm khác, tôn giáo, tín ngưỡng, tàn tật, quốc tịch gốc hay nguồn gốc xã hội, tình trạng lúc sinh, tình trạng kinh tế và các tình trạng khác. Tuy nhiên, có thể coi là không phân biệt đối xử nếu nhà nước:

  • Quy định một độ tuổi tối thiểu hoặc một mức kinh nghiệm tối thiểu với các ứng viên vào cơ quan tư pháp;
  • Quy định một độ tuổi tối đa hoặc tuổi nghỉ hưu, hoặc thời gian làm nghề, cho các quan chức trong ngành tư pháp;
  • Quy định rằng tuổi tối đa hoặc tuổi nghỉ hưu hoặc thời gian làm nghề có thể khác nhau tùy theo cấp bậc của thẩm phán hoặc các quan chức khác trong ngành tư pháp;
  • Yêu cầu rằng chỉ có công dân của nước mình mới đủ tư cách được chỉ định vào cơ quan tư pháp.

Không ai có thể được chỉ định vào cơ quan tư pháp trừ phi người đó được đào tạo thích hợp về pháp luật hoặc có trình độ về luật pháp, cho phép họ có thể thực hiện một cách xứng đáng chức năng nhiệm vụ của họ.

Hoạt động của thẩm phán được đảm bảo cho tới khi họ đến tuổi về hưu theo quy định hoặc khi nhiệm kỳ của họ kết thúc.

Độ dài của nhiệm kỳ, lương thưởng, lương hưu, các điều kiện về an toàn thân thể và an sinh xã hội, tuổi về hưu, kỷ luật và cơ chế hỗ trợ cùng các điều kiện khác về hoạt động của thẩm phán được quy định và đảm bảo bởi pháp luật. Việc thăng tiến phải căn cứ vào các yếu tố khách quan, đặc biệt là năng lực chuyên môn, tính liêm chính và kinh nghiệm của thẩm phán.

Thẩm phán chỉ có thể bị bãi chức vì những sai phạm nghiêm trọng về đạo đức vốn không phù hợp với cơ quan tư pháp, vì vi phạm kỷ luật hoặc phạm tội hình sự, hoặc vì năng lực yếu kém khiến họ không thể hoàn thành chức năng nhiệm vụ. Ngoài ra, thẩm phán được hưởng miễn trừ cá nhân – không bị kiện dân sự vì những thiệt hại vật chất phát sinh từ phán quyết của họ. Trong mọi trường hợp, thủ tục kỷ luật thẩm phán phải tuân theo các tiêu chuẩn sau:

  • Thủ tục xử lý khiếu nại đối với thẩm phán hoặc thủ tục kỷ luật thẩm phán, liên quan đến hành xử chuyên môn của họ, phải được quy định bởi pháp luật. Bất kỳ khiếu nại hoặc cáo buộc nào đối với thẩm phán cũng phải được xử lý nhanh chóng và công bằng;
  • Thẩm phán, nếu có khả năng bị kỷ luật, tạm đình chỉ chức vụ hoặc bãi chức, có quyền được điều trần một cách công bằng, gồm cả quyền được đại diện bởi một đại diện pháp lý do họ lựa chọn và có quyền yêu cầu một cơ quan độc lập và vô tư xem xét lại bất kỳ quyết định nào được đưa ra trong tiến trình xử lý kỷ luật, tạm đình chỉ hoặc bãi chức thẩm phán đó;
  • Thẩm phán không thể bị bãi chức hay bị trừng phạt vì những lỗi xuất phát từ thiện ý , hay vì đã không tán thành một sự diễn giải luật nào đó, hay chỉ vì quyết định của họ đã bị đảo ngược tại phiên phúc thẩm, hay vì quyết định của họ bị đề nghị để cho một cơ quan tư pháp ở cấp cao hơn xem xét lại.

* * *

VAI TRÒ CỦA CÔNG TỐ VIÊN

Tất cả các bị cáo đều có quyền được xét xử bởi một tòa án trong đó công tố viên công bằng và không thiên vị.

Công tố viên phải thực thi các chức năng chuyên môn của họ một cách vô tư và khách quan, và tránh phân biệt đối xử vì các nguyên nhân chính trị, xã hội, tôn giáo, chủng tộc, văn hóa, khuynh hướng tình dục hay bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Việc thực thi một cách thích hợp các chức năng công tố đòi hỏi tính tự chủ và độc lập trước các nhánh khác của nhà nước. Khác với trường hợp thẩm phán, luật quốc tế không có điều khoản nào bảo đảm tính chất “cơ quan độc lập” của bên công tố. Điều này do một thực tế là trong một số chế độ, công tố viên do bên hành pháp chỉ định và họ chịu trách nhiệm trước hành pháp ở một mức độ nào đó, do đó họ có nghĩa vụ phải tuân theo những mệnh lệnh nhất định do chính phủ đưa ra. Mặc dù một cơ quan công tố độc lập luôn được ưa thích hơn một cơ quan công tố phải chịu trách nhiệm trước hành pháp, nhưng trong mọi trường hợp, nhà nước có nghĩa vụ cung cấp cơ chế bảo đảm rằng công tố viên có thể tiến hành điều tra một cách vô tư và khách quan.

Văn phòng công tố phải tách biệt hoàn toàn khỏi các chức năng tư pháp.

Công tố viên phải có khả năng thực thi nhiệm vụ chuyên môn của họ mà không bị đe dọa, ngăn cản, quấy rối, không bị can thiệp không đúng hoặc không phải chịu trách nhiệm dân sự, hình sự hoặc các trách nhiệm khác một cách vô lý.

Công tố viên phải được giáo dục, đào tạo phù hợp và phải được ý thức về lý tưởng cũng như về trách nhiệm đạo đức của nghề công tố, về sự bảo vệ của hiến pháp và luật đối với quyền của nghi phạm và nạn nhân, về quyền con người và những quyền tự do căn bản được luật pháp quốc gia và quốc tế thừa nhận.

Công tố viên phải đóng vai trò chủ động trong tố tụng hình sự, kể cả trong việc bắt đầu tiến hành khởi tố, và nếu được luật cho phép hay nếu tuân theo đúng lệ thường ở nước sở tại, công tố viên phải chủ động trong quá trình điều tra tội ác, giám sát tính hợp pháp của công tác điều tra, giám sát việc thực thi các quyết định do cơ quan tư pháp đưa ra, giám sát việc thực thi các chức năng khác, như là đại diện cho lợi ích công.

Công tố viên, theo quy định của pháp luật, phải thực thi nhiệm vụ một cách công bằng, nhất quán và nhanh chóng, tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, và ủng hộ quyền con người; qua đó, góp phần vào việc bảo đảm pháp trình chính đáng và bảo đảm sự vận hành thông suốt của hệ thống tư pháp hình sự.

Khi thi hành nhiệm vụ, công tố viên phải:

  • Thực hiện các chức năng của mình một cách vô tư, tránh mọi phân biệt đối xử về chính trị, xã hội, chủng tộc, nguồn gốc dân tộc, tôn giáo, văn hóa, tình dục, giới tính hoặc bất kỳ hình thức phân biệt nào khác;
  • Bảo vệ lợi ích công, hành động một cách khách quan, cân nhắc thích đáng đến cương vị của nghi phạm và nạn nhân, và lưu tâm tới tất cả các tình huống liên quan, bất kể chúng có là lợi thế hay bất lợi cho nghi phạm;
  • Bảo mật các thông tin mình có được, chỉ trừ phi việc thực thi nhiệm vụ hay nhu cầu công lý đòi hỏi phải làm khác;
  • Cân nhắc các quan điểm và những nỗi lo ngại của nạn nhân khi mà lợi ích cá nhân của họ bị ảnh hưởng, và bảo đảm rằng nạn nhân đã được thông báo rõ về quyền của họ.

Công tố viên không nên mở đầu hay tiếp tục tiến trình truy tố, cũng không nên cố gắng tham gia tiến trình, khi một điều tra vô tư cho thấy lời cáo buộc là không có cơ sở.

Công tố viên nên chú ý thích đáng đến việc truy tố những tội ác do các quan chức chính quyền gây ra, đặc biệt tội tham nhũng, lạm dụng quyền, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, và các tội khác mà luật quốc tế đã thừa nhận.

Khi công tố viên có được bằng chứng chống lại một nghi phạm – mà họ biết và tin, dựa trên những lý do xác đáng, rằng những bằng chứng đó có được là nhờ sử dụng những biện pháp bất hợp pháp, cấu thành tội vi phạm thô bạo nhân quyền của nghi phạm, đặc biệt là biện pháp tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, phi nhân tính, hạ thấp nhân phẩm, hay các hình thức vi phạm nhân quyền khác – họ phải từ chối sử dụng những bằng chứng đó để chống lại bất cứ ai, chỉ trừ chống lại chính những người đã sử dụng các biện pháp như thế; hoặc họ phải thông báo như vậy cho cơ quan tư pháp, và tiến hành tất cả các bước cần thiết để đảm bảo rằng những kẻ chịu trách nhiệm sử dụng các biện pháp đó sẽ bị đưa ra trước công lý.

* * *

TÍNH ĐỘC LẬP CỦA NGHỀ LUẬT SƯ

Bất kỳ ai bị cáo buộc vi phạm hình sự đều có quyền được luật sư trợ giúp và bảo vệ. Nhà nước phải đảm bảo tính độc lập của nghề luật sư và đảm bảo rằng các luật sư đều có thể thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của họ.

Trừ phi muốn tự bào chữa, các cá nhân bị cáo buộc phạm tội đều luôn luôn phải được đại diện bởi một luật sư – người bảo đảm rằng quyền của bị cáo được xét xử công bằng bởi một tòa án độc lập và vô tư sẽ được tôn trọng trong suốt tiến trình tố tụng. Luật sư phải được phép đặt câu hỏi về tính độc lập và vô tư của tòa án, và phải cố gắng bảo đảm rằng quyền của bị cáo cũng như những bảo đảm tư pháp dành cho bị cáo đều được tôn trọng.

Quyền được trợ giúp bởi luật sư, ngay cả khi cá nhân không thể lo được, là một phần không thể tách rời của quyền được xét xử công bằng mà luật quốc tế đã thừa nhận.

Thêm vào đó, luật sư đóng một vai trò quan trọng quyết định trong việc bảo vệ quyền không bị bắt giữ tùy tiện, bằng cách chống việc bắt giữ, chẳng hạn, bằng cách trình đơn habeas corpus [lệnh đình việc bắt giữ – ND]. Họ cũng tư vấn và đại diện cho các nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền và người thân của nạn nhân trong tiến trình tố tụng hình sự đối với kẻ bị cáo buộc là thủ phạm của vụ vi phạm nhân quyền đó, cũng như trong tiến trình tìm cách phục hồi cho nạn nhân.

Để việc trợ giúp pháp lý được hiệu quả thì nó phải được thực thi độc lập.

Luật quốc tế đã thiết lập những cơ chế nhất định nhằm bảo đảm sự độc lập của cá nhân mỗi luật sư cũng như của cả nghề luật.

Tất cả mọi người đều có quyền yêu cầu sự trợ giúp từ một luật sư do họ chọn để bảo vệ và xác lập các quyền của họ, và bảo vệ họ trong mọi giai đoạn tố tụng hình sự. Chính quyền phải đảm bảo cung cấp các thủ tục hiệu quả, các cơ chế có tính phản hồi cao, để tất cả mọi người ở trong lãnh thổ của chính quyền ấy và chịu quyền tài phán hoặc kiểm soát hiệu quả của chính quyền ấy đều có thể tiếp cận như nhau và hiệu quả đến các luật sư, không có bất kỳ hình thức phân biệt nào như phân biệt dựa trên các lý do chủng tộc, màu da, nguồn gốc dân tộc, tình dục, khuynh hướng giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị và các quan điểm khác, quốc tịch gốc hoặc nguồn gốc xã hội, tài sản, tình trạng lúc sinh, tình trạng kinh tế và các tình trạng khác.

Luật sư Trần Thu Nam (bên phải) và luật sư Lê Văn Luân
 bị côn đồ (có cả công an) hành hung ở huyện Chương Mỹ (Hà Tây), ngày 03/11/2015.

Các nhà nước phải bảo đảm rằng:

  • Tất cả mọi người đều phải được cơ quan có thẩm quyền thông báo ngay lập tức về quyền của họ được trợ giúp bởi một luật sư do họ chọn – thông báo ngay khi họ bị bắt hoặc khi bị khởi tố về một tội hình sự;
  • Tất cả mọi người khi bị bắt, dù bị khởi tố hay chưa, đều có quyền nhanh chóng được gặp luật sư, và trong bất kỳ trường hợp nào, họ cũng phải được gặp luật sư không muộn hơn 48 tiếng kể từ thời điểm bị bắt;
  • Các cá nhân bị khởi tố về một tội hình sự đều được có luật sư đại diện vào mọi lúc, trong suốt các khâu của tiến trình tố tụng hình sự của tư pháp;
  • Những người không có luật sư thì trong mọi trường hợp mà công lý đòi hỏi, họ đều có quyền được có một luật sư có kinh nghiệm và năng lực tương xứng với bản chất của tội hình sự mà họ bị cáo buộc phạm phải, để họ được trợ giúp pháp lý một cách hiệu quả, mà không phải trả tiền nếu như họ không có đủ tiền để trang trải cho dịch vụ đó.

Các nhà nước cần phải đảm bảo rằng:

  • Luật sư có thể thực thi tất cả các nhiệm vụ chuyên môn của họ mà không đe dọa, ngăn cản, quấy rối, hay bị can thiệp không đúng;
  • Bất cứ khi nào sự an toàn của luật sư bị đe dọa vì họ đã thực thi nhiệm vụ của mình, thì họ phải được bảo vệ thích đáng;
  • Luật sư có thể tự do đi lại và tự do tham vấn khách hàng, cả trong nước lẫn nước ngoài;
  • Luật sư không phải chịu hoặc không bị đe dọa phải chịu truy tố hay chịu các biện pháp xử lý hành chính, kinh tế, hay các hình thức trừng phạt khác, vì bất kỳ việc gì mà họ đã làm theo nghĩa vụ nghề nghiệp, chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp đã được công nhận;
  • Tất cả các giao dịch, tham vấn, tư vấn giữa luật sư và khách hàng, trong khuôn khổ quan hệ chuyên môn của họ, đều phải được bảo mật; và
  • Luật sư không bị đánh đồng với khách hàng hay việc làm của khách hàng chỉ vì đã thực thi chức năng nhiệm vụ của mình.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm đảm bảo cho luật sư được tiếp cận với thông tin và hồ sơ phù hợp mà cơ quan đó sở hữu hay kiểm soát, trong khoảng thời gian phù hợp, để luật sư có thể trợ giúp pháp lý một cách hữu hiệu cho khách hàng. Việc tiếp cận đó phải được sẵn sàng vào thời gian sớm nhất có thể.

Luật sư được miễn trách nhiệm dân sự và hình sự vì những phát biểu liên quan mà ông/bà ta đưa ra với thiện ý, bằng văn bản hoặc bằng lời nói hoặc trong khi đang hành nghề trước cơ quan tư pháp hoặc các cơ quan pháp luật hay hành chính khác.

Luật sư luôn luôn phải gìn giữ danh dự và phẩm giá của nghề nghiệp của mình như thể đó là tác nhân căn bản nhất trong việc thực thi công lý, và họ cũng luôn luôn phải tôn trọng lợi ích của khách hàng. Luật sư có những trách nhiệm chuyên môn cơ bản, phần lớn là liên quan đến khách hàng, bao gồm:

  • Tư vấn cho khách hàng về các quyền và nghĩa vụ pháp lý của khách, và về sự vận hành của hệ thống pháp luật ở chừng mực liên quan đến các quyền và nghĩa vụ pháp lý của khách;
  • Hỗ trợ khách hàng bằng mọi cách thích hợp, và có các hành động pháp lý để bảo vệ lợi ích của khách hàng;
  • Trợ giúp khách hàng trước tòa hay trước cơ quan hành chính, khi cần.

Khi bảo vệ quyền của khách hàng và thúc đẩy công lý, luật sư phải cố gắng ủng hộ nhân quyền và các quyền tự do căn bản đã được luật quốc gia và quốc tế công nhận, và phải luôn luôn hành động tự do và cần mẫn, theo đúng luật pháp, theo đúng những chuẩn mực và đạo đức đã được thừa nhận của nghề luật sư.

Những cáo buộc và khiếu nại nhằm vào luật sư trong lĩnh vực chuyên môn của họ cần phải được xử lý nhanh chóng và công bằng theo những thủ tục phù hợp. Luật sư phải có quyền được điều trần công bằng, kể cả quyền được trợ giúp bởi một luật sư khác do họ lựa chọn.

Phạm Đoan Trang


1 thought on “TÒA ÁN ĐỘC LẬP”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC