XÃ HỘI DÂN SỰ


Xã hội dân sự đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử loài người. Chẳng hạn, học giả Pháp Alexis de Toqueville từng đề cập tới những “hội nhóm chính trị” mà ông chứng kiến ở Hoa Kỳ trong chuyến thăm đất nước này vào năm 1831; chuyến thăm đó là khởi nguồn cho tác phẩm nổi tiếng “Nền dân trị Mỹ” của ông. Ở Việt Nam, xã hội dân sự cũng tồn tại từ xa xưa dưới hình thức những phường hội, họ tộc…

Tuy nhiên, cùng với sự nở rộ các NGO và INGO sau hai cuộc Thế chiến, khái niệm xã hội dân sự bỗng nhiên nổi lên trên chính trường quốc tế, và đặc biệt trở nên thời thượng ở Việt Nam từ khoảng giữa những năm 2000-2010, gắn với sự phát triển của Internet và toàn cầu hóa. Đặc biệt, từ năm 2011 – năm đánh dấu những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên được tập hợp thông qua facebook – khái niệm xã hội dân sự lại được gắn với dân chủ, nhân quyền. Các tổ chức xã hội dân sự, dĩ nhiên kể cả các NGO, được coi như các tổ chức đấu tranh vì sự thay đổi và dân chủ hóa Việt Nam; đồng thời, bị an ninh và tuyên giáo coi như thế lực thù địch, chống nhà nước.

Vậy, xã hội dân sự là gì?

ĐỊNH NGHĨA

Có rất nhiều định nghĩa về xã hội dân sự.

Học viện Công dân (ICEVN) đưa ra diễn giải và định nghĩa như sau:

“Khái niệm xã hội dân sự đã được các triết gia về chính trị thuộc thời kỳ Khai Sáng ở Âu châu sử dụng, và khái niệm này đã theo thời gian mà thay đổi cho đến ngày hôm nay. Các tư tưởng gia như Hobbes, Locke, Rousseau dùng xã hội dân sự để chỉ một trạng thái xã hội khi con người đã bắt đầu sống quần tụ với nhau, khác với trạng thái thiên nhiên. Xã hội càng phát triển thì lại càng nẩy nở thêm nhiều sắc thái và bộ phận khác nhau; do đó, các nhà tư tưởng thuộc thế kỷ 19 và thế kỷ 20 như Hegel, Marx, Gramsci, Diamond, v.v… đều có những khái niệm không giống nhau, và không thể thống nhất về một định nghĩa cho xã hội dân sự. Tuy nhiên, các học giả thuộc thế kỷ 20 đều đồng ý trên mẫu số chung sau đây của xã hội dân sự. Đó là sự hiện hữu của một lãnh vực công nằm giữa nhà nước, thị trường, và cá nhân. Chính trong lãnh vực công này mà các công dân hoạt động “nhằm biểu tỏ các mối quan tâm, tư tưởng, trao đổi thông tin, thực hiện các mục tiêu chung có tính chất hỗ tương, kiến nghị với nhà nước và buộc các viên chức nhà nước phải chịu trách nhiệm trong công vụ” (Diamond, 1994).

Theo Brian O’Connell, chủ tịch sáng lập của Independent Sector, lãnh vực công là miền hội tụ của 5 thành tố sau: Thành tố đầu tiên là các cá nhân, tiêu biểu cho quyền lợi riêng tư. Thành tố thứ hai là cộng đồng bao gồm gia đình, làng xóm, chùa chiền, các hội đoàn, v.v. Cộng đồng là nơi các cá nhân sinh hoạt và phát triển và cũng là nơi đại diện cho các quyền lợi tập thể. Cộng đồng chưa phải là xã hội dân sự; tuy nhiên cộng đồng và gia đình tạo nên một hệ thống giá trị căn bản về đạo lý và văn minh chung cần thiết cho đời sống của xã hội. Thành tố thứ ba là chính quyền. Thành tố này, thật đáng ngạc nhiên thay, lại thường bị bỏ sót trong các định nghĩa về xã hội dân sự. Chính quyền là một thành tố thiết yếu của xã hội nói chung và của xã hội dân sự nói riêng, vì chính quyền có thể giúp phát triển hay làm cản trở sự phát triển của xã hội dân sự. Thành tố thứ tư là sự tham gia tự nguyện; thành tố này chính là cốt lõi cho hoạt động của xã hội dân sự và thường hay bị lẫn lộn với xã hội dân sự. Thành tố cuối cùng là lãnh vực thương mại. Thành tố này có vẻ trái ngược với xã hội dân sự, vì chúng ta thường nghĩ đến các hoạt động vô vị lợi của các tổ chức thiện nguyện, trong khi nói đến thương mại là nói đến các hoạt động sinh lợi. Tuy vậy để có thể hoạt động được hữu hiệu mọi tổ chức thiện nguyện đều cần một số các phương tiện để hoạt động mà không tùy thuộc vào nhà nước, và từ đâu các tổ chức này có được phương tiện tài chính, nếu không từ lãnh vực thương mại? O’Connell nhận xét thêm: “Có rất nhiều công ty thương mại không có tí lương tâm xã hội gì cả, nhưng những công ty nào đã chấp nhận và chu toàn trách nhiệm xã hội đều có những đóng góp quý báu cho phẩm chất của cộng đồng và xã hội dân sự””.

No-U giúp xây dựng và tu bổ trường học ở Háng Đề Sủa(Lao Chải, Yên Bái), tháng 9/2015.

Một học giả danh tiếng về chính trị, Giáo sư Larry Diamond, định nghĩa trong một tiểu luận xuất bản tháng 6/1997  để làm rõ xã hội dân sự là gì và không là gì: “Xã hội dân sự là lĩnh vực đời sống xã hội có tổ chức, mở (hướng ngoại), tự nguyện, tự sinh sôi, ít nhất cũng tự nuôi sống được mình một phần nào, tự trị trước nhà nước, và bị ràng buộc bởi một trật tự pháp lý hoặc một tập hợp các quy tắc chung. Nó khác với khái niệm “xã hội” nói chung ở chỗ nó có sự tham gia hoạt động tập thể trong môi trường công cộng của công dân để biểu đạt những sự quan tâm, say mê, nguyện vọng, ý tưởng, quan điểm, để chia sẻ thông tin, để đạt các mục tiêu tập thể, để ra yêu cầu đối với nhà nước, để cải thiện cấu trúc và chức năng của nhà nước, và để làm cho các quan chức nhà nước phải có trách nhiệm giải trình.

Xã hội dân sự là một hiện tượng có tính trung gian, đứng ở giữa khối tư nhân và khối nhà nước. Do đó, nó không bao gồm đời sống cá nhân và gia đình, không bao gồm các hoạt động nhóm hướng nội (ví dụ, để thư giãn, giải trí, thờ cúng hoặc các hoạt động tâm linh), và không bao gồm các cơ sở tìm kiếm lợi nhuận mà các công ty kinh doanh mở ra. Đây là tất cả những chiều kích của một “hội hướng nội” (hay là, trong lĩnh vực thương mại, tìm kiếm lợi nhuận, đó là các “tổ chức kinh tế”) không liên quan đến đời sống dân sự và lĩnh vực công cộng. Tuy thế, như chúng ta sẽ thấy, chúng có thể góp phần tạo ra các thông lệ về văn hóa và các mô thức tham gia có ảnh hưởng lan tỏa vào lĩnh vực dân sự. Tương tự, xã hội dân sự khác với “tổ chức chính trị”, vốn bao gồm tất cả các tác nhân có tổ chức (trong một nền dân chủ thì chủ yếu đó là các đảng phái và các tổ chức vận động), mà mục tiêu chính là giành quyền kiểm soát nhà nước hay ít nhất là một vài vị trí cho họ trong bộ máy nhà nước. Các tổ chức và mạng lưới trong xã hội dân sự có thể hình thành liên minh với đảng phái, nhưng nếu họ bị cầm tù bởi đảng phái, hoặc bị chi phối bên trong đảng phái, thì họ sẽ chuyển lĩnh vực hoạt động của họ sang thành tổ chức chính trị và mất phần lớn khả năng thực hiện các chức năng trung gian và xây dựng dân chủ mà chỉ họ có”.

