Ý THỨC HỆ CÓ CẦN THIẾT KHÔNG?


Trên đây chúng ta đã vừa bàn đến một số ý thức hệ, hay chủ nghĩa, phổ biến trong lịch sử loài người từ trước tới nay, theo nghĩa chúng được biết đến nhiều và được thực thi nhiều trên thế giới.

  • Chủ nghĩa tự do
  • Chủ nghĩa bảo tồn
  • Chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội
  • Chủ nghĩa phát xít
  • Chủ nghĩa vô chính phủ
  • Chủ nghĩa môi trường
  • Tôn giáo thuần túy
  • Chủ nghĩa cộng đồng
  • Chủ nghĩa nữ quyền
  • Chủ nghĩa dân tộc.

(Chúng ta cũng đã tìm hiểu sơ qua về tư tưởng dân túy và thói mị dân, song dân túy và mị dân không được tính là hai ý thức hệ).

Xin các bạn lưu ý rằng trên đây chưa phải là tất cả trong hàng trăm ý thức hệ chính trị đã từng và đang tồn tại trong lịch sử nhân loại. Chúng chỉ là những chủ nghĩa được biết tới nhiều và thực thi nhiều nhất.

Câu hỏi đặt ra tới lúc này, có lẽ sẽ là: Vậy, suy cho cùng, ý thức hệ có cần thiết không? Một đảng chính trị, một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia, có nhất thiết phải đi theo một ý thức hệ nào đó?
Có nhiều triết gia chính trị sẽ bảo là không. Daniel Bell nói không cần ý thức hệ nữa, bởi “Các đảng chính trị ở phương Tây cạnh tranh bằng những hứa hẹn về phát triển kinh tế và sung túc về vật chất” (1960). Quan điểm này hẳn cũng giống điều nhiều người Việt Nam từng nói, mà bạn cũng đã nghe, rằng chủ nghĩa gì cũng được (ý là không nhất thiết phải theo đường lối Mác-Lê), miễn là nước giàu, dân sướng.

Francis Fukuyama, triết gia nổi tiếng, cho rằng lịch sử loài người đã “cáo chung” với ý thức hệ cuối cùng, duy nhất còn tồn tại là chế độ dân chủ tự do. (Các bạn có thể tìm đọc cuốn “The end of history and the last man”, tạm dịch là “Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng”, 1989).

Anthony Giddens thì nói: “Cánh tả, cánh hữu gì cũng không cần thiết nữa khi mà xã hội ngày càng toàn cầu hóa, truyền thống ngày càng suy yếu, con người ngày càng thích độc lập nhưng cũng hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn” (1994).

Thật khó nói ý thức hệ có còn cần thiết nữa hay không.  Nhưng có hai sự thật mà chúng ta buộc phải thừa nhận, là:

1. Con người vẫn không ngừng tư duy, và các tư tưởng mới, các ý thức hệ mới vẫn có thể tiếp tục ra đời.
2. Chủ nghĩa nào cũng có đội ngũ người ủng hộ nó và chống đối nó.

Có nghĩa là chủ nghĩa nào cũng có khía cạnh tốt đẹp và khía cạnh tồi tệ của nó, và sự ra đời của nó cũng phù hợp với hoàn cảnh xã hội đương thời, nghĩa là có lý do. Cuối cùng, chỉ có thực tế mới cho thấy việc áp dụng chủ nghĩa nào là đúng đắn hơn hoặc mang tính phá hoại, hủy diệt hơn. (Có phải tác giả đang viết như một người theo chủ nghĩa thực dụng không?)

Phạm Đoan Trang


1 thought on “Ý THỨC HỆ CÓ CẦN THIẾT KHÔNG?”

  1. Pingback: CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN - PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC