Liệu các bạn có ai đã tự hỏi, vì sao Mỹ có Tổng thống, còn Anh thì có Thủ tướng và Pháp thì lại có cả hai. Sự khác biệt nằm ở đâu? Bài viết này sẽ giải thích cho các bạn một cách dễ hiểu nhất về ba chính thể phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Phần 1: Giới thiệu chung về hệ thống chính trị và một số vấn đề liên quan
Các nước “cộng hòa tổng thống” với mức độ “tổng thống chế toàn phần” được biểu thị bằng màu XANH BIỂN
Các quốc gia có một mức độ “tổng thống chế bán phần” được biểu thị bằng màu VÀNG.
Các nước cộng hòa có tổng thống mà trong đó chức vụ tổng thống được quốc hội bầu lên được biểu thị bằng màu XANH LÁ
Màu CAM là các nước “Cộng hòa đại nghị”.
Màu ĐỎ là các nước “Quân chủ lập hiến”.
Màu TÍM là các nước “Quân chủ chuyên chế”.
Màu NÂU là các nước đơn đảng.
Lịch sử của các hệ thống chính trị không tồn tại duy nhất một cách thức về việc tổ chức quyền lực. Trên thực tế, tồn tại rất nhiều dạng tổ chức khác nhau với các cách thức hoạt động khác nhau, mặc dù một vài trong số chúng có nền tảng như nhau. Nguyên nhân trực tiếp của sự phong phú của các hệ thống này chính là bởi sự phụ thuốc vào lịch sử và các đặc điểm riêng biệt của từng quốc gia, dân tộc.
Hệ thống chính trị là một chỉnh thể các tổ chức chính trị trong xã hội, bao gồm các cơ quan, tổ chức nhà nước, đảng phái, các tổ chức chính trị – xã hội, được liên kết với nhau trong một hệ thống tổ chức tác động vào các quá trình của đời sống xã hội, để củng cố, duy trì và phát triển chế độ đương thời phù hợp với lợi ích của chủ thể giai cấp cầm quyền. Nó cũng bao gồm các quy tắc định hướng các hoạt động chính trị, các nguyên tắc mà theo đó những cá nhân hay đảng phái chính trị phải tuân theo. (nôm na là tất cả những gì liên quan đến quyền lực chính trị). Tất cả điều trên tạo ra một quy trình và có chức năng cho phép Nhà nước đạt được mục tiêu chính trị, thông qua việc đưa ra các quyết định sử dụng các nguồn nhân lực và vật lực. Những quyết định này ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến các thành viên sống trong đó, và đôi khi cũng ảnh hưởng đến chính hệ thống chính trị.
Nói đến hệ thống chính trị thì chúng ta không thể không nói đến khái niệm ‘Nhà nước’, hai khái niệm này luôn đi song hành với nhau. Nhà nước là một tổ chức quyền lực đặc biệt, được lập ra bởi giai cấp thống trị. Theo đó Nhà nước mang tính chất giai cấp. Tuy các Nhà nước được ra đời theo các cách khác nhau nhưng nhìn chung tất cả chúng đều có những đặc điểm chung sau: sở hữu quyền lực công (cảnh sát, quân đội,…); có dân cư và lãnh thổ riêng; có chủ quyền quốc gia (sovereign – quyền tự quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại mà không phụ thuộc vào nước khác); ban hành pháp luật; và thu thuế.
Các chức năng chính của nhà nước được chia thành đối nội và đối ngoại. Để thực hiện được các chức năng trên, Nhà nước sử dụng ba hình thức hoạt động chính là: Xây dựng pháp luật (lập pháp), tổ chức thực hiện pháp luật (hành pháp) và bảo vệ pháp luật (tư pháp). Mỗi Nhà nước sẽ có cách thức khác nhau trong việc lập pháp, hành pháp và tư pháp, tùy thuộc vào hệ thống chính trị của nó. Vì vậy, dựa vào mối liên hệ này, các nhà lý thuyết đã đưa ra các khái niệm: hình thức chính thể (Form of government), hình thức cấu trúc nhà nước (Form of State) và chế độ chính trị (Political Regime)
Hình thức chính thể là cách tổ chức và trình tự để lập ra các cơ quan tối cao của nhà nước và xác lập những mỗi quan hệ cơ bản của các cơ quan đó. Gồm hai dạng là Quân chủ (Monarchy) và Cộng hòa (Republic)
Hình thức cấu trúc nhà nước nói về sự cấu tạo của nhà nước thành các đơn vị hành chính lãnh thổ và xác lập những mối quan hệ qua lại giữa các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương. Gồm hai dạng chính là Nhà nước đơn nhất (Unitary) và Nhà nước liên bang (Federal)
Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp, thủ đoạn mà các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lưc nhà nước. Bao gồm Dân chủ (Democracy) và Phản dân chủ (anti-democracy)
Có thể nói rằng, với các Nhà nước hiện đại, họ luôn tự định nghĩa mình là nhà nước dân chủ (auto-define). Điều này tạo nên một mô hình phổ thông của hệ thống chính trị toàn cầu – nền dân chủ, với nền tảng là các giá trị của Cách mạng Pháp, tự do (liberty), bình đẳng (equality), công lý (justice) và sự tham gia rộng rãi của toàn dân (participatory democracy).
Sự xuất hiện của các Nhà nước hiện đại không thể tách rời với những bản Hiến Pháp được viết đầu tiên của xã hội loài người. Thế kỉ XVIII, xuất hiện ở Pháp và Mĩ, những bản Hiến Pháp đã được tạo nên trên cơ sở học thuyết luật tự nhiên (lex naturalis), khế ước xã hội và chủ nghĩa tự do. Các bản Hiến pháp tự do đã giáng một đòn chí mạng vào hệ thống chính trị lúc bấy giờ – chủ nghĩa chuyên chế phong kiến (absolutism). Hai bản Hiến pháp tạo ra các quy tắc tổ chức xã hội chính trị và Nhà nước: bình đẳng giữa các công dân và tính tối cao của pháp luật (primacy of law). Hay nói một cách khác, ở Pháp cũng như ở Mĩ, thắng lợi của chủ nghĩa tự do (liberalism) đã cho phép tạo ra Nhà nước Pháp chế (State of Law), một nhà nước dựa trên tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật, mà ở đó tất cả mọi người, cai trị và bị cai trị, đều phải tuân theo, cũng như sự xuất hiện của quyền con người (Human Rights) và các quy tắc tổ chức quyền lực Nhà nước.
Quy tắc tổ chức quyền lực của các Nhà nước hiện đại dựa trên một cơ sở, một nền tảng nổi tiếng và kinh điển: Phân chia quyền lực – Tam quyền phân lập (Separation of Powers – trias política). Được nghiên cứu bởi John Locke, và sau đó với tác phẩm kinh điển ‘Tinh thần pháp luật’ (1748) của nam tước Montesquieu, với mục đích tạo dựng những thể chế chính trị đảm bảo tự do cho các công dân. Montesquieu cho rằng thể chế chính trị tự do là thể chế mà trong đó, quyền lực tối cao được phân thành 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này độc lập với nhau, kiểm soát lẫn nhau và kiềm chế lần nhau.
Trên thực tế, dựa trên cách thức phân chia quyền lực (nền tảng là học thuyết Tam quyền phân lập), các phạm trù của hệ thống chính trị hiện đại và nền dân chủ, hình thức chính thể của một quốc gia có thể phân loại thành hai loại chính: Tổng thống chế (Presidentialism) và Đại nghị chế (Parliamentarism). Sự khác nhau cơ bản có thể nói một cách dễ hiểu, ở Tổng thống chế, nhánh Hành pháp chiếm ưu thế hơn nhánh Lập pháp. Ngược lại ở Đại nghị chế, nhánh Lập pháp có ưu thế hơn hẳn nhánh hành pháp.
Mỗi thể chế đều có những đặc điểm riêng, ưu điểm và khuyết điểm. Tồn tại những tranh luận xung quanh việc thể chế nào tốt hơn. Nhưng việc quốc gia nào nên áp dụng thể chế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong số đó chính là lịch sử, đặc điểm của quốc gia, dân tộc và văn hóa chính trị.
Phần 2: Đại nghị chế ở Anh quốc
Chính thể đại nghị, như tên gọi của nó, yếu tố cơ bản chính là Nghị viện (Parliament). Trên tất cả, ở đại nghị chế không có sự phân tách tổ chức và cứng nhắc giữa quyền lực của Chính phủ và Nghị viện (hiểu nôm na là tuy hai nhưng mà là một, tuy một nhưng mà là hai)
1. Đặc điểm
Hệ thống đại nghị là một hình thức Chính thể đại diện (Representative form) mà trong đó Nghị viện nắm giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến mọi mặt của quốc gia. Theo nghĩa này, trong đại nghị chế, sự hình thành Chính phủ phụ thuộc vào sự ưng thuận, cho phép (Consent) của phe đa số trong Nghị viện. Phe đa số này có thể đến trực tiếp từ bầu cử (Election), hoặc thông qua liên hiệp, liên minh (Coalition). Sẽ là không đầy đủ khi nói về Đại nghị chế thông qua việc Nghị viện chọn người đứng đầu chính phủ. Cần nói thêm về một đặc điểm khác, đó là Nghị viện sẽ không chia sẻ quyền lực với bất kì cơ quan nào khác trong việc đưa ra các quyết định về các vấn đề của Nhà nước.
Trong Thể chế này, có thể phân chia thành các yếu tố sau: Một nhánh Hành pháp, chia ra thành người đứng đầu Nhà nước (Quốc vương hoặc tổng thống) và người đứng đầu chính phủ (thủ tướng); và một nhánh Lập pháp – Nghị viện, được kết hợp từ hai viện, Thượng Viện và Hạ Viện. Trừ ở Anh Quốc, ở các nước khác, các Thượng nghị sĩ (Senate) của Thượng viện đều được chọn thông qua quá trình bầu cử (Nhánh tư pháp không có gì đặc biệt)
Người đứng đầu Nhà nước (Head of State) nhìn chung chỉ mang hình thức biểu tượng, nhưng trong một số trường hợp khủng hoảng, có thể đóng vai trò quan trọng. Trên thực tế, người đứng đầu Nhà nước phải tôn trọng các quyết định của quá trình bầu cử và các quyết định của phe đa số trong Nghị viện. Quyền lực của nhánh Hành pháp được thực hiện thông qua một Nội các (Cabinet) xung quanh một thủ tướng (Prime Minister). Nội các chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Nghị viện có quyền giải tán (Dismissal) nội các thông qua việc Bỏ phiếu bất tín nhiệm (Motion of censure) hoặc phản đối thông qua Bỏ phiếu không tín nhiệm (Motion of no confidence).
Ở chiều ngược lại, Thủ tướng, nhân danh Người đứng đầu nhà nước (quốc vương hoặc tổng thống) có thể đưa ra quyết định giải thể Nghị viện (Dissolution of Parliament). Chính phủ cũng có thể yêu cầu bỏ phiếu không tín nhiệm như một cách thức để lấy sự ủng hộ của số đông, nhưng nếu không thông qua thì sẽ từ chức. Sự phát triển của Đại nghị chế đã chuyển một phần quyền lực từ tay Nghị viện sang Nội các thông qua các quyền lực này của Thủ tướng.
Thủ tướng và nội các được đặt dưới sự kiểm soát chính trị (Political control), thông qua rất nhiều cơ chế bởi Nghị viện. Các cơ chế hay được sử dụng nhiều nhất là quyền điều tra, chất vấn, yêu cầu trình thông tin và yêu cầu trình diện. Điều này không có nghĩa là Chính phủ đặt ở dưới Nghị viện. Cả hai đều có sự tự chủ, mặc dù Chính phủ xuất phát từ phe đa số trong Nghị viện và chịu trách nhiệm trước nó.
Lưu ý là chức danh “thủ tướng” không phải là tất cả các quốc gia thuộc Đại nghị chế đều gọi như nhau. Ở Anh, gọi là Prime Minister. Ở Tây Ban Nha gọi là President of State (Presidente del Estado) hay là chủ tịch nước. Ở Đức gọi là Chancellor (Bundeskanzler). Nhưng đều được gọi là Thủ tướng trong tiếng Việt.
Đảng phái chiếm phe đa số nắm giữ một vị trí quan trọng trong việc chuẩn bị và thực hiện các chính sách của Chính phủ, kết nối Hành pháp với Lập pháp. Đảng phái đối lập, nắm giữ nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát và chỉ trích chính phủ. Hệ thống các đảng phái hợp lại thành một hệ thống Nghị viện. Nghị viện là kết quả của hệ thống đa đảng kết hợp với các cơ chế bầu cử. Hệ thống đảng phái có thể là lưỡng đảng (bipartisan) với hình thức bầu cử đa số như ở Anh, đa đảng (pluralism) với hình thức bầu cử hỗn hợp như ở Đức, hoặc đa đảng theo đại diện tỉ lệ (proportional representation) ở Tây Ban Nha và Ý
Ưu điểm của Đại nghị chế là rất linh động khi cai trị một xã hội bị ảnh hưởng bởi các xung đột sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ và ý thức hệ, bởi Nghị viện cho phép thảo luận, đối mặt ôn hòa, thương lượng, cam kết và phân chia quyền lực. Hệ thống này có nhiều hình thức khác nhau, có thể là Quân chủ lập hiến (Constitutional Monarchy) như ở Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản… hay Cộng hòa đại nghị (Parliamentary Republic) như Đức, Ý, Ấn Độ… Mỗi nước đều sẽ mang các đặc điểm riêng trong thể chế Đại nghị của nó, vì đó là sự kết hợp giữa các yếu tố lịch sử, chính trị và các thể chế riêng của từng quốc gia.
Nhìn chung, đặc điểm riêng của Đại nghị chế, cho phép chúng ta phân loại với các chính thể khác đó chính là khả năng Nghị viện (nói rộng ra là nhánh Lập pháp) thông qua bỏ phiếu trực tiếp, hình thành hoặc giải tán Chính phủ, cũng như khả năng nhánh Hành pháp giải tán Nghị viện (đặc biệt là Hạ viện), kết hợp với vai trò biểu tượng của Người đứng đầu Nhà nước
2. Lịch sử phát triển
Lý thuyết về Đại nghị chế ra đời ở Anh Quốc, nơi đầu tiên xuất hiện các quyền tự do, sự phân chia quyền lực và bầu cử người đứng đầu. Sau Thế chiến thứ hai, rất nhiều quốc gia khác đã áp dụng mô hình Đại nghị này trong việc tổ chức quyền lực chính trị.
Như đã đề cập, các đặc điểm chính của thể chế này là: Thứ nhất, phân chia nhánh Hành pháp thành Người đứng đầu Nhà nước và Người đứng đầu chính phủ; Thứ hai, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Nghị viện; và Thứ ba, khả năng giải tán Hạ viện của Chính phủ. Những đặc điểm này xuất hiện đầu tiên ở Anh Quốc vào thế kỉ XVIII, khi mà Chính phủ (gọi là Nội các) tách ra khỏi Quốc vương và chịu trách nhiệm chính trị trước Viện Thứ dân (House of Commons hay Hạ viện), mặc dù vẫn có trong mình khả năng yêu cầu nhà vua giải tán Hạ viện.
Nhắc đến Nghị viện chúng ta không thể không nhắc đến một đặc điểm hết sức nổi bật của nó: phân thành lưỡng viện (Bicameralism). Lịch sử ra đời của Lưỡng viện gắn chặt với lịch sử của Anh Quốc, cha đẻ của thể chế Đại nghị. Ở thời kì đầu, chưa xuất hiện một Nghị viện đúng nghĩa, mà là một Đại hội đồng của Nhà vua (King´s Grand Council), nơi tập hợp những Quý tộc và các Tăng lữ cao cấp của nhà thờ. Trong thế kỉ XI và XII, Nhà vua được vây xung quanh bởi các cố vấn, được chính vua lựa chọn trong những Quý tộc và Tăng lữ cấp cao, hình thành nên một cơ quan duy nhất (một Viện duy nhất)
Sang đến thế ki XIII, sau sự kiện Vua John chuẩn thuận Đại Hiến Chương vào năm 1215 (Magna Carta), khi mà bắt đầu xuất hiện các mầm mống tư sản, Viện đã kết nạp thêm những người đại diện cho các khu dân cư, bởi sự ưng thuận của họ rất cần thiết trong việc thiết lập các loại thuế. Với lời triệu tập của vua Edward I, Viện đã thêm đại diện của tầng lớp tư sản non trẻ và các Tăng lữ cấp thấp. Như vậy, bốn giai cấp trong xã hội Anh lúc bấy giờ tụ họp lại trong Viện: Quý tộc, Tư sản, Tăng lữ và Đại diện dân cư.
Lưỡng viện ra đời trên cơ sở những mâu thuẫn không thể hàn gắn giữa đại diên của lực lượng sản xuất mới trong xã hội – Tư sản, và tầng lớp Quý tộc, Tăng lữ. Vào cuối thế kỉ XIV, Nghị viện cuối cùng đã phân chia thành hai: Tầng lớp Tư sản và các Đại diện dân cư tạo nên Viện Thứ dân (House of Commons), còn các Quý tộc và Tăng lữ tạo thành viện Quý tộc (House of Lords)
Trước thế kỉ XIII, Nghị viện chỉ tham gia vào các quyết định liên quan đến thuế, nhưng phát triển dần dần, thông qua tiềm lực tài chính, cho đến khi đạt được quyền lực quan trọng – ban hành pháp luật. Chế độ đại diện (Representative Regime) tạo ra một cách thức mà ở đó một hoặc cả hai viện được bầu cử, đại diện cho nhân dân trước quyền lực trung ương và tham gia vào chính phủ, đầu tiên là bỏ phiếu cho các loại thuế, và sau đó là bỏ phiểu cho các dự thảo luật.
Ở Anh, cho đến thế kỉ XIII, vẫn là Vua nắm giữ quyền lập pháp và chỉ yêu cầu sự giúp đỡ của Nghị viện khi cần. Tuy vậy, Viện Thứ dân đã đi tiên phong trong việc thỏa thuận với nhà vua về các điều luật, đổi lại sự ủng hộ trong các vấn đề về thuế. Nghị viện bỏ phiếu cho các dự thảo luật và yêu cầu nhà vua chấp nhận nó. Tình hình này đã biến thành mâu thuẫn, bởi nhà vua chỉ muốn bảo vệ quyền lực của mình. Tuy vậy, từ Thế kỉ XVII trở đi, chế độ chính trị ở Anh quốc đã hoàn toàn là chế độ đại diện. Luật về các Quyền 1689 (Bill of Rights) tái khẳng định vị thế tuyệt đối của Nghị viện trong việc lập thuế. Ngoài ra còn thiết lập nhà vua không được đưa ra bất kì quyết định nào mà không thông qua Nghị viện. Về phần mình, Nhà vua chỉ còn duy nhất quyền phản đối các quyết định của Nghị viện, bởi cho đến lúc này vẫn còn quyền phủ quyết (veto). Đầu thế kỉ XVIII, Nhà vua từ bỏ quyền lợi này của mình.
Từ những năm đầu của thế kỉ XVIII, sự phân chia quyền lực diễn ra rất rõ ràng: Nghị viện giữ quyền lập pháp và bỏ phiếu về thuế, Nhà vua giữ quyền hành pháp, gồm quản lí dân sự và quân sự cũng như ngoại giao. Mặc dù quyền tư pháp vẫn được chia sẻ với Nhà vua, sự tự do chính trị được đảm bảo thông qua luật bảo thân 1679 (Habeas Corpus). Với luật này, bắt buộc phải đem người bị bắt ra tòa để xem nhà nước có quyền giam giữ người đó hay không.
Đến thế kỉ XIX, Thủ tướng trở thành người nắm giữ quyền hành pháp thay cho Nhà vua, lúc này rút lui, chỉ còn mang ý nghĩa biểu tượng. Từ đó, phát sinh ra nguyên tắc Trách nhiệm chính trị (Political responsability). Mới đầu các bộ trưởng (Minister) là những người được vua tin tưởng, được chọn hoặc bãi nhiệm bởi nhà vua bất kì lúc nào. Vì thế, họ chịu trách nhiệm trước Nhà vua. Từ thế kỉ XVII, các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm hình sự và cá nhân trước Nghị viện. Với cơ chế này, Viện Thứ dân đã có quyền lựa chọn bộ trưởng. Cũng với cơ chế này, Viện Thứ dân có thể đe dọa và khởi tố bất kì bộ trưởng nào nếu họ không chiếm được niềm tin của Viện. Đến thế kỉ XIX, trách nhiệm của các bộ trưởng đã trở thành trách nhiệm chính trị và trách nhiệm chung: Thủ tướng mất tín nhiệm từ Viện phải trình bày lên nhà vua nguyện vọng từ chức cùng toàn bộ Nội các của mình. Từ đó, hình thành một vũ khí hữu hiệu trong tay Viện Thứ dân: bỏ phiếu bất tín nhiệm (Motion of censure) – khi các nghị sĩ không hài lòng với chính sách của Chính phủ, không còn tín nhiệm Chính phủ nữa có thể yêu cầu sự từ chức của họ. Một Chính phủ mới sẽ được lập.
Ngược lại, trong tay Chính phủ cũng có một công cụ: bỏ phiếu không tín nhiệm (Motion of no confidence). Xuất hiện vào thế kỉ XIX, khác với Bỏ phiếu bất tín nhiệm, Bỏ phiếu không tin nhiệm là một cơ chế trong tay Chính phủ. Chính phủ tự đưa ra vấn đề tín nhiệm liên quan đến một động thái nào đó mà Chính phủ muốn đạt được từ Nghị viện (một chính sách, đường lối hoặc dự luật). Nếu không được thông qua, Chính phủ có thể sẽ từ chức tập thể mà không cần đợi thủ tục Bỏ phiếu bất tín nhiệm. Đây là một vũ khí hiệu quả để gây sức ép với Nghị Viện, kêu gọi sự ủng hộ của họ, bởi sự từ chức của Chính phủ có thể kéo theo sự giải tán Nghị viện và cuộc bầu cử Nghị viện mới sẽ được ấn định.
Hai khái niệm về bỏ phiếu bất tín nhiệm và không tín nhiệm là hai khái niệm hết sức quan trọng để hiểu về Đại nghị chế, là hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn, bạn đọc chú ý.
Nhưng đó không phải là công cụ duy nhất của Chính phủ để đối đầu với Nghị viện. Có một công cụ hiểu quả hơn: Quyền giải tán Nghị viện (Dissolution of Parliament). Chúng ta cần ghi nhớ rằng Nghị viện được ra đời từ Đại Hội đồng của Nhà vua (King’s Grand Council), vì vậy Nhà vua có quyền thay đổi các thành viên trong đó khi muốn. Theo thời gian, quyền lực bãi nhiệm các Nghị sĩ được chuyển sang tay Thủ tướng. Thực tế, từ giữa thế kỉ XVII, Nghị viện đã hạn chế quyền giải tán Hạ viện của Nhà vua mà không thông qua tất cả Nghị viện. Sau đó quyền lực này biến mất hoàn toàn. Việc khôi phục lại nó có hai mục tiêu: Thứ nhất, cho phép, ở một khía cạnh, yêu cầu người dân phân xử mâu thuẫn giữa Viện Quý tộc và Viện Thứ dân khi mâu thuẫn ấy không thể giải quyết. Viện Thứ dân sẽ bị giải tán, còn Viện Quý tộc phải tôn trọng ý kiến của Viện Thứ dân mới. Ở một khía cạnh khác, cho phép Thủ tướng và nội các của mình gây sức ép với phe đa số, không chỉ trong trường hợp này, mà trên hết, đe dọa sẽ sử dụng khi không còn tín nhiệm hoặc từ chối tín nhiệm. Khi mà các đảng phái ở Anh quốc hơi mất kỉ luật thì lời đe dọa giải tán sẽ đoàn kết nhóm đa số, bởi các Nghị sĩ sợ rủi ro và chi phí lớn cho một chiến dịch tranh cử.
Tính kỷ luật của đảng phái (Party discipline) ở đây không phải chỉ việc mất trật tự trên nghị trường mà là nói về khả năng các đảng phái chính trị dành được sự ủng hộ của các thành viên trong đảng đối với các chính sách của người đứng đầu đảng. Ở Anh, người đứng đầu đảng của phe đa số trong Nghị viện sẽ được bầu làm thủ tướng. Tính mất kỷ luật đảng phái thể hiện thông qua việc các đảng viên không ủng hộ đường lối của chính đảng)
Những cơ chế của chế độ Đại nghị không quy tụ những đặc điểm cần thiết của một nền dân chủ. Ta chỉ có thể nói rằng chế độ chính trị Anh quốc có đặc tính dân chủ bắt đầu từ thời điểm Quyền bầu cử (Voting right) được mở rộng cho tất cả dân chúng. Ở một khía cạnh khác, Đại nghị chế dân chủ cũng bắt đầu từ khi quyền lực của Viện Quý tộc hay Thượng viện suy giảm. Viện Quý tộc chia sẻ quyền lập pháp với Viện Thứ dân, nhưng không thể giải tán Nội các, bởi Nội các chỉ chịu trách nhiệm trước Viện Thứ dân, nơi được bầu cử. Với Đạo luật Nghị viện năm 1911 và 1949, (Parliament Act), quyền lực của Viện Quý tộc giảm một cách đáng kể. Viện Quý tộc giờ đây mất quyền phủ quyết (veto) đa số các đạo luật. Thay vào đó, Viện có thể kéo dài thời gian thông qua một đạo luật trong 1 năm (delay). Tuy vậy, Viện vẫn có quyền sửa đổi (Amend) các đạo luật, trừ các luật liên quan đến tài chính.
3. Mối quan hệ giữa Chính phủ và Nghị viện
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Nghị viện (thực chất là Hạ viện) bởi Chính phủ được hình thành từ Nghị viện (Hạ viện). Người đứng đầu nhà nước, về mặt hình thức và người đứng đầu chính phủ, trên thực tế, có quyền giải tán Nghị viện. Chính phủ trong Đại nghị chế thường được gọi là Nội các (Cabinet), tên này bắt nguồn từ căn phòng mà các Bộ trưởng của Nhà vua nhóm họp để tranh luận. Chính phủ có trong tay quyền hành pháp, thi hành các chính sách của mình, tuyên bố một vấn đề là vi hiến (unconstitutionality), quản lí các vấn đề dân sự và quân sự, khởi thảo luật, và có trách nhiệm thi hành các bộ luật.
Thông thường mỗi Viện trong Nghị viện có từ 400 đến 700 thành viên. Viện Thứ dân ở Anh có 650 thành viên, với nhiệm kì là 5 năm và có thể bị giải tán giữa chừng. Nghị viện có chức năng chính là bỏ phiếu thông qua luật, hình thành chính phủ và kiểm soát hoạt động của nó.
Ở Anh Quốc, hệ thống bầu cử là hệ thống đa số – người về đích đầu tiên (First Past the Post – FPTP) với chỉ một vòng bầu cử. Trong thời gian bầu cử, Vương quốc Anh sẽ được chia thành nhiều đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị bầu cử bầu cho một Nghị sĩ trong Hạ Viện theo tiêu chí lấy từ trên xuống. Điều này có nghĩa là ứng cử viên nào có số phiều cao bầu cao nhất ở mỗi đơn vị thì trúng cử.
Ở Ý, hệ thống bầu cử lại là Đại diện tỉ lệ theo danh sách (List proportional representative – List PR) theo 2 vòng. Các đảng phái chính trị đưa ra một danh sách các ứng cử viên cho các cuộc bầu cử ở mỗi đơn vị bầu cử đa danh. Cử tri bỏ phiếu cho đảng phái chính trị và các đảng nhận được số ghế đại diện tương ứng với tỉ lệ với số phiếu bầu của mà họ nhận được. Ứng cử viên thắng cử được chọn ra từ danh sách của đảng theo thứ tự của họ trong danh sách đó. Đảng nào dành được 40% sẽ dành được đa số ghế trong Hạ viện. Nếu không có đảng nào được 40%, sẽ diễn ra vòng 2 với sự tham gia của hai đảng có số phần trăm cao nhất ở vòng một. Đảng chiến thắng vòng này sẽ được đa số. Các đảng thất bại (phải đạt ít nhất 3%) chia nhau số ghế còn lại theo tỉ lệ phiếu dành được. Sau cuộc cải tổ năm 2017, Ý áp dụng hệ thống hỗn hợp.
Ở Đức cũng áp dụng hệ thống này, Đại diện tỉ lệ hỗn hợp (Mixed Member Proportional– MMP). Với lá phiếu “đầu tiên” (“Erststimme”) cử tri chọn ứng cử viên mà anh ta ưng ý nhất. Nước Đức được chia thành 299 khu vực bầu cử – mỗi khu vực tương ứng với 250,000 cư dân. Mỗi đảng có thể đưa một ứng cử viên vào một khu vực bầu cử. Và ứng viên độc lập cũng có thể tham gia, nếu họ thu thập được ít nhất 200 chữ ký từ những người ủng hộ. Ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ chiến thắng (đầu phiếu đa số tương đối). Có 589 ghế ở Quốc hội liên bang Đức, và “lá phiếu đầu tiên” nhằm làm đầy một nửa số ghế này, đảm bảo mỗi quận đều có đại diện. “Lá phiếu thứ 2” (“Zweitstimme”) là để bầu cho một đảng phái chính trị. Lần này là để xác định mặt bằng chung tổng thể của hạ viện: phần trăm số ghế mà mỗi đảng có được (đại diện tỉ lệ) Trong đại hội đảng, các đảng phái sẽ lập danh sách ứng cử viên cho mỗi bang của liên bang. Bang nào có dân số đông hơn sẽ được gửi nhiều đại biểu quốc hội tới hạ viện hơn các bang khác.
Viện Quý tộc Anh bao gồm các Nghị viên thừa kế (Hereditary peers), Nghị viên tâm linh (Lords Spiritual), Nghị viên thế tục (Life peers) và các Nghị viên độc lập (Independent Peers). Viện Quý tộc không thể bị giải tán. Quyền lực của Viện bao gồm việc tham gia quá trình phê chuẩn pháp luật, mặc dù quá trình này viện Thứ dân có quyền lực cao hơn hẳn, hay nói cách khác, Viện Quý tộc không có chức năng ngang hàng với Viện Thứ dân trong vấn đề phê chuẩn pháp luật. Ngoài ra Viện Quý tộc cũng có quyền kiểm soát các hoạt động của Chính phủ, nhưng không có quyền hình thành Chính phủ.
Trong hệ thống Đại nghị chế có một sự phụ thuộc qua lại giữa Người đứng đầu nhà nước và Nghị viện, thông qua Nội các, và giữa nhánh hành pháp và tư pháp, thông qua Thủ tướng. Thủ tướng là người vô cùng quyền lực, nhưng bị giới hạn và kiểm soát bởi Nghị viện, đặc biệt là các đảng đối lập. Thủ tướng thường là người đứng đầu đảng cầm quyền (đảng chiếm đa số) hoặc một liên minh chiếm đa số. Sự kỉ luật của các đảng phái cũng là một nguyên tắc (sự kỉ luật của đảng phái đã giải thích ở phần 2-a). Thông thường, thủ tướng sẽ trình diện trước Nghị viện, trước đảng cầm quyền và đảng đối lập để trả lời các câu hỏi của các nhà lập pháp, nhưng không có quyền điều khiển nhánh này.
Khác với Ý và Đức, Anh và Tây Ban nha là quân chủ đại nghị (quân chủ lập hiến), ở đây có sự kết hợp giữa đa đảng chính trị với bản chất Nghị viện của nền quân chủ. Người đứng đầu nhà nước là Vua, biểu tượng của sự thống nhất và trường tồn của quốc gia
Sự giám sát qua lại giữa các nhóm quyền lực cho phép kiểm soát Chính phủ và quản lý. Sự kiểm soát đối với Chính phủ là sự kiểm soát chính trị (Political control), nói cách khác, Chính phủ phải dựa vào sự tín nhiệm của Nghị viện trong các hoạt động chính trị của mình. Việc thiếu tín nhiệm hoặc yêu cầu trách nhiệm của Chính phủ có thể thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Các cách thức kiểm soát Chính phủ có thể nhắc đến các phương tiện truyền thông, quyền bắt buộc chính phủ cung cấp thông tin, quyền lập ủy ban điều tra,…
Ở Anh quốc, tồn tại một ‘Nội các bóng đêm’ (shadow cabinet). Mặc dù nó là một Nội các song song, nhưng không thi hành các công việc của Chính phủ. Nội các bóng đêm tạo ra một Nội các đối lập, thường được biết tới như Phe đối lập trung thành của Nhà vua (Majesty´s loyal opposition), tập hợp bởi những người đứng đầu của các đảng đối lập. Tuân theo nguyên tắc Lưỡng viện truyền thống và được hình thành từ thế kỉ trước, nhưng mãi đến Đạo luật của các Bộ trưởng Hoàng gia 1937 (Ministers of the Crown Act), Nội các bóng đêm mới mang tính chất pháp lý. Thông thường, khi một chính phủ thua trong cuộc bầu cử, nó sẽ giữ Nội các cũ cho đến khi có thay đổi bên trong cơ cấu của Đảng. Khi Chính phủ mới lên nắm quyền, mỗi bộ trưởng mới sẽ bị kiểm soát trực tiếp bởi một bộ trưởng cũ (bộ trưởng bóng đêm). Nên nhớ rằng Chính phủ được tạo ra bởi Đảng chiếm đa số. Nếu Đảng đó thua nghĩa là Đảng đối lập lên thay, và chiếm đa số lại, Chính phủ mới sẽ thuộc Đảng đối lập. Chức năng của Nội các bóng đêm này, ngoài đối lập công khai với Chính phủ, mà còn là một kênh thông tin cho các cử tri, cung cấp một cách hệ thống thông tin về các vấn đề, hoạt động của Chính phủ, chuẩn bị cho các tình huống xảy ra liên quan đến hoạt động của Chính phủ. Nếu đảng thiểu số thắng cuộc bầu cử mới, thông tin thành viên Nội các mới thường không có gì bất ngờ. Người đứng đầu Nội các bóng đêm sẽ là Thủ tướng, các thành viên trong Nội các bóng đêm sẽ là các Bộ trưởng. Chức năng khác của Nội các này là đảm bảo sự hữu hiệu cho tính chất Đa đảng (Pluralism) và đối lập chính trị (Political opposition), cũng như trong các cuộc khủng hoảng hoặc đối đầu quân sự, lúc cần sự đoàn kết quốc gia, nó sẽ cung cấp ngay lập tức các lời khuyên cho Chính phủ hiện tại.
Phần 3: Tổng thống chế ở Hoa Kỳ
Ngày 17 tháng 9 năm 1787 đã diễn ra một sự kiện lịch sử: Bản Hiến pháp chính thức đầu tiên của loài người được ký kết. Tại Hội nghị Philadelphia (Constitutional Convention in Philadelphia), 38 trong tổng số 41 đại biểu đã đồng ý ký vào bản Hiến pháp Hoa Kỳ, khai sinh ra Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ. Từ đó cho đến nay, trải qua 27 tu chính án (Amendment), Hiến pháp Hoa Kỳ là bản Hiến pháp lâu đời và được nghiên cứu kỹ nhất bởi nội dung và giá trị của nó. Một trong đó chính là Tổng thống chế (Presidentialism)
1. Đặc điểm chung
Tổng thống chế, cũng giống như Đại nghị chế, nền tảng chính là hai học thuyết kinh điển: Phân chia quyền lực – Tam quyền phân lập (Separation of Powers – trias política). Ở đây có ba nhánh cơ quan chính: Hành pháp (Executive), Lập pháp (Legislative) và Tư pháp (Judicial). Sự phân chia các nhánh này dẫn đến sự phân chia quyền lực, chức năng riêng biệt, tuy nhiên, vẫn đòi hỏi sự phối hợp với nhau của cả ba. Sự phụ thuộc lẫn nhau (Interdependency) là một điều kiện kiên quyết cho sự hiệu quả của thể chế.
Nhánh Hành pháp (do một người nắm) và nhánh Lập pháp (thường chia làm hai viện) có cách thức bầu cử khác nhau, đảm bảo sự độc lập và tự điều chỉnh của mỗi nhánh: không nhánh nào có thể vượt quyền hoặc dưới quyền nhánh còn lại, không những thế còn hỗ trợ hoặc can thiệp vào các hoạt động trong phạm vi của nhánh còn lại. Nhánh Tư pháp, về phần mình, có cách thức hoạt động khác, đảm bảo sự độc lập của mình.
Nguyên tắc liên bang (federative) cũng là một yếu tố quan trọng để hoàn thành thể chế. Nó cho phép sự tham gia của các tiểu bang trên tinh thần bình đẳng (equality) trong các vấn đề chính trị, đồng thời cũng là một cách thức để đối trọng và cân bằng giữa các nhánh quyền lực (Lưu ý không phải các nước thuộc Tổng thống chế nào cũng là Liên bang, ví dụ Hàn Quốc…)
Một trong các đặc tính nổi bật của thể chế là tính ‘Đơn đầu’ (monocephalous): Tổng thống vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa là người đứng đầu Chính phủ. Nhưng điều này không có nghĩa là Tổng thống có quyền lực vô hạn. Bởi một Tổng thống phải đối mặt với vô số cách thức kiểm soát trong tay của Quốc hội (Congress), của Tối cao pháp viên (Supreme Court), của các tiểu bang (States) và của các đảng phái (Parties). Vì vậy, các hành động của Tổng thống không có đồng nghĩa với toàn trị hay độc đoán (authoritarianism), ngược lại, phải tuân thủ các điều kiện thể chế và văn hóa, và trên tất cả, tuân thủ Hiến pháp. (Constitution)
Tổng quan, đặc điểm cơ bản của Tổng thống chế là sự kết hợp giữa một Tổng thống được bầu cử phổ thông, với một Quốc hội được chia làm hai viện, cũng được bầu cử nhưng không có quyền điều hành chính phủ. Hơn hết, Tổng thống không phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và không thể bị phế truất (trừ một số trường hợp ngoại lệ), vừa là người đứng đầu quốc gia và chính phủ. Các nhánh quyền lực độc lập và hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau.
Bài viết tập trung nghiên cứu thể chế Tổng thống của Hoa Kỳ, ví dụ mẫu của thể chế này để thấy rõ hơn về tính đối trọng và cân bằng quyền lực của ba nhánh quyền lực, đặc tính quan trọng nhất của thể chế. Tuy nhiên, cần phải ghi nhớ rằng tuy thể chế giống nhau nhưng ở mỗi quốc gia lại có những đặc điểm riêng biệt, phụ thuộc lịch sử, văn hóa và sự phát triển chính trị của từng quốc gia dân tộc
2. Lịch sử phát triển và cấu trúc của Tổng thống chế Hoa Kỳ
Thể chế Tổng thống, ra đời ở Hoa Kỳ, được lấy cảm hứng từ mô hình Anh quốc, giữ lại một số yếu tố cơ bản của mô hình này và thay đổi một số yếu tố khác. Nền dân chủ Mỹ giữ lại các yếu tố: quyền tự do cá nhân (individual liberty), phân chia quyền lực (Separation of Powers) và bầu cử người nắm quyền (Election of Governor); tuy nhiên, thay đổi một số yếu tố quan trọng: về cơ bản, thay thế Nhà vua bằng một Tổng thống Cộng hòa được lựa chọn thông qua bầu cử phổ thông, và giới thiệu các nguyên tắc Liên bang. Nhà nước Hoa Kỳ được hình thành dựa trên ba nhánh quyền lực riêng biệt, tách biệt nhau và cân bằng lẫn nhau: Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp.
Những tác động quan trọng của các học thuyết và của lịch sử ảnh hưởng đến việc thiết kế Thể chế, với sự quan tâm trọng tâm vào việc tránh bằng mọi giá sự chuyên chế, chuyên quyền, độc tài (Tyrannia) của một cá nhân – trong nhánh Hành pháp, và của số đông, thông qua Quốc hội. Sau khi nghiên cứu các trường hợp trong lịch sử, những nhà lập hiến ở Philadelphia quyết định không bao giờ thiết lập một nhà nước với nhánh Hành pháp mạnh; ngược lại, sự thuyết phục chống chủ nghĩa toàn trị (anti-authoritarianism) và chống chủ nghĩa chuyên chế (anti-absolutism) đã dẫn đến quyết định xây dựng một hình mẫu hợp lý mà ở đó có thể kiếm soát được nhánh Hành pháp. Với mục đích không gây tổn hại tới tầng lớp giàu có, cũng như không muốn có một Quốc hội chuyên chế, chuyên quyền, các nhà lập hiến đã đưa đến ý tưởng một Thượng viện kiểm soát việc vượt quá giới hạn của đa số (Excess of majority), và được bầu chọn bởi Quốc hội của các Tiểu bang.
Hiến pháp Mỹ là thành quả của hàng loạt thỏa thuận giữa các Tiểu bang độc lập, muốn giữ cho mình những lợi ích riêng và sự độc lập. Để điều hòa các lợi ích của các Tiểu bang, từ bé đến lớn, từ Bắc xuống Nam, dẫn đến quyết định thiết lập một Quốc hội gồm hai viện, nhưng tính chất khác biệt hoàn toàn so với ở Anh quốc: một viện, đại diện cho các Tiểu bang, cả lớn và nhỏ, trên cơ sở bình đẳng và một viện đại diện cho nhân dân. Chính xác hơn, Thượng Viện (Senate) đại diện cho chính quyền các Tiểu bang trong khi Viện dân biểu hay Hạ viện (House of Representatives) đại diện cho ý chí nhân dân.
Hình thái Liên bang được ra đời, như một cách thức để phân bổ quyền lực giữa chính quyền Liên bang và chính quyền các Tiểu bang. Chính quyền các Tiểu bang sở hữu một phần quyền lực quan trọng. Hơn hết cả, Chính quyền được chọn bởi bầu cử, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Nhánh Hành pháp được lựa chọn dựa trên cuộc bầu cử phổ thông gián tiếp (indirect universal suffrage). Các nhà lập hiến đã nhận ra rất nhiều nguy cơ cho nền dân chủ trong cuộc bầu cử trực tiếp Tổng thống, bởi nó cho phép nhánh Hành pháp có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp tới dân chúng và thiết lập quyền lực cá nhân. Để ngăn chặn tối đa khả năng chệch hướng sang chủ nghĩa mị dân (demagogism), các nhà lập hiến đã loại bỏ việc bầu cử trực tiếp Tổng thống, mà thay vào đó là bầu cử gián tiếp qua các Đại cử tri, được lựa chọn bởi các Tiểu bang tương ứng với phần trăm dân chúng. Nền Cộng hòa được ra đời như thế đó!
Các cơ quan Liên bang sở hữu chức năng chính, trong cả vấn đề kinh tế lẫn chính trị, mặc dù nó không thể không nhìn nhận tầm quan trọng căn bản của chính quyền địa phương. Về phương diện pháp lý, chính quyền địa phương tự tạo ra luật dân sự, hình sự và thương mại riêng của mình. Vì vậy, luật của các Tiểu bang là khác nhau. Sự độc lập của chính quyền địa phương thể hiện rõ nhất ở khía cạnh trên thực tế, mỗi Tiểu bang có cho mình một Hiến pháp riêng, nhưng với điều kiện, phải tôn trọng các nguyên tắc Liên bang, tôn trọng Hiến pháp chung của Hợp chủng quốc. Ở mỗi Tiểu bang trong Liên bang tồn tại một chính quyền đúng nghĩa: một Thống đốc (Governor), đứng đầu Hành pháp, được lựa chọn bởi bầu cử phổ thông; một Quốc hội địa phương, có quyền Lập pháp và các Thẩm phán tiểu bang và địa phương, 82% trong số các Thẩm phán được chọn thông qua cuộc bầu cử mở. Hệ thống chính trị Hoa Kỳ hoạt động ổn định nhờ vào khả năng giải quyết các vấn đề công nằm trong tay các Tiểu bang. Chính quyền các Tiểu bang đáp lại sự chỉ đạo của chính quyền trung ương và áp dụng nó theo cách của mình, nhanh chóng và hiểu quả. Điều này làm giảm áp lực lên Chính quyền trung ương và giảm các mâu thuẫn giữa các cấp chính quyền. Chúng ta cần nhắc đến sự thật lịch sử rằng ở Mỹ, luôn luôn tồn tại một khía cạnh quan trọng của nền kinh tế – khu vực Tư nhân (private sector), ở khu vực này sức nặng và trách nhiệm của Nhà nước là thứ yếu. Vì vậy, có một sự độc lập mạnh mẽ của xã hội dân sự trong mối quan hệ với chính quyền.
Sự phân chia quyền lực (Separation of Powers) là một trong những yếu tố cơ bản của hệ thống Hoa Kỳ. Các nhà lập hiến ở Philadelphia đã áp dụng nó trong tất cả các cấp của đời sống chính trị và xã hội.
Nhánh Tư pháp, đứng đầu là Tối cao Pháp viện (Supreme Court of Justice), các Tòa án tối cao các bang, và các Tòa án địa phương. Hầu hết các Tòa án đều được tạo ra dựa trên bầu cử, cũng như ở Hành pháp và Lập pháp. Nhưng ở trong Tối cao Pháp viện (Supreme Court), nguyên tắc lại khác. Có 9 thẩm phán tất cả, nhưng không được chọn thông qua bầu cử mà được chính Tổng thống chọn và được thông qua bởi Thương viện (có thể từ chối). Tối cao Pháp viện có đặc quyền tuyên bố một đạo luật được thông qua bởi Quốc hội hoặc đề xuất của Tổng thống là vi hiến (Unconstitutional). Trong lịch sử, Tòa án Tối cao thường không can thiệp vào các hành động của Quốc hội, tuy nhiên, trong các trường hợp xung đột giữa các nhánh quyền lực, giữa Quốc hội và Tổng thống, Tối cao Pháp viện có quyền tài phán chung thẩm. Đối với hệ thống Hoa Kì, Tối cao pháp viện nắm giữ một vai trò tối quan trọng: là nhân tố kiểm soát sự cân bằng trong hệ thống Liên bang và giữa các nhánh quyền lực nói chung.
Sự kiểm soát quân sự bởi quyền lực dân sự cũng là một vấn đề đáng để bàn tới. Ở Hoa Kỳ, trong suốt Thế chiến Thứ hai, đã có tranh luận liên quan tới khái niệm một quyền lực quân sự được chuyên nghiệp hóa, nhưng cuối cùng đã bị bác bỏ. Từ đó cho tới nay, chỉ tồn tại các khái niệm như công dân có vũ trang, dân quân tự vệ, được hình thành bởi các công dân bình thường đã được huấn luyên quân sự trong đời. Vệ binh quốc gia, bị phân tán và phân quyền, thể hiện uy quyền mạnh mẽ của quyền lực dân sự đối với quân sự, tránh sự can thiệp trực tiếp của giới quân sự vào chính trị.
Chế độ Lưỡng đảng (Bipartisan) là một khái niệm quan trọng trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Dù ở Mỹ cho phép sự tồn tại của nhiều đảng phái, nhưng trong suốt chiều dài lịch sử của mình, chỉ có hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau nắm quyền lực. Cơ chế pháp lý và chính trị của Hoa Kỳ có những cách thức hiệu quả trong việc duy trì ưu thế của hai đảng này. Về cơ bản, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có những nét đặc trưng giống nhau. Thứ nhất, hai đảng này không phải là những tổ chức có cơ cấu chặt chẽ mà là những liên minh lỏng lẻo, rộng lớn và không có chương trình nhất quán. Lí do bởi Hoa Kỳ là một Hợp chủng quốc, theo nghĩa một quốc gia rộng lớn, đa dạng vì thế để giành được sự ủng hộ của đa số cử tri đòi hỏi sự gắn kết của liên minh gồm nhiều người khác nhau về tầng lớp, chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc và khu vực. Điều này dẫn đến một đặc điểm thứ hai, tính phi tập trung và tính mất kỉ luật của đảng phái (đã giải thích trong phần 2), đa số các thành viên không trung thành sâu sắc với Đảng. Vì vậy Chính phủ Hoa Kỳ luôn tồn tại sự chia rẽ, nhiều khi Tổng thống là người của một đảng còn Quốc hội lại do đảng kia chiếm ưu thế, hoặc thậm chí nhiều lúc các chính sách của Tổng thống không được đảng mình ủng hộ. Nhưng điều này cũng là một nhân tố quan trọng, cho phép sự hệ thống chính trị dựa trên nền tảng học thuyết Phân chia quyền lực (Separation of Powers) hoạt động hiểu quả – nói cách khác, của chế độ Tổng thống.
Tổng thống nắm giữ vai trò thiết yếu trong hệ thống chính trị, tuy vậy, Lưỡng viện Quốc hội không yếu hơn hay ở dưới quyền Tổng thống. Tổng thống được chọn từ cuộc bầu cử phổ thông, vừa là Người đứng đầu nhà nước và người đứng đầu Chính phủ; không thể bị phế truất bởi Quốc hội; có thể tự bổ nhiệm hoặc thay đổi nội các của mình (nhưng phải được Thượng viện thông qua). Quyền lực của Tổng thống bị giới hạn bởi nhiều yếu tố, trên tất cả, bởi sự liên kết chặt chẽ giữa nhánh Hành pháp và Lập pháp, bởi các Tiểu bang, bởi các nhóm lợi ích kinh tế và bởi cuộc tranh đấu giữa các đảng phái. Hơn nữa, các hành động của Tổng thống phải tuân theo Hiến pháp, dưới sự kiểm tra gắt gao của Tối cao Pháp viện (Supreme Court of Justice).
Hiến pháp Hoa Kỳ gửi gắm vào Tổng thống một định nghĩa cho quyền lực của người đứng đầu Hành pháp: đảm bảo việc tuân thủ luật pháp một cách trung thành. Tổng thống là Tổng tư lệnh của lực lượng vũ trang Hoa kỳ và của Vệ binh quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có Quốc hội mới có quyền tuyên chiến (Declaration of war). Dù vậy, sự phát triển chính trị ở Hoa Kỳ dần dần đưa cho Tổng thống quyền lực to lớn trong việc chuẩn bị và điều hành chiến tranh.
Hiến pháp Hoa Kỳ không nói rõ về việc một Tổng thống có quyền trình trước Quốc hội một dự thảo luật hay không, tuy nhiên trên thực tế, Tổng thống thường nhờ một Nghị sĩ giới thiệu dự thảo luật thay cho mình. Điều này tạo ra quyền lực Lập pháp của Tổng thống: Tổng thống trình bày trước Quốc hội các thông tin về Liên bang và đưa ra các nhận định, giải pháp mà ông ta thấy cần thiết. Thông qua điều này, thường là vào đầu năm, Tổng thống ‘trình bày’ các dự án luật của mình trước Quốc hội. Sự thiếu vắng kỉ luật đảng phái bắt buộc Tổng thống phải thương thuyết, đàm phán, thuyết phục, thậm chí đe dọa để có thể đạt được số phiếu cần thiết. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là Tổng thống có quyền lực hoàn toàn trong việc Lập pháp. Ông ta không thể điều khiển quyền Lập pháp, mà chỉ ảnh hưởng đến nó. Quyền lập pháp vẫn trong tay Quốc hội.
Một trong những quyền quan trọng nhất của Tổng thống chính là Quyền phủ quyết một đạo luật (Veto). Tuy vậy, các nhà lập hiến đã từ chối giao cho Tổng thống Quyền phủ quyết một cách đầy đủ. Tổng thống chỉ có quyền phủ quyết một cách giới hạn ở việc gửi trả lại Quốc hội dự thảo luật để xem xét và bỏ phiếu lại. Nếu cả hai viện, với trên hai phần ba phiếu thuận, sẽ vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống. Nếu sử dụng tốt, Quyền phủ quyết sẽ là một vũ khí quan trọng. Bởi chỉ cần 34 trên 100 Thượng nghị sĩ không thông qua, đạo luật sẽ bị phủ quyết. Bởi vậy, Tổng thống phải chọn cho mình chiến thuật để có thể thắng. Thông thường, khi một Tổng thống biết mình sẽ thua, ông ta sẽ kí thông qua luật luôn để giữ quy tắc thay vì thất bại. Cần phải ghi nhớ rằng, về bản chất, việc sử dụng Quyền phủ quyết là một động thái thể hiện sự yếu thế, bởi đây là tình huống thiếu sự ủng hộ của đa số và là một vũ khí tự vệ: khi không muốn thông qua một đạo luật của Quốc hội, đơn giản là ngăn chặn nó.
Lưỡng viện Quốc hội được tạo nên bởi Viện dân biểu (House of Representatives) và Thượng viện (Senate). Hạ viện có 435 thành viên, nhiệm kỳ 2 năm và được lựa chọn dựa trên phổ thông đầu phiếu đa số một vòng. Với nhiệm kì ngắn ngủi và khả năng được tái cử khiến các thành viên Hạ viện luôn ở trong các chiến dịch tranh cử, trở thành một nghề nghiệp – chính trị gia. Còn ở Thượng viện, mỗi bang có 2 Thượng nghị sĩ, tổng cộng có 100 thành viên tất cả. Nhiệm kì là 6 năm, sau mỗi 2 năm, một phần ba số Thượng nghị sĩ sẽ được chọn lại trong một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu đa số. Thượng viện chia sẻ với Hạ viện chức năng lập pháp trên tinh thần bình đẳng tuyệt đối.
Quyền lực quan trọng mà Hiến pháp Hoa Kỳ gửi gắm Quốc hội là quyền dự thảo các đạo luật tài chính, đặc biệt là đánh thuế và thu thuế. Ở chiều ngược lại, Tổng thống không có quyền hạn nào xung quanh vấn đề này. Quốc hội sẽ không ủy quyền cho Tổng thống trong vấn đề thuế, mặc dù vậy, cho phép Tổng thống có thể thay đổi tùy theo nhu cầu kinh tế và tài chính quốc gia.
3. Mối quan hệ giữa các nhánh quyền lực
Hiến pháp Hoa kỳ đảm bảo sự độc lập giữa Hành pháp và Lập pháp. Hơn nữa, các nhánh quyền lực hỗ trợ và kiểm soát lẫn nhau. Khác với ở Anh quốc, các bộ trưởng và cố vấn Hoa Kỳ không phải chịu trách nhiệm chính trị trước Quốc hội cũng như Tổng thống không thể giải tán Quốc hội. Điều này thể hiện sự chuẩn mực và rõ ràng nhất của học thuyết Phân chia quyền lực.
Ngay từ thời điểm khai quốc, trong Hiến pháp, sự đối trọng và kiểm soát quyền lực đã được thiết lập để giới hạn và tạo dựng mối quan hệ cân bằng giữa Hành pháp và Lập pháp. Quốc hội không thể phế truất Tổng thống, nhưng có khả năng buộc tội ông ta (Impeachment), cũng như phó Tổng thống và các nhân viên Liên bang khác nếu nghi ngờ phản quốc, hối lộ, tham nhũng hoặc các tội khác. Tổng thống không thể giải tán Quốc hội, nhưng có quyền phủ quyết. Quốc hội bỏ phiếu thông qua các dự thảo luật, nhưng phải được Tổng thống ký thì mới trở thành một đạo luật chính thức. Tổng thống có trách nhiệm thi hành các đạo luật.
Các nhà lập hiến đã thiết lập khả năng Quốc hội kiểm soát sự hình thành Chính phủ. Họ cho phép Quốc hội đóng vai trò trong quá trình bầu cử Tổng thống và chỉ định các viên chức cũng như điều hành phiên tòa luận tội. Tuy vậy, trên thực tế, Quốc hội gần như không thể chỉ định các Đại cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống. Chỉ có Thượng viện có khả năng tham gia việc hình thành Chính phủ. Tổng thống chỉ định các thành viên trong Nội các của mình và phải được Thượng viện thông qua. Cần lưu ý một điều rằng, một khi được chỉ định làm thành viên của Chính phủ, các viên chức Hành pháp sẽ không còn chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cũng như Tổng thống và Phó Tổng thống.
Những điều này tạo nên một cơ chế cơ bản của Tổng thống chế, với bản chất của sự Phân chia quyền lực: Quốc hội không thể bị giải tán, nhưng Tổng thống và các bộ trưởng không phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Quá trình luận tội là một công cụ cho phép kiểm soát trách nhiệm của Chính phủ, tuy nhiên, không phải là công cụ cho phép nhánh Lập pháp chiếm ưu thế trước Hành pháp. Vì vậy, việc này yêu cầu các thủ tục hết sức phức tạp để tránh việc sử dụng dễ dàng. Chỉ có Hạ viện có khả năng bỏ phiếu luận tội. Và chỉ có Thượng viện có trọng trách xét xử, cùng với Thẩm phán tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, và sẽ tuyên bố có tội khi hai phần ba thành viên bỏ phiếu thông qua.
Mối quan hệ giữa nhánh Lập pháp và Hành pháp là mối quan hệ tuy độc lập nhưng vẫn phụ thuộc lẫn nhau (interdependency). Quốc hội có thể hoãn, thay đổi hoặc từ chối các dự thảo luật của Tổng thống. Mặc dù Tổng thống trong nhiều trường hợp trình bày các dự thảo luật quan trọng nhưng Quốc hội có quyền phủ quyết. Quốc hội cũng có quyền phản đối các chính sách của Tổng thống. Vì vậy để được thi hành một cách hiệu quả các chính sách của mình, Tổng thống phải thỏa hiệp, nhượng bộ hoặc chấp nhận các yêu sách. Sự cân bằng giữa các nhánh được đảm bảo.
Tương tự như vây, Quốc hội không bị kiểm soát bởi Tổng thống. Không phải là chỉ trong trường hợp nhánh Hành pháp và Lập pháp được nắm giữ bởi hai đảng phái khác nhau làm chính sách của Tổng thống bị gây trở ngại. Rất nhiều Tổng thống đã trải qua việc chính đảng của mình gây khó dễ trong việc thi hành chính sách, trong khi Hạ viện được kiểm soát bởi đảng đối lập lại ủng hộ. Ở Quốc hội Mỹ không có tính kỷ luật đảng phái, cũng như không có việc số đông chống lại số ít và ngược lại. Văn hóa số đông phải kiểm soát số ít không tồn tại. Sự tự do bỏ phiếu là của tất cả. Điều này tạo ra một nét rất riêng trong hệ thống Lưỡng đảng của Hoa Kỳ.
Quốc hội kiểm soát Chính phủ thông qua những Ủy ban (Commission), có nhiệm vụ kiểm tra việc áp dụng luật pháp và điều hành. Khi các thông tin cung cấp bởi Chính phủ không đầy đủ hoặc yêu cầu một cuộc điều tra, Quốc hội sẽ hình thành các Ủy ban đặc biệt. Với cách thức này, việc tổ chức và thi hành của Chính phủ được kiểm tra lại. Về cơ bản, đối diện trước Tổng thống và Nội các của ông ta, Quốc hội có thẩm quyền đòi hỏi các thông tin đầy đủ và các số liệu chuyên môn cần thiết. Không thể không nhắc đến việc Quốc hội còn sử dụng hai vũ khí hiệu quả để ra tăng sức ép và đòi hỏi sự minh bạch của Chính phủ – báo chí và ý kiến công chúng.
Tổng quan lại, mối quan hệ giữa các nhánh quyền lực phản ảnh thực tiễn của học thuyết phân quyền ở Hoa Kỳ. Cho dù Hiến pháp quy định sự phân quyền cứng rắn nhưng trên thực tế, cơ chế đó đã được linh hoạt dựa trên thực tiễn. Tất cả đã tạo nên một guồng máy Nhà nước Pháp quyền tư sản vận hành một cách hiệu quả ở Hoa Kỳ.
Phần 4: Bán tổng thống chế ở Pháp
Tổng thống chế và Đại nghị chế là hai thể chế cơ bản, bởi chiều dài lịch sử phát triển của nó. Đây là hai hệ thống được nghiên cứu kĩ trong khoa học chính trị. Tuy vậy, trong thế kỉ XX, đã xuất hiện một thể chế thứ ba, được tích hợp các nguyên tắc của cả hai thể chế đi trước. Thể chế Bán tổng thống hay hỗn hợp, được xây dựng và phát triển theo một cách khác hoàn toàn so với Tổng thống chế và Đại nghị chế. Trong hệ thống này, sự phân chia quyền lực (Division of Powers) phức tạp hơn nhiều so với hai hệ thống còn lại, bởi nhánh Hành pháp (Executive) và Lập pháp (legislative) đồng thời vừa tách biệt và vừa thống nhất.
1. Đặc điểm cơ bản
Trong hệ thống này, Tổng thống (President) có vai trò độc lập, nhưng chia sẻ quyền lực với một thủ tướng (Prime minister). Vì vậy, quyền Hành pháp được chia ra thành Người đứng đầu quốc gia – Tổng thống Cộng hòa, và một Người đứng đầu Chính phủ – Thủ tướng. Mỗi một người được nhà nước lựa chọn theo cách khác nhau: trong khi Tổng thống đến từ một cuộc bầu cử phổ thông, thì Thủ tướng được số đông Nghị viện chọn. Thủ tướng phải là người được chỉ định và phải tuân theo đảng phái đa số hoặc liên minh đa số trong Nghị viện. Vì vậy, có thể nói, Thủ tướng phải đối mặt với các thách thức chính trị hàng ngày, còn Tổng thống thì ít hơn. Tổng thống giữ một mối quan hệ khá là yên bình với những người đứng đầu các đảng phái đối lập, và thường có xu hướng thỏa hiệp hoặc thương lượng với lực lượng đối lập.
Tổng thống có chức năng chính là đảm bảo các hoạt động bình thường của các cơ quan tổ chức, điều chỉnh chính sách đối ngoại, ngoại giao và quốc phòng. Thủ tướng có nhiệm vụ điều chỉnh các chính sách trong nước và kinh tế. Ở chiều ngược lại, Nghị viện được chia làm hai Viện. Cả Tổng thống và Nghị viện đều được lựa chọn từ cuộc bầu cử phổ thông: Nghị viện không phụ thuộc vào Tổng thống cũng như Tổng thống cũng không phụ thuộc vào Nghị viện. Chính phủ được thành lập từ Nghị viện và Nghị viện có thể bị giải tán bởi Tổng thống.
Có thể nói rằng, Bán tổng thống chế áp dụng cùng lúc các nguyên tắc của Tổng thống chế và Đại nghị chế như sau:
a) Người đứng đầu Nhà nước – Tổng thống được bầu cử phổ thông trực tiếp hay gián tiếp, với một nhiệm kì nhất định và
b) Tổng thống chia sẻ quyền Hành pháp với một Thủ tướng, thiết lập một cấu trúc chính quyền song song (dual authority) với các đặc điểm sau:
1) Tổng thống độc lập với Nghị viện, nhưng không thể điều hành một mình trực tiếp, kết quả là Tổng thống phải phối hợp với Chính phủ của mình để đưa ra các quyết định
2) Ở khía cạnh khác, Thủ tướng và nội các của mình độc lập với Tổng thống bởi họ phụ thuộc vào số đông Nghị viện, và phải đối mặt với các cuộc bỏ phiếu không tín nhiệm (Motion of no confidence) và bỏ phiểu bất tín nhiệm (Motion of censure)
3) Cấu trúc chính quyền song song cho phép Bán tổng thống chế cân bằng quyền lực các nhánh, cũng như cho phép sự phân chia quyền lực diễn ra trong chính nhánh Hành pháp.
Trong hệ thống này, việc giải tán Nghị viện (Dissolution) là một vũ khí trong tay Tổng thống. Tổng thống giải tán Nghị viện trên cơ sở những tính toán chính trị bởi, mặc dù không có các điều kiện hay hạn chế để giải tán, Tổng thống chỉ sử dụng quyền này trong các tình huống chính trị để tìm kiếm sự ủng hộ số đông cho các chính sách của mình.
Bài viết tập trung nghiên cứu thể chế bán Tổng thống của Pháp, nơi sản sinh ra thể chế này. Tuy nhiên, cần phải ghi nhớ rằng tuy thể chế giống nhau nhưng ở mỗi quốc gia lại có những đặc điểm riêng biệt, phụ thuộc lịch sử, văn hóa và sự phát triển chính trị của từng quốc gia dân tộc.
2. Lịch sử phát triển và cấu trúc
Tất cả các kinh nghiệm lịch sử trước kia của Pháp, đã được tổng hợp lại để xây dựng nên một nguyên tắc mới trong việc tổ chức các quyền lực chính trị. Và kết quả là sự ra đời của Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp (French Fifth Republic), cũng như của thể chế hỗn hợp, vào năm 1958.
Vấn đề mà người Pháp phải đối mặt sau Thế chiến thứ hai chính là việc nghiên cứu một thiết kế chính quyền mà cho phép tìm kiếm sự đồng thuận và tránh việc phân cực không chỉ trong chính trị mà còn trong xã hội. Bài học quan trọng từ kinh nghiệm của Đệ Tứ Cộng hòa chính là việc cấu trúc quyền lực hiện tại cho phép phân cực trong Nghị viện, hay nói cách khác, sự chuyên chế của các đảng phái (Particracy). Người Pháp không phải đang tìm kiếm một nền dân chủ vô chính phủ, mà là một thể chế mà không cho phép chính phủ áp đặt lên xã hội. Đệ Tứ Cộng hòa Pháp được hình thành sau Thế chiến, nhưng không đạt được sự ổn định chính trị.
Charles De Gaulle, anh hùng dân tộc trong Thế chiến thứ hai, một mình nghĩ ra ý tưởng. Từ những giây phút đầu của Đệ Tứ Cộng hòa, đã xuất hiện những chỉ trích gay gắt dành cho hệ thống Nghị viện mà ở đó, có sự thống trị tuyệt đối của các đảng phái. Hơn nữa, tồn tại thêm một vấn đề: các đảng phải dần dần quên đi nhiệm vụ của họ, đại diện cho dân chúng, điều này đã dẫn đến các câu hỏi xung quanh chất lượng của nền dân chủ đại diện, khi mà tồn tại một lỗ hổng lớn trong xã hội.
Vấn đề nằm ở đây là việc cai trị. Đệ Tứ Cộng hòa là một Đại nghị chế cực đoan, khi mà Chính phủ phải tuân theo các đảng phái. Một trong các khía cạnh mà De Gaulle đã chỉ ra chính là việc thiếu đi một cơ chế cho phép đảm bảo việc hoạt động binh thường của các cơ quan tổ chức, với khả năng kiểm soát, thiết lập lại trật tự, nhưng cũng cần thiết phải tuân theo quyết định và ý kiến của các tổ chức chính trị. Một cơ chế mới được hình thành cho phép Đệ Ngũ Cộng hòa cân bằng được sức mạnh của Nghị viện bằng một Nguyên thủ Quốc gia độc lập hoàn toàn với nó. Khác với các hệ thống Nghị viện, Tổng thống được bầu cử phổ thông, song song với một Thủ tướng được Nghị viện chọn.
Một trong các đặc điểm của Đệ Ngũ Cộng hòa chính là việc Nguyên thủ quốc gia có tính chính danh (Legitimacy). Đó không phải là một chức vụ được thừa kế hay mang tính biểu tượng như ở Anh quốc, mà được lựa chọn trong cuộc bầu cử phổ thông. Với điều này, thiết kế thể chế của Đệ ngũ Cộng hòa đã sử dụng các nguyên tắc riêng của thể chế Tổng thống.
Cũng như tất cả các chế độ dân chủ khác, trong thể chế hỗn hợp Pháp tồn tại hệ thống Lưỡng viện (bicameralism): một Thượng viện (Senate) và một Hạ viện – gọi là Quốc hội (National Assembly), hình thành nên Nghị viện Pháp, nơi nắm quyền Lập pháp. Hai viện được hình thành dựa trên bầu cử phổ thông. Điều này giống với các đặc điểm của Đại nghị chế (trừ Anh quốc)
Dưới góc nhìn chức năng hoạt động, người Pháp muốn thiết kế một chế độ Tổng thống hơn là Đại nghị. Về cơ bản, Đệ Ngũ Cộng hòa thừa hưởng thiết kế thể chế của một nhánh Hành pháp mạnh, nhưng không Đơn đầu như ở Mỹ (monocephalous) Với một Tổng thống được bầu cử phổ thông trực tiếp, Nghị viện không có khả năng kiểm soát các hoạt động của Tổng thống cũng như không thể phế truất. Mặc dù vậy, Tổng thống lại có quyền giải tán Nghị viện. Đây chính là phương thức mà qua đó ngăn cản sự thống trị của các đảng phái, cũng như cho phép xây dựng một số đông gắn kết.
Tổng thống có khá nhiều uy quyền bởi, trên tất cả, Hiến pháp gửi gắm vào ông ta chức năng cơ bản, chính là theo dõi, đảm bảo các cơ quan tổ chức hoạt động bình thường. Khả năng giải tán Nghị viện cho phép Tổng thống được hoạt động đúng vai trò của nó. Hiến pháp Pháp cũng thiết lập một số cơ chế cho phép Tổng thống kiểm soát Nghị viện. Chúng ta có thể thấy qua trường hợp kinh điển xảy ra trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa: vào năm 1981 và 1988, Francois Mitlerrand trở thành Tổng thống Pháp, ông ta đã giải tán Quốc hội và tiến hành cuộc bầu cử mới, với lí do đơn giản là trong các cuộc bầu cử trung gian đã diễn ra, số đông Nghị viện đã được hình thành bởi sự liên minh của các đảng phái trung hữu, đối lập với đảng Xã hội thiên tả của chính ông.
Nghị viện chỉ định Chính phủ, trừ Tổng thống. Nghị viện cũng có quyền giải tán Chính phủ, hay nói cách khác, bất tín nhiệm. Chính phủ luôn bị kiểm soát bởi số đông Nghị viện. Số đông này có thể được hình thành bởi một đảng phải hay liên minh của nhiều đảng. Ở Pháp, số đông Nghị viện thường là kết quả của một liên minh các đảng phái, cánh tả hoặc cánh hữu.
Quốc hội Pháp (Hạ viện) có 577 thành viên, nhiệm kì 5 năm và có thể được tái nhiệm.
Ở Pháp, hệ thống bầu cử cũng là hệ thống đa số, nhưng hai vòng. Ở vòng đầu, nếu không có đảng phái nào dành được hơn 50% số phiếu thì sẽ diễn ra vòng hai với hai đảng phái dành được nhiều phiếu nhất. Điều này cũng áp dụng tương tự cho bầu cử Tổng thống. Hệ thống đa số hai vòng khiến ứng viên dành chiến thắng luôn nhận được nhiều hơn 50% số phiếu ủng hộ. Quốc hội Pháp có chức năng bỏ phiếu các dự luật, hình thành và giám sát Chính phủ.
Thượng viện Pháp có 348 thành viên, nhiệm kì 6 năm, nhưng sau mỗi 3 năm sẽ bầu lại một nửa theo hình thức gián tiếp (thông qua các đại cử tri). Thượng viện, khác với Quốc hội, không thể bị giải tán bởi Tổng thống. Các thượng nghị sĩ được lựa chọn thông qua một đại cử tri đoàn (Electoral College). Thượng viện Pháp thường khá là bảo thủ, bởi trên thực tế họ đại diện cho tầng lớp giàu có ở các địa phương. Mặc dù là bầu gián tiếp, nhưng vẫn thông qua hai vòng, với một danh sách được trình lên bởi mỗi đảng phái. Thượng VIện Pháp, cũng giống ở Anh, tham gia vào quá trình bỏ phiếu các dự luật, nhưng với chức năng thứ yếu – chức năng chính thuộc về Quốc hội hay Hạ viện. Mặc dù có khả năng kiểm soát các hoạt động của Chính phủ, nhưng Thượng viện không tham gia vào quá trình hình thành cũng như có khả năng giải tán Chính phủ.
Ở Pháp tồn tại một cơ quan giống như Tối cao Pháp viện ở Hoa Kỳ: Hội đồng Bảo Hiến (Constitutional Council). Là một cơ quan với 9 thành viên, nhiệm kì 9 năm và không được tái nhiệm. 3 người được chỉ định bởi Tổng thống, 3 người bởi Chủ tịch Quốc hội, và 3 người còn lại bởi Chủ tịch Thượng viện. Các cựu Tổng thống là thành viên suốt đời của Hội đồng, mặc dù chẳng bao giờ tham gia.
Chủ tịch Hội đồng Bảo Hiến được chỉ định trong 9 người bởi Tổng thống. Một trong các nhiệm vụ của Hội đồng là giám sát bầu cử. Ngoài ra còn tiến hành và giám sát một cuộc trưng cầu dân ý (referendum) về một đạo luật, đề án cải cách chính quyền, các vấn đề liên quan đến Liên minh Châu Âu, v.v. Cuộc trưng cầu dân ý được quyết định bởi Tổng thống, thông qua đề nghị của Thủ tướng hoặc Lưỡng viện. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội đồng chính là bảo vệ Hiến pháp, nói cách khác, phát hiện và ngăn chặn các vấn đề vi hiến (Unconstitutionality). Trong trường hợp phát hiện một dự luật vi hiến, Hội đồng sẽ ngăn không cho dự luật đó đến tay Chính phủ, vì vậy dự luật sẽ không được thông qua. Cần lưu ý rằng, các dự luật được thông qua bởi Nghị viện, phải được Tổng thống kí mới trở thành đạo luật chính thức.
3. Mối liên hệ giữa các nhánh quyền lực
Sự phân chia quyền lực là tổ hợp các cơ chế tìm kiếm sự cân bằng giữa các nhánh quyền lực. Theo Monstequieu, nguyên tắc cần thiết để đạt được điều trên chính là việc quyền lực kiểm soát quyền lực (Power moderates Power). Ở thể chế hỗn hợp, chúng ta có thể thấy sự phân chia quyền lực dưới hình thức một Lưỡng viện kết hợp với một nhánh Hành pháp ‘đôi đầu’ (bicephalous): nhánh Hành pháp được chia thành Tổng thống – Nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng – người đứng đầu Chính phủ. Thượng viện chỉ nắm giữ vai trò thứ yếu, không có sự ngang hàng với Quốc hội, và không tham gia vào việc thành lập Chính phủ. Việc này chỉ có Quốc hội mới có quyền. Nghị viện không thể gây ảnh hưởng đến các chức năng chính của Tổng thống. Lý giải điều này ở chỗ: trong thiết kế chính quyền của Đệ ngũ Cộng hòa, người Pháp muốn có một nhánh Hành pháp được tự do hơn bởi ở Đệ tứ Cộng hòa, Chính phủ bị kiểm soát bởi Nghị viện.
Một vấn đề khác cần được nhắc đến chính là các đảng phái chính trị. Theo Charles De Gaulle, nguyên nhân sự sụp đổ của nền Cộng hòa thứ tư chính là việc các đảng phái chính trị nắm giữ quá nhiều quyền lực. Điều người Pháp tìm kiếm không phải là hạn chế các chức năng của Nghị viện, mà là vô hiệu hóa tính ưu thế của các đảng phái. Để phục vụ điều này, cần có một Tổng thống có thể giới hạn quyền lực của các nhóm chính trị. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một số hậu quả.
Điều mà De Gaulle không lường trước, nhưng cuối cùng Francois Mitterrand chỉ ra, chính là tầm quan trọng của các đảng phái chính trị trong việc vận hành thể chế. Thiết kế của Đệ ngũ Cộng hòa đã tạo ra hiệu ứng ảnh hưởng đến đời sống chính trị, khiến các đảng phái phải phát triển và hiện đại hóa sao cho phù hợp với thực tại. Hai cực chính của chính trị Pháp, cánh tả (left wing) và cánh hữu (right wing), đã tái cơ cấu bên trong và tái cơ cấu các mối quan hệ với các đảng phái khác cũng như với xã hội Pháp. Có thể khẳng định, chiến thắng của Mitterrand vào năm 1981 chính là kết quả của Đệ ngũ Cộng hòa, bởi từ năm 1971 ông ta trở thành người lãnh đạo của quá trình đổi mới Đảng Xã hội. Điều tương tự cũng xảy ra với các đảng trung hữu. Nền Cộng hòa thứ năm là một chất xúc tác quan trọng cho việc phát triển các đảng phái chính trị hiện đại.
Đồng thời, các tổ chức chính trị và đảng phái bắt đầu liên kết với nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Nghị viện không thể hình thành và hoạt động thiếu các đảng phái cũng như Tổng thống không thể thi hành các chính sách nếu không có sự ủng hộ của các tổ chức chính trị. Vì vậy, nền Đệ ngũ Cộng hòa không chỉ dừng lại ở việc thiết kế thể chế, nó còn xây dựng và phát triển các lực lượng xã hội và chính trị, biến những lực lượng này trở thành các nhân tố chính để hoàn thiện chính quyền.
Hệ thống chính trị không chỉ là các chuẩn mực hoặc thể chế của nhà nước, mà còn là các giá trị đi kèm. Vì lí do này, một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của Đệ ngũ Cộng hòa chính là sự cam kết của các lực lượng chính trị xung quanh việc bảo vệ các hệ thống của chính họ và của đất nước. Các lực lượng chính trị chính của xã hội Pháp, cánh tả và trung hữu, tuy khác nhau về mặt tư tưởng, nhưng đều có những nguyên tắc chung để bảo vệ đất nước. Điều này làm cho văn hóa chính trị Pháp trở thành chỗ dựa vững chắc của bộ máy thể chế hỗn hợp.
Lê Minh Hiếu
Tài liệu tham khảo
Espinoza Toledo, Ricardo. Sistemas Parlamentario, Presidencial Y Semipresidencial.
México, 2000.
Díaz de León, Carlos Gómez. Sistema político y formas de gobierno. México, 2015.