Cho đến nay, có nhiều định nghĩa về xã hội dân sự được các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trung tâm xã hội công dân đưa ra, và trên cơ sở nghiên cứu các định nghĩa trên có thể thấy rằng xã hội dân sự bao gồm mọi nhóm và mọi hoạt động không bị “ràng buộc” bởi chính quyền: tổ chức chính trị, các hội kinh doanh, các tổ chức tôn giáo, hiệp hội truyền thông, tổ chức từ thiện, công dân, tổ chức phi chính phủ…

Xã hội dân sự, vì thế, không phải điều gì đó hay ai xa lạ. Xã hội dân sự là bạn, là tôi, là bất cứ ai mong muốn làm một điều gì để cuộc sống này tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể giống hoặc khác nhau về nghề nghiệp, tính cách, hay hoàn cảnh sống, nhưng chỉ cần chúng ta chung tay vì cùng một lý tưởng, một niềm tin, cùng nhau hướng tới sự thay đổi mà mình mong muốn, chúng ta đã là một phần của xã hội dân sự.

iSEE tin rằng, một xã hội dân sự lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và có tính trách nhiệm cao sẽ đóng góp tốt hơn cho sự phát triển chung của đất nước. Một xã hội dân sự phát triển sẽ tạo nhiều không gian tự do cho người dân thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình, trao đổi ý tưởng và kiến thức để sáng tạo, hợp tác và thúc đẩy cho mục đích chung. Một xã hội dân sự phát triển tốt cũng sẽ giúp cho việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của những đối tượng yếu thế và thiệt thòi hơn như người dân tộc thiểu số, người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Vậy bạn đã là một phần của xã hội dân sự chưa?

(Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường – iSEE)*
https://www.facebook.com/iseevn/videos/364849933671237/

Sau khi chịu khó đọc hết các diễn giải và định nghĩa trên thì các bạn có thể thấy rằng xã hội dân sự được đặc trưng bởi những liên kết xã hội (giữa người với người) tự nguyện và phi lợi nhuận, nhằm chia sẻ và thúc đẩy những lợi ích chung. Có rất nhiều việc xã hội dân sự làm để chia sẻ và thúc đẩy lợi ích chung: phản biện chính sách; kiềm chế quyền lực nhà nước; bảo vệ nhân quyền và dân chủ; đào tạo, nâng cao năng lực; bảo vệ môi trường.

NGƯỜI HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI DÂN SỰ LÀ NHỮNG AI?

Sổ tay hướng dẫn hoạt động xã hội dân sự do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ấn hành định nghĩa chủ thể hoạt động dân sự là “những cá nhân và nhóm tự nguyện tham gia các hình thức tham gia và hành động vì việc chung, xoay quanh các lợi ích, mục đích và giá trị được chia sẻ chung, phù hợp với các mục tiêu của Liên Hợp Quốc: bảo vệ hòa bình và an ninh, phát triển, và thúc đẩy cũng như tôn trọng nhân quyền”.

OHCHR cung cấp một số ví dụ như sau về người hoạt động xã hội dân sự:

– Những người bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả các nhà hoạt động trên mạng;
– Các tổ chức nhân quyền (NGO, hội, hiệp hội, nhóm, các nhóm bảo vệ hoặc hỗ trợ nạn nhân);
– Các liên minh, liên hiệp, các mạng lưới (ví dụ để bảo vệ quyền phụ nữ, quyền trẻ em, môi trường, quyền đất đai, quyền của LGBT, v.v);
– Người khuyết tật và các tổ chức đại diện cho họ;
– Các tổ chức cộng đồng – tức là các nhóm được thành lập ở một cộng đồng dân cư (ví dụ nhóm thổ dân, người dân tộc thiểu số, người nông thôn, v.v.);
– Các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng (ví dụ nhà thờ);
– Các nghiệp đoàn (các hội nghề cũng như hội chuyên môn, như hội nhà báo, hội thẩm phán, hội luật gia, đoàn luật sư, hội sinh viên, v.v.);
– Các phong trào xã hội (phong trào vì hòa bình, phong trào sinh viên, phong trào dân chủ, v.v.);
– Các chuyên gia có đóng góp trực tiếp cho việc thụ hưởng quyền con người (nhân viên cứu trợ nhân đạo, luật sư, y bác sĩ, v.v.);
– Thân nhân của những nạn nhân trong các vụ vi phạm nhân quyền;Hội các nạn nhân trong các vụ vi phạm nhân quyền;
– Các thiết chế công cộng có chức năng thực hiện những hoạt động nhằm thúc đẩy nhân quyền (trường học, đại học, các viện nghiên cứu, v.v.);

HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI DÂN SỰ LÀ LÀM GÌ?

Chức năng chính của các chủ thể hoạt động xã hội dân sự, theo OHCHR, là nâng cao nhận thức về nhân quyền, hỗ trợ các cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, xây dựng chiến lược, tác động đến chính sách và pháp luật (vận động), và thúc đẩy trách nhiệm giải trình của nhà nước.

Có thể phân chia hoạt động của xã hội dân sự ra làm ba mảng chính: phát triển, dân chủ và nhân quyền.

Các chủ thể hoạt động xã hội dân sự có thể hoạt động ở mọi phạm vi, mọi cấp: địa phương, quốc gia, khu vực, quốc tế.

Cụ thể hơn, các hoạt động đó bao gồm, chẳng hạn:

  • Chống nghèo đói (Việt Nam gọi là “xóa đói giảm nghèo”);
  • Chống tham nhũng;
  • Thu hẹp bất bình đẳng kinh tế;
  • Ứng phó với các thảm họa, các khủng hoảng nhân đạo, gồm cả xung đột vũ trang;
  • Thúc đẩy nhà nước pháp trị và trách nhiệm giải trình của nhà nước;
  • Thúc đẩy các quyền tự do công cộng – tức là các quyền tự do của tất cả các cá nhân trong một cộng đồng, như một toàn thể, ví dụ các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tụ tập…;
  • Cổ súy minh bạch ngân sách nhà nước;
  • Bảo vệ môi trường;
  • Thực hiện quyền phát triển;
  • Nâng cao năng lực cho người thiểu số hoặc các nhóm người bị rủi ro khác;
  • Nâng cao năng lực cho phụ nữ;
  • Nâng cao năng lực cho thanh niên;
  • Chống mọi hình thức phân biệt đối xử;
  • Hỗ trợ hoạt động phòng chống tội phạm;
  • Thúc đẩy trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp;
  • Chống buôn người;
  • Chống ngôn luận thù hận, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm;
  • Thúc đẩy công lý;
  • Bảo vệ người tiêu dùng;
  • Cung cấp các dịch vụ xã hội;
  • v.v.

* https://www.facebook.com/iseevn/videos/364849933671237

“Nếu các lãnh đạo không lắng nghe dân, thì họ sẽ phải nghe dân – trên đường phố, trên quảng trường, hay là, như chúng ta vẫn thường thấy rất nhiều lần, trên chiến trường.
Có một cách tốt hơn thế. Tham gia nhiều hơn. Dân chủ hơn. Tham gia sâu hơn và cởi mở hơn. Điều đó có nghĩa là mở rộng tối đa không gian cho xã hội dân sự”.

(Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu, ngày 23/9/2013).

XÃ HỘI DÂN SỰ Ở VIỆT NAM

Như đã nói trong phần đầu Chương V này, ở Việt Nam, xã hội dân sự cũng tồn tại từ xa xưa dưới hình thức những phường hội, dòng tộc thời phong kiến. Sau đó, dưới thời Pháp thuộc, những tổ chức xã hội dân sự theo nghĩa hiện đại lần đầu tiên đã xuất hiện tại Việt Nam, như Hội Khai Trí Tiến Đức, Phong trào Duy Tân, Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Hướng Đạo Sinh, Hội Ánh Sáng (của Tự Lực Văn Đoàn). Tuy nhiên, sự thống trị của đảng Cộng sản ở miền Bắc, đi liền với các cuộc cải cách ruộng đất ở nông thôn, sau đó là ép dân vào hợp tác xã và khuyến khích theo dõi, chấm công điểm, tố giác lẫn nhau, đã khiến xã hội dân sự kiểu truyền thống vỡ ra từng mảng. Việc theo đuổi mô hình xã hội kiểu xô viết của đảng Cộng sản Việt Nam cũng đưa đến sự chấm dứt đối với các tổ chức dân sự hiện đại mới nhen nhóm hoạt động thời Pháp thuộc.

Ở miền Nam, sau ngày 30/4/1975, đảng Cộng sản chính thức cầm quyền. Trong những năm sau đó, đảng thực hiện đường lối toàn trị trên cả nước: xóa bỏ xã hội dân sự, kiểm soát toàn bộ đời sống kinh tế… (xem phần “hội chứng 6 điểm của chế độ toàn trị” ở Phần III, “Dân chủ”).

“Trong những năm sau khi thống nhất đất nước (năm 1975), Việt Nam không công nhận xã hội dân sự là một thành phần độc lập với nhà nước. Nhà nước thực hiện công tác huy động nhân dân thông qua các “tổ chức quần chúng” lớn kết nối với nhà nước từ trung ương đến cấp làng xã”.

1. Xã hội dân sự “chính thống”

“Sự kiện đổi mới vào năm 1986 là một bước ngoặt ở Việt Nam và đánh dấu một giai đoạn mới của sự cởi mở tương đối, bao gồm cả xã hội dân sự. Trong những năm 1990 cùng với đầu tư nước ngoài gia tăng, một số lượng đáng kể các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế bắt đầu hoạt động trong nước. Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam trong nước cũng đã hiện diện từ những năm 1990, mặc dù các tổ chức được công nhận là phi chính phủ chỉ là một phần nhỏ của xã hội dân sự ở Việt Nam”.

CIVICUS (Liên minh Thế giới về Sự Tham gia của Công dân) cho rằng ở Việt Nam có bốn loại tổ chức xã hội dân sự chính:

  • Các tổ chức cộng đồng;
  • Các tổ chức quần chúng;
  • Các hội nghề nghiệp;
  • Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam.

Các tổ chức cộng đồng

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), “các tổ chức cộng đồng (CBO) có thể là phi chính thức hoặc liên kết với các tổ chức chính thức, nhưng, cũng tương tự như các phong trào cơ sở, nói chung là được các cấp chính quyền địa phương chấp nhận. CBO thường được khởi đầu bằng một mục tiêu phát triển địa phương – chẳng hạn như sử dụng nước, tín dụng, hoặc hỗ trợ cho một nhóm bên lề xã hội như người khuyết tật – và có thể kết hợp các thành viên của chính quyền địa phương và/hoặc các tổ chức đoàn thể. Các hoạt động cốt lõi của các CBO này là các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, cứu trợ nhân đạo, tự tổ chức, và phát triển chuyên môn. Tuy nhiên, chỉ từ những năm 2000, các CBO ở Việt Nam mới bắt đầu nhận được tiền từ các nguồn quốc tế”.

Các tổ chức quần chúng

Cũng theo ADB, “các tổ chức quần chúng được tài trợ một phần và do đó, không phù hợp trong một số định nghĩa của xã hội dân sự, nhất là khi tư cách thành viên không nhất thiết phải do sự hoạt động hoặc tham gia. Tư cách thành viên của một tổ chức quần chúng có thể đến thông qua việc làm ở khu vực công chẳng hạn. Tuy nhiên, các tổ chức quần chúng có liên kết ở cấp cơ sở rất mạnh và đông hội viên, đồng thời đang trở nên ngày càng độc lập kể từ giai đoạn đổi mới. Đây chính là trường hợp của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, và Đoàn Thanh niên”.

Ta có thể thấy sự khéo léo diễn đạt “cho nhẹ vấn đề” của ADB ở đây. Thực tế là ở Việt Nam, có 5 tổ chức quần chúng lớn: Hội Cựu chiến binh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

5 tổ chức này được đảng Cộng sản Việt Nam thu xếp để “đại diện” cho 5 lực lượng nòng cốt trong xã hội là cựu chiến binh, công nhân, nông dân, phụ nữ, và thanh niên. 5 tổ chức này cũng là những cánh tay nối dài của đảng Cộng sản, khi mà lãnh đạo của chúng luôn là ủy viên Trung ương Đảng, nhận lương từ ngân sách Nhà nước, kinh phí hoạt động cũng nhận từ ngân sách Nhà nước, và chức năng của chúng là tuyên truyền, giải thích đường lối chính sách của “Đảng và Nhà nước” đến người dân thay vì bảo vệ quyền lợi của các thành viên hay thúc đẩy lợi ích chung.

Bao trùm lên tất cả là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức quần chúng lớn nhất, “liên minh chính trị và liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và các cá nhân đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Không phải là chúng “được tài trợ một phần và do đó, không phù hợp trong một số định nghĩa của xã hội dân sự”, mà chúng đích thực là các tổ chức do chính quyền lập nên để phục vụ lợi ích của “Đảng và Nhà nước”, tức đảng và nhà nước cộng sản. Ta có thể gọi chúng là các GONGO – tổ chức phi chính phủ do chính phủ điều hành, tức là xã hội dân sự giả, do chính quyền lập nên để phục vụ lợi ích của mình và diễn trò dân chủ với cộng đồng quốc tế.

Các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ

Bên cạnh CBO và các tổ chức quần chúng, hai loại tổ chức xã hội dân sự còn lại, theo CIVICUS, là các hội nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ Việt Nam.

Các hội nghề nghiệp chịu sự kiểm soát chặt chẽ của đảng Cộng sản, nhất là hội của các nghề được xã hội chú ý, như hội nhà báo, hội nhà văn, hội luật gia, đoàn luật sư.

Đại đa số các tổ chức phi chính phủ tập trung vào những hoạt động như đào tạo nâng cao năng lực, cung cấp dịch vụ, và phát triển. Nguồn kinh phí của họ chủ yếu đến từ các dự án hợp tác với nước ngoài. Tất cả cũng đều chịu sự kiểm soát chặt chẽ của đảng Cộng sản, đặc biệt thông qua lực lượng an ninh với những bộ phận chuyên về “quản lý” các tổ chức có yếu tố nước ngoài.

Hầu như không có tổ chức nào trong khối xã hội dân sự “chính thống” ở Việt Nam thật sự độc lập và hoạt động để thúc đẩy dân chủ-nhân quyền, nhà nước pháp trị, hoặc để bảo vệ các nhân quyền bị coi là “nhạy cảm” như các quyền dân sự và chính trị (tự do ngôn luận, tự do tụ tập, tự do biểu tình, tự do lập hội…).

* * *

2. Xã hội dân sự “ngoài luồng”

Trong những năm sau khi đảng Cộng sản bắt đầu công cuộc Đổi Mới (1986), lác đác đã có vài tổ chức chính trị tuyên bố thành lập với mục tiêu thúc đẩy dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Sớm nhất có lẽ là Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ, một tổ chức dân sự mà thành viên nòng cốt là những người cộng sản có tinh thần phản tỉnh, như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng… Câu lạc bộ chính thức ra đời (được cấp giấy phép) vào tháng 5/1986. Về sau, trong cơn lốc dân chủ hóa ở Đông Âu, nó đã bị chính quyền cộng sản thẳng tay đàn áp. Các thành viên tích cực đều bị bắt giam hoặc quản thúc tại gia. Tới năm 1990, nó bị đảng Cộng sản kiểm soát hoàn toàn.

Dĩ nhiên, các tổ chức cổ súy cho dân chủ, nhân quyền sau đó đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật; thành viên bị truy bức, đàn áp. Không rõ có tổ chức nào có giấy phép (đăng ký thành lập) hay không?

Ngày 08/4/2006, Khối 8406 ra đời với bản Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006. Một lần nữa, những người đi tiên phong trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ lại bị đàn áp. Một loạt người bị bắt vào năm 2007: Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân…

Ngày 09/9/2007, blogger Ba Sàm (tên thật Nguyễn Hữu Vinh) mở trang blog “Thông Tấn Xã Vỉa Hè”. Ngày 19/9/2007, blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Có thể xem đây là những nhóm đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền đầu tiên trên nền tảng Internet. Hai người sáng lập này về sau đều phải trả giá bằng những án tù nhiều năm.


Sáng chủ nhật 05/6/2011, cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên được tập hợp thông qua facebook nổ ra tại cả Hà Nội và Sài Gòn. Trước đó, vào tháng 12/2007, blogger ở hai thành phố này cũng từng biểu tình, nhưng lời kêu gọi khi ấy xuất phát trên mạng Yahoo! 360°, và khác biệt quan trọng nhất giữa hai kỳ biểu tình là: Năm 2011 đánh dấu sự ra đời những tổ chức xã hội dân sự “không giấy phép”, bắt đầu tham gia vào cuộc chiến chống độc tài và bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy dân chủ. Không giấy phép, bởi họ không có trụ sở, không có vốn điều lệ, không đăng ký thành lập, và chắc chắn là có “xin” đăng ký thì cũng chẳng được cấp giấy phép.

Ngày 10/8/2011, nhóm facebook đầu tiên tập hợp “100 bạn trẻ yêu nước xuống đường ngày chủ nhật” được thành lập, sử dụng tính năng tạo nhóm kín của facebook. Vài tháng sau, một số thành viên của nó đã có sáng kiến lập đội bóng No-U (có nghĩa là “nói không với đường chữ U”, hay là đường lưỡi bò của Trung Quốc, vốn ôm lấy 85% diện tích Biển Đông). Sinh nhật No-U được xác định là ngày 30/10/2011.

“Cùng chung tinh thần yêu nước, phẫn nộ trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc, cùng cảnh ngộ bị đe dọa, bị đàn áp khi xuống đường, những người biểu tình đã gắn kết lại với nhau. Bóng đá cũng là môn thể thao làm cho con người dễ gần nhau, dễ gắn kết lại với nhau hơn cả. Đội bóng NO-U ra đời trong hoàn cảnh ấy”.

“Với tinh thần xóa đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc; Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, đội bóng còn làm nhiều việc có ý nghĩa khác, trong đó có tổ chức một số chuyến thiện nguyện vì đồng bào nghèo, vì trẻ em ở nơi vùng sâu vùng xa” (blogger Nguyễn Tường Thụy).

No-U cũng ra mắt tại Sài Gòn vào ngày 27/11/2011.

Kể từ đó, khái niệm xã hội dân sự được gắn với dân chủ, nhân quyền và càng trở nên nhạy cảm trong mắt chính quyền. Các tổ chức xã hội dân sự không giấy phép bị an ninh và tuyên giáo coi như thế lực thù địch, chống nhà nước.Mục “Bình luận – Phê phán” trên báo Nhân Dân, ngày 31/8/2012, còn đăng một bài xã luận nhan đề “Xã hội dân sự – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” của tác giả Dương Văn Cừ.

“Ðáng chú ý là một số đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan đã lợi dụng một số tổ chức quần chúng hợp pháp để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946, trưng cầu ý dân về Ðiều 4 cũng như toàn bộ Hiến pháp, lập Tòa án Hiến pháp, thúc đẩy XHDS và thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất đai… Nếu thực hiện các nội dung này theo ý đồ của họ thì chế độ XHCN thực tế sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam. Ðây là phương thức đấu tranh công khai rất nguy hiểm, nếu không cảnh giác có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức XHDS để đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật pháp dân chủ, tư sản”.

Ngoài việc đàn áp công khai, lực lượng an ninh cũng phối hợp với dư luận viên theo dõi sát sao và đăng tải nhiều bài viết, video clip… đánh phá các tổ chức xã hội dân sự “ngoài luồng”, ghép cho họ các tội lỗi xấu xa như “ăn bám”, “ăn tiền ngoại bang”, “gây rối trật tự”, “gây bất ổn xã hội”, thậm chí “bán nước”, “phản bội Tổ quốc”. Tất cả các sản phẩm truyền thông này đều đánh đồng đảng Cộng sản với Tổ quốc, và đánh đồng sự tồn vong của chế độ với an ninh quốc gia, từ đó kết tội các tổ chức dân chủ-nhân quyền là chống phá đất nước.

Từ vị thể kẻ bị đàn áp, đánh phá và bôi nhọ như vậy, con đường để các tổ chức xã hội dân sự “ngoài luồng” đi tới chỗ được thừa nhận và hoạt động tự do ở Việt Nam còn rất dài.* * *

XÃ HỘI DÂN SỰ CÓ THỂ THAM GIA CHÍNH TRỊ KHÔNG?

Nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam thường khẳng định rằng họ chỉ hoạt động xã hội dân sự để làm cho đất nước tốt đẹp lên, họ không mưu đồ lật đổ đảng Cộng sản cầm quyền và không định làm chính trị.

Nói như vậy có nghĩa họ hiểu chính trị là “việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước, do các đảng phái, tổ chức chính trị, và các cá nhân là chính trị gia thực hiện”, như cách định nghĩa thứ hai về chính trị mà chúng ta đã biết trong Chương I, Phần I.

Nói như vậy không sai. Tuy nhiên, nếu ta hiểu chính trị là “việc gây ảnh hưởng lên những người khác, chẳng hạn và rõ rệt nhất là tác động lên chính sách” như cách định nghĩa thứ tư ở Chương I, Phần I, thì xã hội dân sự tất nhiên là những thực thể có khả năng gây ảnh hưởng trong xã hội và tác động đến chính sách công.

Và, như đã nói ở phần đầu Phần V này, trong mục “Những kịch bản thay đổi ở Việt Nam theo hướng dân chủ hóa”, có một khả năng là xã hội dân sự phát triển mạnh, kéo theo các phong trào xã hội rộng lớn, đủ sức mạnh gây sức ép buộc đảng cầm quyền phải nhượng bộ. Ngoài ra, những nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng và được nhiều người yêu mến rất có thể trở thành những ứng viên tiềm năng để tranh cử vào các cương vị quản lý nhà nước trong một chế độ dân chủ, hậu cộng sản.

Vậy thì, với câu hỏi “xã hội dân sự có thể tham gia chính trị không?”, câu trả lời là có. Nỗi lo lắng và sự căm ghét của đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội dân sự là không thừa.

Phạm Đoan Trang




1 thought on “XÃ HỘI DÂN SỰ”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC