XÃ HỘI ẢO… NHƯNG THẬT


… Vào ngày 13/7/2009, Yahoo! 360° đóng cửa. Ban đầu sự đóng cửa này trông có vẻ như một tổn thất nặng nề cho các blogger chính trị ở Việt Nam khi cộng đồng của họ tan vỡ. Một số người tự động chuyển sang Yahoo! 360° Plus, một nền tảng do văn phòng Yahoo! ở Việt Nam quản lý. Những người khác thì chọn wordpress, blogger, multiply, weblog, v.v…Tuy nhiên, họ nhanh chóng tụ trở lại, lần này là ở một diễn đàn mới, mạnh và rất có sức ảnh hưởng: facebook. Các con số thống kê được cập nhật vào tháng 3/2013 cho thấy Việt Nam là một trong số những nước dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng facebook, với 11 triệu tài khoản. Một chốn như vậy chắc chắn sẽ là một mặt trận đáng sợ đối với đảng Cộng sản.

Một số blogger chính trị nổi lên. Blog Ba Sàm trở thành “điểm gặp gỡ” của những người quan tâm đến tình hình chính trị. Ba Sàm là biệt danh của một blogger đặt tên cho blog của mình là Thông Tấn Xã Vỉa Hè nhằm giễu nhại Thông Tấn Xã Việt Nam. (Trong tiếng Việt, tin vỉa hè cũng là từ lóng để chỉ những “chuyện cóp nhặt” hay “tin vịt” mà mọi người kể cho nhau nghe khi họ cà kê ở các quán cafe vỉa hè). Công việc mà các biên tập viên blog này làm từ trước đến nay là điểm tin hàng ngày về Việt Nam, bất kể là tin tức trên phương tiện truyền thông chính thống hay từ các blogger (các nhà dân báo), các cơ quan truyền thông quốc tế. Với mỗi tin, biên tập viên đăng đường dẫn và bổ sung thêm bình luận cá nhân về tin tức đó, thường là theo phong cách hài hước và châm biếm. Công việc này có vẻ quá đơn giản, khó có thể thu hút được một lượng độc giả lớn đến vậy – trên 100.000 người đọc mỗi ngày, một số lượng độc giả đáng mơ ước đối với bất kỳ tờ báo giấy nào của nhà nước. Nhưng chắc chắn, nó không đơn giản chút nào. Blog Ba Sàm thỏa mãn được những độc giả đã chán ngán hệ thống tuyên truyền nghiêm túc thái quá và vô hồn của nhà nước, đó là những người khao khát phương tiện truyền thông thay thế. Thông Tấn Xã Vỉa Hè có vẻ hấp dẫn hơn bất kỳ cơ quan truyền thông chính thống nào: Nó cung cấp một lượng tin tức đa dạng về tình hình chính trị, kinh doanh, giáo dục, khoa học và công nghệ trong nước cũng như quốc tế, với một phong cách chưa từng có – một sự kết hợp giữa ngôn ngữ thẳng thắn, hài hước của miền Nam và các phân tích phê bình của một trí tuệ thâm thúy kiểu miền Bắc.

Bên cạnh Ba Sàm, còn có một số blog nổi tiếng khác như Người Buôn Gió, Quê Choa, Xuân Diện và Trương Duy Nhất (Trương Duy Nhất bị bắt giam ngày 26/5/2013 theo Điều 258 Bộ luật Hình sự). Số lượng các blog chính trị đã tăng lên với tốc độ vượt ngoài dự đoán trong nhiều năm kể từ năm 2011, và hiện có khoảng 30 blog như thế – đấy là một con số mà 4-5 năm trước đó không ai có thể hình dung nổi.

Không giống như truyền thông của Đảng hay thứ truyền thông bị kiểm duyệt chính thức, các phương tiện truyền thông thay thế này có tính tương tác rất cao: Quả thực, chúng là những diễn đàn trực tuyến, nơi mọi người tự do bình luận, và các tác giả có thể thảo luận, thậm chí tranh cãi với khán giả về chủ đề đang được bàn đến. Đặc điểm quan trọng này của “những tờ báo của dân” khiến cho chúng trở thành những điểm tụ hội lý tưởng cho mọi người, bất kể là ở trong nước hay ngoài nước, vô danh hay có danh tính rõ ràng, hội họp trên mạng. Một số người thậm chí còn trở nên nổi tiếng vì các bình luận chứ không phải vì bài viết. Dân Làm Báo, một trong những blog bất đồng chính kiến lớn tiếng nhất, còn tự gọi mình là “thôn”. Từ đây một hình thức xã hội dân sự mới ra đời: xã hội dân sự trên mạng.

Các mối quan hệ trên mạng có thể đi đến chỗ ngoài mạng. Một số người nhanh chóng gặp gỡ ngoài đời thật và trở thành những nhóm nhỏ mà chắc chắn không đăng ký hay có sự công nhận nào của nhà nước. Họ làm nhiều việc thực tiễn: Họ giúp gia đình của các blogger bị bỏ tù như Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Anh Ba SG; họ đi tới các phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến chính trị như nhà hoạt động pháp lý Cù Huy Hà Vũ; họ chia sẻ và thậm chí in những cuốn sách tự xuất bản về lĩnh vực cấm kỵ – chính trị. Và có lẽ quan trọng hơn cả, họ xây dựng nền tảng cho những cuộc biểu tình sắp nổ ra.

BÁO CHÍ NHÀC VÀ BÁO CHÍ L DÂN

Trung Quốc dường như đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong tình hình chính trị Việt Nam. Ngoài quan điểm cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì sự can thiệp vô lý vào công việc nội bộ của đảng Cộng sản Việt Nam, có một thực tế là “phản đối Trung Quốc hung hăng” luôn được các blogger Việt Nam lấy làm lý do chính đáng cho các cuộc biểu tình, đặc biệt là trong bối cảnh tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 26/5/2011, các tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp khảo sát địa chấn của tàu Bình Minh 2 của Tập đoàn Dầu khí Petro Việt Nam ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một làn sóng phẫn nộ lan khắp blog và facebook. Nhật Ký Yêu Nước (một trang facebook được tạo tháng 4/2009) kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc, và kết quả là ngày 5/6, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với trang facebook Nhật Ký Yêu Nước, Xuân Diện và Ba Sàm nổi lên như những điểm tụ hội nổi bật cho người biểu tình. Hai blog này đăng tải những thông báo biểu tình, thậm chí kêu gọi công an “dọn đường cho người dân thực hành quyền tự do biểu đạt”.

Những lời kêu gọi như vậy là không thể chấp nhận được với chính quyền của một đất nước nơi mà từ năm 1975 khi chiến tranh kết thúc và đảng Cộng sản lên nắm quyền, biểu tình vẫn là một việc cấm kỵ. Có thể giải thích điều này bằng những gì mà một công an viên nói với tác giả trong một cuộc thẩm vấn tháng 7/2012: “Không bao giờ được để cho một đốm lửa nhỏ bùng lên thành đám cháy lớn. Phải dập tắt nó ngay khi còn có thể”. Một mặt, các nhà chức trách phản ứng lại ngay lập tức bằng việc huy động công an đến, sử dụng bạo lực để trấn áp biểu tình. Mặt khác, các chiến dịch đàn áp bắt đầu được triển khai trên Internet. Một kỹ thuật đơn giản là tấn công các trang web. Anh Ba Sàm, Quê Choa, Gốc Sậy và nhiều blog có ảnh hưởng khác thường xuyên bị hack, xóa dữ liệu và thay thế bằng những thông tin xúc phạm các nạn nhân. Mỗi cuộc tấn công trang web đều được cộng đồng blogger coi là một thảm họa, nhưng rất may là các blog thường được khôi phục khá nhanh chóng. Nhiều người cho rằng tất cả các cuộc tấn công trang web này đều là do công an mạng Việt Nam, thậm chí đôi khi là do hacker Trung Quốc, gây ra.

Cách thức kiểm soát Internet kinh điển – chặn trang web – cũng từng được sử dụng rộng rãi. Từ năm 2009, facebook, blogspot, multiply, v.v…đều thỉnh thoảng bị chặn. Công an cũng không từ bỏ việc khủng bố các blogger. Nhiều blogger đã bị công an triệu tập, thẩm vấn, câu lưu và công kích trong 5 năm trở lại đây. Xuân Diện bị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phạt tiền vì đã xuất bản những “nội dung xấu” trên blog.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông nhà nước cũng luôn được huy động triệt để cho việc “vận động quần chúng” chống lại những cuộc biểu tình mà hiện đang được gắn nhãn là “chống nhà nước”. Bộ máy truyền thông đại chúng đóng vai trò tích cực trong việc khiến người dân xa lánh những người biểu tình, đánh đồng các bình luận phê phán chính phủ với hành động “bôi nhọ, nói xấu nhà nước”, và hạ uy tín của những blogger có vẻ như có ảnh hưởng đối với công chúng nhưng vẫn chưa bị bắt. Người biểu tình phản ứng lại bằng việc viết nhiều hơn nữa, chụp ảnh nhiều hơn nữa và chia sẻ nhiều hơn nữa trên facebook, youtube và blog.

Một số người tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ trước cửa Đài Truyền hình Hà Nội để phản đối những phóng sự vu khống người biểu tình yêu nước. Cuộc biểu tình không thu được gì nhiều: Tổng giám đốc Trần Gia Thái và Đài Truyền hình với tư cách là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Hà Nội sẽ không bao giờ xin lỗi “đám phản động”. Nhưng ít nhất đây cũng là lần đầu tiên đài truyền hình quốc doanh này thấy được sự phẫn nộ của những khán giả bị đẩy làm nạn nhân.

Biu tình phn đi Đài Truyn hình HàNi, 21/10/2011.
Dòng chtrên giy: “Các nhà báo, hãy tôn trng stht! Journalists, respect the truth!”.

Cuộc chiến truyền thông trở nên dữ dội khi các quan chức bắt đầu “dùng blogger chống blogger”. Trưởng Ban Tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội, Hồ Quang Lợi, trong một cuộc họp ngày 9/1/2013 tổng kết hoạt động báo chí tuyên truyền năm 2012, cho biết Ban đã xây dựng một lực lượng 900 “dư luận viên” ở riêng Hà Nội “để phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền”. Ông Lợi cho biết thêm, Ban Tuyên giáo cũng xây dựng thành công các nhóm chuyên gia trực tiếp tham gia bút chiến với người bất đồng trên Internet; cho đến thời điểm đó, họ đã có 19 trang tin và 400 tài khoản mạng. Những dư luận viên này là đội quân mạng thật sự hung hãn. Vô danh tính, và có lẽ học vấn kém, họ hành xử như những lính canh Internet, duyệt các blog chính trị và dội xuống bất cứ thứ ngôn ngữ độc địa và ngụy biện nào họ có thể nghĩ ra.

Nhưng có vẻ như đã quá muộn để các nhà chức trách ngăn cản mọi người thành lập hội nhóm trên mạng và nói lên ý kiến của họ. Facebook, với tính năng hữu dụng cho phép người dùng tổ chức các nhóm kín, trở thành lựa chọn nền tảng số 1. Có vẻ như facebook càng bị chặn dữ dội bao nhiêu, người dùng facebook càng khao khát đăng nhập, và họ càng trở nên thành thạo về công nghệ bấy nhiêu. Không bức tường lửa nào có thể ngăn cản họ. Và những gì phải đến đã đến. Tháng 8/2011, khi cuộc bố ráp người biểu tình lên đến đỉnh điểm ở Hà Nội với lời cảnh báo chính thức từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội là sẽ giải tán tất cả các kiểu hội họp, những nhóm “người biểu tình yêu nước” đầu tiên đã được tạo ra. Có thể hiểu họ không bao giờ đăng ký vì sẽ không bao giờ được cấp phép. Lần đầu tiên trong lịch sử tiến trình dân chủ ở Việt Nam, những người bất đồng chính kiến có thể kết nối trong những nhóm dù hoạt động ngầm nhưng có tổ chức.

Trong vòng vài tháng kể từ tháng 8/2011, các nhóm hoạt động ngầm này phát triển thành một mạng lưới lớn gồm các nhà hoạt động trên khắp không gian Internet ở Việt Nam. Không ai thật sự biết hay có thể nói có bao nhiêu nhóm như vậy ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại – đây là điều lực lượng an ninh quả thật khao khát muốn nắm được. Đến thời điểm này chính quyền và lực lượng an ninh đã hoàn toàn ý thức được rằng biểu tình không còn là hoạt động “tự phát” nữa.

Biu tình chng Trung Quc ti Hà Ni ngày 24/7/2011.

Điều quan trọng hơn cả, những nhóm online này dần dà mở rộng mối quan tâm từ vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam sang các vấn đề khác ở đất nước Việt Nam đương đại, chẳng hạn cuộc đấu tranh giành quyền sử dụng đất của nông dân. Từ những người biểu tình được truyền cảm hứng bởi tinh thần dân tộc, họ trở thành các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền. Với tình hình hiện tại, những nhóm này còn xa mới trở thành các đảng đối lập, nhưng ít nhất những người quan tâm đến các vấn đề chính trị-xã hội có thể tự hình thành nhóm với nhau, trong nhóm đó họ chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng đối đầu với an ninh, báo cáo lại những trường hợp vi phạm nhân quyền, làm từ thiện và cùng nhau phát động nhiều dự án xã hội khác nhau.

No-U FC là một ví dụ, đây là một đội bóng, các thành viên gặp gỡ nhau hàng tuần vào chủ nhật với mục đích bề ngoài là để đấu bóng, nhưng mục đích thật sự lại là “vận động chống đường lưỡi bò của Trung Quốc” (hay đường chín đoạn, đường chữ U mà Trung Quốc thường dùng trong các yêu sách về chủ quyền của họ). Được thành lập vào tháng 10/2011, câu lạc bộ này nhanh chóng trở thành mục tiêu theo dõi và quấy nhiễu của an ninh. Nhưng điều đó không ngăn được câu lạc bộ mở rộng số lượng thành viên và các hoạt động xã hội như đi từ thiện, giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về các tranh chấp trên Biển Đông – các hoạt động mà nhà nước vẫn giữ vai trò độc quyền suốt hàng chục năm.

KT LUN

Trong nhiều năm, đảng Cộng sản đã thể hiện thành công hình ảnh Việt Nam ra thế giới như một đất nước nhỏ bé xinh đẹp có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, chính quyền năng động và người dân mến khách. Có một niềm tin phổ biến rằng Trung Quốc và Việt Nam có lẽ là hai ví dụ nổi bật về việc một đất nước có thể đạt được tiến bộ kinh tế mà không cần đến cải cách chính trị, hay nói cách khác phát triển không nhất thiết đòi hỏi dân chủ.

Tuy nhiên, nhìn vào cuộc đấu tranh ngầm của các blogger chống lại giới cầm quyền đàn áp thô bạo có thể đưa đến một kiến giải khác hẳn. Thực tế là dưới bề mặt của sự phát triển kinh tế (mà đến bây giờ còn rất yếu) là những chính sách độc tài, một nhà nước tham nhũng và hà khắc dập tắt tiếng nói bất đồng và hạn chế các quyền tự do. Chắc chắn điều mà chính quyền này ghét nhất là trách nhiệm giải trình và tính minh bạch. Do đó, Internet với sức mạnh đưa mọi thứ ra ánh sáng nhanh chóng trở thành “kẻ thù của nhà nước”. Điều này đặc biệt đúng khi các phương tiện truyền thông xã hội bùng nổ ở Việt Nam. Khi phương tiện truyền thông chính thống lỗi thời không chiếm được cảm tình của độc giả và không gian công cộng rơi vào tay các blogger, các nhà chức trách liền dùng đến vũ lực. Nhưng một khi người dân đã biết đến vị tự do, họ sẽ không từ bỏ nó. Dân chủ và tự do luôn có khuynh hướng mở rộng. Trong tiếng Việt có một phép ẩn dụ về cái trần nhà. Khi nhà cầm quyền ụp trần lên người dân, mọi người phải ở dưới cái trần ấy; nhưng nếu một số người đẩy được cái trần đó lên để không gian giới hạn kia được nới ra thêm chút ít, cả cộng đồng sẽ được hưởng lợi và họ sẽ muốn thêm nữa. Do đó, cái trần sẽ nhanh chóng bị đẩy lên thêm và mọi người sẽ hưởng thêm không gian, và thêm thèm tự do.

Mọi thứ cũng diễn ra tương tự với quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam trong kỷ nguyên Internet.

Khó có thể khẳng định rằng các tổ chức xã hội dân sự đã và đang hoạt động hiệu quả và đóng góp vào tiến trình dân chủ của đất nước. Ta cũng không thể nói rằng nhờ có Internet, dân chủ diễn ra nhanh hơn và sẽ sớm có “mùa xuân Ả-rập” ở Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả các hội nhóm được tạo ra trên Internet, dù tổ chức còn lỏng lẻo, thiếu kinh nghiệm chính trị, và còn lâu mới trở thành các đảng đối lập, vẫn là tiền thân của xã hội dân sự trong thực tế, việc này ít nhất có thể làm cho quần chúng quen với những ý niệm về một không gian tự do ít sự kiểm soát của nhà nước hơn. Lý tưởng là, các tổ chức xã hội dân sự online này sẽ là nguồn cung cấp những ứng viên ngoài đảng Cộng sản cho các cơ quan công quyền trong những cuộc bầu cử dân chủ tương lai.

Phạm Đoan Trang


1 thought on “XÃ HỘI ẢO… NHƯNG THẬT”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC