YÊU NƯỚC LÀ GÌ?


Mình 33 tuổi và mình chả biết yêu nước là gì.

Hồi tầm lớp 6, lớp 7 gì đó, mình hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, con thấy mình đâu có yêu nước. Tại sao phải yêu nước?

– Con có yêu nước mà con không biết. Bây giờ, khi xem Việt Nam đá banh với một đội nước khác, con muốn Việt Nam thắng hay thua?

– Thắng chớ!

– Đó là yêu nước.

Mình nhớ lúc đó cũng còn mơ hồ với khái niệm này lắm. Nó gần giống với một sự bênh vực tự nhiên đến mức không thể giải thích được. Hết.

Đến năm mình 24-25 tuổi, hôm ấy trời mưa như trút. Từ cái lan can sau lưng tòa nhà mình làm truyền thông, nhìn ra phía khu vườn, mình bứt rứt vì cái kế hoạch của mình gặp vô vàn khó khăn tại Việt Nam, trong khi các bạn mình đang làm rất tốt tại một quốc gia khác. Nhìn mưa chảy xối xả trên mấy cái tán lá. Cứ đứng thừ người ra.Mình hỏi Chúa: Tại sao không để con sinh ra ở một đất nước khác? Tại sao bắt con làm người Việt?

Một tuần lễ sau đó, mình có cuộc gặp với một người chị trong nhóm. Chị này tham gia dự án từ khi còn du học bên Pháp. Sau thời gian này, người ta giữ chị ở lại. Chị từ chối. Mình còn nhớ nguyên văn chị nói với mình:

“Chị nói với họ rằng: Ơn gọi của chị là làm người Việt Nam. Nên chị sẽ về Việt Nam. Nếu có dự án ở Việt Nam, chị sẽ tham gia”.

Lúc này mình mới phát hiện ra: “Bị bắt làm người Việt Nam” còn có một tên gọi là “ơn gọi làm người Việt Nam”. Và khi mình có cái cảm giác ghét làm người Việt, ghét nước Việt Nam, tức là, phải tồn tại cái gọi là yêu nước Việt Nam mà mình chưa tìm ra được.

Cho đến giờ này, mình cũng chưa hiểu được như thế nào là yêu nước. Nhưng những hành động và suy nghĩ của mình, hình như nó là cái gì đó giống như yêu một cách tự nhiên: Sinh ra là yêu rồi và không cần định nghĩa hay sao ấy… và mình list ra đây những điều mà mình cho là biểu hiện của lòng yêu nước, có thể quan sát được, và “chẩn đoán” được là bạn có yêu nước.

Nếu bạn có giống mình, hãy mạnh dạn gọi nó là yêu nước.

1. Khi xem Việt Nam đá banh, mình muốn Việt Nam thắng cuộc.

2. Thích nghe tiếng Việt và thoải mái nhất khi nghe nói tiếng Việt trong tất cả các thứ tiếng.

3. Mong là mình mau hết ho để có thể ăn hết bốn hũ mắm người ta cho còn đang để dành trong tủ lạnh. Thèm mắm kinh khiếp.

4. Rất tự hào khi nói với cái bà ngoài chợ là: Ê, em người Việt Nam, đừng có nói thách với em.

5. Thèm ăn mít và sầu riêng.

6. Thích nghe mấy bài mẹ hát ru. Hồi trước còn thích nghe chèo.

7. Tự trong thâm tâm, rất muốn lấy một người Việt để có thể trao đổi tất cả những gì mình muốn bằng thứ tiếng mà mình cảm nhận và diễn đạt tốt nhất.

8. Thích nhìn mấy tập thơ hồi xưa người ta đóng thành từ những tép giấy, buộc bằng sợi chỉ đỏ, tặng nhau: “Rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ say”.

9. Ngồi đoán sắp có mưa nhờ mấy con chuồn chuồn rồi đọc cái câu phịa quen thuộc: Chuồn chuồn bay thấp thì cao, bay cao thì thấp, bay vừa thì thôi.

10. Thích ngửi mùi phân bò với rơm rạ. Cái mùi này độc đáo lắm. Đi ra khỏi thành phố, về gần quê mới ngửi được.

11. Mỗi lần nhớ cảnh trung thu đi rước đèn mà năm nào cũng mưa là lăn ra cười.

12. Mỗi lần có bạn bè nước ngoài kêu kể về nước bà cho tui nghe đi là thao thao bất tuyệt cứ như thể biết hết nước Việt Nam rồi í.

13. Thích nụ cười của mấy người sống ở miền Tây Bắc lẫn Tây Nguyên. Người ta đẹp lạ lùng.

14. Thích nghe người miền Tây nói chuyện. Mèn đéc ơi là nó thật thà dễ thương.

15. Rất bi quan khi người ta hỏi đến chính quyền cộng sản Việt Nam.

16. Khi xem mấy cảnh Trung Quốc bắn người đánh cá Việt Nam, xem thấy người dân bị cắt cổ sau khi ra khỏi đồn công an, hay khi đọc lá thư bên dưới của thầy Hoàng là nước mắt cứ muốn ứa ra đi kèm căm giận.

17. Muốn làm một điều gì đó, nhỏ cũng được, để thay đổi điều 15 và 16, để bảo vệ 14 điều ở trên.

18… 19… Còn gì nữa không?

Cầu Long Biên (Hà Nội) nhìn từ bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Dân (Ếch Ao), năm 2011.

Nguyễn Trần Quyên Quyên


Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

PHONG TRÀO LIÊN KẾT NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC