Đây là nhánh thứ ba trong ba nhánh quyền lực cấu trúc nên bộ máy nhà nước. Thực thể này có chức năng diễn giải luật pháp, trên cơ sở đó, xét xử và giải quyết các tranh chấp pháp lý. Để hiểu rõ hơn về các chức năng của nó, ta cần biết hai hệ thống luật pháp cơ bản trên thế giới.
PHÂN LOẠI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT
Nếu phân loại theo cách thức áp dụng luật, trên thế giới có hai hệ thống pháp luật chính: 1. thông luật (common law), hay còn gọi là luật thường; 2. dân luật (civil law), hay còn gọi là luật dân sự, luật lục địa.
Nếu phân loại theo cách thức truy tìm sự thật, thế giới có hai hệ thống pháp luật chính: 1. hệ thống tranh tụng, có người dịch là hệ thống đối nghịch (adversarial system); 2. hệ thống điều tra, còn gọi là hệ thống thẩm vấn (inquisitorial system).
Trong hệ thống tranh tụng, tòa án trung lập, độc lập sẽ nghe lập luận và xem xét bằng chứng mà hai bên đối nghịch nhau – công tố viên và bị cáo trong các vụ hình sự, nguyên đơn và bị đơn trong các vụ dân sự – đưa ra, và trên cơ sở đó, ra phán quyết. Trong hệ thống điều tra, tòa án trung lập, độc lập đóng vai trò chủ động trong việc tìm kiếm, thu thập bằng chứng và thẩm vấn nhân chứng, và trên cơ sở đó, ra phán quyết. Việc điều tra thường do một hay nhiều thẩm phán đảm nhận.
Các nước theo thông luật thường áp dụng hệ thống tranh tụng, còn các nước theo dân luật thì áp dụng hệ thống điều tra. Các quốc gia theo thông luật điển hình là: Mỹ (trừ tiểu bang Lousiana), Canada (trừ bang nói tiếng Pháp Quebec), Anh, Úc, các nước chịu ảnh hưởng của Anh như Ấn Độ. Các quốc gia theo dân luật điển hình là Pháp, Đức (các nước châu Âu lục địa), Trung Quốc và…. CHXHCN Việt Nam, có lẽ vì trước đây Việt Nam vốn là thuộc địa của Pháp, nên phần nào cũng chịu ảnh hưởng từ hệ thống luật của Pháp.
Hai hệ thống luật pháp – tranh tụng và điều tra – khác nhau ở các khía cạnh cơ bản sau:
- Trong hệ thống điều tra, quyết định có khởi tố, xét xử một người nào đó hay không là của thẩm phán, đại diện cho Bộ Tư pháp. Trong hệ thống tranh tụng, nó là quyết định của bồi thẩm đoàn.
- Trong hệ thống điều tra, thẩm phán là người chủ động tìm kiếm, thu thập bằng chứng để ra quyết định khi xét xử. Trong hệ thống tranh tụng, đó là việc của hai bên đối nghịch nhau – công tố viên và bị cáo, nguyên đơn và bị đơn.
- Trong hệ thống điều tra, vai trò của thẩm phán quan trọng. Trong hệ thống tranh tụng, luật sư là ngôi sao, là người có ảnh hưởng lớn đến kết quả phiên tòa.
(Ban đầu là như vậy, nhưng ngày nay, hệ thống pháp luật ở các nước cũng đã có nhiều thay đổi. Có nơi, như ở bang California của Mỹ, cả thẩm phán và bồi thẩm đoàn đều có thể ra quyết định có khởi tố, xét xử hay không.)
Điều quan trọng ở đây là: Tuy hai hệ thống luật pháp có những khác biệt như vậy, song cả hai đều phải hướng tới sự thật, tới việc trừng phạt người có tội, bảo vệ các quyền tự do của người dân và công lý. Muốn vậy, tư pháp phải bảo đảm các chuẩn mực tố tụng, chuẩn mực về pháp luật và nhân quyền. Và các bạn chú ý, ở cả hai định nghĩa về hai hệ thống pháp luật, đều có cụm từ “tòa án trung lập, độc lập”. Đó là đòi hỏi cao nhất đối với hệ thống tư pháp ở các nhà nước pháp trị (có rule of law).
Trung lập Trung lập là sự không tồn tại tính bè phái, phe cánh, không đứng về phía bên nào. Trong quan hệ quốc tế, trung lập là một tình trạng pháp lý trong đó một nhà nước tuyên bố và xác quyết rằng nó không tham gia vào xung đột hay chiến tranh, không ủng hộ và không giúp đỡ hay viện trợ cho bên nào. Trong một quốc gia hay xã hội, nguyên tắc trung lập được áp dụng đối với thẩm phán, công chức, quân đội, công an, và những người của cộng đồng khác. Nó đòi hỏi tất cả những người ở các cương vị này không được có cảm tình, sự ủng hộ hay có xu hướng ngả về ý thức hệ nào. Đó là trên nguyên tắc. Trên thực tế, đòi hỏi có thể ít khe khắt hơn: Những người này chỉ phải công bằng, vô tư, không thiên vị. Họ có thể có cảm tình đối với một ý thức hệ nào đó, miễn là điều đó không xâm phạm hoặc không mâu thuẫn với những trách nhiệm, nghĩa vụ của họ đối với cộng đồng, hoặc nghề nghiệp của họ.
TÒA ÁN ĐỘC LẬP
Như vậy, cho dù ở hệ thống luật pháp nào thì tòa án cũng phải trung lập và độc lập. Trung lập hiểu nôm na là không đứng về bên nào, không ủng hộ ý thức hệ nào. Còn độc lập, đối với ngành tư pháp, có nghĩa là gì? Một cách ngắn gọn, hệ thống tư pháp độc lập phải bảo đảm hai nguyên tắc sau:
1. Thẩm phán và công tố phải tách biệt
Thẩm phán (bên điều tra và/hoặc xét xử) và công tố (bên buộc tội) không bao giờ được cùng là một người hay một cơ quan, tổ chức.
Ở Mỹ, quyền công tố được trao cho một cơ quan hành pháp là Bộ Tư pháp (trực thuộc nội các). Người đứng đầu Bộ Tư pháp là Bộ trưởng Tư pháp, tiếng Anh là attorney general mà có người dịch sang tiếng Việt là tổng chưởng lý, hoặc công tố viên trưởng. Chức này do tổng thống chỉ định và Thượng viện phê chuẩn. Tuy vậy, công tố ở Mỹ lại độc lập với tổng thống cũng như với chính phủ. Ở Anh cũng vậy, công tố là cơ quan nhà nước, không trực thuộc bộ nào, và độc lập với các cơ quan nhà nước khác.
Ở Việt Nam, Viện Kiểm sát Nhân dân đóng hai vai trò: 1. Công tố; 2. Giám sát tòa án, cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án. Với vai trò công tố, viện kiểm sát là thực thể có quyền buộc tội ai đó và phải điều tra, nhưng trên thực tế, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát chỉ có thẩm quyền đối với các vụ việc vi phạm pháp luật tố tụng, và gần như 100% trường hợp, Viện Kiểm sát chỉ làm mỗi cái việc phê chuẩn các cáo buộc do công an đưa ra. Với vai trò giám sát, họ cũng không giám sát được ai, nhất là không giám sát được công an. Bằng chứng là đã có hàng trăm vụ người dân chết trong đồn công an hoặc trong trại tạm giam của công an, nhưng không vụ việc nào được điều tra và không nhân viên công an nào phải chịu trách nhiệm gì.
Tòa án ở Việt Nam khi ra phán quyết cũng thường chỉ dựa vào kết luận điều tra của công an và cáo buộc của viện kiểm sát, mà cáo buộc đó thì dựa vào kết luận điều tra. Vì thế, nguyên tắc “tách biệt thẩm phán và công tố” không được bảo đảm.
Viện Kiểm sát Nhân dân ở Việt Nam là một thực thể rất khó được xếp vào nhánh hành pháp hay tư pháp. Không có văn bản pháp luật nào xác định điều đó. Bản thân họ, vì không có một cơ quan điều tra riêng đủ thẩm quyền và năng lực, cho nên phụ thuộc hoàn toàn vào công an trong đa số vụ án, khiến ai cũng tưởng Viện Kiểm sát thuộc nhánh hành pháp.
2. Tòa án, thẩm phán phải độc lập trước mọi sức ép về chính trị
Nguyên tắc thứ hai của việc tư pháp độc lập, là tòa án và thẩm phán phải thoát khỏi chính trị, không được phép chịu một sức ép chính trị nào.Tòa án không được phép thuộc về hành pháp hay lập pháp. Môi trường làm việc của tòa án và thẩm phán phải bảo đảm bình yên, ổn định, trong sạch, không nhuốm màu lợi ích, không bị đe dọa…
Điều đó thể hiện ở việc chức vụ thẩm phán thường là chức vụ trọn đời (để thẩm phán không phải lo chạy chọt giữ chức), thẩm phán tuyệt đối không được tham gia đảng phái hay tổ chức nào.
Ở Mỹ, Hiến pháp quy định tất cả các thẩm phán liên bang đều do tổng thống chỉ định (và trình Thượng viện phê chuẩn), giữ chức trọn đời và không bị hạ lương. Như vậy có nghĩa là họ không phải vận động tranh cử, công việc của họ không có nhiệm kỳ, và họ không chịu sức ép bị trừ lương. Tóm lại, họ không phải chịu tác động nào về mặt chính trị. Bạn có thể hỏi, vậy nếu trong thời gian tại vị, thẩm phán hành xử không chuẩn mực, lạm quyền, tham nhũng, xét xử oan sai thì sao? Khi đó, họ sẽ bị Hạ viện luận tội và Thượng viện kết tội. Nếu đa số thành viên Hạ viện thông qua việc luận tội họ và hai phần ba thành viên Thượng viện kết tội, thì thẩm phán mới bị cách chức. Ở Vương quốc Anh cũng vậy. Còn ở Pháp, lập pháp và tư pháp sẽ cùng bầu ra một cơ quan giám sát đặc biệt để giám sát thẩm phán.
Trong khi đó, ở Việt Nam dưới thời cộng sản, thẩm phán phải là đảng viên đảng Cộng sản. Bạn sẽ không tìm thấy quy định này ở bất kỳ văn bản pháp luật nào; nó là luật bất thành văn. Cũng tương tự như vậy, mọi tổng biên tập, lãnh đạo cơ quan báo chí phải là đảng viên cộng sản, riêng Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam còn phải (và được) là ủy viên Trung ương đảng.
Chỉ riêng điều đó thôi đã đủ vi phạm hoàn toàn nguyên tắc trung lập và độc lập của hệ thống tư pháp (và báo chí).
TƯ PHÁP CÓ THỂ LÀM RA LUẬT KHÔNG?
Đến đây hẳn bạn đã thấy, nếu hiểu “lập pháp là làm luật, hành pháp là thi hành luật, tư pháp là diễn giải luật và xét xử tranh chấp” thì tuy đúng nhưng đó là một cách hiểu quá thô sơ, đơn giản trong xã hội hiện đại. Trong các nền dân chủ ngày nay, lập pháp không chỉ làm luật nữa mà có thể điều tra như hành pháp, hành pháp có thể ra luật, và tất nhiên, tư pháp cũng không chỉ dừng ở việc diễn giải luật và xét xử tranh chấp.
Nói cách khác, tư pháp có thể làm luật, tạo ra chính sách. Một ví dụ thường được nhắc đến trong các sách về chính trị học là việc Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ra phán quyết khẳng định việc phân biệt trường công dành riêng cho người da trắng và da màu là vi hiến (vụ kiện Brown và Hội đồng Giáo dục của Topeka, 1954), và ra lệnh cho các bang phải nhanh chóng chấm dứt tệ nạn phân biệt chủng tộc ở trường học (1955).
Vụ kiện Brown và Hội đồng Giáo dục Topeka sau này được xem như cột mốc mở đầu phong trào đấu tranh vì quyền dân sự của người da đen ở Mỹ.
Phạm Đoan Trang
Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC